|
VII. XIN CHỚ ĐỂ CHÚNG CON SA CHƯỚC CÁM DỖ
1. XIN CHỚ ĐỂ CHÚNG CON SA CHƯỚC CÁM DỖ
Thiên Chúa không bao giờ cám dỗ loài người làm điều xấu. Ngài chỉ mời mọc con người làm điều thiện và ban cho con người vạn sự lành để lôi kéo con người về với Ngài. Thiên Chúa không “nhử” điều xấu để “thử lòng” con người. Không. Thiên Chúa là Cha Nhân Lành ngự trên Trời cho phép điều xấu xảy ra, nhưng Ngài không dựng nên nó. Thiên Chúa là Đấng Toàn Thiện, từ nơi Ngài xuất phát mọi điều lành. Nhưng Sự-Dữ hiện hữu. Nó xuất hiện vào lúc Lucifer nổi loạn chống lại Thiên Chúa. Từ đó con người có bổn phận biến Sự-Dữ thành Sự-Lành, chiến thắng Sự-Dữ và khẩn nài Thiên Chúa Cha ban sức mạnh để có thể chiến thắng Sự-Dữ. Đó là ý nghĩa lời Kinh CHÚA GIÊSU dạy con người đọc: “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”.
Con người van xin Thiên Chúa ban cho nhiều sức lực để có thể chống cự với chước cám dỗ. Không có sự trợ giúp của Thiên Chúa, con người sẽ bị chước cám dỗ bẽ gập, bởi lẽ, chước cám dỗ mạnh như vũ bão trong khi sức lực con người vô cùng yếu ớt. Nhưng nếu con người biết khiêm tốn kêu cầu cùng Thiên Chúa thì: Ánh Sáng Chúa Cha soi chiếu con người, Quyền Lực Chúa Cha tăng sức cho con người, Tình Yêu Chúa Cha bảo vệ con người, khiến Sự-Dữ tan biến và con người được giải thoát, được sống trong tự do.
... Trưa Chúa Nhật 24-4-1994, trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Thánh Cha Gioan Phaolo 2 đã nhắc lại Kinh cầu cùng Thánh Tổng Lãnh Thiên-Thần Micae, do Đức Lêô 13 phổ biến trong toàn Giáo Hội hồi cuối thế kỷ 19. Đức Thánh Cha nói: “Mặc dù ngày nay, Kinh này không còn được đọc vào cuối mỗi thánh lễ nữa, nhưng tôi mời gọi tất cả anh chị em đừng quên Kinh này, nhưng hãy đọc Kinh ấy để được ơn phù trợ trong cuộc chiến với những lực lượng của tối tăm và chống lại thần dữ của thế gian này”.
Đức Lêô 13 làm Chủ chăn Giáo Hội Công Giáo Hoàn Vũ từ 1878 đến 1903. Nguồn gốc lời Kinh cầu cùng thánh Tổng Lãnh Thiên-Thần Micae do Đức Lêô 13 soạn, đã được cha Domenico Pechenino thuật lại trong tờ “Ephemerides Liturgicae”, xuất bản năm 1955:
“Tôi không nhớ rõ năm nào. Vào một buổi sáng, sau khi dâng thánh lễ nơi nhà nguyện riêng, Đức Thánh Cha Lêô 13 còn quỳ lại, vừa tham dự thánh lễ do một linh mục cử hành, vừa đọc kinh tạ ơn, theo thói quen ngài vẫn làm. Bỗng chốc, người ta trông thấy Đức Thánh Cha ngẩng hẳn đầu lên, nhìn đăm đăm một vật gì đó, bên trên đầu vị linh mục đang dâng thánh lễ. Đức Thánh Cha chăm chú nhìn, không chớp mắt. Diện mạo ngài thay đổi khác thường, lúc tỏ lộ nổi kinh hoàng khủng khiếp, lúc lại diễn tả niềm vui mừng thán phục. Một điều gì đó, vừa lạ kỳ, vừa cao cả đang xảy ra trước mắt vị Giáo Hoàng. “Cuối cùng, như sực tỉnh trở về với chính mình, Đức Lêô 13 vừa nhẹ nhàng vừa cương quyết, chống tay và đứng thẳng người lên. Ngài bái gối, bước ra khỏi nhà nguyện, đi thẳng về phòng làm việc. Mọi người trong phủ giáo hoàng có mặt sáng hôm đó, lo lắng đi theo Đức Giáo Hoàng và hỏi: “Tâu Đức Thánh Cha, có phải Đức Thánh Cha cảm thấy mệt không? Đức Thánh Cha có cần gì không?”. Đức Lêô 13 trả lời nhanh: “Không. Không cần gì hết”. Nửa giờ sau, Đức Giáo Hoàng bảo gọi vị Tổng thư ký Bộ các Nghi Lễ đến, trao cho một tờ giấy, truyền phải in ra và gửi cho tất cả các Giám Mục trong Giáo Hội Công Giáo trên toàn thế giới. Tờ giấy này chứa đựng điều gì? Thưa đó là 2 Kinh, vị linh mục phải đọc cùng với toàn cộng đoàn dân Chúa, sau thánh lễ. Đức Thánh Cha Lêô 13 muốn rằng: Sau thánh lễ, vị linh mục quỳ dưới chân bàn thờ, bắt đầu đọc 3 kinh Kính Mừng, một kinh Lạy Nữ Vương, và đọc: “Lạy Rất Thánh Đức Mẹ Chúa Trời, xin cầu cho chúng con. Đáng chịu lấy những sự Chúa Kytô đã hứa”.. Rồi đọc Kinh thứ nhất: “Lạy Chúa là Đấng Bàu Chữa cùng là Thần Lực chúng con, xin Chúa ái tuất đoái thương, mà nhậm lời dân Chúa đang kêu thấu Chúa; và cậy vì Đức Nữ Đồng Trinh Maria hiển vang và khiết tịnh, Đức Mẹ Chúa Trời, cùng vì Thánh Cả GIUSE, Bạn Thánh Người, và hai thánh Tông Đồ Chúa Phêrô và Phaolo, cùng các thánh nguyện giúp cầu thay, thì chúng con mới dám xin Chúa lân mẫn nhân từ khấng nhậm lấy những lời chúng con cầu khẩn nguyện xin, cho kẻ có tội được biết đàng ăn năn trở lại, cho Hội Thánh là Mẹ chúng con được tự do an bình thịnh trị. Vì công nghiệp Chúa GIÊSU KITÔ là Chúa chúng con. Amen”. Kinh thứ hai cầu cùng Thánh Tổng Lãnh Thiên-Thần Micae:
“A Thánh Micae Tổng Lãnh Thiên-Thần, xin tiếp giúp chúng con trong cơn hiểm chiến; lại xin hộ vực cho chúng con lướt thắng mưu sâu chước hiểm của ác quỉ tà ma. Chúng con sấp mình cúi nguyện xin Đức Chúa Trời giam cầm chế trị nó, cùng xin Tổng Lãnh Đạo Binh Thiên Quốc, thừa chưng thần oai thánh lực Chúa Trời, mà hạ ngục cấm cố Satan cùng các quỉ dữ đang rảo quanh thế giới mà nhiễu hại linh hồn thiên hạ. Amen”.
Đến thời Đức thánh Giáo Hoàng Pio 10 (1903-1914), ngài truyền đọc thêm ba lần:
“Chúng con kính lạy Rất Thánh Trái Tim Đức CHÚA GIÊSU. Xin hãy thương xót chúng con”.
2. XIN CHỚ ĐỂ CHÚNG CON SA CHƯỚC CÁM DỖ
Con người phải khẩn khoản kêu van sức mạnh Thiên Chúa trợ giúp, để có thể chiến thắng ma-quỷ, chiến thắng Satan. (SATAN là tên gọi của LUCIFER, sau khi Thiên Thần ánh sáng này biến thành thần lực tối tăm). Satan là tướng các quỉ. Chính hắn là chước cám dỗ khiêu khích xác thịt, tinh thần và con tim. Chính hắn là tên Quyến-Rũ. Con người khó thoát khỏi nanh vuốt của nó. Vì thế con người phải cầu xin Thiên Chúa sai Tổng Lãnh Thiên-Thần Micae đến trợ giúp cùng với Thánh Thiên-Thần Bản-Mệnh. Thánh Phêrô Tông Đồ viết: “Anh chị em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma-quỷ / thù địch của anh chị em / như sư-tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh chị em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự, vì biết rằng toàn thể anh chị em trên trần gian đều trải qua cùng một loại thống khổ như thế” (1Phêrô 5,8-9).
Thêm vào đó, con người phải cương quyết dùng ý chí để thắng vượt các cơn cám dỗ, đẩy xa các chước cám dỗ. Trong một nghi thức trừ quỉ, tên quỉ bị bắt buộc thú nhận rằng: “Tôi đạt đến mọi điều tôi muốn, ngoại trừ 'con chó ý-chí', nó khiến tôi không làm ăn gì được!”. Phải, nếu con người không ưng thuận, không chìu theo các chước cám dỗ thì ma-quỉ đành chào thua, bó tay thất trận!
... Tháng 6 năm 1562, thánh nữ Têrêxa CHÚA GIÊSU, hay còn gọi là Têrêxa thành Avila, hoàn tất cuốn “Tự Thuật”, viết theo lệnh cha giải tội. Nơi chương 31, thánh nữ đặc biệt nói về công hiệu của Nước-Thánh, hay Nước-Phép, đối với ma-quỷ, trong kinh nghiệm của chính cuộc đời thánh nữ. Thánh nữ Têrêxa Avila viết:
“Một ngày, khi con ở nhà nguyện, tên quỷ hiện ra đứng bên trái con, dưới hình dạng trông thật ghê tởm. Đặc biệt khi nhìn cái miệng hắn nói, thì ôi thôi, trông thật kinh khiếp. Người ta có cảm tưởng một ngọn lửa lớn phát ra từ thân thể cháy sáng của hắn. Bằng một giọng nghe thật hãi hùng, hắn nói với con rằng, con được cứu khỏi tay hắn, nhưng rồi thế nào hắn cũng bắt được con. Con sợ hãi vô cùng, liền giơ tay làm dấu Thánh Giá. Tên quỷ biến mất, nhưng trở lại ngay sau đó.. Hắn biến đi rồi trở lại, đến hai lần như thế. Thú thật, con không biết phải làm thế nào để đuổi tên quỷ đi. Trong nhà nguyện có để Nước-Thánh, con bèn lấy Nước-Thánh và rảy vào chỗ tên quỷ đứng. Lần này hắn biến đi và không trở lại nữa..
“Một lần khác, trong vòng 5 tiếng đồng hồ liên tục, ma-quỷ hành hạ con bằng đủ mọi cách: đau đớn thể xác và bấn loạn tâm thần. Cơn hành hạ mạnh đến nỗi con tưởng chừng mình không thể chịu đựng được lâu hơn nữa. Các nữ tu hiện diện cũng kinh hãi và không biết phải làm gì. Phần con, con cũng không biết phải làm thế nào để chống cự với ma-quỷ. Thường thì khi nào bị đau đớn thể xác quá độ, con vẫn cố gắng cầu nguyện, van xin Chúa ban cho con sự nhẫn nhục, và nếu là Thánh Ý Chúa, thì Chúa có thể để cho con chịu đau khổ như vậy đến tận thế. Nhưng lần này, cơn đau đớn mạnh đến nỗi, làm tê liệt cả những ý hướng tốt lành của con. May mắn thay, Chúa tỏ cho con biết: cơn hành hạ này do ma-quỷ gây ra, bởi vì ngay lúc đó, con thấy một đứa bé đen thui trông thật ghê tởm, đứng bên cạnh con. Thằng nhỏ lằm bằm giận dữ tỏ vẻ tuyệt vọng, như bị cướp mất vật mà nó tưởng đã nắm chắc được.
“Khi trông thấy thằng nhỏ đen đủi xấu xí, con bỗng bật cười và không còn sợ hãi nữa. Tuy thế, ma-quỷ vẫn tiếp tục hành hạ thân xác con bằng những cú đấm đá dữ dằn.. Con không dám xin các nữ tu có mặt mang Nước-Thánh đến cho con, vì sợ các chị không hiểu lý do, rồi đâm ra hoang mang vô ích..
“Con từng kinh nghiệm: chỉ nguyên Nước-Thánh thôi, đủ để đuổi ma-quỷ chạy trốn và không bao giờ dám trở lại nữa. Ma quỷ cũng sợ Thánh Giá và trốn mất, nhưng trở lại sau đó. Công hiệu của Nước-Thánh quả thật lớn lao!. Phần con, niềm an ủi tâm hồn con cảm nhận được, mỗi khi con dùng Nước-Thánh, thật đặc biệt và đáng kể. Con không biết diễn tả thế nào, nhưng mà, mỗi khi con sử dụng Nước-Thánh, y như con được giải khát, được cảm thấy ngọt ngào và an ủi trong tâm hồn. Điều đó không do trí tưởng tượng con bày vẽ ra, vì công hiệu này không chỉ xảy ra một lần, nhưng thường xuyên, khiến con phải đặc biệt chú ý. Giống như thể một người bị nóng nực, bị khát nước, mà lại được uống một ly nước thật mát, cảm thấy được đả khát vậy. Đối với con: Tất cả những gì Hội Thánh truyền dạy thật cao trọng. Thật thích thú khi thấy rằng, lời linh mục đọc khi làm phép nước, quả đem lại một sức mạnh phi thường, vì có một sự khác biệt vô cùng rộng lớn giữa Nước được làm phép và nước không được làm phép!
“Do đó, vì thấy các cơn đau đớn vẫn không giảm bớt chút nào, con liền xin các nữ tu có mặt mang Nước-Thánh đến cho con. Các chị đi lấy và rảy trên người con, nhưng vẫn không công hiệu. Thấy thế, con liền lấy Nước-Thánh và rảy chính nơi tên quỷ đứng, tức khắc tên quỷ chạy trốn ngay, và mọi nổi đau đớn của con cũng biến mất. Con rút ra kết luận: Dầu một linh hồn và một thân xác không thuộc về ma-quỷ, nhưng ma-quỷ vẫn xin được phép của Chúa để làm khổ chúng ta.. Vậy nếu chúng ta không thuộc về chúng, mà chúng hành hạ chúng ta như thế, thử hỏi, khi chúng ta lọt vào tay chúng, chúng sẽ hành hạ chúng ta đến mức độ nào nữa? Ý tưởng này khiến con nhất quyết không bao giờ để mình rơi vào vòng tay của một tên hèn hạ, bần tiện, bẩn thỉu và đáng kinh tởm là ma quỷ!!”..
Kinh nghiệm của thánh nữ Têrêxa thành Avila, Nữ Tiến Sĩ Hội Thánh, khuyến khích mỗi gia đình Công Giáo, nên giữ Nước-Thánh được linh mục làm phép trong nhà. Chấm Nước-Thánh làm dấu Thánh Giá mỗi sáng thức dậy, trước khi đến trường, đến sở làm việc và chiều tối, trước khi lên giường ngủ. Đây là thói quen lành thánh, nhắc nhở sự hiện diện và sự trợ giúp của Thiên Chúa trong cuộc sống, đối lại với những quấy phá của ma-quỷ.
Ông James Dibello, người Mỹ gốc Ý, nói về Thiên-Thần Bản-Mệnh:
Tôi thuộc về một gia đình Công Giáo đạo đức. Nơi căn nhà cha mẹ tôi tại bang Indiana, Hoa Kỳ, chúng tôi dành chỗ cho các Thiên-Thần. Vào các ngày lễ lớn, bà nội tôi người Ý, dọn thêm một chỗ trên bàn ăn, dành cho Thiên-Thần Bản-Mệnh. Dịp sinh nhật của ai, người đó phải dọn thêm một chỗ cho vị Thiên-Thần Bản-Mệnh của mình. Bà tôi giải thích: “Đây là cách thức bày tỏ lòng ghi ơn đối với Thiên-Thần Bản-Mệnh và xin Ngài tiếp tục gìn giữ trong tuổi mới bắt đầu. Tôi thật lòng tin tưởng nơi sự hiện diện và trợ giúp của các Thiên-Thần. Một trong các Kinh tôi học thuộc lòng trong tuổi thơ: “Lạy Thiên-Thần Chúa là Đấng chăm sóc con, xin Thiên-Thần soi sáng, trông coi, nâng đỡ và điều khiển con, là kẻ được chính Lòng Nhân Hậu Chúa trao phó cho Thiên-Thần gìn giữ. AMEN”
Tại trường học, các nữ tu cũng giảng cho chúng tôi biết về các Thiên-Thần. Mỗi khi đến nhà thờ tham dự thánh lễ, chúng tôi thường nhường cho Thiên-Thần Bản-Mệnh bước vào ghế quỳ trước. Các nữ tu cũng dạy chúng tôi đọc lời Kinh tương tự như trên: “Lạy Thiên-Thần Chúa là đấng gìn giữ con. Xin Thiên-Thần soi sáng tâm trí con, gìn giữ trái tim con, nâng đỡ thân xác con và hướng dẫn con, vì con được Tình Yêu Thiên Quốc giao phó cho Thiên-Thần chăm sóc. Amen”.
3. XIN CHỚ ĐỂ CHÚNG CON SA CHƯỚC CÁM DỖ
“Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ” là lời cầu biểu lộ lòng khiêm tốn. Con người cảm nhận mình yếu đuối, dễ sa chước cám dỗ, nên khẩn khoản van xin Thiên Chúa trợ giúp. Khiêm-Nhường là viên đá nền tảng xây dựng tòa nhà thiêng liêng. Khiêm-Nhường là nhân đức đầu tiên dẫn đến sự trọn lành. Nếu bị sỉ nhục, con người nên hân hoan chấp nhận, vì đó là dịp tốt rèn luyện nhân cách.
Trước các chước cám dỗ, con người không nên lo lắng và hốt hoảng. Cám dỗ không phải là đổ nát. Trái lại, nếu con người biết khiêm tốn khẩn nài Thiên Chúa trợ giúp để chiến thắng ba thù: ma-quỷ, xác-thịt và thế-gian, chắc chắn con người sẽ đánh bại SATAN. “Hào-quang” các vị đang hưởng vinh phúc trên Trời lóng lánh các “hạt-ngọc” chiến thắng các cơn cám dỗ! Không nên tìm kiếm các chước cám dỗ - các dịp phạm tội - nhưng cũng không nên hèn nhát khi các chước cám dỗ xuất hiện. Mỗi khi bị cám dỗ, con người nên khiêm tốn kêu van cùng Thiên Chúa: “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”.
... Cha Germano Ventura, thuộc dòng Thương Khó, gốc người đảo Sardegna, miền Nam nước Ý. Từ năm 1960, cha thi hành tác vụ trừ quỷ trong giáo phận thủ đô Roma. Trước đó, cha thi hành tác vụ này tại Toscana ở đảo Sicilia, Nam Ý. Chính cha kể lại kinh nghiệm chiến đấu, đối diện từng ngày với ma-quỷ.
“Ngày còn là linh mục trẻ, tôi được giao nhiệm vụ ban phép lành cho các bệnh nhân, đến nhà thờ tu viện chúng tôi. Một ngày, người ta mang đến cho tôi một người tê liệt ngồi trên ghế lăn. Vừa giơ tay vẽ hình Thánh Giá ban phép lành, tức khắc người bệnh la hét, chửi bới và vùng vẫy. Xong, anh ta té nhào xuống, nằm thẳng đơ trên nền nhà thờ. Những người thân của anh kinh hãi, vội mang anh đi và đợi cho anh lắng dịu, mới mang anh trở lại nhà thờ. Nhưng khi tôi giơ tay ban phép lành, thì thảm kịch tái diễn: anh la hét, chửi bới và vùng vẫy... Thân nhân anh ngạc nhiên trước phản ứng dữ dội của anh. Đối với họ, cho đến lúc này, anh là một người hiền lành và đạo đức ..
Phần tôi, đây là lần đầu tiên trong đời, đối diện với một trường hợp lạ lùng như thế. Tôi nhớ lại những điều đã học trong đại chủng viện và thầm nghĩ: “Có lẽ anh này bị quỷ ám. Cần phải làm phép trừ quỷ”.
Tôi liền trình bày với Bề Trên nhà để xin Đức Giám Mục sở tại ban phép thi hành nghĩa vụ trừ quỷ. Sau nhiều khó khăn, chúng tôi được Đức Giám mục đồng ý và tôi bắt đầu ngay nghi thức trừ quỷ.
Cuộc chiến thật khủng khiếp. Nhưng sau một tuần lễ liên tục trừ quỷ, tôi đuổi được tên quỷ ra khỏi người bệnh. Lạ lùng thay, khi tên quỷ vừa đi, người bệnh cũng hết tê liệt. Thì ra bệnh tật thể xác là do tên quỷ ám hại gây nên.
Trường hợp đầu tiên gặp thấy trong đời linh mục trẻ, khiến tôi miên man nghĩ ngợi. Cùng lúc đó, tin đồn tôi chữa lành một người bệnh tê liệt cũng lan nhanh trong vùng. Người ta bắt đầu mang bệnh nhân đến xin tôi đặt tay ban phép lành. Sau đó tôi còn giải quyết được mấy vụ quỷ ám nữa. Thấy thế, các Đấng Bề Trên quyết định giao cho tôi trọng trách trừ quỷ.
Khi trừ quỷ, tôi luôn luôn thi hành công tác trong tư cách là linh mục và nhân danh Giáo Hội đã ủy thác cho tôi nhiệm vụ này. Tôi tha thiết cầu xin Thiên Chúa, Đức Mẹ và Các Thánh trợ giúp tôi. Và như Phúc Âm quả quyết, Thiên Chúa luôn luôn đáp lời con cái nài van.
Tôi thường bắt đầu nghi thức bằng cách ban phép lành, rảy Nước-Thánh và giơ cao Thánh Giá CHÚA GIÊSU cho bệnh nhân. Nếu bệnh nhân có phản ứng kỳ lạ như run lẩy bẩy, chửi bới, đe dọa, tìm cách tẩu thoát hoặc nhảy bổ vào cấu xé vị linh mục, tôi hiểu người bệnh bị quyền lực vô hình điều khiển. Đây có thể là trường hợp bị quỷ ám thực sự.
Ma-quỷ có thể phá hại con người bằng nhiều cách: ám ảnh, quấy phá, qua trung gian bùa ngãi hoặc ám hại thực sự. Có nhiều người mắc những chứng bệnh kỳ lạ, chạy chữa đủ mọi phương thuốc nơi đủ mọi y sĩ, nhưng bệnh vẫn hoàn bệnh. Sau cùng họ đến với tôi. Tôi làm phép trừ quỷ, tức khắc bệnh tật biến tan. Điều này cho thấy những chứng bệnh kỳ lạ là do ma-quỷ gây ra. Một điều quan trọng trong khi thi hành tác vụ trừ quỷ: vị linh mục trừ quỷ cần có thái độ luôn luôn điềm tĩnh, trước tất cả những hiện tượng quái dị do ma-quỷ tác động nơi người bị ám hại. Bởi vì, nếu vị linh mục tỏ ra sợ hãi, tức khắc ma-quỷ không tuân lệnh vị linh mục trừ quỷ nữa..
Từ trước đến giờ, tôi vẫn dè dặt mỗi khi phải chính thức đề cập đến vấn đề quỷ ám và trừ quỷ với giới báo chí, vì đây là một vấn đề hết sức tế nhị. Nhưng nay, tôi nghĩ khác. Ma-quỷ hiện diện khắp nơi và luôn tìm cách quấy phá, ám hại con người: cuộc sống, thể xác và tinh thần. Hơn ai hết, chúng tôi là những linh mục trừ quỷ, hàng ngày đối đầu với quỷ dữ, chạm trán với những trường hợp ám hại thương đau, chúng tôi cần phải nói to, nói rõ cho mọi người biết về sức tung hoành tàn phá của quỷ dữ, và nhất là, minh chứng cho mọi người thấy, quyền năng lớn lao của Giáo Hội khi nhân danh CHÚA GIÊSU và Đức Mẹ để trừ quỷ ..
Các tín hữu kytô cần ý thức sâu xa rằng, khi gặp những trường hợp nan giải, mắc những chứng bệnh kỳ lạ, không y sĩ nào giải thích được và không phương thuốc nào chữa trị được, họ nên tìm đến với linh mục, hỏi han ý kiến của Ngài. Chỉ có linh mục, nhân danh Giáo Hội và dùng những phương thức của chính Giáo Hội, mới giải thoát con người khỏi những bệnh tật do sức phá hoại của ma-quỷ. Trong mọi trường hợp, người Công Giáo không được phép chạy đến với thầy pháp, thầy phù thủy, hoặc với những bà đồng bóng”.
4. XIN CHỚ ĐỂ CHÚNG CON SA CHƯỚC CÁM DỖ
Có lẽ không bao giờ nhấn mạnh đủ về việc thực thi nhân đức khiêm nhường trong cuộc sống người tín hữu, đặc biệt khi đối diện với thử thách, với cám dỗ. “Khôn ba năm, dại một giờ” là lời nhắn nhủ khôn ngoan nhất, khuyên con người luôn luôn cẩn trọng, bởi vì, sức lực con người mỏng dòn, yếu ớt biết bao! Vì thế, không bao giờ nên cậy dựa vào sức mình, nhưng chỉ nên đặt trọn niềm tín thác nơi sự trợ giúp của Thiên Chúa mà thôi!
... Lá thư sau đây do một linh mục hồi tục, viết cho Cha Werenfried Van Straaten (1913-2003), sáng lập viên tổ chức “Trợ Giúp các Giáo Hội đau khổ”. Khi phổ biến lá thư trong nguyệt san “Le Christ au monde - Chúa Kytô trong thế giới, số ra tháng 2 năm 1992, Cha Werenfried nhận định: “Lá thư làm tôi liên tưởng đến lời CHÚA GIÊSU thổ lộ với một tâm hồn: “Than ôi, có cả nhiều người mang theo chức linh mục xuống tận hỏa ngục”. Chúng ta hãy cầu nguyện để nhiều người biết noi gương sự hồi tâm thống hối của vị linh mục hồi tục, tác giả bức thư được trích đăng dưới đây”.
“Cha đáng kính. Sau nhiều tháng ngày do dự, con quyết định viết thư này cho Cha để cám ơn Cha và khuyến khích Cha trong công tác tông đồ của Cha. Trước kia con là một tu sĩ và hiện tại con là một người, mà người ta gọi là “linh-mục có-vợ, hay linh-mục hồi-tục”. Trước kia, con cũng là một trong những người không tin có ma-quỷ. Lòng đầy kiêu căng, con thường công kích những truyền thống của Giáo Hội. Nhưng bây giờ, con thực sự tin có ma-quỷ!
“Con có thể quả quyết với Cha: con đã từng muốn tự tử. Nhưng nhờ gặp được một người khuyên bảo, vợ con và con lại bắt đầu lần hạt, và chính tràng chuỗi Mân Côi đã cứu vớt chúng con ra khỏi vực thẳm tuyệt vọng.. Lá thư ngắn ngủi này không thể nào diễn tả hết thảm trạng tâm hồn con. Đối với con, mỗi ngày là một chiến đấu với tuyệt vọng, với ghê tởm, với cay đắng, với hận thù, chen lẫn với niềm ao ước hoán cải, đền tạ và tha thứ. Đối với con, xác quyết rằng: CHÚA GIÊSU, trong tình thương vô bờ của Người, vẫn còn tìm kiếm và đưa chúng con về với Ngài, quả là một phép lạ của lòng nhân từ không thể hiểu được!. Cá nhân con, con đau đớn kinh nghiệm rằng: điều những quan niệm cấp tiến về thần học có thể làm cho một người, là biến người đó thành người con của hư mất (mất linh hồn)!. Đức Giáo Hoàng đã so sánh chúng con với Giuđa. Con tin là Ngài có lý, và con ghi ơn Ngài đã nhắc chúng con nhớ đến một thực tại đau lòng! Con cũng ghi ơn Cha, vì Cha đã dám bênh vực và đứng về phía Đức Gioan Phaolo 2, vị Giáo Hoàng thánh thiện của thời đại chúng ta.
“Con xin phép Cha nêu ra vài lý do giải thích thái độ của con và của nhà con: chúng con bị mù quáng bởi Satan và bởi tính kiêu căng của chúng con. Chúng con nghĩ rằng mình góp phần canh tân Giáo Hội, nhưng thực ra chúng con đã phá đổ Giáo Hội, ngôi nhà của Thiên Chúa. Chúng con tưởng mình là người hùng, nhưng thực ra, chúng con là nô lệ của thần dữ, của Satan! Và điều gì phải đến đã đến: tính kiêu căng, lòng tham dục, sự thiếu khiêm nhường và vâng lời, đã làm nghiêng cán cân. Kết quả con bỏ áo tu, từ chức linh mục! May mắn Chúa cho con còn có thể đền tội. Con không ao ước Giáo Hội chấp nhận trở về với chức vụ linh mục, vì chúng con không xứng đáng, nhưng con hy vọng một ngày kia, con có thể sống đời chay tịnh hãm mình đền tội, với chiếc áo dòng của một trợ sĩ, trong một đan viện nào đó. Con phó thác và tin tưởng nơi bàn tay của Chúa Quan Phòng, vì cho đến nay, ơn thánh Chúa đã không bao giờ từ bỏ con.
“Xin Cha đừng mất giờ trả lời cho con. Nhưng có thể, lá thư viết từ một linh mục hồi tục, mang lại cho Cha ít nhiều nâng đỡ trong công tác tông đồ của Cha. Con thiết nghĩ, có rất nhiều linh mục ở trong tình trạng của con, cùng nghĩ như con, nhưng không dám diễn tả cho mọi người biết. Con đường trở lại bao giờ cũng gồng ghềnh và chông gai. Xin Chúa ban cho tất cả chúng con được ơn sớm trở về với Ngài, trước khi quá muộn. Trong thời gian xôn xao rối loạn này, con thầm nghĩ: lòng kính mến Chúa Kytô, Mẹ Maria và lòng trung thành với Đức Thánh Cha là những yếu tố căn bản cho cuộc sống của những tín hữu chân chính. Xin Cha cầu nguyện cho chúng con, vì chúng con rất cần lời cầu nguyện. Chúng con xin chia sẻ công tác mục vụ của Cha. Cha hoạt động để cứu giúp những người bị xiềng xích vì lòng tin của họ. Xin Cha cũng nhớ đến chúng con là những người bị gông cùm vì lòng bất trung của chúng con. Mỗi ngày, con vẫn đọc các “Giờ Kinh Phụng Vụ”, những lời kinh mà trước kia, khi còn là một tu sĩ con đã đọc chung với anh em trong cộng đoàn. Con tin rằng Chúa muốn cho con tiếp tục đọc kinh nhật tụng. Mỗi ngày, khi tham dự thánh lễ, con cầu cho Cha và cho tổ chức bác ái của Cha. Xin Thiên Chúa và Mẹ Maria chúc lành cho Cha”.
5. XIN CHỚ ĐỂ CHÚNG CON SA CHƯỚC CÁM DỖ
... Xin trích dịch lời Kinh khẩn cầu sự trợ giúp của Thiên Chúa và toàn thể triều thần thiên quốc, trong trận chiến với ma-quỷ / xác-thịt / thế-gian. Lời Kinh được chính Giáo Hội cho phép mỗi tín hữu đọc riêng, như một nghi thức trừ quỷ tư.
Lạy Thiên Chúa trời đất, Thiên Chúa các Thiên Thần, Thiên Chúa các Tổng Lãnh Thiên Thần, Thiên Chúa các Tổ Phụ, Thiên Chúa các Tiên Tri, Thiên Chúa các Tông Đồ, Thiên Chúa các Vị Tử Đạo, Thiên Chúa các Hiển Tu, Thiên Chúa các Trinh Nữ, Thiên Chúa là Đấng có quyền ban sự sống sau cái chết, sự an nghỉ sau lao công; bởi vì, không có Thiên Chúa nào khác ngoài Ngài, cũng không hề có Thiên Chúa nào khác ngoài Thiên Chúa là Đấng dựng nên muôn vật hữu hình và vô hình và triều đại Ngài vô cùng tận; chúng con khiêm tốn khẩn cầu Chúa dùng quyền uy cao cả Ngài mà giải thoát cùng ngăn ngừa chúng con khỏi bạo lực thần dữ hỏa ngục, khỏi mọi cạm bẫy, mưu toan và chước độc của tà thần. Nhờ Đức GIÊSU KITÔ Chúa chúng con. Amen.
Kẻo phải sa cạm bẫy ma quỷ, Xin Chúa giải thoát chúng con Xin cho Hội Thánh Chúa được phụng sự Chúa trong an bình và tự do, Xin Chúa nhậm lời chúng con Xin cho các kẻ thù của Hội Thánh bị dìm xuống: Xin Chúa nhậm lời chúng con. (Rảy Nước-Thánh nơi đang đứng đọc Kinh)
Nghi Thức trừ quỷ tư.
(Kinh này có thể đọc cầu cho chính mình hoặc cho người khác - mặc dầu ở xa - mỗi khi chúng ta làm dấu Thánh Giá và rảy Nước-Thánh. Chúng ta đọc Kinh trừ quỷ vào lúc bị cám dỗ nặng nề, khi gặp thử thách, lúc bị kẻ thù phá hoại, và nhất là, đọc để cầu cho bệnh nhân và những người sắp chết).
Nhân danh Đức GIÊSU KITÔ Chúa chúng tôi và nhân danh Trinh Nữ MARIA, ta truyền cho ngươi, hỡi thần xấu xa, hãy xéo đi khỏi chúng tôi và khỏi nơi đây và đừng dám bén mảng tái xuất hiện để cám dỗ chúng tôi cũng như làm hại chúng tôi. GIÊSU, MARIA (ba lần) Lạy Thánh Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, xin nâng đỡ chúng con trong trận chiến! Lạy các Thánh Thiên Thần Bản Mệnh, xin phòng giữ chúng con khỏi mưu thâm chước độc của ma quỷ!
Nghi thức chúc lành
Nguyện phép lành của (+) Chúa Cha, tình yêu của (+) Chúa Con và sức mạnh của (+) Chúa Thánh Thần, sự bảo trợ hiền mẫu của Nữ Vương thiên quốc, sự trợ giúp của các Thánh Thiên Thần, sự cầu bầu của Chư Thánh ở cùng chúng con và đồng hành với chúng con trong mọi lúc và mọi nơi! Amen. Lạy Thánh Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, xin che chở chúng con trong cơn hiểm chiến và đừng để chúng con bị hư mất đời đời.
(+): làm dấu Thánh Giá. |
|