|
Suy niệm:
Ăn chay là ăn rất ít. Trong Cựu-Ước, luật buộc ăn chay một năm một lần (Lêvi 16:29). Các người nhóm Pharisiêô thì ăn chay mỗi tuần 2 lần vào các ngày Thứ Hai và Thứ Năm (Lc 18:12). Họ chỉ vụ hình thức bên ngoài và coi những việc ăn chay như thế, tự bản chất đã là đạo đức, Thánh Thiện rồi! Các môn đệ của Thánh Gioan cũng bắt chước những người Pharisiêô để ăn chay như họ, nhưng mục đích là để sám hối tội lỗi, dọn linh hồn đón nhận Đấng Thiên Sai sắp đến. Còn Chúa Giêsu rất ghét những việc đạo đức giả hình bên ngoài mà nội tâm trống rỗng, nên Ngài không buộc các môn đệ mình ăn chay nhiều như những người Pharisiêô. Chính vì thế, người ta hỏi Chúa: “Tại sao môn đệ của Gioan và các người Biệt Phái ăn chay, con môn đệ của Ngài thì không ăn chay”.
Chúa Giêsu không ghét việc ăn chay mà còn khích lệ các môn đệ phải ăn chay để trừ quỷ nữa, và chính Ngài cũng đã ăn chay, hoàn toàn không ăn, không uống suốt 40 đêm ngày (Lc 4:2). Tuy nhiên, vì thấy các người Pharisiêô căn cứ vào đó mà kể mình là người công chính, đạo đức, thì Chúa Giêsu mới nói cho họ biết: Việc ăn chay, tự nó không làm cho con người trở nên Công Chính, nhưng quan trọng là nội tâm tốt lành mới làm đẹp lòng Thiên Chúa, Ngài nói: “Các người phù rể có ăn chay khi tân lang còn ở với họ không?... Nhưng khi tân lang bị đem đi, bấy giờ họ mới ăn chay” (Mc 2:19+20)... Chúa Giêsu là Tân Lang của Nước Trời, khi Ngài còn tại thế, thì các môn đệ có lý do để hoan hỉ, để chung vui vì Đấng Thiên Sai đến cứu thóat muôn dân đang hiện diện giữa họ. Khi có sự hiện diện linh Thánh của Đấng muôn dân ngóng trông, ai lại rầu rĩ, khóc lóc và ăn chay? Còn khi tân lang bị đem đi: đó là khi Ngài chịu khổ nạn chịu chết, thì các con Ngài mới ăn chay. Chúa Giêsu đến để thiết-lập một Giao-Ước Mới giữa Thiên Chúa và loài người, Ngài thiết lập Nghi-Lễ Mới và cách thờ phượng Thiên Chúa Mới Mẻ mà cốt yếu tự tâm hồn, khác xa những nghi lễ trong Cựu Ước như lời Chúa Giêsu phán: “Từ nay những ai thờ phượng Thiên Chúa phải thờ phượng trong tinh thần và chân-lý” (Gioan). Nói cách khác: Thiên Chúa yêu thích những việc đạo đức Thánh Thiện của những ai thành tâm, thiện chí, những việc thờ kính phát xuất từ nội tâm, chứ không chỉ có bề ngoài cố ý để được khen tặng hay để được đánh giá là đạo đức.
Về vấn đề sống đạo, Chúa Giêsu không câu nệ hình thức khác hẳn với những người Pharisiêô, họ giữ và dạy người khác tuân hành cặn kẽ những gì bề ngoài như: Việc rửa tay trước khi ăn, hoặc giữ chay... mà không để ý tới việc thờ kính Thiên Chúa từ nội tâm. Như thế, giữa Chúa Giêsu và những người Pharisiêô là hai thái-cực, không thể đi chung với nhau được!... Để nói lên ý nghĩ ấy, Chúa Giêsu lấy hai hình ảnh tương phản: Bầu rượu cũ và áo cũ ám chỉ cách sống của những người Pharisiêô và vải mới và bầu da mới là giáo thuyết mới của Chúa... Ngày xưa, người ta đựng rượu trong bầu da được làm bằng da cừu, nếu rượu mới mà để trong bầu da cũ, thì khi rượu lên men, bầu da cũ sẽ không thể chịu được sức mạnh của men rượu mới sẽ phá tung bình da cũ, làm hư cả bình và rượu!... Cũng thế, áo đã cũ, không thể vá bằng vải mới, nếu không, khi giặt, “miếng vải mới sẽ kéo áo cũ, làm cho chỗ rách càng tệ hại hơn” (Mc 2:21).
Qua thí dụ ấy, Chúa Giêsu muốn nói rằng: Những kiểu cách sống đạo hình thức không còn phù-hợp với Giáo Lý Mới mà chính Chúa từ trời xuống giảng cho muôn dân nữa! Những việc đạo đức bên ngoài như ăn chay, làm phúc, bố thí... rất tốt, nhưng cần phát-xuất từ tâm hồn, nếu không, thì vô ích trước mắt Thiên Chúa!
nguồn: http://chanthienmy.org
|
|