(EMTY) - Tại sao lại quá khó khăn để tha thứ cho ai đó làm chúng ta tổn thương? Cho dù người đó là một thành viên trong gia đình, một người quen, một người đồng nghiệp, hay một người bạn cũ, đôi khi, chúng ta không thể bỏ qua cho một sự xem thường hoặc quên đi vết thương. Chúng ta nhớ mãi những việc ấy. Chúng làm chúng ta oán giận, làm chúng ta khóc. Chúng ta bị tổn thương.
Chúng ta quấn cuộn nỗi đau và giận dữ thành một cuộn lõi nhỏ rất chặt bên trong ruột và giữ mãi sau khi tổn thương ban đầu đã qua đi. Những điều ấy đè nặng chúng ta. Chúng khiến chúng ta cảm thấy khó chịu. Nhưng chúng ta không thể vứt bỏ chúng.
Vết thương ấy vẫn tồn tại bên trong chúng ta, và khi chạm vào, nó giống như vết bầm tím, và đau đớn lại tiếp tục. Và đôi khi, nỗi đau còn tồi tệ hơn lúc ban đầu, làm chúng ta không thể ăn - cuộn lõi nhỏ kia đã phát triển thành viên đá bên trong bụng chúng ta mất rồi. Nó cướp đi giấc ngủ, sự thư thái và thoải mái của chúng ta.
Tôi nghĩ về viên đá cứng của sự oán hận này lúc sáng nay khi tôi tỉnh giấc, trở mình qua lại với sự oán hận mà tôi đang giữ trong lòng, với những lời tổn thương trong suốt thời gian dài.
Tôi nhận ra một vài điều:
1. Tôi nhận ra đây không phải là lần đầu tiên hành động và lời nói của người ấy làm tôi tổn thương. Và có thể cũng không phải là lần cuối.
2. Tôi nhận ra rằng những gì tôi nói hoặc làm cũng không thể thay đổi người ấy hoặc suy nghĩ của người ấy về tôi.
3. Tôi nhận ra rằng trong khi tôi đang nằm đây, trằn trọc và đau đớn, người ấy có lẽ vẫn ngủ ngon.
4. Và tôi nhận ra rằng tôi đang kéo dài nỗi đau khi để cho vết thương mưng mủ và nghiêm trọng hơn. Người ấy không làm gì cả. Chính tôi đang làm việc ấy.
Và vì thế, tôi đi đến quyết định bỏ qua, và hơn thế nữa, tha thứ cho người đã gây ra vết thương ban đầu của tôi.
Như Tông đồ Phaolô đã nói trong Ep 4,31-32: “Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thoá mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác. Trái lại, phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô”.
Vì thế, hôm nay, tôi nỗ lực thực hiện điều ấy. Tôi xin Chúa ban cho tôi sức mạnh để tha thứ, và kiên vững ngay cả khi nỗi đau ấy làm tôi đau trở lại.
Và nếu điều ấy xảy ra thì thế nào? Tôi sẽ làm theo Lời Chúa Giêsu đã nói với Phêrô trong Mt 18,21-22:Bấy giờ, ông Phêrô đến gần Đức Giêsu mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, nếu anh em con xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải 7 lần không?” Đức Giêsu đáp: “Thầy không bảo là đến 7 lần, nhưng là đến 70 lần 7.”
Tôi nhận ra rằng sự xúc phạm có thể xem là một điều nhỏ để tôi nghiền ngẫm suy nghĩ, và rằng sự tha thứ cho người xúc phạm không phải là điều đặc biệt khó khăn. Nhưng tôi nghĩ đây là một minh hoạ hay cho tầm quan trọng của việc tha thứ, không phải đối với người được tha thứ, nhưng đối với người tha thứ. Tha thứ không chỉ giúp chúng ta làm vơi bớt sự đau đớn của vết thương. Hãy lấy viên đá ra khỏi lòng và thay vào đó là cho nó được đong đầy bởi Thần Khí. Nó sẽ giúp chúng ta bước đi trên con đường của Chúa Giêsu, Đấng đã tha thứ cho tất cả chúng ta khi Ngài hy sinh chính mạng sống của mình vì tội lỗi của chúng ta.
Tạ ơn Chúa Giêsu vì đã tha thứ cho tội lỗi của chúng con, và tạ ơn Ngài về những lời dạy bảo, những mẫu gương để biết tha thứ cho tha nhân. Xin ban Thần Khí Ngài trong chúng con, và lấy đi con tim tiêu cực đang mang nặng sự chua cay oán hận. Amen.
An Nhiên |