|
Hình ảnh nhà thờ Giáo xứ Thị Nghè
Giáo xứ Thị Nghè
Maria Vũ Loan
Có lẽ khi đọc lược sử các giáo xứ thuộc Giáo phận Sàigòn thì thú vị nhất là quá trình hình thành và phát triển của Giáo xứ Thị Nghè, vì có nhiều chi tiết gắn với lịch sử vùng đất Sàigòn, song tiếc rằng chỉ có thể nói đến những điểm chính. Và hiện nay các nét riêng trong sinh hoạt tôn giáo của giáo xứ này cũng có nhiều điểm đáng chú ý.
Một lược sử độc đáo
Thị Nghè là một vùng đất cao được bao quanh bằng sông Sàigòn. Sông Thị Nghè bắt nguồn từ Bàu Cát, qua kênh Nhiêu Lộc rồi đổ ra Sông Sàigòn. Giữa con sông và vùng Cầu Sơn là mảnh đất sớm có dân cư và đường xá. Ngày xưa, đây là vùng vành đai bảo vệ khu trung tâm Sàigòn nên người dân ở đây là chứng nhân nhiều biến cố lịch sử và cũng là những người làm nên lịch sử trên mảnh đất này.
Gọi là Thị Nghè vì đây là danh xưng thân mật và quý trọng để gọi bà Nguyễn Thị Khánh, là con gái đầu của quan khâm sai Nguyễn Cửu Vân, có chồng là thư ký nên gọi là “bà Nghè”. Bà có công khẩn hoang, xây cầu nên dân gian gọi là cầu Bà Nghè, giữa thế kỷ XIX đổi thành Thị Nghè. Cây cầu đầu tiên do bà Nghè làm dài 9 trượng, xe ngựa có thể qua lại được. Chợ Thị Nghè khá lớn, trên bến dưới thuyền, có vai trò quan trọng trong sự phát triển địa phương trong thời gian dài khi hình thành điểm tụ cư.
Ngoài ra trên vùng đất này còn có một số cơ sở kinh tế, chính trị, văn hóa như miếu Văn Thánh, tịch điền(đất công) và đàn Xã tắc, Sở Bông, nhà làng Thạnh Mỹ Tây, đình Phú An, phủ Thiên Hoa, nhà dưỡng lão, hồ nước, nhà tù Phú Mỹ…
Dân cư ở đây đa số là người Kinh, một ít là người Hoa, Khơmer, Chăm theo Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Hồi giáo, thờ cúng tổ tiên và đất Thị Nghè cũng là nơi văn hóa được đề cao.
Bối cảnh truyền giáo
Giáo xứ hình thành từ những ngày đầu thành lập Địa phận Đàng Trong vì Thị Nghè là vùng đất có những đặc điểm thuận lợi về tự nhiên, chính trị, kinh tế, thích hợp cho lưu dân đến buôn bán, định cư lâu dài và sớm trở thành một điểm truyền giáo.
Năm 1790, vua Gia Long cất cho Đức cha Bá Đa Lộc một nơi ở yên tĩnh, gần rạch Thị Nghè, gọi là dinh Tân Xá và trở thành Tòa Giám mục từ năm 1790 đến 1830. Có thể nói, Thị Nghè là một điểm tụ cư gần trung tâm phát triển đạo Công giáo, ở cùng trên một địa bàn với Tòa Giám mục nên ánh sáng Tin Mừng đã chiếu soi trên mảnh đất “ven nội” này rất lâu đời. Những lưu dân theo đạo Công giáo là hạt nhân xây dựng cộng đoàn, cất nhà thờ, nhà nguyện, quy tụ nhau đọc kinh. Vì thế, có ý kiến cho rằng, Họ đạo Thị Nghè chính là một trong nhưng chiếc nôi đầu tiên của Giáo phận Tây Đàng Trong.
Năm 1799, ngôi nhà thờ đầu tiên được xây cất bằng cây ván thô sơ trên khu đất ba ngàn thước vuông, xung quanh toàn là ruộng, sình lầy nước đọng, nhà thưa người ít, giáo dân chừng vài chục người. Dưới triều đại vua Gia Long. Họ đạo Thị Nghè được phát triển nhưng đây cũng được coi là nơi tạm trú, lai vãng của cha cố và bổn đạo trong cơn bách hại ngặt nghèo đời vua Minh Mạng, Thiệu Trị vì giáo dân hết lòng che giấu hàng giáo phẩm, giáo xứ tránh khỏi sự bắt bớ của vua quan và Thị Nghè cũng là nơi lưu dấu chân của nhiều đấng Thánh Tử đạo.
Sự kiện thực dân Pháp đánh chiếm Thành Phụng năm 1859 là nỗi đau lớn của dân tộc. Sau hòa ước năm 1862, vua Tự Đức hạ chỉ ân xá cho tín đồ Thiên Chúa giáo. Giáo dân Thị Nghè vừa đau vì mất nước, vừa mừng vì thoát khỏi cơn cấm đạo quẫn bách. Thị Nghè là nơi đức giám mục chọn làm địa điểm tái lập chủng viện để đào tạo linh mục. Nhà trường La Tinh (chủng viện) ban đầu được dựng trong một nơi đất thấp, hay bị ngập sình, lại là nơi cọp hay lai vãng và ở gần đồn binh cưu.
Như vậy, từ thế kỷ XVIII, họ đạo Thị Nghè đã là một giáo điểm có những yếu tố cần của một giáo xứ được hình thành và tồn tại gần như đồng thời với quá trình xây dựng Phiên trấn (Sàigòn).
Còn về cơ sở vật chất của nhà thờ, sau nhiều lần thay đổi, vị trí nhà thờ của giáo xứ đã hình thành (1890) và sau đó được tôn tạo, khánh thành (1953) với hình dạng như hiện nay.
Như thế, qua nhiều biến cố thuận lợi và khó khăn, phải chăng việc gieo vãi Tin Mừng của đạo Công giáo, được thuận tiện hay gặp muôn vàn khó khăn, luôn nằm trong sự nhận định và tình cảm riêng của những người có trách nhiệm trên lãnh thổ qua từng thời kỳ lịch sự?
Một giáo xứ sống động trong sinh hoạt tôn giáo
Nếu có ai hỏi thăm cha sở Thị Nghè về tình hình giáo xứ thì cha không trả lời ngay được mà phải tìm những con số hiện trên giấy tờ.
Thực tế, những con số về nhân khẩu trong giáo xứ, tính từ đơn vị là giáo khu, thì ta biết được số giáo dân chuyển đến, chuyển đi, mới sinh, qua đời, hiện có rất rõ ràng với hơn 7.000 giáo dân. Đặc biệt, việc liệt kê thành phần xã hội làm cho người ta hiểu ngay dân cư trong giáo xứ thế nào: sản xuất kinh doanh, buôn bán, công nhân viên chức, nghề chuyên môn, nội trợ, gia đình khó khăn, thương binh liệt sĩ, người cao tuổi hay khuyết tật.
Trong vai trò là vị chủ chăn, cha xứ nắm rõ những thành phần giáo dân có hoàn cảnh đặc biệt (gia đình rối, rối phức tạp, đã trở lại, ly thân…) hay vướng vào tệ nạn xã hội (ma túy, mại dâm, cờ bạc, rượu chè, AIDS) là một công việc của sự quan tâm. Nếu con số 4 người đã ly dị hay 14 người vướng vào ma túy tại các giáo khu làm cho chúng ta buồn, thì các sinh hoạt rất đặc biệt tại giáo xứ làm mọi người thấy phấn khởi hơn, có thể mường tượng ra hình ảnh một khu rừng, chỉ có 54 cây héo úa, sâu mọt làm ngã đổ thì hằng ngày dưới ánh nắng, nguồn nước, chất bổ của đất làm cho các cây được tươi tốt và nhiều mầm xanh đang nhú lên với nhiều hy vọng.
Với 6 giáo khu, 12 đoàn thể (thuộc nhóm cầu nguyện và nhóm đoàn thể trẻ) 7 ca đoàn, 1 nhóm bác ái, 8 đơn vị Senior và Junior của Legio Mariae thì có thể thấy giáo dân đã tham gia các sinh hoạt của giáo xứ với một lực lượng rất hùng hậu. Đây là một lợi thế mà cha chánh xứ có thể phát triển các công việc về Phụng Vụ và xã hội như nhiều giáo xứ khác đang làm mà còn làm những việc không phải giáo xứ nào cũng có những thuận lợi để thực hiện như: dâng lễ chúc thọ cho 380 cụ trên 70 tuổi; tổ chức khấn dòng, giao lưu với tôn giáo bạn (Phật giáo, Tin Lành, Hồi giáo); đi thăm Trung tâm Trọng Điểm và anh em dân tộc tại Bình Phước; giúp Đại Chủng Viện 2 máy Photocopy; duy trì một số em lễ sinh đạo đức vào nhóm Nuôi Ơn Gọi; trợ giúp mai táng khi hữu sự; nấu ăn buổi sáng cho các em khuyết tật Hồng Hà; làm tuần cửu nhật cho những người đau ốm và hấp hối; nấu bánh chưng phát cho người nghèo và khuyết tật; phân công dọn vệ sinh các WC của giáo xứ.
Ngoài những công việc khá đặc biệt đó, giáo xứ đang tiến hành công việc cần thiết để Nhà thờ Martinô thuộc giáo khu 5 bước lên hàng giáo xứ; thực hiện phương thức quản lý thư quán theo quy chế Tòa Giám mục và làm một đặc san Giáo xứ Thị Nghè Năm Thánh 2010 về chặng đường 5 năm 2005-2010.
Cha xứ Phêrô Nguyễn Công Danh cho biết, từ cuối năm 1991 đến nay, giáo xứ là một cộng đoàn trên thuận dưới hòa, mối quan hệ giữa cha xứ và giáo dân rất tốt trong công việc. Hội đồng Mục vụ và đại diện các đoàn thể ngày càng thêm gắn bó vì cha sở cho học tập tài liệu một tuần một lần; hiện nay giáo xứ đang được học hỏi về Thông điệp Bác Ái của Đức Thánh cha.
Ngoài việc mục vụ, cha sở còn tham gia việc xã hội qua một số các chức danh mà cha cho rằng mục đích là để giúp giới Công giáo đi vào hoạt động chung của thành phố. Dù làm gì, cha vẫn ưu tiên hàng đầu cho công việc mục vụ và coi đó là bổn phận phải chu toàn, còn về việc xã hội là công việc tự nguyện tham gia với tư cách công dân và chủ đích là triển khai và thực hiện Thư chung Hội đồng Giám mục Việt Nam 1980.
Và cha cho rằng, huấn từ của Đức Thánh cha chính là những định hướng mà mỗi Giáo Hội địa phương phải quan tâm triển khai trong đời sống; và Đức Thánh cha đã nhắc lại định hướng Thư chung 1980: “Giáo Hội Chúa Kitô giữa dân của mình”.
Lời kết
Với khoảng thời gian hơn 200 năm, tài liệu về lược sử Họ đạo Thị Nghè có nhiều chi tiết, chỉ xin nêu lên vài nét tiêu biểu. Dù nhìn ở góc độ nào thì Họ đạo Thị Nghè mãi còn đó một nét son, chứng nhân cho Chúa Kitô qua dòng lịch sử. Và hiện nay, sức sống mạnh mẽ của giáo xứ vẫn như là một dòng chảy nối tiếp thời gian của quá khứ hào hùng đó. |
|