CUỘC TRANH LUẬN GIỮA VỊ HỒNG Y VÀ NHÀ VÔ THẦN : « ĐỨC TIN CÓ TƯƠNG THÍCH VỚI LÝ TRÍ KHÔNG ? » (1)

Posted on 15/05/2011 by Xuân Bích Việt Nam

CUỘC TRANH LUẬN GIỮA VỊ HỒNG Y VÀ NHÀ VÔ THẦN : « ĐỨC TIN CÓ TƯƠNG THÍCH VỚI LÝ TRÍ KHÔNG ? »
Ngày 21/9/2000, tại Nhà hát Quirino , ĐHY Josef Ratzinger, Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI tương lai, đã tranh luận với Paolo Flores d’Arcais, triết gia duy lý và là giám đốc tạp chí « MicroMega ». Đề tài : Đức tin có tương thích với lý trí không ?
Josef Ratzinger. Chúng tôi xác tín rằng con người cần biết Thiên Chúa, xác tín rằng chân lý đã tỏ hiện nơi Chúa Giêsu, và chân lý không phải là sở hữu riêng của bất cứ ai : nó phải được chia sẻ và được mọi người biết đến. Bởi thế,

chúng tôi xác tín rằng vào giai đoạn này của lịch sử, vào thời điểm khủng hoảng tình cảm tôn giáo này, cả cuộc khủng hoảng của các nền văn hóa lớn nữa, điều quan trọng là chúng tôi không chỉ sống ở bên trong các xác tín và các căn tính của chúng tôi, nhưng chúng tôi còn phải mở ra cách đích thực cho những vấn nạn của những người khác nữa và, cách sẵn sàng và chân thành, chúng tôi nỗ lực làm cho người khác hiểu những gì tỏ ra hợp lý đối với chúng tôi và thậm chí là cần thiết cho con người. (…)
Paolo Flores d’Arcais. Là vô thần đơn giản có nghĩa là tin rằng mọi sự diễn ra ở đây, trong cuộc sống của chúng ta, hữu hạn và bấp bênh. Do đó, những giá trị mà ta chọn trong suốt cuộc đời này là quan trọng, cũng như sự mạch lạc giữa những giá trị được chọn lựa này và những lối hành xử của chúng ta. (…) Nếu đức tin của một người kitô hữu là đức tin của các thế hệ đầu tiên, thì nó được tóm tắt trong một câu (…) mà phản ảnh đúng tư tưởng của các thế hệ kitô hữu đầu tiên – và khái niệm này cũng rất rõ ràng nơi thánh Phaolô : « Credo quia absurdum » (« Tôi tin vì nó phi lý »), đức tin là một cớ vấp phạm (scandale) cho lý trí. Nếu đức tin là như thế, thì không thể có xung đột nào với người không tin. Bởi vì một đức tin thuộc loại này sẽ không bao giờ tìm cách áp đặt, nhưng nó chỉ sẽ yêu cầu người ta tôn trọng nó.
Nhưng nếu đức tin Công Giáo có tham vọng là bản tóm tắt và là cái hoàn thành của lý trí, của những gì đặc trưng nhất nơi con người, có tham vọng là tổng luận đích thực của lý trí và của nhân loại, thì nguy cơ không tránh khỏi rằng tiếp đến nó có cám dỗ áp đặt, nhất là xuyên qua bàn tay thế tục của Nhà Nước. Vì tất cả những ai xung đột với các giới luật của đức tin và nhất là với các hậu quả luân lý của nó, từ đó, cũng sẽ là ngược với lý trí và nhân loại. (…)
Josef Ratzinger. Tôi xác tín rằng các thế hệ kitô hữu đầu tiên của Kitô giáo đã không nghĩ đến đức tin bằng từ ngữ phi lý. Quả đúng rằng thánh Phaolô nói đến « cớ vấp phạm », và chúng ta thấy rằng cớ vấp phạm tồn tại trong mọi thế hệ, bao hàm cả hôm nay. Nhưng đồng thời, ngài rao giảng tại Aréopage (Hội đồng bác học) : ngay giữa nền văn hóa và triết học Cổ Đại. Ngài bàn luận với các triết gia và, thậm chí, ngài trích dẫn họ. (…)
Do thái giáo đã có một vài trò và một vị trí rất quan trọng vào thời Cổ Đại, vì đức tin vào một vị Thiên Chúa Tạo Hóa độc nhất này rõ ràng xuất hiện như là một tôn giáo hữu lý, rất được nghiên cứu vào gian đoạn khủng hoảng các thần linh này. Tôn giáo này đã tự tỏ ra như là chân thật và xác thực, không được sáng chế bởi các triết gia nhưng thực sự được nảy sinh từ tâm hồn con người và ánh sáng của Thiên Chúa – và, đồng thời, hòa hợp sâu xa với các xác tín lý trí lúc đó. Những con người « được soi sáng » thời đó, tìm kiếm Thiên Chúa, đã không thỏa mãn nữa về các tôn giáo chính thức. Họ tìm kiếm một tôn giáo xác thực, phù hợp với lý trí chứ không chỉ một sự xây dựng của triết học.
Những con người này đã tạo nên một vòng xung quanh Hội đường. Ở đó, thánh Phaolô đã có thể rao giảng. Ngài đã thực sự xác tín rằng vị Thiên Chúa độc nhất này, Đấng đã nói với Abraham, đã tự tỏ mình trong Cựu Ước, đã tự biểu lộ và đã trở nên dễ gần gũi cho các dân tộc trên thế giới qua trung gian của Chúa Giêsu. Thánh Phaolô đã biết rằng ngài mang « cớ vấp phạm » cho Aréopage. Chúng ta biết việc loan báo sự phục sinh có thể tạo nên cớ vấp phạm là thế nào. Thế nhưng, ngài cũng đã xác tín rằng ngài không loan báo điều gì phi lý, mà đã chỉ có thể làm vừa lòng một số người, nhưng rằng ngài cũng là người mang một sứ điệp mà kêu gọi đến lý trí con người và nói với họ : hết thảy chúng ta đang tìm kiếm Thiên Chúa vào giai đoạn khủng hoảng này, chúng ta tìm kiếm một tôn giáo xác thực, không được phát minh và, mặt khác, phù hợp với lý trí của chúng ta.
Vả lại, trong bức thư thứ nhất của mình, thánh Phêrô đã nói rõ ràng : anh em phải luôn sẵn sàng « đưa ra lý do » (donner raison) cho niềm hy vọng của anh em, anh em phải luôn « apologein » (biện hộ), giải thích « logos » (lời, lý lẽ). Bởi thế, [các kitô hữu] phải sẵn sàng chứng mình « logos », ý nghĩa hữu lý sâu xa của những xác tín của họ. Về điểm này, dĩ nhiên tôi đồng ý với giáo sư Flores d’Arcais : người ta không được tìm cách áp đặt tất cả điều này. Người ta phải kêu gọi đến lương tâm và lý trí. Đó là cấp độc nhất mà có thể quyết định. Nghĩ rằng, nếu lý trí không sẵn sàng, thì chúng ta phải « giúp nó », với sự cộng tác của quyền lực Nhà Nước, tạo nên một tội thực sự, một sai lầm to lớn. (…)
Paolo Flores d’Arcais. Đối với các thế hệ kitô hữu đầu tiên, không phải lý trí thúc giục tin, nhưng là đức tin – ngay cả khi nó hết sức mâu thuẫn với lý trí, như nó đã tỏ ra đối với những người thời đó. Tôi nghĩ, Phaolô dùng một từ mà phải được hiểu theo nghĩa chặt của từ : « sự điên rồ » của thập giá. Những gì phân biệt Kitô giáo với Platon và với nhiều trường phái triết học, những gì làm nổi bật Kitô giáo, và Phaolô không ngừng lặp đi lặp lại, đó không chỉ là đức tin vào một Thiên Chúa độc nhất, đó còn là đức tin vào Chúa Giêsu-Kitô chết và phục sinh. (…)
Từ đó, nếu chúng ta không muốn giảm thiểu Kitô giáo thành một trong nhiều triết lý/tôn giáo thời đó, thì yếu tố chủ chốt, đó chính là sự điên rồ này đối với lý trí : sự điên rồ của thập giá, của sự phục sinh, sự kiện nhấn mạnh đến chủ đề sự phục sinh kẻ chết, sự phục sinh thân xác. Điều đó cho thấy rằng, nếu cần phải khẳng định đức tin như là một quyền, thì tuy nhiên, quyền này mâu thuẫn với lý trí.
Josef Ratzinger. Thánh Phaolô xác tín rằng đức tin Kitô giáo kêu gọi đến lý trí ; nhưng cũng xác tín rằng nó vượt lên trên tất cả những gì tỏ ra rõ ràng đối với lý trí. Bởi vì – ít ra như tôi hiểu thánh Phaolô – tình yêu nhập cuộc. Tình yêu mà không trái ngược với lý trí, nhưng vượt quá nó rất nhiều. Và vị Thiên Chúa này là « logos », như thánh Gioan cũng nói thế. Ngài là « logos » sáng tạo và Ngài là lời ; vì « logos » không chỉ là lý trí, đó cũng là một lý trí biết nói, biết tương quan, xích lại gần. Ở đây, chúng ta có một sự canh tân khái niệm lý trí, mà vượt quá chỉ là toán học, chỉ là hình học về hữu thể. (…)
Những gì được loan báo ở đây, đó là rằng « logos » này cũng là tình yêu, tình yêu thực sự thực hiện những điều điên rồ, vì xem ra phi lý rằng một vị Thiên Chúa, trong thân phận hạnh phúc đời đời, lại can thiệp cho thụ tạo thấp hèn này là con người và di lụy đến bản thân trong thế giới này cho đến cái chết. (…)

Nguồn : Nhật báo Le Monde ngày 02/05/2005
Hình ảnh: Từ trái sang phải: Đức Hồng y Josef Ratzinger, Gad Lerner, người dẫn dắt cuộc tranh luận, và triết gia Paolo Flores d’Arcais.
Tý Linh chuyển ngữ