|
Ôn hòa là điềm đạm, trầm tĩnh, không nóng nảy, không gay gắt trong cách đối xử. Người có tính ôn hòa luôn hòa nhã, lịch sự, hiền lành, nói năng lễ độ, hành động có chừng mực, không nói nhiều, không thích tranh cãi, không nổi nóng, không có hành vi bạo lực gây hấn với mọi người.
Tính Ôn Hòa
1. Hãy có những hành vi điềm đạm, trầm tĩnh.
Khi trong lòng thấy xao xuyến, bực bội, hãy chọn một nơi yên tĩnh, ngồi yên lặng hoặc đi dạo đâu đó, quan sát những hiện tượng nhỏ bé, tầm thường ( như con chim sẽ, chiếc lá rơi, cây xanh được gió thổi đung đưa,...) làm sao để chế ngự những phản ứng chực chờn bùng phát, hãy bình tâm và đừng để những cảm xúc ấy lộ ra ngoài. Điềm đạm, trầm tĩnh là thái độ của người tự chủ.
Đành rằng có những lúc cảm xúc mạnh mẽ và bộc phát ngoài ý muốn chúng ta nhưng nếu ta luyện tập có thể sẽ làm chủ được những cảm xúc ấy lúc nó sắp phát sinh.
2. Hãy sống hòa hoãn, thản nhiên.
"Đừng nên bi thảm hóa cuộc đời" là lời khuyên chân thành nếu muốn có cuộc sống bình thản, yên vui. Sống ở đời có rất nhiều chuyện khiến ta đau đầu, những việc rắc rối và mâu thuẫn. Vậy làm sao để giải quyết? Không cần có bộ óc thông minh nhưng chỉ cần bạn biết bỏ qua, không quan trọng hóa vấn đề là đâu vào đó.
Người có tính ôn hòa, điềm đạm luôn nhìn mọi việc ở góc độ đơn giản, chuyện đâu còn có đó, cứ từ từ giải quyết rồi mọi chuyện sẽ đi vào quỹ đạo bình yên. Ta suy xét lại mà rằng: Tại sao phải tìm mọi cách minh oan, phân bua cho bằng được khi có ai chỉ trích, lên án? Tại sao phải cãi cho bằng được khi ai phản đối mình? Tại sao phải trả đũa bằng được khi ai đó làm trái ý mình?
Dụ ngôn: Một người nọ đi thuyền trên sông. Có một chuyến thuyền khác từ đâu trôi tới đụng vào. Người ấy dù hung dữ đến đâu cũng không lấy làm tức giận. Giả sử trên chiếc có người lái thì chắc người đó đã trợn mắt mà chửi rủa thậm tệ.
Cùng một việc nhưng tại sao lại có hai cách cư xử?
=> Hãy giải quyết mọi vấn đề như chiếc thuyền không có người thì lòng ta sẽ được thanh thản.
Tư chất của người điềm đạm: Luôn bình tĩnh, ăn nói chậm rãi, cân nhắc, đi đứng khoan thay, không có gì phải vội vàng. Khi cần hành động thì hành động cách cẩn thận, chừng mực. Khi bị vu khống thì cứ ôn tồn phân lẽ phải trái, nếu không được chấp nhận thì im lặng cho qua không để bụng. Khi gặp tình thế khẩn cấp không luýnh quýnh, không chụp giật, không vội vàng, không trốn tránh mà thản nhiên nghiên cứu, tìm cách để giải quyết công việc cách nhẹ nhàng, điềm tĩnh.
Nên nhớ:
"Giục tốc bất đạt".
"Muốn nhanh, hãy từ từ".
3. Hãy lạc quan.
Người lạc quan xem mọi việc cái gì cũng thấy cái tốt, cái hay mà vui vẻ, không coi thường nhưng cũng không e dè quá độ. Lấy con mắt vô tư, không ngần ngại mà nhận xét mọi mặt, mọi vấn đề, mọi phía cạnh. Luôn hăng hái, không vội vàng nhưng linh động, nhiệt thành trong mọi hành động.
Muốn thành công trên đường đời hãy làm sao cho mình trở thành người lạc quan.
Trái lại, muốn thất bại thì cũng chỉ luôn: người bi quan nhìn gì cũng thấy đen tối, khó khăn, khổ sở, thảm thương, kêu ca, chính vì sự bi quan nên không phát hiện ra cá tính, giá trị của bản thân. Khi gặp thất bai không biết tự trách mình lấy làm kinh nghiệm lại đổ cho sự may rủi, cho thời thế, hơn nữa là đổ lỗi cho người khác vì cho rằng họ không giúp minh. Loại người này lúc nào cũng cho rằng mình là kẻ thất bại, lỡ thời, luôn buồn rầu, tiếc nuối khi nhìn về dĩ vãng, chán nản về hiện tại dẫn đến tiếp tục thất bại ở tương lai. Tự đào hố nhảy xuống rồi khóc sao lại nằm dưới hố mà trách người.
Ta nên lạc quan không có nghĩa là lúc nào cũng yên trí cái gì cũng chu đáo, cũng suôn sẽ, cũng an toàn, cũng thắng lợi mà phải có trí phán đoán, phải biết chuẩn bị, biết phòng xa và nhất là biết tự bảo vệ mình. Nếu không cũng sẽ là kẽ khinh suất, khinh địch.
(còn tiếp...)
Nguồn: Tóm tắt và thêm ý dựa vào sách. |
|