|
nguồn: http://koori-no-hana.xanga.com/
Bình yên đi em, sóng gió đã qua rồi
Tháng mười một...
Gần 2 tháng tròn mình không viết blog.
Giờ, để tổng kết cho tháng mười một, điều đầu tiên mà mình nghĩ đến là vụ án Nguyễn Đức Nghĩa, phiên xử phúc thẩm ngày 11/11. Ngày hôm ấy, sau khi tham dự phiên xử, mình đã rất day dứt, đã suy nghĩ, đã muốn viết ngay để khỏi quên, khỏi đánh rơi cảm xúc. Vậy mà vẫn phải đợi tới hôm nay để nói những lời này...
Thôi thì copy lại, và chỉnh sửa đôi chút từ những bài viết mà mình đã viết trước đây. Kẻo bây giờ, nói lại, sẽ không còn nguyên được cái suy tư, cái trăn trở ngày hôm ấy nữa...
Buổi sáng 11/11, tại Tòa phúc thẩm có 2 vụ án được xét xử cùng lúc. Hai phòng xử thì cạnh nhau, sát vách. Trong khi NĐN "được" rào đón, "được" cánh phóng viên chầu chực, "được" người ta lao vào chụp ảnh ngay từ khi công an đang mở khóa xe, "được" hàng trăm người chầu chực chỉ mong "được" ngó mặt hắn một cái, "được" lên báo, "được" tường thuật trực tiếp, "được" có hàng chục nhân viên cảnh sát, "được" đủ thứ thì đa số các bạn ngồi đây không hề biết đến vụ án thứ hai kia.
Rất nhiều người dân không có phận sự đã cố tình chen bằng được vào phiên xét xử, chen vào được thì khuôn mặt sung sướng đầy thỏa mãn, còn cười hí hố với nhau, thằng bạn đứng ngoài thì trầm trồ, ố á, sao mày vào được thế?! Rồi trao tay nhau máy ảnh, điện thoại để chụp ảnh lưu niệm. Có anh say mê nhiếp ảnh đến nỗi đứng chắn ngay trước mặt bác Chuân để chụp ảnh NĐN cho rõ hơn, nhiều lần NĐN nài nỉ "Anh đứng dịch ra bên cạnh hộ em" nhưng vẫn không chịu xê ra.
Thời đại này mà món bánh bao máu vẫn còn được ưa chuộng quá.
Cá nhân tôi không cho rằng NĐN là "thú vật", "máu lạnh"... gì cả. Anh ta là một con người, có những phần đen tối và những phút giây máu lạnh. Nhưng nhìn chung, vẫn là một con người. Có những tử tù là tướng cướp, tàn ác lắm, đánh giết không ghê tay nhưng lại hiếu thảo, chăm chút cho bố mẹ vô cùng. Tôi không biết NĐN có tàn ác như những tướng cướp kia không, nhưng anh ta thực sự rất hiếu thảo và thương yêu bố mẹ mình. Tiếc rằng, bây giờ đã quá muộn để Nghĩa thể hiện điều đó với bác Chuân. Hai lần tòa tuyên tử hình không lấy được của Nghĩa 1 giọt nước mắt, nhưng 2 lần nhắc đến bố mẹ trong phiên sơ thẩm và phúc thẩm đều khiến NĐN khóc nức nở. Hay khi Nghĩa, mắt ngấn nước, thì thầm:"Mẹ đừng trách gì chú Ba nhé, mẹ đừng trách gì chú Ba nhé, mình làm thì mình phải chịu thôi..." Còn nhiều điều không tiện kể hết, nhưng nhìn chung, trong Nghĩa vẫn còn một phần Người, chứ chẳng phải là "súc sinh", "ác quỷ" chả có tí nhân cách nào như nhiều người vẫn nghĩ.
Tôi không hiểu một số người (chả liên quan gì đến vụ án) lu loa lên rằng bác Hùng (bố Nghĩa) giả chết thế nọ thế kia, họ nghĩ gì. Bác ấy đã chết. Và chết rồi nhưng người ta vẫn dựng dậy để bôi nhọ bằng đủ thứ lý do, dù bác Hùng chả có tội tình gì. Bác chỉ có lỗi là trót sinh ra thằng giết người, mà bác nào có xúi nó đi giết người cho cam. Miệng thì vừa chửi bác Hùng giả chết, vừa bảo "thằng Nghĩa dã man", chả hiểu ai dã man hơn ai nữa.
Bác Chuân, mẹ Nghĩa, chỉ là một người đàn bà chất phác, thật thà, thuộc típ người cả đời dựa vào chồng con, hy sinh chăm chút cho gia đình chứ không giỏi giao tiếp xã hội. Tôi cũng chẳng hiểu người ta bôi nhọ bác, kêu bác đóng kịch, bác ăn vạ, bác giả dối... nhằm mục đích gì, trong khi người đàn bà ấy đã khốn khổ đến tận cùng.
Tháng trước vừa mới xem "Nobody to Watch Over Me", cảm thấy thông cảm với gia đình, thân nhân hung thủ vô cùng. Một bộ phận "báo chí" Việt Nam đúng là không còn lời gì có thể diễn tả nổi. Thằng giết người thì cứ bưng nó lên báo thoải mái, chả sao. Nhưng, thân nhân của nó thì phải được bảo vệ, được tôn trọng, họ là Người và họ vô tội, họ xứng đáng được sống an toàn và thoải mái. Họ có quyền được sống yên ổn, được giữ bí mật về nhân thân của mình. Nghĩa có tội, nhưng bố mẹ và gia đình hắn không có tội. Cái cách mà một số phóng viên (ngay từ những ngày đầu) đã đăng tải địa chỉ chính xác của gia đình Nghĩa, chân dung bố mẹ Nghĩa, địa chỉ chính xác của gia đình nạn nhân, hình chụp cận cảnh ngôi nhà nạn nhân và hung thủ (toàn những điều không liên quan gì đến vụ án)... Đó là một loạt những hành động vô cùng thiếu văn minh. Ai có tội thì người ấy chịu, vơ cả bố mẹ hắn vào khác gì xử tội tru di như thời phong kiến.Sinh ra thằng giết người, là con của thằng giết người... không phải là tội ác. Cái kiểu "tru di" chỉ có ở những nơi phong kiến, mọi rợ, chưa phát triển.
Về bác Ba, nói ra câu này thì thực sự nhạy cảm, nhưng sự thật là bác Ba không hề hiền lành và cũng chẳng cư xử đúng mực được như những gì mà nhiều người nghĩ đâu. Nhưng tôi không muốn đào sâu hay kể lể về vấn đề này, vì nói cho cùng thì bác Ba cũng là một con người khốn khổ. Tôi thông cảm cho bác Ba, và phần nào hiểu được sự uất ức của bác cũng như của những gia đình nạn nhân khác (trong những vụ án khác).
Tôi cảm thấy khó hiểu với sự suy diễn tài tình của báo chí và dư luận. Khi bác Ba, bố của nạn nhân Nguyễn Phương Linh đến phiên tòa, gương mặt lạnh lùng, không cảm xúc, không một giọt nước mắt rơi, họ bảo ông nén nỗi đau vào lòng. Khi cha mẹ bị cáo Nguyễn Thị Thuân (vụ án 3 nạn nhân bị thiêu chết) ngồi sau lưng bị cáo, quần áo chỉn chu, người ta bảo ông bà bình thản đến lạnh lùng. Khi bác Chuân, mẹ Nghĩa, khóc hết nước mắt vì đứa con nghịch tử, đến tòa là khóc và để cứu con chỉ còn biết quỳ xuống nói những lời như van lạy gia đình người bị hại: “Xin hãy tha tội cho con tôi", người ta bảo bà ăn vạ. Khi thân nhân bị hại lu loa ầm ĩ, đánh chửi người nhà bị cáo, người ta trỏ vào, bảo, thấy họ đau lòng vì mất con thế nào chưa?
Vẫn biết thằng giết người là ác, hay ít ra là có những thời điểm rất ác. Nhưng không có nghĩa là bị hại và thân nhân luôn thanh cao thánh thiện, và cả nhà bị cáo đều là rơm, là rác. Có ai nỡ đong đếm những nỗi đau, nhưng chắc gì gia đình nạn nhân đã là người đau nhất?
Nói là đồng tình với bản án thì không hẳn. Nói ra thì dài dòng, nhưng đại ý có thể hiểu là thế này. Tội đáng chết thì phải chịu chết. Cái đấy không cần bàn cãi. Nhưng, phải đúng người đúng tội thì tử tù mới tâm phục khẩu phục. Cùng là đáng chết, nhưng đáng chết vì tội A và đáng chết vì tội B là hoàn toàn khác nhau. Ví dụ (chỉ là ví dụ, đừng hỏi tôi bằng cớ đâu blah blah): Nó đánh nhau làm chết người mà bảo nó giết người để quỵt nợ là không được. Hoặc, nếu nó giết người vì ghen tức mà cáo trạng cứ ghi là nó giết người cướp của, thì nó cũng không thể phục được. Thế thôi.
Tôi vẫn quan niệm rằng, Luật pháp không phải là sự trả thù được ngụy trang bằng những điều hoa mỹ tốt đẹp. Luật pháp phải là sự công bằng, và mục tiêu cao nhất, không phải là sự trừng phạt, mà phải khiến cho bị cáo tâm phục, khẩu phục với bản án và hình phạt của hắn. Và, rất tiếc, tôi không hề thấy điều này ở phiên xử của NĐN. Có thể Nghĩa muốn chết, Nghĩa cũng cho rằng mình đáng tội chết, nhưng, tôi không tin rằng Nghĩa thực sự "phục" với những lời mà HĐXX đã nói về mình.
Tôi đã đọc ở đâu đấy 1 câu rằng NĐN "chết" vì "trót" thành tâm điểm của dư luận và truyền thông. Điều đó hoàn toàn không sai. Ở VN, càng vụ án nào được sự "ưu ái" quá liều của dư luận thì càng có khả năng sẽ khiến vụ việc bị lái theo hướng khác. Thậm chí là quan tòa cũng phải chịu chi phối bởi rất nhiều điều không mấy liên quan khác, chứ chưa chắc đã được xử theo đúng lương tâm và chính kiến của họ.
Về mặt cá nhân mà nói, tôi không có lí do để ủng hộ giảm án cho Nghĩa. Đơn giản là vì nhiều tử tù khác còn phải chịu những cái chết "ấm ức" hơn, day dứt hơn và đáng tiếc hơn Nghĩa nhiều lần. Nếu ý kiến của tôi có thể thay đổi được số phận của họ, thì tôi sẽ ưu tiên cho những tử tù ấy trước, chứ không phải là Nghĩa. Tôi cũng chẳng có lí do để nhất nhất bảo "nó phải chết", vì thực tế là nhiều kẻ còn tội lỗi hơn, xảo quyệt hơn, dã man hơn mà nào có bị xử tử đâu. Nhưng thôi, nói đến đây là đủ rồi. Tôi không biết đơn xin ân giảm của NĐN có được chấp nhận hay không, vì việc đó nằm trong quyền hạn của duy nhất 1 người, không phải tôi. Nói cho cùng thì những người chết cũng đã phải chết, những người còn sống đều mang những nỗi đau riêng khó lòng so sánh và nói hết thành lời. Nhưng những người sống vẫn cứ phải tiếp tục sống, vì đó là lựa chọn duy nhất. Mong rằng họ có đủ can đảm và vững vàng để tiếp tục sống (một cách tốt nhất có thể) trong tương lai.
Dù sao cũng chẳng phải chuyện của mình, xem, ngẫm và rút ra bài học thôi. Chuyện của Nghĩa, dừng lại ở đây là được rồi.
Và, điều thứ hai. Thôi thì chả biết nói gì. Này, em, tuổi mới... |
|