Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa


“Ai Không Yêu Thương Thì Không Biết Thiên Chúa, Vì Thiên Chúa Là Tình Yêu.”[1]
Lm FX Nguyễn Văn Nhứt
1. Ba cấp độ của tình yêu
Trong Thông Điệp đầu tay mang tựa “Thiên Chúa Là Tình Yêu”, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI phân biệt 3 cấp độ của tình yêu dựa trên 3 từ Hy Lạp:[2]
1.1. Eros: tình yêu nhục thể
Được biểu lộ nơi tình yêu nam nữ, trong tương quan vợ chồng. Anh Ngữ có tĩnh từ “erotic” để chỉ những gì có liên quan đến tính dục.
1.2. Philia: tình yêu lý tưởng
Tình yêu bạn bè, tình yêu nghệ thuật, tình yêu quê hương đất nước. Từ “philosophia” (philosophy) gồm 2 ngữ tố “philia” nghĩa là “tình yêu” và “sophia” nghĩa là “khôn ngoan”: triết lý là tình yêu dành cho đức khôn ngoan.
1.3. Agape: tình yêu siêu thoát
Tình yêu vượt qua chẳng những giới hạn của khác biệt giới tính, văn hóa, xã hội, tôn giáo, do con người quy định, mà còn vươn tới Thiên Chúa.
Trong khi thế giới ngoại tục mơ hồ với khái niệm “tình yêu”, “ái tình” (love, amour), Hội Thánh dựa trên Mạc Khải Lời Chúa chọn “bác ái” (agape= caritas, charité, charity) như là Bản Tính Thiên Chúa[3] và là nhân đức đối thần vĩ đại nhứt của Ki-tô Giáo.[4]
Bác ái trở thành lý tưởng và nếp sống của Ki-tô Giáo: mến Chúa và yêu người.[5]
2. Nguồn gốc và quy luật của tình yêu
Thánh Tông Đồ Gio-an chỉ rõ: Thiên Chúa chính là nguồn gốc của Tình Yêu.[6] Thánh Kinh xác nhận Thiên Chúa sáng tạo con người giống hình ảnh của Người.[7] Yếu tố giúp vừa khẳng định vị trí thượng đẳng của con người trong vũ trụ càn khôn, vừa chứng nhận mối tương quan thuộc về bản tính giữa Tạo Hóa và thụ tạo loài người chính là tình yêu: con người là sinh vật có khả năng biết yêu thương và đón nhận tình yêu của tha nhân.
3. Những hình thức xâm phạm tình yêu
Hội Thánh không sợ nói thật, dầu cho “Lời thật mất lòng”, bởi vì sau cùng chỉ có “Chân lý giải thoát chúng con.”[8] Chân lý đó là: tình yêu đã bị tội lỗi làm hư hoại nặng nề, khiến tình yêu trở nên dị dạng, khó lòng có thể nhận ra dung mạo một thời cao quý.[9]
Từ một tình yêu bị tổn thương đó, sinh ra các hệ lụy sau:
3.1. Tình yêu mù quáng
“Trái tim lớn hơn cái đầu”, lạm dụng danh nghĩa tình yêu làm những điều chống lại lý trí, coi thường lương tri, chà đạp đạo lý.
3.2. Tình yêu vị kỷ/phe nhóm/loại trừ
Chỉ yêu chính mình, phe nhóm mình, loại trừ những ai không chia sẻ cùng quyền lợi với mình. Chủ nghĩa ái quốc quá khích, các tinh thần dân tộc cực đoan, tôn giáo cuồng tín đều có gốc rễ từ hình thức tình yêu lệnh lạc nầy.
3.3. Giản lược tình yêu vào chủ đích vật dục
Love/tình yêu từ một hành vi nhân linh (actus humanus/human act/ act humain) bị giản lược thành sexuality/sexualité/giới tính/tính dục, theo hướng một hành vi bản năng/thú tính=sex.
Hai đối tác trong một quan hệ tính dục suy thoái như vậy không còn là một nhân vị, có nhân phẩm, nhân quyền, mà chỉ còn là đồ vật/công cụ (something).
3.4. Bạo lực tư tưởng/ngôn từ/ hành vi
Tham vọng thống trị, chiếm hữu, hạ nhục tha nhân để tự khẳng định, tôn mình lên được thể hiện trong quan niệm kỳ thị,[10] lời nói dè bỉu, mạt sát,[11] và hành vi khiêu khích, đàn áp, khủng bố.
4. Tình yêu được cứu sống
Chúa Ki-tô, Thiên Chúa Nhập Thể, trở thành Đấng Cứu Sống tình yêu, phục hồi tính trong sáng, thánh thiện của tình yêu, khi dạy con người biết như thế nào là yêu thương thật lòng: “Không tình yêu nào vĩ đại bằng tình yêu của người dám chết cho người mình yêu.[12] Chính Thiên Chúa đã yêu thương con người như vậy đó, bất chấp tội lỗi của con người.[13]
Tình yêu đã được cứu sống có sức mạnh vẫn cứ yêu khi bị phản bội, cứ tha thứ khi bị xúc phạm, không lấy ác báo ác, mà trái lại, lấy ơn đền oán, để sau cùng yêu thương, làm phước cho kể thù.[14]
Chỉ có tình yêu đã thấm nhuần Bác Ái Ki-tô Giáo, là ơn phước hàng đầu của Chúa Thánh Thần,[15] mới chắp cánh cho con người bay cao lên tận đỉnh tình thương Của Ki-tô:[16]
4.1. Yêu Người Như Mình Yêu Mình: đức độ của người quân tử “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”.[17]
4.2. Yêu Người như Người Yêu Người: đức độ của bậc anh hùng
4.3. Yêu Người Như Chúa Yêu Người: đức độ của Ki-tô hữu.[18]


[1] 1 Ga 4:8.

[2] Xin coi các số từ 3 đến 18.

[3][3] Xin coi 1 Ga 4:16

[4] Xin coi 1 Cr 13: 1-13.

[5] Xin coi Mc 12:29-31; Ga 13:34-35.

[6] Xin coi 1 Ga 4:7-5:4.

[7] Xin coi St 1:27.

[8] Ga 8:32.

[9] Xin coi Vui Mừng Và Hy Vọng, các số 13, 37

[10] Xin coi Gc 2:5-9.

[11] Xin coi Ep 4:29.

[12] Ga 15:13.

[13] Xin coi Ga 3:16; Rm 5:5-8.

[14] Xin coi Mt 5:43-44; Rm 12:14-21; 1 Pr 3:9.

[15] Xin coi Gl 5:22.

[16] Xin coi Giáo Huấn Xã Hội Của Hội Thánh, các số từ 204 đến 208.

[17] Xin coi Mt 7:12; Tb 4:15.

[18] Xin coi Ga 13:34.