|
Phiếm bàn về âm nhạc giới trẻ.
Những món ăn ngon biết mấy ăn nhiều rồi cũng no và chán!
Điều gì quan trọng đến đâu mà lập đi lập lại nhiều cũng hóa ra nhàm!
Nhưng tôi thấy rằng tranh luận về những vấn đề Giáo Lý Đức Tin không bao giờ chán và nhàm, bởi vì nếu ví von, phải ví như không khí cần thiết cho sự sống, dư thừa thì không sao chứ thiếu không khí cho nhu cầu hô hấp là điều không thể.
Tuy nhiên bây giờ tạm ngưng một khoảng nào đó, bởi vì không phải hết đề tài, nhưng bởi vì từ trước đến giờ không bàn luận về Nhạc, sẽ là một thiếu sót rất lớn khi tham gia một diễn đàn âm nhạc ,dù cho thuần túy là Thánh Nhạc.
Hơn nữa ,chúng ta, nhất là giới trẻ hiện nay gần như không ai mà không nghe nhạc, cho nên bàn luận về âm nhạc cũng là chuyện rất cần thiết. Không những người lớn tuổi ,mà nay cả giới trẻ bây giờ cũng nên nghe Thánh Ca thường trực như nhạc đời, tại sao lại không nên nhỉ? Thánh Augustino rất kinh nghiệm khi ngài nói rằng:”hát là hai lần cầu nguyện”. Bởi vì khi hát Thánh ca, chúng ta rất dễ nâng lòng trí lên cùng đấng Tối Cao, hướng về Chân Thiện Mỹ.
Không ít lần trong đời, tôi từng chứng kiến sự đau khổ tâm hồn của mình, nhất là của người khác . Tự nhiên tôi vô cùng xúc động khi nhớ đến những câu hát:
”Xin Mẹ nghe tiếng con khấn cầu những khi âu sầu, đau đớn
“Xin Mẹ xuống ơn làm phúc cho hồn con , yên vui tháng ngày, giữa nơi lưu đầy…”
“Chúa là đấng, Từ bi Nhân ái, không chấp nhất mà chỉ có xót thương…
Ngẫm nghĩ về sự phó dâng cho Thiên Chúa tôi cảm thấy tâm hồn mình gởi trọn theo câu thánh ca:
“ Xin dâng lên dâng trọn cuộc đời, với bao yêu thương đầy vơi…
Tôi nghe thấy có nhiều người cắt nghĩa về sự cầu nguyện, rồi khuyên rằng khi cầu nguyện, không phải chúng ta cứ nói để Chúa nghe, mà hãy im lặng để lắng nghe Chúa nói…
Xin thú thực rằng tôi rất chậm hiểu đối với những câu nói xa xôi chung chung như thế, nên không thể tưởng tượng rằng mình sẽ nghe thấy tiếng Chúa nói trong tâm hồn! Bởi vì tôi rất sợ những suy tư, những ý nghĩ trong lúc tĩnh tâm chưa được mang ra để Imprimatur, mà cứ được đổ riệt là Chúa phán bảo, hay Thánh Linh linh ứng cho từng người!
Chính vì thế cho nên tôi nhận thấy rằng nghe Thánh ca, cũng có thể là lắng nghe lời Chúa chẳng khác nào ta nghe Kinh Thánh vậy. Hơn nữa cái thời a còng này chúng ta quá sung sướng mà không để ý rằng chúng ta có thể dùng của cải của thế gian để mua lấy nước Trời. Nếu như chúng ta nạp vào điện thoại của chúng ta đầy ắp nhưng bản nhạc Thánh ca mà chúng ta ưa thích, rồi nghe , thế thì rõ ràng chúng ta đang lắng nghe Chúa nói, chúng ta đang cầu nguyện đấy!
Sẽ có người cho rằng nhạc Thánh thường thiên về sự du dương êm dịu, không kích động như nhạc trẻ ngoài đời cho nên cũng kém mầu sắc! Có thể đây cũng là một nhận xét có phần đúng, nhưng không phải hoàn toàn như thế, bởi vì đã từng có không ít những nhạc sĩ Công Giáo đã sáng tác những bản Thánh ca với những giai điệu sôi động và được hòa âm phối khí bởi một dàn nhạc trẻ, khiến cho tâm hồn người nghe cảm nhận được một sự nhiệt tình sôi nổi trong tình yêu Thiên Chúa.
Tôi nhớ trong cuốn sách của bà Simma có đoạn cho rằng chỉ nên dùng đàn phong cầm dương cầm để giúp trong việc phụng vụ là nên, còn ngoài ra các nhạc cụ sôi động như đàn ghi ta điện, trống… nếu dùng là:”lạm dụng trong phụng vụ thánh”!
Bố của tôi trước năm 1975 đã từng học trong trường dòng Salesian Donbosco Gò vấp có kể rằng hồi ông học lớp 6 (1972) đã từng được tham dự rất nhiều thánh lễ sôi động với những bài thánh ca do các nhạc sĩ sư huynh sáng tác, và được đệm và phối âm bởi dàn nhạc trẻ. Tôi còn nhớ bài :”Tôi đi tìm “ của nhạc sĩ Lê Chánh sdb, mà bố tôi đã dạy, cũng như một số bài thánh ca hoàn toàn được đệm bởi dàn nhạc trẻ. Nhớ từ khi tôi còn đang học cấp ba, trong những thánh lễ Phục sinh, chỉ cần một bài hát Alleluia được hòa âm phối khí cùng dàn nhạc trẻ của ca đoàn, tôi thấy hình như niềm vui Phục sinh bừng nở một cách mãnh liệt và chan hòa khắp mọi nơi…
Đúng là có rất nhiều cách để ca tụng Thiên Chúa, cầu nguyện cùng Người cho dù ngay thời đại CNTT bây giờ!
Nhân tiện đang nói về âm nhạc, nhất là Thánh nhạc, chắc cũng là cần thiết khi nói về trang web TCVN, bao gồm cả diễn đàn TCVN. Tôi sẽ không dám nói gì nhiều hơn những điều mình biết và cảm nhận. Nhưng xin nói cùng mọi người rằng trước đây Việt nam chỉ có trang web chuyên về Thánh nhạc là khuccamta.net. Trang TCVN do chú DonRac sáng lập tiếp theo…Trong một bài viết gần đây chú DonRac có nói rằng để: “… duy trì và phát triển Website tầm cỡ như TCVN không phải đơn giản, nếu không có Đức Mến, chắc chắn BQT-TCVN không thể thực hiện được.”
Đúng là phải có một đức mến rất mạnh, bởi vì mấy trang web nổi tiếng ở ngoài xã hội, các mod, smod còn có lương bổng chứ chưa nói đến admin. Trong khi đó một trang web như TCVN từ BQT cho đến các thành viên chỉ có chi mà không thu, chỉ có cho nhưng không mà chẳng được nhận lãnh thù lao huê lợi từ một nguồn thu nào. Tôi cũng từng nghe admin thiennhan bên trang thanhnhac.net nói rằng không những ăn cơm nhà đi vác ngà voi cho giáo dân, mà nhiều khi các admin phải lấy của Tư làm của Công, lấy của mình làm của chung cho thiên hạ! Việc này không những đã cần một đức Mến khá cao, mà nếu không có bàn tay Thiên Chúa quan phòng thì xin hỏi mân ni ở đâu để BQT nuôi dưỡng trang web này?
Chính vì thế tôi xin mọi người chúng ta đừng nên đề nghị diễn đàn TCVN này chỉ được nói những điều theo cái khuôn, hay sự xếp đặt của mình! Nhất là cứ muốn biến trang TCVN cũng phải giống như tiêu chí, mục đích, hay ni mẫu phải giống như mấy cái trang web ngoài đời như Facebook chẳng hạn!
Khi tham gia vào trang TCVN này, tôi không thể viết nhạc, làm các album thánh ca, hay làm ca trưởng, ca đoàn viên một ca đoàn nào đó. Những thứ ấy tôi không có tài sức! Cái mục đích tối hậu của TCVN cũng là giúp con người ta nâng hồn lên tới Chúa , tìm về Chân Thiện Mỹ, thế thì phải chăng sự đóng góp của tôi sẽ không sai lạc khi tôi tìm hiểu ,học hỏi , và bênh vực đức Tin?
Về vấn đề Thánh ca, phải chăng sẽ không ai trách cứ khi tôi chỉ biết vào trang web, tìm và download nhạc mà không phải trả bất cứ một đồng xu nào?
Có lẽ những dòng ý tưởng nhỏ bé kia đã thay cho lời kết việc nói về Thánh nhạc, và như đầu đề, tôi xin phép nói qua âm nhạc ngoài đời, nhất là của giới trẻ bây giờ.
Người ta bảo:”Ở bầu tròn, ở ống thì dài…”
Tôi cũng không dám chối cãi là vì được kế thừa một truyền thống, một sở thích âm nhạc từ bố của tôi, một tay chơi ghi ta tài tử, nên tôi rất dị ứng với cái âm nhạc được cho là của tuổi teen bây giờ. Nhưng tôi vẫn cương quyết nghĩ rằng nếu tôi sinh ra , hoặc được lớn lên trong môi trường toàn những sở thích về cái âm nhạc tuổi teen bây giờ, sớm muộn tôi cũng từ bỏ và cải môn phái, cải lập trường!
Chẳng hạn như tôi không sinh ra và lớn lên trong môi trường nhạc cổ điển, nhạc giao hưởng, thậm chí trước đây người ta cho rằng có sự đối lập giữa phong trào nhạc cổ điển ,giao hưởng và nhạc trẻ (beat music). Vậy mà đối với tôi ,những bản nhạc giao hưởng, nhạc cổ điển nổi tiếng như Giòng sông xanh , những bản nhạc của Mozart, Beetthoven, …hay những bản nhạc của nhạc sĩ trứ danh Yani vẫn gây cho tôi những cảm xúc tuyệt vời.
Một bản nhạc tạo được sự yêu thích trong lòng người nghe nhiều khi chưa cần đến những lời bài hát có ý nghĩa hay không, nhưng chỉ cần nghe tiết tấu, giai điệu ấy dạt dào cảm xúc, là người ta đã mê tít hay chê chối rồi! Xin thí dụ như bài:”Niềm thương nhớ” mà ca sĩ Ngọc lan hay biểu diễn, nguyên tác nó một bản nhạc trữ tình của Nga. Không cần đến những lời Việt của bài hát nói lên một tâm trạng thê lương buồn bã của một phụ nữ khi xa vắng người yêu, đồng thời cũng hàm ý trách móc người yêu không biết quý trọng mối tình cảm chân thật ấy….nhưng chỉ nghe những giai điệu không lời, bài hát này đã đi vào lịch sử.
Bản nhạc Careless Whisper của ban nhạc Wham ở Anh quốc đâu cần phải hiểu những lời của bài hát, nhưng chỉ cần nghe những giai điệu trữ tình của bài hát này, người nghe khắp năm châu đều dạt dào cảm xúc…
Bản The Cup of Life do ca sĩ Ricky Martin là một bản nhạc của World Cup France 1998. Đâu phải ai cũng hiểu lời tiếng Pháp, Tây ban Nha của bài hát này! Nhưng có lẽ đến nay chưa bài hát nào diễn tả về niềm say mê, sự cổ động bóng đá bằng bản nhạc này.Ngay tại Việt Nam, một quốc gia có lòng say mê bóng đá thuộc hàng có hạng trên thế giới tuy đẳng cấp thuộc vùng trũng của khu vực, các fan hâm mộ đã lấy bài hát làm thánh vịnh cho môn túc cầu giáo.
Còn tiếp...
Các chủ đề cùng thể loại mới nhất:
|
|