|
13/05
Để cho thế gian được sống
Thứ Sáu sau Chúa Nhật III Phục Sinh
Lời Chúa:
Ga 6,52-59
52Người Dothái liền tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói: "Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được? " 53Đức Giêsu nói với họ: "Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. 54Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, 55vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. 56Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. 57Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. 58Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời." 59Đó là những điều Đức Giêsu đã nói khi giảng dạy trong hội đường, ở Caphácnaum.
Suy niệm:
Khi trao ban chính Mình, Chúa Giêsu Kitô trao ban cho chúng ta chính sự bình an. Hoà bình của Chúa không phải là hoà bình của thế gian, nhưng hoà bình của Chúa Kitô là kết quả sự vượt qua của Ngài, nghĩa là kết quả của hy tế trong cuộc vượt qua của Ngài.
Bánh mà Ta ban cho là Thịt Ta để cho thế gian được sống. Đoạn Phúc âm chúng ta vừa nghe, những lời này của Chúa Giêsu làm cho chúng ta hiểu thế nào là nguồn mạch của hòa bình đích thật. Chúa Kitô là hoà bình của chúng ta, là Bánh được trao ban cho thế gian được sống. Đó là Bánh mà Thiên Chúa Cha đã chuẩn bị, ngõ hầu để nhân loại được sống và sống dồi dào “Thiên Chúa đã không tha con Một Ngài, nhưng đã trao ban Con Một Ngài”(Ga 3, 16), để cứu rỗi tất cả. Như là Bánh nuôi sống tất cả. Ngôn ngữ Chúa Giêsu dùng thật rõ ràng. Để được sống thì không chỉ tin Chúa mà thôi, còn cần phải sống như Chúa, sống bằng sự sống của Chúa. Vì vậy mà ngôi Lời đã Nhập Thể chết và sống lại”. Người đã ban cho ta Thánh Thần của Ngài? nhờ vậy mà chúng ta biết Thánh Thể, ngõ hầu chúng ta có thể sống nhờ Ngài, như Ngài sống nhờ Chúa Cha (Ga 6,5b). Bí tích Thánh Thể là bí tích của hồng ân mà chính Chúa Kitô đã trao ban cho chúng ta, là bí tích của tình thương và hoà bình, là sức sống sung mãn. Bánh Hằng Sống, Bánh ban sức sống.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, bước theo Chúa chúng con dấn thân chống lại bạo lực của con người trên con người mà không dùng đến bạo lực. Chúng con cần có sức mạnh của tình thương Chúa, chúng con cần lãnh nhận Mình và Máu thánh Chúa để được sống sự sống của Chúa, để được sức mạnh của Chúa, sức mạnh của tình thương chiến thắng trên bạo lực.
Lạy Chúa, xin giúp mỗi người chúng con mỗi ngày trở nên giống Chúa hơn, nhờ Bí tích Thánh Thể chúng con được lãnh nhận Mình và Máu Thánh Chúa, chúng con lãnh nhận sự sống của Chúa trong mình chúng con. Xin cho chúng con mỗi ngày trở nên giống Chúa nhiều hơn. Amen
____________________
Vị Nữ Lưu Toàn Ánh Sáng
Ngày Chúa Nhật có nắng rực rỡ, 13 tháng 05 1917, được tiền định là ngày đáng ghi nhớ từ đây về sau trong lịch sử Giáo Hội Portugal (Bồ-đào-nha).
Cầu nguyện kinh Mân Côi xong, Lúcia và hai bé em họ, Jacinta và Francisco, dẫn đàn cừu đi ngược lên sườn đồi phía bắc Cova da Iria, nơi có đồng cỏ thuộc sở hữu của cha cô bé Lúcia. Khi đàn cừu lặng lẽ gặm cỏ trên đỉnh đồi, các bé đồng loạt nghĩ đến chơi đùa. Tính rất thích những môn tranh đua của Jacinta thúc đẩy bé nói trước nhất:
“Hôm nay chúng ta chơi trò chơi gì đây?”
Lúcia đề nghị: “Trò giả trang.”
“Không,” Jacinta mau mắn trả lời, giọng quyết liệt.
Francisco dò ý: “Vậy chúng ta chơi trò làm đầu đuôi thú đi.”
Jacinta lại phản đối: “Không, cũng không chơi trò đó. Chúng ta đắp bức tường quanh bụi cây đàng kia kìa. Chị Lúcia và em đi kiếm đá, còn anh xây tường.”
Francisco thấy thích thú nên đồng ý ngay. Lúcia cũng đồng ý vì vốn biết từ lâu là vô ích mà còn nguy hiểm nữa nếu chống đối môn chơi cô em họ đã chọn. Chẳng mấy chốc, một bức tường nhỏ lên cao dần quanh bụi cây. Trong khi hăng say làm việc, các bé đâu có biết mười một năm sau, cũng ngày này, ba trăm ngàn người sẽ tụ họp tại Cova da Iria theo dõi vị Đại Diện Giáo Hội Công Giáo, tại chính nơi các bé đang đắp tường hôm nay, làm phép viên đá góc tường của một trong những thánh đường đồ sộ nguy nga nhất Portugal (Bồ-đào-nha).
Thình lình, ánh sáng lóe lên, làm sáng rực khu đồi, khiến các bé ngưng làm việc và nhìn nhau như hỏi.
Francisco hỏi: “Gì thế, chị Lúcia?”
Lúcia đáp: “Chắc đó là chớp. Nhưng kỳ lạ, trên trời không một bóng mây. Dẫu vậy, hẳn có trận bão phía xa, chúng ta nên gom cừu lại và đi về.”
Vốn từng nghe theo lời khuyên và hướng dẫn của cô chị họ hơn tuổi, Jacinta và Fancisco lập tức gom cừu lại. Chẳng mấy lúc, bầy cừu được dẫn đi theo hướng tây nam trên đường về Aljustrel.
Đi khoảng nửa đường xuống hướng tây bắc sườn đồi Cova và gần cây sồi lớn (ngày nay vẫn còn xanh tươi), một làn ánh sáng nữa chớp lên, sáng hơn lần đầu, rực sáng cả bầu trời và khắp vùng quê lân cận, làm lóa mắt ba bé mục tử. Tim các bé bắt đầu đập mạnh, ngực phải rướn lên cao, các bé lùa cừu đi mau hơn.
Khi các bé, từ phía bên trái, đi tới gần khu đất phẳng rộng, bất chợt các bé phải dừng hẳn lại, vì cách các bé chừng hai mươi ba mètres, các bé thấy từ cây sồi phát ra làn ánh sáng hết sức chói chang khiến các bé hầu như bị mù. Được thúc đẩy đồng loạt từ thâm tâm, các bé ngẩng đầu lên nhìn thẳng trước mặt. Trái tim ngây thơ của các bé như ngưng đập vì cảnh hiện ra trước mắt.
Một vị Nữ Lưu xin đẹp đứng trên đỉnh những nhánh lá cao nhất của cây sồi, cây sồi này cao khoảng hơn một mètres, cách trước mặt các bé chừng một mètre. Vị Nữ Lưu là trung tâm bầu ánh sáng rực rỡ, làn ánh sáng từ Vị Nữ Lưu tỏa ta bao bọc cả ba bé.
Biết các bé sợ trận bão và muốn đi về nhà mau, Vị Nữ Lưu lên tiếng trấn an và giữ các bé lại, vì Người đến với một thông điệp quan trọng sinh tử.
Vị Nữ Lưu nói: “Các con đừng sợ. Ta không làm hại các con đâu.”
Được trấn an do âm thanh từ mẫu của Vị Nữ Lưu và dáng điệu hiền từ cũng như lời nói của Người, các bé im lặng ngây ngất chiêm ngưỡng và đắm hồn trong vẻ đẹp thiên quốc đang rực sáng trước mắt.
Vị Nữ Lưu trẻ đẹp này mặc áo trắng, chính xác hơn, áo bằng ánh sáng trắng. Vì Vị Nữ Lưu toàn là ánh sáng và tỏa ra ánh sáng, trong suốt hơn và lóng lánh hơn cái tách pha lê đầy nước tinh khiết nhất phản chiếu ánh sáng mặt trời chói lọi nhất. Nói tóm lại, Vị Nữ Lưu sáng hơn mặt trời, và gương mặt Người quá sức sáng chói đến độ thỉnh thoảng các bé phải hạ thấp những cặp mắt thẫn thờ xuống.
Toàn hảo mọi vẻ, mặc dầu cao hơn trung bình, vị Nữ Lưu xinh đẹp tuyệt vời, thánh thiêng khôn lường, ngôn ngữ loài người không thể nào diễn tả. Không tạo vật nào trên trái đất này sánh với Người được. Các bé chưa bao giờ thấy một người hoặc bức tranh nào có thể so sánh được với vị khách từ trời về vẻ kiều diễm và duyên dáng.
Dung nhan của vị Nữ Lưu gồm những nét tuyệt diệu duyên dáng khôn tả, ánh mắt dịu dàng hiền mẫu hòa với vẻ cương nghị nghiêm trang và nét buồn vời vợi. Đầu và hai vai Người hơi nghiêng về phía trước hướng vào các bé phía dưới chân Người.
Đôi bàn tay xinh đẹp của vị Nữ Lưu chắp lại trước ngực trong dáng điệu cầu nguyện. Chuỗi Mân Côi quí báu có cây thánh giá trắng tựa bạch ngọc treo thòng xuống qua lòng bàn tay và lưng bàn tay phải.
Vị Nữ Lưu mặc áo dài trắng long lanh đơn sơ, không có cổ áo, cũng không có cổ tay áo, phủ dài tới chân. Mặc dầu thu lại ngang thắt lưng, áo dài không có thắt lưng hoặc khăn thắt ngang. Tấm áo choàng cũng bằng ánh sáng trắng có viền xinh xắn hai bên và dưới gấu bằng đường kim tuyến nổi bật trên nền ánh sáng, chẳng khác gì một tia sáng mặt trời lóng lánh hơn các tia sáng khác phủ trên đầu, qua vai và mình. Tuy vậy, trán và toàn thể phần trước áo dài lộ ra đầy đủ. Hai đầu dây, như hai tia sáng mặt trời màu vàng sáng chói hơn so với áo dài và áo choàng, buông lơi từ cổ xuống trước ngực. Hai mối dây này kết lại với nhau, bên trên thắt lưng một chút, thành trái cầu nhỏ lóng lánh sắc vàng. Xuống phía dưới, dọc giữa áo dài, cách gấu khoảng ba mươi phân, có ngôi sao vàng lấp lánh.
Đôi chân vị Nữ Lưu để trần, cũng như mặt và hai bàn tay, có ánh sáng màu da thịt, đặt nhẹ trên ngọn những nhánh lá cây sồi.
Vị Nữ Lưu ánh sáng đứng giữa bầu ánh sáng và hoàn toàn được ánh sáng bao phủ. Ngôn ngữ loài người hiển nhiên không đủ để mô tả vị Nữ Lưu này. Bà toàn là ánh sáng. Ánh sáng như những lớp sóng và cho người ta cảm tưởng ý phục của Người gợn sóng. Áo dài và áo choàng tỏa ra những làn ánh sáng khác nhau, lớp này trên lớp kia. Ánh sáng có nhiều mầu, trắng, vàng, và các màu khác tùy theo cường độ màu sắc ánh sáng khác nhau, các bé phân biệt được những phần khác nhau trên thân mình và y phục, mặt và tay, áo dài và áo choàng của Người.
Sau một lúc chiêm ngưỡng say sưa, Lúcia mạnh dạn hỏi:
“Bà từ đâu tới? (Donde é vossemecê?)”
Vị Nữ Lưu từ ái trả lời: “Ta từ thiên đàng đến. (Eu sou do cé.)”
Cô bé hỏi tiếp: “Và Bà muốn con làm gì?”
“Ta đến xin cả ba các con tới đây sáu tháng liên tiếp, vào ngày mười ba mỗi tháng, cũng giờ này. Khi đó Ta sẽ cho các con biết Ta là Ai, và Ta muốn điều gì. Sau đó Ta sẽ trở lại đây lần thứ bảy.”
Được khích lệ rất nhiều do sự sẵn sàng và nhân từ mà vị Nữ Lưu đã trả lời cô bé, Lúcia nôn nóng hỏi thêm: “Con có được lên thiên đàng không?”
“Có, con sẽ được lên thiên đàng.”
“Còn Jacinta?”
“Có.”
“Còn Francisco?”
“Nó cũng được lên thiên đàng, nhưng nó phải cầu nguyện rất nhiều kinh Mân Côi.”
Hai cô gái ở Aljustrel mới chết hồi gần đây. Mặc dù cả hai đều tương đối lớn tuổi hơn Lúcia, nhưng cô bé biết rõ cả hai, vì hai cô thường đến nhà Lúcia học đan với chị của cô. Có lẽ vị Nữ Lưu nhân từ sẽ vui lòng cho biết đôi điều về hai người bạn của cô.
Lúcia hỏi: “Chị Maria das Neves có ở trên thiên đàng không?”
“Có,” vị Nữ Lưu trả lời.
“Còn Amelia?”
“Cô đó sẽ phải ở luyện ngục cho tới tận thế.”
Sau khi trả lời các câu hỏi của Lúcia, vị Nữ Lưu đưa ra lời yêu cầu quan trọng:
“Các con có vui lòng tận hiến cho Thiên Chúa và chịu đau khổ Chúa muốn gởi đến cho các con, để đền tạ tội lỗi xúc phạm đến Thiên Chúa và van xin cho kẻ tội lỗi ăn năn trở lại không?”
Lúcia thấy những lời yêu cầu này rất giống lời thiên thần yêu cầu trong lần thứ nhì hiện ra năm trước. Biết rằng hai bé em họ của cô hoàn toàn đồng ý, Lúcia trả lời không chút do dự:
“Thưa Bà, chúng con vui lòng! (Sim, queremos!) ”
Tuy nhiên, cô bé chẳng ý thức được bao nhiêu là cô và hai bạn nhỏ sẽ sớm phải chịu đau khổ chừng nào. Dĩ nhiên, Đức Mẹ biết trước những đau khổ đang chờ các bé, và theo cách Con Chí Thánh của Mẹ đối với các môn đệ được tuyển chọn, Đức Mẹ nói trước những thử thách và đau khổ đang chờ đợi các bé và hứa ban ơn phù trợ. Đức Mẹ nói tiếp:
“Các con sẽ phải chịu nhiều đau khổ, nhưng ơn Chúa sẽ nâng đỡ an ủi các con.”
Khi nói những lời này, Đức Mẹ dang rộng hai bàn tay theo dáng điệu linh mục khi nói: “Chúa ở cùng anh chị em! (Dominus vobiscum!) ” trong Thánh Lễ và tỏa ra ánh sáng cực mạnh về phía các bé mục tử. Ánh sáng này giống như phản quang từ đôi bàn tay chói sáng của Đức Mẹ chiếu ra. Ánh sáng xuyên qua trái tim và thấm sâu vào linh hồn các bé, “làm cho các bé thấy mình đắm chìm trong Thiên Chúa, Đấng là ánh sáng, rõ ràng như qua những tấm gương trong và mạnh nhất.”
Xúc động từ đáy lòng, các bé quỳ xuống và sốt sắng dâng lời nguyện:
“Ôi lạy Chúa Ba Ngôi Cực Thánh, con thờ lạy Chúa, lạy Chúa, con yêu mến Chúa trong Phép Thánh Thể!”
Lúc sau, Đức Mẹ nói tiếp:
“Các con hãy cầu nguyện kinh Mân Côi hằng ngày, để xin được hòa bình và chấm dứt chiến tranh.”
Sứ vụ ngày hôm nay hoàn tất. Đức Mẹ xinh đẹp tuyệt vời từ từ xoay mình, uy nghi và lặng lẽ cất mình lên, di chuyển không động chân về hướng đông, nơi đây Đức Mẹ khuất dạng vào vũ trụ bao la. Ánh sáng lung linh bao quanh Đức Mẹ chẳng khác gì mở lối Đức Mẹ đi giữa các vì sao và tinh cầu.
Việc Đức Mẹ hiện ra tại Cova da Iria là một màn trong những biến chuyển gay cấn vĩ đại, phần mở đầu là nhiều lần Thiên Thần Hòa Bình và Thiên Thần Bảo Vệ Portugal (Bồ-đào-nha) hiện ra trước đó. Những màn liên hệ trực tiếp đến các biến chuyển này cũng xảy ra vào ngày hôm nay, 13 tháng Năm, 1917, ở những nơi khác trên thế giới.
Khi Đức Mẹ nói với ba bé ở Fátima về hòa bình, Thánh Linh Thiên Chúa cũng đổ tràn đầy ơn linh hướng trên một người, mà tên của vị này có nghĩa là hòa bình, và ngài đã chọn mang trên áo mục vụ của mình hình chim bồ câu và nhánh ô liu tiêu biểu hòa bình. Thật vậy, cũng chính buổi sáng Chúa Nhật, 13 tháng Năm, 1917, Đức Eugenio Pacelli, sau này là Đức Thánh Cha Piô XII sẽ tích cực hoạt động để truyền bá thông điệp Fátima, được tấn phong Giám Mục tại thánh đường Thánh Phêrô ở Roma. Và cũng chính trong ngày mùa xuân hôm nay, ma quỉ âm mưu làm hại thế giới với tất cả kỹ thuật tinh vi xảo quyệt dưới quyền nó. Suốt nhiều năm, ma quỉ đã nhồi nắn trí óc một người được ma quỉ dùng làm công cụ chính của nó là Marxist Nicholas Lenin. Moscow (Mạc-tư-khoa), trung tâm đầu não nước Nga, là khung cảnh của cuộc đánh phá chủ chốt ngày hôm nay, 13 tháng Năm, 1917. Đã tới giờ những người Cộng Sản Nga đẩy mạnh các kế hoạch xảo quyệt của Satan và đồng bọn phản thần của nó. Lenin ra lệnh cho các kỵ mã, các đảng viên của ông ta, lên đường thực hiện loạt đầu tiên các hành động tàn bạo mà sau cùng dẫn tới chiến thắng của Cộng Sản trên đất Nga.
Những người điên cuồng này phóng ngựa mải miết cho tới khi họ đến một thánh đường Công Giáo, nơi bà Maria Alexandrovitch đang dạy giáo lý cho hai trăm trẻ em. Họ phóng ngựa xông qua cửa thánh đường xuống các lối đi. Họ phóng ngựa qua giậu chịu Lễ. Bàn thờ là mục tiêu thứ nhất của cơn giận dữ như ma quỉ của những người này. Kế đến họ lật đổ và phá vỡ các tượng ảnh dọc lối đi. Rồi để chắc chắn là người ta hiểu hành động của họ đánh dấu bước khởi đầu mọi nỗ lực chống lại Thiên Chúa và Giáo Hội, những người vô thần và vô lương tâm này trút lòng hận thù như ma quỉ của họ trên các trẻ thơ, họ xông tới giết một số em.
Một lúc sau khi Đức Mẹ đã đi khỏi, ba bé vẫn còn đăm đăm nhìn về hướng Đức Mẹ khuất dạng vào không gian.
Ngay khi những vui sướng chỉ vừa mới bắt đầu loãng đi, một người tới gần nói với các bé:
“Này các bé, cừu của các bé lang thang vào ruộng giâu đàng kia kìa,” ông ta vừa nói vừa chỉ vào khu đất của ông José Matias. “Tôi đã ném vài cục đá vào đám cừu, những chắc chắn là đám cừu đã ăn mất một ít cây rồi.”
Lập tức các bé chạy tới vườn giâu, vì hầu như các bé đang nghe cha mẹ quở trách vì chểnh mảng không coi sóc đàn cừu để gây ra thiệt hại cho vườn của người hàng xóm. Nhưng khi các bé đi khắp các luống và xem xét các cây giâu, vẻ ngạc nhiên hiện trên mặt các bé. Đồng loạt các bé thốt lên: “Sao, cừu không ăn một cây giâu nào cả?”
Không nói thêm một lời, nhưng cả ba bé lúc này đều tin chắc hơn khi nào hết: Vị Nữ Lưu các cô cậu được đặc ân diện kiến chính là Mẹ Thiên Chúa.
Bình tĩnh lại, các bé đi tìm bóng mát của cây sồi quen thuộc để các bé có thể ngồi nhớ lại những giây phút sung sướng được thị kiến.
Sau ít phút im lặng chiêm niệm, Francisco nói với cô chị họ:
“Chị Lúcia à, Đức Mẹ nói gì khi Người nói chuyện với chị vậy?”
Jacinta bất chợt chen vào: “Gì thế, anh Francisco, anh không nghe được Đức Mẹ nói gì sao?” Jacinta hết sức ngạc nhiên, vì bé nghe được không sót một lời Đức Mẹ đã nói và nghĩ rằng anh của bé cũng được nghe như vậy.
Cậu bé trả lời: “Không, anh không được nghe Đức Mẹ nói, nhưng anh đã nghe hết mọi lời chị Lúcia nói với Đức Mẹ.”
Lúcia nói ngay: “Được, chị sẽ nói cho em nghe tất cả những điều Đức Mẹ đã nói. Hôm nay chị không cảm thấy như sau những lần thiên thần hiện ra, chị có thể nói. Đức Mẹ nói “Người từ thiên đàng tới, chị và Jacinta sẽ được về thiên đàng.” Khi chị hỏi Đức Mẹ em cũng được về thiên đàng chứ, thì Đức Mẹ nói: “Có,” nhưng thêm là “em phải cầu nguyện rất nhiều kinh Mân Côi.”
“Ôi, lạy Đức Mẹ! Con sẽ cầu nguyện kinh Mân Côi thật nhiều như Đức Mẹ muốn,” cậu bé kêu lên, khoanh tay trước ngực, hoan hỉ với ý nghĩ là cậu sẽ được nhận vào thế giới của Đức Mẹ tuyệt vời diễm lệ mà chỉ phải làm quá ít.
Lúcia nói tiếp: “Đức Mẹ muốn ba chị em chúng ta trở lại đây sáu tháng liên tiếp, ngày mười ba mỗi tháng, cũng vào giờ đó. Rồi Người sẽ nói cho chúng ta biết Người là Ai, và Người muốn chúng ta làm gì. Đức Mẹ cũng nói Người sẽ trở lại đây lần thứ bảy, nhưng không rõ khi nào.
Chị hỏi Đức Mẹ: “chị Maria das Neves có ở trên thiên đàng không, Đức Mẹ trả lời: “Có,” nhưng Đức Mẹ cũng nói “chị Amelia còn ở trong luyện ngục cho tới tận thế.”
Kế đó Đức Mẹ hỏi chị em chúng ta có vui lòng tận hiến cho Thiên Chúa và sẵn sàng hy sinh chấp nhận mọi đau khổ Chúa sẽ vui lòng gởi đến cho chúng ta để đền tạ các tội lỗi đã xúc phạm đến Thiên Chúa, và xin cho các kẻ tội lỗi ăn năn trở lại, và đền tạ những tội lỗi xúc phạm Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria hay không. Chị nói chúng ta sẵn sàng. Chị biết em và Jacinta chắc chắn sẵn lòng vì thiên thần đã từng yêu cầu chúng ta làm việc hy sinh và chấp nhận những đau khổ Thiên Chúa sẽ gởi đến, để đền tạ tội lỗi và xin ơn cải hóa các kẻ tội lỗi, và chúng ta đã cố gắng hết sức thi hành điều thiên thần yêu cầu.
Sau đó, Đức Mẹ nói: “Lúc đó các con sẽ phải đau khổ nhiều, nhưng ơn Chúa sẽ nâng đỡ an ủi các con.” Chính lúc này Đức Mẹ mở rộng hai bàn tay và chiếu ánh sáng mạnh vào đáy lòng chúng ta.
Những lời sau cùng Đức Mẹ nói là: “Các con hãy cầu nguyện kinh Mân Côi hằng ngày để xin được hòa bình cho thế giới và chấm dứt chiến tranh.”
Khi dứt lời, Lúcia thấy hai bé em họ đang trầm tư. Francisco chắp tay trước ngực, đăm đăm nhìn về phía chân trời. Jacinta, khuỷu tay chống trên đầu gối, hai tay ôm cằm, cũng đăm đăm nhìn về phía trời xanh thăm thẳm. Điều này không làm cho Lúcia ngạc nhiên, vì chính cô bé cũng cảm thấy bị ảnh hưởng mãnh liệt do biến cố vĩ đại vừa mới xảy ra.
__________________________
Ngày Của Mẹ
Ngày Chúa Nhật thứ hai trong tháng năm, tại nhiều nước trên thế giới, được gọi là ngày của Mẹ, ngày dành riêng để tỏ lòng báo hiếu đối với Mẹ... Sáng kiến dành ngày Chúa Nhật thứ hai của tháng năm làm ngày của mẹ được gán cho một thiếu nữ người Hoa Kỳ tên là Anna M.Jarvis qua đời khoảng năm 1948. Mẹ của cô qua đời tháng năm năm 1905. Trong những năm kế tiếp, cô thường tổ chức giỗ mẹ một cách trọng thể như mời bạn bè đến cầu nguyện tại gia đình. Cô viết thư gửi tới các nhân vật quan trọng trong nước Mỹ để xin lập một ngày tưởng nhớ các bà Mẹ. Tiểu bang nơi cô đang sống đã chấp nhận đề nghị năm 1913. Và ngày 10 tháng 5 ấy, quốc hội Hoa Kỳ cũng thông qua đề nghị nhận ngày Chúa Nhật thứ hai trong tháng 5 như một ngày để ghi ơn các bà mẹ. Tổng thống Wilson của Hoa Kỳ đã công bố quyết định này ngày 09/5/1914. Tục lệ này đã lan rộng sang nhiều quốc gia trên thế giới... Trong ngày nhớ mẹ, người con thường cài trên áo một bông hoa cẩm chướng màu trắng nếu mẹ đã quá cố và màu hồng dành cho những ai còn mẹ. Trong các tước hiệu Giáo Hội dùng để gọi Ðức Maria, có lẽ xứng hợp với tâm tình con người hơn cả vẫn là tước hiệu Mẹ. Chúng ta có thể gọi Ðức Maria là Mẹ với tất cả tâm tình trìu mến như khi chúng ta gọi người mẹ của chúng ta. Do lời trăn trối của chính Chúa Giêsu con Mẹ, Mẹ đã trở thành Mẹ của Giáo Hội. Qua muôn thế hệ, Mẹ không ngừng cưu mang, sinh ra và dưỡng dục các tín hữu trong Ðức tin. Niềm hạnh phúc của bất cứ người mẹ nào vẫn là thấy con mình được nên người. Mẹ Maria chăm chú theo dõi và lo lắng cho từng người chúng ta. Niềm vui của Mẹ chính là thấy mỗi người chúng ta được lớn lên theo hình ảnh của Chúa Giêsu con Mẹ... Chúng ta mang đến cho Mẹ những bó hoa trong suốt tháng 5, tháng 10 và trong từng lời Kinh dâng lên Mẹ. Nhưng có lẽ Mẹ sẽ sung sướng hơn mỗi lần nhìn thấy sự trưởng thành nơi chúng ta. Mỗi lần chúng ta lớn lên trong ân phúc, trong bác ái yêu thương, trong hy vọng tin yêu: đó là những bó hoa tốt đẹp nhất mà chúng ta dâng lên Mẹ...
Trích sách Lẽ Sống
|
|