|
Trên kia, chúng ta đã thấy những công trình nghiên cứu lịch sử của một học giả Pháp về Văn Thân có rất nhiều điều không chính xác như thế nào rồi!
Trong khi đó, những nghiên cứu của một giáo như Nhật Bản sau đây đã cho thấy như thế nào mới là những người Văn Thân:
Công trình nghiên cứu nghiêm túc của một giáo sư Nhật Bản về Văn-thân Việt Nam:
Mặc dầu cuốn Nước Đại nam đối diện với Pháp và Trung hoa mới chỉ là một luận án tiến sĩ đệ tam cấp bảo vệ năm 1982 tại trường Đại học Khoa học Xã hội Pháp, giáo sư Yoshiharu Tsuboi, sinh năm 1948, đã trình bày thành công nhiều chân dung chính trị xuất sắc trong lịch sử Việt nam khi phải đối phó với tham vọng thực dân của Tây phương. Ông đã mô tả giai cấp Văn-thân một cách sinh động và đầy đủ chưa từng thấy trong các công trình nghiên cứu của các học giả Việt nam.
Sau đây tôi xin tóm lược những nhận xét của ông về giai cấp Văn-thân.
Giai cấp Văn-thân:
Từ văn có nghĩa là chữ và cũng có nghĩa là người biết chữ. Trong xã hội cổ xưa, ở Trung hoa và ở Việt Nam, từ này thông thường dùng để chỉ người có học thức.
Từ thân có nghĩa chính từ nguồn gốc là cái dải thắt lưng tơ mà viên chức thời Trung hoa xưa cột áo ngang lưng: từ này dùng để chỉ các thân hào, thư lại ở địa phương; hoặc viên chức về hưu. Vậy theo ngữ nguyên, Văn-thân chỉ chung các nhân sĩ, thân hào, thư lại ở địa phương và các viên chức về hưu. Vào thời Tự Đức, hình như từ ngữ này giữ cái nghĩa ấy.
Từ giai cấp Văn-thân không có nghĩa là thành viên của giai cấp này đều có địa vị xã hội như nhau: nhân sĩ và thân hào, chẳng hạn, có những địa vị xã hội rất khác nhau. Nhưng đa số thành viên của giai cấp có cùng một sự đào tạo cơ bản xã hội văn hoá, nghĩa là họ biết đọc và viết Hán tự. Cho nên, trong khi dân chúng giao dịch với nhau bằng tiếng nôm, các thân hào và nhân sĩ đảm nhận việc phiên dịch cho dân chúng các tuyên cáo chính thức bằng Hán tự mà dân chúng sẽ không hiểu được nếu đọc nguyên văn. Đây là chức vụ trung gian cần thiết của Văn-thân giữa cấp lãnh đạo và quần chúng, đặc biệt quan trọng đối với các cuộc vận động chống Pháp, chống Công giáo; đồng thời sự trung gian này cũng cần thiết trong đời sống hàng ngày.
Từ nhân sĩ dùng để chỉ nhiều trường hợp. Với nghĩa rộng nhất, thời Tự Đức, từ này chỉ các người có học thức hoặc đang học đạo lý và văn học Trung hoa. Trong hướng này, chức vụ xã hội không được kể đến, nhân sĩ có thể là hoàng đế hay quan chức, thư lại, giáo thụ, thân hào, sĩ tử.v.v.. hoặc cả những người không dự thi tuyển nhưng có hiểu biết về chữ Hán.
Với nghĩa hạn hẹp, từ nhân sĩ dùng để so sánh với quan chức, chỉ các sĩ tử đang học thi hoặc sinh sống bằng nghề dạy trò nhỏ ở làng học Nho giáo.
Nhân sĩ đồng thời cũng có nghĩa dân sự đối lập với quân sự.
Trung tâm của giới nhân sĩ là nhóm tú tài, một vị trí không rõ rệt giữa quan và dân: gần thành công sánh với các quan, vì họ không đỗ đạt; nhưng thành công hơn những người hỏng thi và quần chúng. Ít ra họ đã đỗ thi hương, thuộc giới giỏi của tỉnh và được dân làng kính nể. Trong những điều kiện trên đây, các tú tài thấy mình vừa cao hơn dân chúng vừa thấp hơn quan chức. Tham vọng của họ vẫn là đi thi nữa để được làm quan.
Các nhân sĩ do đó rất nhạy cảm và chú ý đến tình hình chính trị. Khi một biến động chính trị hoặc xã hội bùng nổ, một số người của họ, với tư cách lãnh đạo, đứng ra vận động và tập trung dân chúng chống lại những người mà họ cho là kẻ thù. Ngoài ra, là người truyền bá Nho giáo, họ đặc biệt xem người Pháp và Công giáo là thù địch.
Thân hào hay hào mục là những người có uy tín trong xã thôn - người có tuổi, giàu có, đỗ đạt - và đồng thời giữ một chức vụ hành chính với tư cách hội viên của Hội đồng Hào mục.
Các tiêu chuẩn để phân biệt thân hào là, nói chung, sự giàu có, sự nổi tiếng về đạo đức và thạo việc làng nước, tuổi tác (ít nhất là 21 tuổi) và có tên trong Đinh bộ.
Các phong trào Văn-thân:
Đại đa số nhân sĩ và thân hào ở xã thôn, xa kinh đô. Vì vậy họ không được tin tức rõ ràng về chính sách của chính phủ, nhất là đường lối đối ngoại, trừ khi quan chức địa phương thông báo những quyết định của chính phủ bằng các bảng yết thị.
Các phong trào bài bác thường xảy ra nhân dịp có kỳ thi tuyển: khi tập trung về kinh đô hay các tỉnh lỵ, họ biết được một số biến cố; các biến cố này nếu trái ý có thể gây sự bất bình trong hàng ngũ họ, hay là những sự phản đối qui mô; khi trở về xã thôn, họ truyền bá các tin tức và báo động với dân quê.
Tờ hoà ước ô nhục Sài gòn năm 1862 và việc cắt ba tỉnh Nam kỳ cho Pháp tuy được triều đình giữ kín nhưng vẫn bị lộ nên nhân kỳ thi tuyển năm 1864, các sĩ tử yêu cầu Tự Đức giết hết giáo dân và người Âu Tây, và doạ sẽ tẩy chay các kỳ thi.
Sự chiếm đóng ba tỉnh miền Tây Nam kỳ năm 1867 của người Pháp cũng gây sự phẫn nộ lớn tương tự nơi nhân sĩ.
Các nhân sĩ muốn giết hết hoặc, bằng mọi trường hợp, tống khứ người Pháp và giáo dân, dựa trên những lý do đạo đức theo quan điểm Khổng giáo. Nghĩa là nếu người nào không chống lại sự bất công, người ấy mất hết phẩm cách, như Khổng tử đã nói: Kiến nghĩa bất vi vô dũng dã (Thấy việc nghĩa mà không làm là không đáng làm người). Và bất công của thời ấy là sự có mặt của những phần tự dị chất làm rối loạn trật tự Khổng giáo và xã hội. Các cuộc xâm lược Tourane và Sài gòn của người Âu Tây, sự sử dụng sức mạnh đối với dân chúng, việc chiếm đất... đều là bất công. Cũng là bất công vì lối sống của giáo dân cách biệt với lương dân, đã phủ nhận lý thuyết Khổng giáo và lễ giáo chính yếu, như sự thờ cúng tổ tiên.v.v..
Sự có mặt của giáo dân và người Pháp là một tai hại tinh thần, họ là mối đe dọa lâu dài các lợi ích kinh tế và địa vị xã hội của nhân sĩ: nếu Việt nam trở nên một quốc gia Thiên Chúa giáo, các nhân sĩ sẽ là nạn nhân hàng đầu vì họ có thể sẽ bị đuổi khỏi chính quyền và bao nhiêu công lao họ tự đào tạo, thi cử sẽ tiêu tan. Các nhân sĩ chắc chắn lo sợ hơn các quan chức bởi vì họ chưa có được một qui chế xã hội vững chắc, họ mới chỉ là người dự bị vào quan trường.
Thật vậy, các nhân sĩ có khuynh hướng đồng hoá lợi ích của họ với lợi ích của chính phủ và khi nổi dậy, họ không quên tuyên bố rằng họ một lòng hậu thuẫn chính quyền Tự Đức và họ nổi dậy để khích lệ nhà vua. Nhưng về các vấn đề của hoà ước Sài gòn, triều đình Huế không nhượng bộ các yêu sách của họ, cũng như triều đình không nhúng tay vào một chính sách tiêu diệt hay tống khứ quyết liệt giáo dân và người Pháp. Nếu triều đình có muốn đi nữa, cũng không có cách nào thi hành chính sách như thế. Vì tình thế, nhà vua đã áp dụng một chính sách hoà giải với người Pháp và đối với việc này, phản ứng của nhân sĩ phức tạp ở chỗ họ có thể nào vừa thương mến nhà vua trong lý tưởng vừa khinh ghét nhà vua trong thực tế? Với thời gian dần dần trôi qua, họ mất dần lòng tin nơi hoàng đế.
So sánh khái niệm Văn-thân và khái niệm Quan lại:
Tsuboi còn tiến hành phân tích khái niệm Văn-thân một cách chi li hơn nữa bằng cách đối chiếu nó với khái niệm quan lại. Thực ra quan lại cũng là Văn-thân nhưng là một thứ Văn-thân đàn anh, Văn-thân bề trên... Họ cũng đi học và đi thi như Văn-thân. Họ đã từng là sĩ tử và cũng đã có những âu lo, những suy nghĩ của một thanh niên ôm ấp nhiều hi vọng về tương lai, về cuộc đời. Nhưng nếu các Văn-thân chỉ dừng lại ở học vị tú tài, nghĩa là chỉ mới bước những bước đầu tiên chập chững vào trường thi thì giới quan lại đều là những người ít ra cũng đỗ cử nhân hoặc phó bảng, nếu không là tiến sĩ. Giành được những học vị cao cấp này, con người có vẻ trí thức hơn, thông minh hơn, trang trọng hơn, và do đấy cũng điềm tĩnh hơn, hay cân nhắc, lí luận, phê phán, nếu không là hay do dự, hay dung hoà và ít có hành động quyết liệt. Họ thật trái ngược với Văn-thân. Các ông này vì chưa có địa vị rõ ràng nên hay hiếu thắng, lấn lướt, quyết định vội vàng nhiều khi thiếu suy nghĩ chín chắn.
Theo Yoshiharu Tsuboi, giới quan lại thời Tự Đức là một giới có tổ chức, được huấn luyện chu đáo về hành chính và có khả năng cai trị hiển nhiên. Nếu lịch sử không đặt ra những vấn đề mới đối với thực dân Pháp thì các quan viên thời Tự Đức là những nhân viên hành chính kiểu mẫu. Cùng với sự cộng tác của "giai cấp" Văn-thân ở nông thôn và những tỉnh lị nhỏ, các quan ở triều và các thành phố lớn là những cộng tác viên đắc lực của chế độ quân chủ trung ương tập quyền.
Nhưng không may cho họ, bọn thực dân Pháp ác ôn đã không được mời mà cứ đến, rồi làm đảo lộn tất cả. Vào lúc này, giới quan lại mới bộc lộ những khuyết điểm trầm trọng về giáo dục, chính trị và ngoại giao. Chúng ta sẽ có nhiều dịp để đào sâu những khuyết điểm này, nó bắt nguồn sâu xa từ mục đích vị lợi của một nền giáo dục quá chú trọng về thi cử và bằng cấp. Đúng như Tsuboi đã nói, "người ta học nhiều cốt để thi đỗ, nhưng không khi nào học để tăng tiến trí thức hay hơn nữa, để đào sâu một vấn đề triết học" (sđd, tr. 214). Giáo dục không chú trọng tới việc rèn luyện trí tuệ, mà chỉ tăng cường trí nhớ (Nguyễn Thị Thanh Xuân, sđd, tr. 141). Triều đình mở khoa thi kén người, cố nhiên đã có phép tắc sẵn sàng, nhưng chuyên xét về mặt văn từ mà chưa xét mặt thực hành (Trần Bích San, Văn sách thi đình năm 1865). Chương trình học vấn chỉ chú trọng tới quá khứ, nhất là quá khứ Trung hoa, không chú tâm vào khoa học, kĩ thuật, thương mại, hàng hải, quân sự và những vấn đề thời thế, cho nên người đi học dễ trở thành hủ bại, bảo thủ, lạc hậu, không hiểu gì về thời biến, "chỉ khư khư nắm lấy cái nghĩa lí cứng nhắc như bản gỗ, bảo rằng triều đình mở cửa để đón kẻ cướp, không biết rằng thời đến thì không át được, thời đi thì không níu được" (Nguyễn Trường Tộ, Tế cấp bát điều, 1867). Từ địa vị của những phương diện quốc gia thời bình, giới quan lại bỗng trở thành một "lũ ngẩn ngơ" trước thời cuộc, nói như bà Hồ Xuân Hương. Trước sự bất lực của vua quan nhà Nguyễn, giáo sư Trần Văn Giàu đã nói như hét lên: "Ngu dốt, cả một triều đình ngu dốt" (Trần Văn Giàu, Hệ ý thức phong kiến 1993, tr. 434, 436). Giáo sư còn khẳng định: "Hệ thức phong kiến (tức của các quan) chẳng những là bất lực trước các nhiệm vụ lịch sử, nó còn là tội nhân của lịch sử" (sđd, tr. 459).
Quan điểm bổ túc về Văn-thân:
Tsuboi đã đưa ra một cách nhìn đầy đủ nhất về Văn-thân từ xưa đến nay. Đại để ông đã phân biệt từ Văn-thân với nhiều từ đồng nghĩa khác, cho ta biết rõ Văn-thân là những nhà nho học dở dang, do đó lỗi thời, dễ bị tự ti mặc cảm và ganh ghét với những người thành công. Tôi xin nói thêm về đời sống nghèo khổ của các ông tú, về những nỗ lực của họ để thoát khỏi cảnh sống tù túng, lòng ganh ghét đầy thù hận của họ đối với đạo Công giáo nói chung và với các vị thừa sai Âu châu nói riêng vì chính đạo này cũng như những người theo đạo đã dìm họ lún sâu vào đời sống nghèo nàn vô vị của họ.
Trước hết, phải công nhận Văn-thân trên căn bản là một nhà nho, biết vào khoảng vài ngàn chữ hán, học thuộc lòng Tứ thư Ngũ kinh, đã đi thi và đỗ tú tài, nghĩa là đã được chọn đỗ trên 3 hay 4 ngàn thí sinh khác. Tuy nhiên, Văn-thân không phải là một nhà nho bình thường mà chỉ xuất hiện vào thời kì mạt vận của nho giáo ở Việt nam giữa thế kỉ XIX. Theo đó ta phải trở về nghiên cứu lịch sử du nhập và phát triển của Nho giáo tại Việt nam.
Một cách hết sức tổng quát, ta biết Nho giáo được truyền bá ở Việt nam từ thời Bắc thuộc, khi Việt nam còn mông muội. Nhờ những du học sinh Việt nam sang Trung hoa và trở về làm việc tại quê nhà (như Trương Trọng, Lý Tiến, Lý Cầm), nhất là nhờ Sĩ Nhiếp (187- 226), học vấn ở Nam bang được phổ biến. Nho học không chú trọng về siêu nhiên và siêu hình, đó chỉ là một nền luân lí cá nhân và xã hội được đóng khung trong những công thức nhất định (tam cương ngũ thường), một lí thuyết cai trị và hành động theo tiêu chuẩn của lí trí, trong tổ chức giáo dục, mục đích tổng quát là đạt đến chí thiện nhờ sự thực hiện ngũ luân mà quan trọng nhất là nhân nghĩa. Những giáo điều này thấm sâu vào đời sống dân chúng, tạo nên một không khí lễ giáo rất đặc sắc trong đó nổi bật hai đức tính cơ bản là trung (xét về xã hội) và hiếu (xét về mặt gia đình). Đến đời Lý (1010- 1225), Phật giáo lãnh đạo tinh thần dân tộc, sản sinh một tinh thần mới gốc Ấn-độ: tinh thần siêu việt, bao hàm những khuynh hướng hướng thượng và những tình cảm hướng tha. Nền văn học chữ tâm xuất hiện. Vào thời Trần, giới sinh viên tốt nghiệp từ Quốc-tử giám (dựng năm 1076) và các đại học khác bắt đầu nhập cuộc với xã hội. Nền văn học chữ lí thành hình. Họ tạo được một tinh thần mới gốc Trung-hoa là tinh thần thực dụng, hoà nhập với tinh thần cũ tạo nên một tinh thần mới vừa siêu việt vừa thực dụng, nhờ đó, và được trang bị bằng tinh thần này, thanh niên thời Trần đã bẻ gẫy mọi ý chí xâm lược của ngoại bang.
Sang đời Lê, Nho giáo, hay đúng hơn Tống nho, phải đương đầu với sự tấn công của Việt nho được thành hình từ thời Hồ Quí Li và phát triển mạnh mẽ với sự tham gia của Chu An, Trần Nguyên Đán, Trần Thế Pháp.v.v.. Cuốn Lĩnh-nam chích quái thu thập các truyện cổ và thần thoại dân gian, tập trung vào việc mô tả con người Việt- nam chân chính sống trung thành với nghĩa tình, đối lập với mẫu người Việt-nam hán hoá do Lý Tế Xuyên, đại diện cho Tống nho, trình bày trong cuốn Việt-điện u-linh tập (1329). Phong trào Việt nho phát triển dưới sự thúc đẩy của Nguyễn Trãi, anh hùng diệt Minh. Việc Nguyễn Trãi bị phong trào Tống nho quật ngã đã giúp cho phong trào Việt nho càng ngày càng thực hiện được những chiến công mới.
Đến đầu thế kỉ XVII, phối hợp với Lão giáo, Phật giáo và một tôn giáo mới xuất hiện là Công giáo, phong trào Việt nho đương đầu kịch liệt với phong trào Tống nho và đòi hỏi những nhu cầu mới của xã hội phải được giải quyết bằng những phương pháp mới hữu hiệu. Nhạy bén trước tình hình bất ổn cho Nho giáo, Trịnh Tạc báo động. Phạm Công Trứ (1599-1675) được chỉ định soạn thảo một bản tuyên ngôn văn hoá bảo vệ ý thức hệ chính qui. Bản Lê triều tứ thập thất điều được công bố năm 1663. Điều 35 kết án nền văn học nôm na do phong trào Việt nho sáng lập là cha mách qué, là phổ biến tiếng nói dâm đãng:
Ngũ kinh chư sử xưa nay,
Với chư tử tập cùng rày văn chương.
Dạy bèn có ích đạo thường,
Mới nên san bản bốn phương thông hành.
Kìa như Thích, Đạo, Phi kinh,
Lời tà, mối lạ. tập tành chuyện ngoa.
Cùng là truyện cũ nôm na
Hết thi tập ấy lại ca khúc này.
Tiếng dâm dễ khiến người say,
Chớ cho in bán hại nay thói thuần.
(Lê triều tứ thập thất điều, các câu 345-354)
Bản tuyên ngôn chẳng những không có tác dụng gì đối với nhóm nhà văn nôm na, lại còn khích động cho các nhà văn trẻ tiến tới đòi hỏi chính quyền phải thực thi mọi quyền tự do: tự do luyến ái, tự do kết hôn, tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, kể cả tự do tuyển cử người cai trị. Họ đòi hỏi giải phóng phụ nữ và một phong trào văn học vô danh được phát động, trong đó ta có thể kể vài tác phẩm điển hình như Truyện chúa Thao, Truyện ông Ninh, Truyện Phạm Công Cúc Hoa, Truyện Hoàng Trừu, Truyện Tống Trân, v.v..
Đến thế kỷ XVIII, phong trào văn học nôm na vô danh trở thành rộng lớn hơn với sự tham gia của các nhà văn hữu danh như Nguyễn Gia Thiều, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Hữu Hào, Hồ Xuân Hương và nhất là Nguyễn Du, đỉnh cao tuyệt đối của phong trào, nơi hội tụ những mơ ước của phong trào được thực hiện.
Sự thắng thế của các nhà Việt nho làm cho Minh Mạng bối rối. Nhà vua đã lạnh lùng sửa lại lịch sử, xoá bỏ những chi tiết liên hệ tới phong trào Việt nho. Nhà vua ban bố Thánh dụ huấn địch thập điều là
1. Đôn nhân-luân;
2. Chính tâm-thuật;
3. Vụ bản-nghiệp;
4. Thượng tiết-kiệm;
5. Hậu phong-tục;
6. Huấn tử đệ;
7. Sùng chính học;
8. Giới dâm thắc;
9. Thận pháp thủ;
10. Quảng thiện hạnh.
Trong 10 điều huấn địch ấy, điều thứ 8, giới dâm thắc (răn giữ lòng dâm) đề cập tới sự giao tế giữa nam nữ và ra lệnh cho các bậc huynh trưởng phải biết giáo hối tử đệ, nam giới thì lấy lễ phép ngăn mình, nữ giới thì dùng trinh tiết giữ mình. Điều thứ 7, sùng chính học (tôn sùng Nho giáo) chĩa mũi nhọn vào đạo Công giáo: "Tả đạo dị đoan, nhất thiết chớ để lừa dối mê hoặc; học thuyết Da-tô lại càng vô ích hơn nữa, thậm chí nam nữ hỗn loạn, hạnh kiểm như cầm thú, dấy gian dựng đảng, tự giẫm lên hình pháp, như vậy là phá hoại tôn giáo, làm hư nát luân thường, lại càng không nên tin". Ngoài Thánh dụ huấn địch thập điều, nhà vua còn cho phép ngụy tạo tác phẩm Gia huấn ca lừa dối dư luận bằng cách lấy tác phẩm của Lý Văn Phức lạm xưng là của Nguyễn Trãi, với mưu đồ hiển nhiên là dùng uy tín của một danh nhân đời Lê tăng cường cho giá trị của học thuyết giáo dục mà nhà vua muốn đề xuất. Cuốn Nhị thập tứ hiếu của Lý Văn Phức đã được tung ra thị trường với mục đích bảo vệ chữ hiếu trung của nhà nho, nhưng trong tinh thần Tống nho, chữ hiếu đã đánh mất linh hồn, chỉ còn lại một cái xác khô héo. Tình trạng về chiều của Tống nho kéo dài đến hết đời Tự Đức, càng ngày càng trở nên lạc lõng, phản động, xa rời thực tế và quần chúng, và hoàn toàn bất lực khi phải đối diện với Công giáo để giải quyết những vấn đề chính trị quốc tế. Năm 1847, khi tiếng súng Tây phương phát nổ lần đầu tiên, các nhà nho nói chung, và Văn-thân nói riêng, không đủ sức để nói lên tiếng nói của mình, không đủ đầu óc để có được những chủ trương hợp thời hợp lí. Tất cả mọi khó khăn họ chỉ giải quyết bằng cách đổ tội cho người Công giáo. Ta thử đi sâu vào những dữ kiện lịch sử để tìm hiểu và đánh giá tư tưởng và hành động của Văn-thân.
Đời sống nghèo khổ của Văn-thân:
Ông Yoshiharu Tsuboi trong đoạn văn dẫn chứng ở trên đã đề cập tới địa vị bấp bênh của giới Văn-thân trong xã hội. Họ không phải là quan, vì muốn được gọi là quan thì ít nhất cũng phải đỗ từ cử nhân và phải được vua ban từ ngũ phẩm trở lên, với tiền lương là 35 quan, gạo 30 phương, tiền xuân phục 8 quan. Họ cũng không phải là dân vì đã đỗ tú tài, cũng là người biết chữ thánh hiền, và vẫn tự coi là thầy thiên hạ. Cái địa vị trên không tới, dưới không thông ấy làm cho ông tú dở ông dở thằng, và thường lê một đời sống mạt rệp. Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Trần Tế Xương đã hơn một lần khốn khổ về đời sống hàn nho và tài tử đa cùng của một ông tú.
Nguyễn Công Trứ (1778-1859) viết Hàn nho phong vị phú vào khoảng 1818, đời Gia Long, mô tả cảnh sống cực kì khốn khổ của nhà nho chưa gặp vận mà cùng cực nhất là chính mình bị hạn chế không thể làm một số nghề chỉ vì mình là nhà nho!
Tài tử đa cùng phú của Cao Bá Quát (1808-1854) viết vào khoảng năm 1830 là năm chính thức xuất hiện của từ Văn-thân, nếu ta tin vào thông báo của chính Cao Bá Quát trong Chu thần thi tập. Tác giả mô tả cảnh nghèo của ông khi chưa đỗ cử nhân. Một cảnh nghèo bi thảm cùng cực dưới mái tranh dột nát: "Lều nho nhỏ kéo tấm tranh lượp tượp, ngày thê lương hạt nặng giọt mưa sa. Đèn cỏn con gon chiếc chiếu lôi thôi, đêm tịch mịch soi chung vừng nguyệt tỏ".
Đời sống thân tàn ma dại của các ông tú ông đồ, không ai mô tả được xác thực và bi đát cho bằng Nguyễn Khuyến và Trần Tế Xương. Trong bài Phú ông đồ ngông, ngay ở hai câu đầu, ta đã thấy nhãn tiên cảnh nghèo túng của ông đồ:
Bốn cóng kê giường
Vài chồng cặp sách.
Làm nghề "bán cháo phổi" nhưng lương tiền thì ôi thôi:
Thầy nài nẫm thêm dăm tiền nữa,
Chủ cò kèo đưa mấy đồng ra.
Ruột tượng thắt tưng, nguyên đồ khố rận.
Khăn tay giắt rốn, rặt giống cau già.
Cuối cùng, khi về đối diện với chính mình, điếu thuốc cầm trên tay, lòng tan nát rơi rụng như tàn thuốc:
Gạt nước mắt khóc thầm cùng vũ trụ, trách trời xanh bạn với bút nghiên chi?
Hở hàm răng cười vụng với giang san, đem mặt trắng vẫy vùng son phấn nước!
Nguyễn Khuyến đã nói lên được tất cả những đau khổ ngấm ngầm của một Văn-thân sống đồng thời với ông ở Phủ-lí hay Nam-định. Họ là học trò của cụ Hoàng-giáp Tam-đăng. Họ đã nổi lên giết những người Công giáo qui tụ chung quanh Giám mục Puginier ở Kẻ Sở. Tại sao Văn- thân lại thù ghét người Công giáo đến thế? Ta sẽ tìm hiểu ở đoạn sau.
Trần Tế Xương, qua bài Phú thầy đồ đi ở trọ, đã tự mô tả:
Có một cô lái,
Nuôi một thầy đồ
Quần áo rách rưới
Ăn uống xô bồ
Cơm hai bữa cá kho rau muống,
Quà một chầu khoai lang lúa ngô.
Sao dám khinh mình, thầy đâu thầy vậy?
Không biết trọng đạo, cô lốc cô lô!
Thầy chua chát nhận xét khả năng của chính mình:
Thầy đồ thầy lề,
Dạy học dạy hành.
Ba quyển sách nát, Dăm thằng trẻ ranh.
Văn có hay thì đã làm quan, võng điều võng thắm.
Vũ có giỏi đã ra giúp nước, khố đỏ khố xanh.
Ý hẳn thầy văn dốt vũ dát,
Cho nên thầy luẩn quẩn loanh quanh!
Hoàn cảnh của những ông tú như ông thật đáng thương, không biết làm gì để sống nhưng lúc nào cũng lo sợ bị khinh, bị coi thường mặc dầu chính mình cũng tự biết là không có gì để cho người ta kính trọng cả. Cái mâu thuẫn không giải quyết được là ở chỗ đó. Nhưng nếu có gì xảy ra thì người ta lại đổ lỗi cho người khác. Và sống bên cạnh Văn-thân, người Công giáo dễ bị Văn-thân ganh tị và ghen ghét là vì thế.
Những mâu thuẫn giữa Tống nho của Văn-thân và Tân-ước của người Công giáo:
Hiển nhiên là có nhiều điểm dị biệt giữa Văn-thân và người Công-giáo.
Đạo Công giáo là đạo của người nghèo, người manh lệ vô nghề nghiệp, người tội lỗi xấu xa nhưng biết là mình tội lỗi và biết hối cải. Nói cho đúng, đạo Công giáo là đạo của tiểu nhân, nói theo từ ngữ của các nhà nho, chỉ khác một điểm là các tiểu nhân ấy, một khi nhận lãnh ân sủng của Thiên Chúa, lại có khả năng trở thành thánh nhân như Chúa.
Ngược lại, đạo Nho là "quân tử chi đạo", đạo của người quân tử, qui tụ tất cả những cái hay, cái phải, tổng hợp các đức tính tốt để gây thành cái nhân cách hoàn toàn của con người. Tuy nhiên vì quá cứng nhắc trong quan điểm bất di bất dịch của mình, người quân tử dễ trở thành bảo thủ và đối lập với mọi nỗ lực canh tân, dần dần bị ngạnh kết, bị thạch hoá, rồi bị xã hội đào thải như một tiểu nhân nguy hiểm.
Đạo công giáo còn là đạo của đàn bà trẻ con. Kinh thánh tràn ngập hình ảnh phụ nữ, nhất là trong tin mừng thánh Lu-ca; nào là phụ nữ ngoại tình, phụ nữ mà đầu có 7 con quỉ dữ, rồi Mác-ta, các bà Maria.v.v.. Bên cạnh phụ nữ là trẻ em. Chúa phán: "Ai không nên như trẻ con thì không được vào nước thiên đàng" (Mt, 19, 14). Ngược lại đạo Nho là đạo của các đấng nam nhi, vị nào cũng oai phong lẫm liệt, không Quản Trọng thì Y Doãn, không Tử Lộ thì Nhan Hồi, còn đàn bà như nàng Nam-tử thì người ta chỉ nói qua loa để cảnh tỉnh bọn đàn ông mà thôi! Khi văn học nôm na bùng nổ đòi giải phóng phụ nữ và cho họ quyền quyết định trong hôn nhân, các nhà nho mà đại diện là Phạm Công Trứ và Trịnh Tạc đã phản ứng dữ dội như thế nào thì khi các thừa sai đến Việt Nam giảng đạo vào thế kỉ XIX, họ cũng đã gặp những phản ứng tương tự về phía Văn-thân. Làm sao Văn-thân có thể chấp nhận chế độ độc thê và nguyên tắc hôn nhân bất khả li khi họ đang có quyền sử dụng nhiều bà vợ và căn cứ trên luật thất xuất, có thể rẫy vợ bất cứ lúc nào! Ngoài ra, phụ nữ còn là khách hàng của họ về bói toán, về địa lí, về y tế và về giáo dục. Giải phóng và thăng tiến phụ nữ là dẹp bỏ nghề coi tử vi của họ, nghề xem đất đai, xem ngày lành tháng tốt của họ. Các nhà hành đạo Công giáo đã đập vỡ nồi cơm của Văn-thân, làm gì họ không căm thù Công giáo thâm gan tím ruột? Làm gì họ không kêu gọi nhau đứng lên vạch mặt chỉ tên những người Công giáo đã bán đứng họ, và bán đứng những người rường cột của làng xóm như họ tức là bán nước.
Đạo Công giáo chủ trương chỉ tôn kính và thờ lạy một Thiên Chúa. Đạo Nho chỉ chú trọng thờ trời và kính trọng người hiền, người lớn tuổi, nhưng dần dần quan niệm thờ trời được phổ thông và biến thành đạo thờ cúng tổ tiên. Vào thế kỉ XIX, đạo thờ cúng tổ tiên chưa được gọi là đạo ông bà như ngày nay, và cũng chưa mang cái nghĩa thâm sâu như ta hiện có, do đó, việc thờ cúng tổ tiên và những gì liên quan đến việc thờ cúng này bị đạo Công giáo cấm đoán, và mãi vào đầu thế kỉ XX mới bỏ cấm. Giới Văn-thân theo gương Mạnh-tử ngày xưa lớn tiếng hô hào đả đảo các thừa sai và đạo Công giáo, coi đạo này là một tà thuyết cần phải ngăn chặn, những nét bất chính phải cự tuyệt, những lời dâm ô phải khai trừ thì mới tiếp tục được sự nghiệp vĩ đại của tam thánh, tức vua Vũ, Chu-công và Khổng-tử. Đạo Công giáo đương nhiên bị xếp ngang hàng với thuyết vị ngã của Dương Chu và thuyết kiêm ái của Mặc Địch, tất cả đều bị coi là những đạo vô phụ vô quân (không cha không vua) và đều bị gọi một cách khinh bị là cầm thú (Mạnh-tử, Đằng Văn-công, hạ). Vua Minh Mạng sẽ nhắc lại từ cầm thú này trong Huấn địch thập điều của ông ban bố năm 1833. Các nhà Văn-thân cũng không quên xài từ cầm thú này trong bài hịch của họ công bố ngày 19.3.1874 để công kích người Công giáo thậm tệ, chỉ vì, theo họ nghĩ, khi bãi bỏ lệ thờ cúng tổ tiên, người Công giáo lại đụng đến nồi cơm của họ một lần nữa, và lần này rất trầm trọng vì nó thủ tiêu tất cả những quyền lợi vật chất mà nhà nho lãnh đạo tinh thần trong thôn xóm có thể thu hoạch được nhờ tục lệ này.
|
|