|
Giáo Phận Kontum (tiếp theo)

Một điều trăn trở là suốt chặng đường 3/4 thế kỷ qua, Giáo phận truyền giáo Kontum không có lấy một linh mục người dân tộc được truyền chức (không kể hai cha Tis và Roan ở Pháp). Phải chăng là một “lỗ hổng” trong công cuộc truyền giáo, khi mà những anh em đồng bào Jarai, Banar, Xê đăng, Rơ Ngao, sau hơn một thế kỷ rưỡi được vun trồng đức tin, không có “hoa trái” từ cánh đồng của mình dâng Chúa. Không chỉ nguyên tại Kontum, mà ở Buôn Ma Thuột, Đà Lạt, hay vùng Tây Bắc nước ta, số linh mục người dân tộc thiểu số chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Có phải tại họ mặc cảm, hay do chúng ta chưa quan tâm đủ đến việc đánh thức ơn gọi linh mục nơi họ? Các nữ tu người dân tộc thì đã có nhiều, có cả một hội dòng, như buổi lễ hôm nay ở Kontum, đông đảo các chị dòng Ảnh Vảy phụ trách phần thánh ca (các chị hát hay và khỏe). Đức cha Kontum đã nói lên lời kêu gọi các gia đình cống hiến con cái cho vườn nho Chúa, trông mong có sự góp mặt của anh em dân tộc trong hàng ngũ linh mục. Việc truyền giáo chắc chắn sẽ kết quả hơn, nếu Tin Mừng được rao giảng do chính người bản xứ cho người bản xứ. Cha Đắc Lộ đã thấy được điều thiết yếu này khi đất nước ta mới bắt đầu đón nhận Tin Mừng. Tại chủng viện Huế hiện đang có 4 chủng sinh người dân tộc (A Đên người Jarai, A Xoang và A Blir người Banar, Ali Khâm người Rơ Ngao), các anh em này tu tập không thua gì các chủng sinh khác.
Công cuộc truyền giáo cho anh em thiểu số đặt chúng ta trước nhiều thao thức, trong đó có vấn đề hội nhập văn hóa. Trong tâm thức, dường như chúng ta muốn anh em dân tộc “hội nhập” với người Kinh, mà quên rằng chính mình phải hội nhập với họ trước hết. Người Kinh và người dân tộc có nền văn hóa khác nhau, từ ngôn ngữ, phong tục, tập quán, đến cách suy nghĩ, cách ứng xử… Công cuộc truyền giáo đòi nhà thừa sai hiểu tâm tư, suy nghĩ và cách sống của người bản địa. Tin Mừng phải được lồng vào nền văn hóa địa phương. Cha Cadière khi đến Việt Nam truyền giáo, đã nghĩ được thế này: “Học tiếng Việt không phải để nói như người Việt, nhưng còn để tâm tư nghĩ suy như họ”. Ngài tự nhận mình là một người Việt hóa (annamitisant). Các cố Tây khi đến truyền giáo ở nước ta đã cố công sưu tầm nền văn hóa, ngôn ngữ của ta, viết thành sách để truyền bá. Thư viện của chủng viện Huế còn giữ được những công trình nghiên cứu về các dân tộc vùng Tây Nguyên, nhưng tất cả đều do các cố Tây viết, hiếm có tác phẩm do các giáo sĩ ta viết ra. Coi chừng kẻo ít nhiều chúng ta có não trạng của các “thực dân” đem ánh sáng văn minh khai hóa cho anh em dân tộc, trong khi họ có nhiều điều tốt đẹp để trao lại cho ta. (Ai cũng biết người thượng bản chất thật thà, hiền hậu, tốt lành, chung thủy, nhưng bây giờ họ đang mất đi những điều tốt đẹp ấy khi tiếp xúc với người “Kinh”, kinh quá !).
Khi được thấy và nghe kể về công việc mục vụ của các linh mục tại vùng Kontum, tôi thấy các cha ở đó đang bị “quá tải”. Mỗi linh mục phải phụ trách một vùng rộng lớn có khi tới vài chục làng, số giáo dân từ sáu, bảy ngàn đến mười ba, mười bốn ngàn, mà đường đi lại khó khăn, nhất là trong mùa mưa. Đức Giám mục phải kêu mời các dòng tu đến tăng cường mà vẫn không đáp ứng đủ. Trong khi đó, tại một vài giáo phận khác, có thể nói đã “bão hòa” về nhân sự, ít là cho mục vụ giáo xứ, chứ nếu nói về các mặt khác thì chắc chắn là không bao giờ đủ cả. Kế hoạch truyền giáo, mục vụ vượt khỏi ranh giới giáo phận dường như chưa được lưu ý, trong khi sắc lệnh Ad Gentes (số 19, 20, 38), Christus Dominus (số 6) của Công đồng Vatican II đã nói đến việc sẵn sàng chia sẻ nhân sự cho những vùng truyền giáo thiếu thốn, kể cả khi nơi mình cũng đang thiếu nhân sự nữa kia. (Bài đọc II kinh Sách lễ Phanxicô Xaviê nói với chúng ta về lời kêu gọi đi truyền giáo của thánh nhân nồng cháy như thế nào). Vào lúc này, tại Giáo Hội Việt Nam, việc gửi các nhà truyền giáo đi nước ngoài chưa cấp thiết bằng việc san sẻ nhân sự với các giáo phận thiếu thốn trầm trọng như Kontum, nhu cầu ở đây bao la, cấp bách lắm. Tôi chợt nhớ hình ảnh mà cha Piô Ngô Phúc Hậu vận dụng trong “Nhật ký truyền giáo”: lúa chín rục rồi, nếu không lo gặt thì chim, chuột sẽ ăn mất hết !
Một trong những điểm son của Giáo phận Kontum không thể không nhận ra, đó là sự cộng tác của giáo dân với hàng giáo sĩ trong việc mục vụ và truyền giáo. Họ là những Yao phu. Cuộc sống của họ cũng vất vả như bao người, cũng phải lo “cơm-áo-gạo-tiền”, họ thiếu thốn trăm bề, khả năng của họ bị hạn chế, nhưng họ thật đáng khâm phục khi cộng tác vào mục vụ và truyền giáo một cách nhiệt thành tận tụy. Ở những nơi các linh mục không thể đến, thì nhờ những yao phu này mà cộng đoàn tín hữu vẫn giữ được đức tin. Họ còn là những cựu chủng sinh CVK, tên tắt của “Chủng Viện Kontum”. Rất nhiều anh em ý thức ân huệ đã được trong những năm sống dưới mái trường chủng viện thừa sai, bây giờ họ tích cực dấn thân cho việc đào tạo linh mục, mục vụ giáo xứ và truyền giáo cả tinh thần lẫn vật chất, như chính đức giám mục đã tuyên dương trong lời mở đầu thánh lễ sáng hôm ấy.
Lễ kỷ niệm 75 năm thành lập Chủng viện thừa sai Kontum và phong chức linh mục đã xong, khuôn viên Tòa Giám mục và Chủng viện chắc đã trở lại khung cảnh trầm lắng. Ước mong còn đọng lại trong tâm tư những người tham dự niềm hy vọng vào một tương lai tốt đẹp cho Giáo phận Kontum, cho anh chị em đồng bào thiểu số đáng thương mến, cho công cuộc truyền giáo ở nơi đây.
Anphong Nguyễn Hữu Long
(nguồn Xuân Bích VN) |
|