|
Từ xấu xa ghê gớm biến thành đẹp đẽ huy hoàng.
Nếu bây giờ có ai hỏi có mấy mầu nhiệm chính trong đạo, tôi vẫn nhớ có ba mầu nhiệm chính, đó là:
___ Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.
___ Mầu Nhiệm Thiên Chúa Nhập Thể làm người.
___ Mầu Nhiệm Ngôi Hai Cứu Chuộc.
Chính vì thế cho nên cái tựa đề “Mầu nhiệm xin vâng” này không có ý nói đến một mầu nhiệm nào khác, mà chỉ muốn nói đến sự Xin Vâng, một yếu tố quan trọng bậc nhất trong công nghiệp Cứu Chuộc của Ngôi Hai Thiên Chúa.
Đúng là tôi múa rìu qua mắt thợ khi lẽ ra phận sự này thuộc về những nhà thần học, những bề trên… chứ một thằng như tôi chưa hề qua một khóa thần học nào, mà Canh tân đặc sủng cũng như Linh thao gì gì đó đều chỉ nghe phong thanh , thậm chí không thiện cảm….Tuy vậy, tôi cho rằng sự tìm hiểu về Chân Thiện Mỹ, bảo vệ Đức Tin Công Giáo đều là bổn phận và nhiệm vụ của một Ki Tô hữu, do đó tôi muốn mở topic này để chúng ta có thể suy gẫm sâu xa hơn về mầu nhiệm Cứu Chuộc.
Bà nội tôi đã mất, mà cho dù bây giờ bà vẫn còn sống, tôi cũng sẽ không bị chửi mắng là :” tsb cái thằng suy sự Đức Chúa Lời…” bởi vì chắc chắn một điều là bà nội tôi không biết và cũng không thèm biết như thế nào là internet! Nhưng như thế chưa phải là lúc chấm dứt mọi sự phản đối, mà trái lại có thể là lúc khởi đầu, bởi vì những ý tưởng tôi nêu ra trong đề tài này, có thể sẽ gặp rất nhiều sự không đồng tình thậm chí là phản đối rất mạnh của nhiều người. Tôi không hề lo sợ gì về những tiên liệu trên, ngược lại, tôi rất tha thiết mong mỏi tất cả mọi người nếu thấy tôi viết những điều gì sai trái với Chân Lý, với Giáo lý Tín Lý, cứ việc phang thẳng cánh, đánh tơi bời! Cái đích của tôi là muốn cao rao và tôn vinh Chân Lý chứ không hề muốn tìm dăm ba lời cảm ơn, dăm ba ý kiến ủng hộ trên diễn đàn TCVN mà thực ra nó hiếm hoi như nước trên sao Hỏa!
Tôi cũng nhớ định nghĩa về từ Mầu nhiệm, đó là:” Mầu nhiệm nghĩa là những điều cao siêu huyền diệu của Chân Lý, mà Đức Chúa Trời vì lòng thương yêu loài người đã bày tỏ ra cho chúng ta biết, cho dù trí khôn của chúng ta chưa hiểu thấu được".
Tôi không hề quên chuyện thánh Augustino cố gắng tìm hiểu về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, và đã bị thiên thần cảnh báo rằng chuyện ấy giống như đòi gom hết nước biển vào một cái chén nhỏ. Bà nội của tôi và rất nhiều bậc cha bác luôn luôn dùng câu chuyện trên để răn đe khi mà có một đứa trẻ nào dám suy sự Đức Chúa Lời.
Thật sự ra, tôi chẳng bao giờ muốn thắc mắc hay băn khoăn về việc tại sao Ba Ngôi Thiên Chúa tuy ba mà một, tuy một mà ba cả! Bởi vì tôi nhận thấy rất rõ rằng: việc tìm hiểu ấy không cần thiết cho niềm tin Ki Tô hữu của tôi, cho đức Mến Đức Cậy của tôi. Sự không cần biết, hoặc chẳng cần tìm hiểu cho ra ngọn ngành về Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi không phải là một sự lười biếng hay thiếu sót đối với vị Chúa tể sáng tạo ra loài người và vũ trụ. Bởi vì sự không cần , không biết ấy không hề làm giảm sút lòng Tin Cậy Mến vào Chân Lý, trái lại còn giúp cho loài người chúng ta tăng thêm lòng khiêm nhường khi nhìn nhận ra con mắt yếu đuối, thân phận kém cỏi, trí khôn hữu hạn của thụ tạo trước một Thiên Chúa Chân Thiện Mỹ. Hơn thế nữa, sự không cần, không muốn biết này cứ cho như là một khiếm khuyết nào đó, thì vẫn còn hơn chán vạn những gì được bọc một lớp vỏ là tìm tòi suy gẫm về mầu nhiệm, nhưng chẳng giúp ích gì cho con người ta, nhất là giới trẻ tiến gần hơn đến Chân Lý!
Tôi cũng từng thấy một số sách vở thần học nói, và bàn luận về Thiên Chúa Ba Ngôi. Nhưng xin thú thật là tôi không đọc và không thèm đọc bởi vì tôi cả quyết rằng những sách vở ấy chẳng thể nào giúp cho con người ta hiểu thêm được một điều gì khác ngoài những điều đơn giản mà Chúa Giê su, cũng như Giáo Hội đã từng chỉ dạy! Chưa hết, nếu vô phúc mà để cho một ít mầm mống kiêu ngạo của tội tổ tông bừng tỉnh giấc, thì kết quả thật đáng buồn! Bởi vì đã có không ít những giáo sư lừng danh về thần học triết học, sau một thời gian nghiên cứu và suy gẫm, lại quay ra chống đối Giáo Hội, phủ nhận một số điều căn bản của Đức Tin. Điển hình như một số hồng y giám mục trong lịch sử Giáo Hội, như Luther , hay gần đây nhất là linh mục Hanskung bác bỏ tín điều bất khả ngộ cũng như một số điều về thiên tính của Chúa Giê Su khiến cho vị thánh giáo hoàng tương lai là Đức Gioan Phao Lo II phải cách chức ông!
Chắc đến đây, nếu may mắn có một người lưu tâm về những gì tôi vừa viết ở trên, có thể sẽ bật ra câu hỏi:
___ Nếu cho rằng không cần thiết để suy tư , tìm hiểu ngọn nguồn về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, thế thì có cần và có nên không khi đòi suy tư tìm hiểu về mầu nhiệm Cứu chuộc?
He he! Nếu may mắn mà có được một câu tra vấn như thế, tôi xin trả lời rằng:
___ Có lẽ chẳng cần tìm hiểu sâu về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi làm gì! Bởi vì những chỉ bảo dạy dỗ về Chúa Ba Ngôi của Giáo Hội như thế đã quá đủ cho Ki Tô hữu tiến bước vững chắc trong đức Tin Cậy Mến. Nhưng về mầu nhiệm Cứu Chuộc, thì rất nên tìm hiểu và suy gẫm, bởi vì không ít người Công Giáo chúng ta, nhất là giới trẻ do sự không hiểu đúng, hay hiểu không đến nơi đến chốn về ơn Cứu Chuộc, cho nên không những không đáp trả được những luận điệu nghi ngờ oán trách Thiên Chúa, mà chính bản thân họ còn hoang mang nghi ngờ nhiều điều thuộc về Chân Lý.
Lẽ ra , muốn bàn luận tìm hiểu về sự Cứu Chuộc của Ngôi Lời Nhập Thể, thì trước tiên tôi phải nêu vấn đề thường gây thắc mắc cho nhiều người trẻ, đó là:
___ Nếu quân dữ, rồi Giuda không nộp Chúa, không giết Chúa, thế thì Kinh Thánh không ứng nghiệm,và ơn Cứu Chuộc loài người sẽ có từ nơi đâu?
Nhưng tôi xin không trả lời ngay bây giờ, bởi vì trong đề tài :”Giáo lý dễ hiểu, mầu nhiệm dễ thông”đã bàn luận ra môn ra khoai về vấn đề này rồi. Hơn nữa, câu trả lời đã được chính Đức Mẹ nói cho nữ tu Maria Argenda , và ngài đã thuật lại trong cuốn sách do Thiên Chúa viết , tức cuốn Thần Đô Huyền Nhiệm ở ngay những chương đầu sách.
Do đó, tôi xin triển khai đề tài Mầu nhiệm Xin Vâng này với một suy gẫm rằng Thiên Chúa đã từng dùng sự dữ để rút ra sự lành khi mà A Dong E Và phạm tội, thế thì có khi nào chúng ta để ý rằng Thiên Chúa cũng lại dùng một sự xấu xa để rồi biến nó thành một sự đẹp đẽ rực rỡ huy hoàng hay không?
Xin một số người nào đó hãy khoan nổi giận khi tôi nói rằng sự xấu xa ở đây chính là cây Thập giá. Bởi vì trước khi xảy ra cuộc khổ nạn của Chúa Giê su, tức cách đây hơn 2000 năm, hình phạt đóng đinh tử tội trên thập giá là một hình phạt ghê rợn nhất, nhục nhã nhất , đau đớn nhất… để dành cho những kẻ tội cực nặng. Nếu ai là công dân La Mã thì không phải chịu hình phạt trên, bằng chứng là thánh Phao lo tông đồ chỉ bị chém đầu, trong khi thánh Phê rô không có quốc tịch Ro ma, thì phải chịu hình phạt thập giá, và ngài đã xin đóng đanh ngược.
Hồi còn nhỏ, tôi đã được các bà sơ dạy Giáo lý giảng thuyết tỉ mỉ về sự đau đớn kinh khủng của một tội nhân khi bị đóng đinh trên thập giá. Lớn lên tôi cũng đọc được một số mẩu truyện có diễn tả lại không những tử tội nam phải chịu hình phạt thập giá này, mà tội nhân nữ cũng chẳng được miễn xá, nhất là khi những tên vua quan ra lệnh hành hình ấy có tính dâm dục xen lẫn ác ôn. Giống như bây giờ con người ta thích xem những thân thể trần truồng cho thỏa mãn dục vọng của mình, rồi tự tô vẽ, bao bọc cho nó một cái vỏ là “nghệ thuật”, thế thì hồi đế chế Roma đang cường thịnh cái được phong là nghệ thuật này cũng chẳng chịu kém! Việc nhìn một tội nhân nam đang giãy giụa đau đớn rồi từ từ mà chết trên một cây thập giá có thể đã giúp cho các vua quan binh lính đang thi hành án thỏa mãn sự cuồng sát hiếu chiến cũng nảy nở những ý thơ văn tuyệt diệu ở một mức độ cao ngất trời mây! Huống chi sự phấn kích, sự hào hứng cao độ này sẽ được nhân lên gấp mấy lần khi một tấm thân vệ nữ đang bị treo lên cao làm cái đích cho nhiều người chiêm ngắm?
Anh bạn thenguyen trước đây có cho biết rằng theo một tài liệu sử nào đó, thì người La Mã thường bắt các tử tội chết khỏa thân trên thập giá. Và gần hai ngàn năm qua, đại đa số người Công Giáo vẫn tin rằng Chúa Giê su cũng phải chịu một sự sỉ nhục như vậy, nhất là khi các quân dữ không từ bỏ một thủ đoạn nào để có thể làm cho Chúa phải chịu đau đớn ê chề từ thể xác đến tâm hồn. Nhưng sau khi đọc qua cuốn sách Thần Đô Huyền Nhiệm, điều làm tôi ngạc nhiên không phải là chuyện Đức Mẹ đã kể lại một cách rất tỉ mỉ và chi tiết rằng Chúa Giê su không hề bị chết khỏa thân hoàn toàn trên thập giá, mặc dù quân dữ cố hết sức lột hết mọi y phục của Chúa. Bởi vì một điều quá đơn giản là Thiên Chúa Cha không cho phép chúng làm như vậy! Cái điều tôi ngạc nhiên và lạ lùng, đó là hầu như rất ít bậc bề trên rao truyền sách Thần Đô Huyền Nhiệm này! Và có nhiều vị còn rao giảng, hoặc viết những cuốn sách có nội dung như muốn ngược lại những gì mà Mẹ Maria đã kể! Thậm chí một vài cuốn sách do một vài linh mục viết phóng tác về cuộc đời của Chúa Giê Su, mẹ Maria , thánh Giuse tôi không thèm đọc và phải nghiến răng cố dằn môi dằn miệng dằn bàn tay… bởi vì các vị này đã tầm thường hóa, hạ thấp những gì tuyệt diệu của ba đấng Thánh mà sách Thần Đô Huyền Nhiệm đã dày công diễn tả!
Có thể tóm tắt lại, Thập giá là một hình phạt tàn khốc và ghê gớm thời đế chế La mã xưa kia. Không dám nói rằng so với hình phạt bá đao của Á Đông cái nào hơn cái nào kém, nhưng nếu đứng ở góc độ danh dự ,sĩ diện…thì hình phạt Thập Giá làm cho nạn nhân đau đớn cả tâm hồn lẫn thể xác.
Một khi Thập giá đã là một sự tàn ác đã man như thế, nhất là khi dùng hình phạt này để hành hình những nạn nhân oan sai và vô tội, thế thì Thập giá chỉ có thể là con đẻ của sự hận thù, sự tàn ác… cũng như là một phát minh của sự dữ mà thôi.
Xin những ai nóng tính hãy tạm tha để tôi được trình bày chi tiết, bởi vì mới hôm thứ sáu tuần thánh tôi rất đồng tâm hiệp ý với cộng đồng giáo xứ hát rất to câu thánh ca sau:
___ “ Thập giá phát minh của thượng trí cao vời , ôi hỡi Thập giá Chúa Giê su…”
Tất cả những đoạn trên, tôi vừa nhấn mạnh rằng Thập giá là rất xấu xa, thế thì liệu tôi có lộng ngôn phạm thượng, liệu tôi có mâu thuẫn hay không khi mà vừa đồng tâm nhất trí tung hô Thập giá phát minh của thượng trí cao vời, rồi bây giờ lại viết rằng: thập giá là một con đẻ của sự hận thù, sự tàn ác… cũng như là một phát minh của sự dữ mà thôi ?
Tất nhiên là không hề có gì mâu thuẫn, và cũng chẳng hề lộng ngôn phạm thượng, bởi vì Thiên Chúa ngoài tình yêu thương vô bờ bến không một ai có thể sánh bằng, Người còn là một vị thần cao cả đầy quyền năng và phép thuật. Cho nên một vũ trụ tuyệt vời, một Thiên đường trần gian mà Người đã công phu sáng tạo, đã bị ông bà Adong E và bấm vào nút hủy diệt, vậy mà Thiên Chúa lại dùng sự dữ rút ra sự lành đến nỗi trong đêm thánh Phục sinh tối qua,Giáo Hội một lần nữa trong năm đã reo mừng:”Ôi tội hồng phúc”. Thế thì vấn đề cây Thập Giá cũng chẳng khác gì mà cũng tương tự như vậy thôi! Có nghĩa là Thập giá khởi thủy của nó là một thứ xấu xa tàn ác ghê gớm, thế mà Thiên Chúa lại biến nó thành một phát minh của thượng trí cao vời. Khởi thủy là một xấu xa, mà biến thành đẹp đẽ rực rỡ huy hoàng không gì sánh bằng.
Đến đây chắc có người sẽ nói:”Ôi giời! Tưởng gì chứ chuyện này ai mà chẳng biết…”!
Tôi xin nói lại rằng rất nhiều người sẽ không biết chuyện này, nhưng không dám hỏi, dám bàn luận vì sợ :”suy sự Đức Chúa Trời”. Cũng như những người thường tự hào là mình biết, mình rành Giáo Lý, nhưng nhiều khi sự hiểu biết này rất lơ mơ, cho nên khi gặp thế lực chống đối đạo vặn hỏi bắt bẻ, thì chỉ biết tự hào tự phụ im lặng mới là có tình yêu mến mến yêu. Cũng như vô tình cố tình thiếu sót bổn phận của một Ki Tô hữu khi mà chỉ biết lặp đi lặp lại một cách máy móc và chung chung là :”Chúa yêu chúng ta đến nỗi chết trên thập giá..” , rồi cứ tưởng như thế là đã hết sức rao giảng Tin Mừng, cứ tưởng là đã hết tâm hết sức khai sáng cho những đầu óc đang chất chứa sự hoài nghi và hoang mang!
Tôi xin nhắc lại rằng thập giá khởi thủy của nó là một sự xấu xa tàn ác, nhưng đạo Công Giáo của chúng ta suy tôn Thánh Giá, ca ngợi Thập giá đã mang lại hạnh phúc và ơn cứu độ cho loài người không phải là chúng ta ca ngợi hình tượng , gỗ đá , nhưng chúng ta ca ngợi tình thương yêu và quyền năng cũng như công nghiệp cực trọng của Ngôi Hai Thiên Chúa khi Người xin vâng Thánh Ý Chúa Cha, mà để mặc cho bọn quân dữ hành hình, đóng đinh Người trên Thập giá.
Muốn suy gẫm về mầu nhiệm Cứu Chuộc, sự Xin Vâng của Ngôi Hai mang lại công nghiệp vĩ đại và cao trọng như thế nào, thì không thể quên một câu đầu của Kinh Tin Kính, đó là:” Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình…”
Còn tiếp
Các chủ đề cùng thể loại mới nhất:
|
|