|
Giáng sinh, Thiên Chúa bước vào lịch sử nhân loạiCập nhật: 25/12/2010 15:50 (GMT +7)Giáng sinh, Thiên Chúa bước vào lịch sử nhân loại “Thời ấy, hoàng đế Augustô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ. Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời ông Quiriniô làm tổng trấn Syria. Ai nấy đều phải về nguyên quán mà khai tên tuổi. Bởi thế, ông Giuse từ thành Nadarét, miền Galilê, lên thành vua Đavít là Bêlem, miền Giuđê, vì ông thuộc gia đình dòng tộc vua Đavít. Ông lên đó khai tên cùng với người đã thành hôn với ông là bà Maria, lúc ấy đang có thai. Khi hai người đang ở đó thì bà Maria tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ” (Lc 2,1-5).
Đức Maria và thánh Giuse đi Bêlem là do lệnh của hoàng đế. Như mọi người, các ngài phải về nguyên quán mà khai tên tuổi. Các ngài phải tùng phục quyền lực đang điều hành thế giới này. Thế nhưng Thiên Chúa lại hành động trong chính dòng chảy tự nhiên của lịch sử, để đưa Đức Maria đến nơi mà Đấng Kitô phải được sinh hạ: Bêlem. Hóa ra những người cầm quyền lại đang phục vụ ý định cứu độ của Thiên Chúa mà họ không biết.
Điều đó không có nghĩa là Thiên Chúa đã có sẵn một kế hoạch vĩ đại cho lịch sử nhân loại và mọi người chỉ là con rối trong tay Ngài. Đúng hơn, Thiên Chúa giống như một võ sĩ nhu đạo, vận dụng chính sức mạnh và tự do của đối phương để thực hiện ý định của Ngài. Ngay giữa mớ bòng bong của lịch sử với những toan tính loại trừ Thiên Chúa ra bên lề cuộc sống con người, Ngài vẫn hiện diện ở đó và không ngừng mở cánh cửa đi tới tương lai cho nhân loại.
Thế kỷ 20 đã chứng kiến một giai đoạn lịch sử trong đó nhiều thể chế chính trị muốn kiểm soát mọi sự: đi đâu cũng phải đăng ký, ăn uống theo tiêu chuẩn phân chia, làm gì cũng bị kiểm soát, may ra chỉ có tự do “ở trong đầu”. Đỉnh điểm của thứ thể chế quái đản ấy là những trại tập trung của Đức quốc xã. Kể lại kinh nghiệm bản thân ở Auschwitz năm 1944, Primo Levi viết: “Chẳng còn gì là của chúng tôi. Quần áo, giày dép, thậm chí tóc tai cũng bị lấy mất. Nếu chúng tôi nói, họ không nghe. Nếu có nghe, cũng không hiểu. Họ còn lấy luôn tên của tôi. Tôi chỉ còn là con số, số 174517.”
Bước sang thế kỷ 21, vẫn còn đó những thứ chế độ muốn kiểm soát con người tận răng! Tự do, dân chủ, nhân quyền là những khái niệm trống rỗng, hay nói như Primo Levi, “có nghe, họ cũng chẳng hiểu”. Đối diện với những chế độ đó, những ai khao khát một thế giới công bằng và tự do xem ra rất dễ nản lòng. Liệu có thể làm gì trước những sức mạnh tàn bạo đó? Chẳng khác gì nhân vật Phêrô trong Quo vadis, khi nhìn thấy cảnh Nêrô bệ vệ trên kiệu cao, cùng với đoàn tùy tùng tiền hô hậu hét, đã phải thốt lên với Chúa: Lạy Chúa, Chúa thấy đó. Mọi sự là của ông ta. Binh lính. Tiền bạc. Đất đai… Phần con, con chỉ là một ngư phủ già nua yếu đuối!!! Nhưng cuối cùng, lịch sử làm chứng rằng Nêrô đã tan biến như giấc mơ đẫm máu của nhân loại, còn Phêrô vẫn tồn tại giữa Thành đô vĩnh cửu.
Sứ điệp Giáng Sinh là thế: Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta. Ngài vẫn hiện diện và hoạt động cách lạ lùng trong lịch sử. Để Chúa Kitô được sinh hạ trong lòng ta, trong lòng người, trong cuộc đời này. Và sứ điệp của các thiên thần vẫn vang lên trong lòng người như đã vang lên giữa trời Bêlem: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm”.
Với niềm xác tín đó, hãy đọc lại sứ điệp của Naim Ateek gửi đi từ Giêrusalem trong khung cảnh chiến tranh và phong tỏa:
“Họ không phải là người có quyền nói lời tối hậu,
họ có thể xây những bức tường cao nhưng không thể tước đoạt niềm hi vọng của ta,
họ có thể tống ta vào tù nhưng không thể dập tắt niềm vui nơi ta,
họ có thể cấm ta không được viếng thăm thân nhân nhưng không thể giết chết tình yêu của ta,
họ có thể đặt trạm kiểm soát trên mọi ngả đường nhưng không thể tước đoạt tự do của ta,
họ có thể ngăn cản ta đi đến Bêlem nhưng tinh thần Bêlem trong ta còn mãi,
họ có thể xem ta như con thú hai chân chứ không phải con người nhưng không thể giết chết phẩm giá và nhân vị nơi ta,
họ có thể hành động vì oán thù và căm ghét nhưng với ơn Chúa, ta vẫn không lấy oán trả oán mà vẫn kiên vững trong tình yêu.
Vì thế, mầu nhiệm Giáng Sinh làm cho ta thêm cương nghị.
Để thách thức những kẻ làm điều ác vì ta tin vào lòng nhân ái,
thách thức hận thù vì ta tin vào sức mạnh của tình yêu và tha thứ,
thách thức bạo lực và khủng bố vì ta tin vào sức mạnh của hòa bình và bất bạo động,
thách thức chiến tranh và những biện pháp tàn bạo vì ta tin vào sức mạnh của những phương thế hòa bình,
thách thức những ai muốn hạ nhục chúng ta và tha nhân vì ta tin vào sức mạnh của phẩm giá và nhân vị.”
TGM Hải Phòng (Theo hdgmvietnam.org)
Các chủ đề cùng thể loại mới nhất:
|
|