|
Nhân ngày giỗ thứ 350 của đấng sáng lập ra chữ Quốc Ngữ, Alexandre de Rohdes.
Thế kỉ XIII cha con nhà Polo, điển hình là Marco Polo (1254-1324) người Venezia, Ý đã “tìm ra” vùng đất Á Châu. Thật vậy, phải gọi là Châu Âu lần đầu tiên “tiếp xúc” với Á Đông mới phải, chứ không phải như quan niệm của người Châu Âu nói rằng họ “tìm ra” Châu Á. Marco Polo đặt chân lên đất Trung Hoa lúc đó vào đời nhà Nguyên, thế kỉ XIII.
Năm 1552 có thể nói là một năm rất đặc biệt cho Giáo Hội tại Á Châu: ngày 3.12.1552 thánh Phanxico Xavie từ trần tại hải phận Trung Hoa sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ truyền giáo trên mảnh đất rắn và voi (Ấn Độ). Ngài tha thiết được truyền giáo tại mảnh đất Trung Hoa. Trước khi chết, cánh tay của ngài còn đặt trên mạn thuyền hướng về bên Tàu. Năm 1552 cũng là năm sinh của một nhân vật nổi tiếng khác, cha Matteo Ricci (1552-1610), một linh mục dòng Tên (SJ). Dường như đó là sự xếp đặt của Thiên Chúa trong việc rao giảng lời Ngài trên mảnh đất Á Châu này. Cha Ricci đặt chân đến đất Tàu năm 1583. Từ đây lịch sử Á Đông lật sang trang mới: văn hóa Đông-Tây gặp nhau. Có thể nói Matteo Ricci là một nhịp cầu nối giữa hai nền văn hóa vốn dị biệt này. Matteo Ricci đặc biệt chú trọng đến hai vấn đề cơ bản: văn hóa và tư tưởng. Về mặt văn hóa, cha là một “người Tàu”. Cha ăn mặc theo kiểu Tàu, học tiếng Tàu, đổi tên Matteo Ricci thành Lý Mả Tô (một số sách tiếng Việt phiên âm Hán tự thành Lợi Mã Đậu). Cha bắt đầu dịch các tác phẩm nho học như Tứ thư, Ngũ kinh, Đại học, Trung dung…ra tiếng La tinh (1591-1593) và dịch ra tiếng Tàu các tác phẩm của Plato, Aristotle (1607)…Lúc này thì Đông-Tây thật sự gặp nhau. Cha Matteo Ricci không trực tiếp đến Việt Nam nhưng ảnh hưởng của cha rất lớn trên nền văn hóa Ki tô của con dân Việt Nam và ngay cả nền văn minh Việt Nam. Cha là tác giả của tác phẩm “Thiên Chủ Thực Nghĩa” (một số sách ghi là Thiên Chúa Thực Nghĩa) bằng tiếng Tàu.
Ngày 19.3.1627, bổn mạng thánh Cả Giuse, vị tông đồ Vietnam Alexandre de Rohdes (1591-1660) đặt chân đến Cửa Bạng (Ba Làng), Thanh Hóa, Bắc Việt. Đây là lý do tại sao HĐGM Vietnam lấy Thánh Cả Giuse làm bổn mạng HĐ GMVN. Cha cũng lấy tên Việt là Đắc Lộ. Với người Việt Nam, cha Đắc Lộ không chỉ là một vị tông đồ thành lập đoàn Thầy Giảng đầu tiên và nhà Đức Chúa Trời mà còn là “ông tổ” của tiếng Việt hiện đại (chữ Quốc Ngữ ngày này).
Ngày 5 tháng 2 năm 1651 cha Đắc Lộ xuất bản quyển từ điển đầu tiên Dictionarivm Annamiticvm khổ 14x19cm và cuốn Lingvae Annamiticae sev Tvnchinensis brevis declaratio do cha bề trên Cả dòng Tên Franciscus Piccolomineus cho phép xuất bản. Còn một cuốn nữa quan trọng hơn đó là cuốn Cathechismvs Pro ijs, qui volunt suscripere Baptismvm. In Octa dies diuisus. Phép giảng tám ngày cho kẻ muấn chịu phép rửa tọi, mà beào đạo thánh đức Chúa blời (sic!) (ROMAE, typis Sacrae Congregationis de Propaganda Fide). Nên nhớ, một loại chữ rời, âm tiết đơn nên cha Đắc Lộ đã tự chế ra một loại máy in riêng cho loại chữ mới này. Máy in được phát minh năm 1456 do ông Gutenberg, tại thành phố Strasbourg, Đức. Nhưng tại La Mã không có mẫu tự ử, ẳ, ỗ, ự, ợ, vv… các chú thợ nhà in vừa phải sắp chữ theo loại chữ La, Bồ và bi giờ lại phải thêm một loại chữ có một không hai trên thế gian này, quả là một công việc rất công phu và tốn kém. Thật đấy, đến bây giờ một số người nước ngoài học tiếng Việt vẫn không phát âm chuẩn nổi các từ có chữ “ữ” “ẳ” hoăc “ẵ”… Hệ thống nhà in Trung Quốc được phát minh năm 1041 do ông Pi Ching. Đây là một loại hệ thống chữ rời, ban đầu bằng đất nung sau đó bằng chì rồi bằng đồng để in Từ Điển Khang Hy, nhưng Đắc Lộ không thể in tại Tàu được vì hệ thống này thuộc hệ thống chữ Phạn, khác hẳn hệ thống La Tinh. Đây là câu trả lời đích xác cho các nhà sử học muốn đi tìm câu hỏi tại sao Đắc Lộ lại muốn xuất bản Dictionarivm Annamiticvm tại La Mã mà không tại Tàu. Một thách đố nữa là: Lúc mới hình thành chữ Quốc Ngữ, có đến bao nhiêu người biết đọc? Cha Đắc Lộ xuất bản quyển từ điển để làm gì? Cho ai đọc? Ta ít nhất có hai bằng chứng cụ thể: thứ nhất, Thánh Bộ truyền bá Đức Tin chịu phí tổn và mục đích rõ ràng là Thánh Bộ muốn dùng văn hóa bản địa để truyền bá Phúc Âm. Ý tưởng này được áp dụng cụ thể trong Công Đồng Vatican II. Thánh Bộ này chỉ mới thành lập năm 1622 và muốn tách khỏi sự lệ thuộc của các quyền năng vua chúa Châu Âu. Thứ hai, bộ sách trên được công bố tại Roma. Roma lúc bấy giờ là trung tâm của Châu Âu Công Giáo, cả về thế quyền cũng như thần quyền. Vì thế, được Roma xuất bản là một việc rất quan trọng.
Song song với việc Đắc Lộ “ra mắt” với thế giới một loại ngôn ngữ mới này, cha còn tha thiết gắn bó với con dân Việt. Cha bạo gan bạo phổi dám đề nghị với Tòa Thánh gửi đến Việt Nam 1 vị Thượng phụ giáo chủ, 2 hoặc 3 tổng GM và 12 GM mà không sợ đến phản ứng của đế quốc Bồ Đào Nha, vì lúc đó vua Bồ và vua Tây Ban Nha đang kiểm soát các lãnh địa thuộc địa, tức là Tòa Thánh bị chi phối bởi các ông vua nước này. Ít lâu sau Tòa Thánh gửi hai vị GM sang: ĐC Pallu cai quản địa phận đàng ngoài còn ĐC Lambert de la Mort cai quản địa phận đàng trong. Hai vị này đã đề nghị Tòa Thánh phong GM cho người bản địa. Nhưng tiếc thay, mãi đến năm 1933 Việt Nam mới có một vị GM bản địa đầu tiên, đức cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng, GM phó GM Phát Diệm. ĐC Tòng được ĐGH Pio XI trao mũ, gậy tại đền thánh Phero, La Mã (11.06.1933). Như vậy, công của cha Đắc Lộ đối với con dân Việt Nam cũng có thể so sánh với công của cha Matteo Ricci với người Tàu.
Hôm nay mình viết bài này để kỉ niệm 350 ngày mất của cha Alexandre de Rohdes. Cứ mỗi lần đi vào tòa thánh Vatican phải đi ngang qua con đường Borgo Santo Spirito số 4, C.P 6139-00195 Roma, mình lại dừng chân để nhìn ngắm nhà Tổng dòng Tên Chúa Giêsu, để nhìn ngắm lại nơi mà xưa kia chính Alexandre de Rohdes đã sống và làm việc khi từ Á Đông trở về. Nhìn quanh quang cảnh Dòng Tên mà hồn bay phách lạc, bởi chăng nơi đây còn lưu giữ rất nhiều các kỉ vật thánh, trong đó có hộp sọ của vị tử đạo tiên khởi thầy giảng An-rê Phú Yên (1625-1644).
Thời gian 359 kể từ ngày quyển từ điển Quốc Ngữ ra đời, không phải là một thời gian dài cho một quy trình hình thành một ngôn ngữ, ấy vậy mà nhìn vào hiện tại, có bao nhiêu người Việt biết đến nguồn gốc CHỮ VIỆT? trương trình giáo dục phổ thông ngày nay có được học hay nhắc đến cái tên Alexandre de Rohdes chăng? Hay các em chỉ được ê a qua loa cái câu cũ rích mà chả ai nói thì mọi người cũng biết rồi: “chữ Việt là chữ viết của người Việt, tiếng Việt là tiếng nói của người Việt”. Thế đấy, những nhân chứng rành rành ra như vậy, mà người ta còn muốn phủ định nó. Người ta nào dám công bố Alexandre de Rohdes là ông tổ phát minh ra chữ Việt? Lịch sử phải ghi lại những sự kiện thật, người thật việc thật. Kẻ nào gian dối không làm lịch sử được. Nói tóm lại, cha Alexandre de Rohdes, một linh mục dòng Tên (SJ) là người có công hệ thống lại toàn bộ những tinh hoa của chữ Quốc Ngữ mà ngày nay ta đang dùng hàng ngày. Nói cách khác, cha Đắc Lộ là ông tổ của chữ Việt hiện đại, vì sau Đắc Lộ như GM d’Adran rồi GM Taberd Từ hay Bá Đa Lộc (Pigneau) được ví như những người vun tưới cho vườn cây đã được trồng và chỉ chờ ngày kết trái.
Tưởng nhớ đến hương hồn cha Đắc Lộ nhân dịp 350 năm ngày cụ qua đời 05-11-1660.
La Mã 05-11-2010 (trích trong Những Mảnh Vụn, Fra Biển Đỏ).
Fra BĐ.
Các chủ đề cùng thể loại mới nhất:
|
|