|
Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy [...]; được đi dép, nhưng không được mặc hai áo (Mc 6,8-9)
Suy niệm:
Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật việc Chúa Giêsu sai các môn đệ đi truyền giáo ở những vùng lân cận. Trước đây họ sống dựa vào Chúa chẳng phải lo lắng gì bao nhiêu, nhưng giờ đây, như cánh chim ra ràng lìa tổ, như những người con đi ăn riêng, hẳn là họ phải tính toán hành trang vào nghề nhất là những người thuyền trưởng như Phêrô, người thu thuế như Mathêu...
Nếu được tự lo liệu, hẳn họ sẽ có số hành trang cồng kềnh lắm. Nhưng Thiên Chúa quan phòng đã xếp đặt cho họ khắc hẳn. Chúa gửi họ ra đi như một bầy chiên giữa sói rừng (Mt 10,16), như bông sen giữa bùn lầy, bông hoa giữa bụi gai để làm men giữa đấu bột. Chúa sai họ đi từng hai người một để họ có thể nâng đỡ nhau và làm gương cho nhau.
Khi họ ra đi, Chúa không chia chác tài sản gì cả, mà có gì đâu để mà chia. Con người đi không chỗ ở, không hòn đá gối đầu. Chúa chỉ trao cho họ uy quyền chữa bệnh và khử trừ ma quỉ, đó chính là quyền tha tội; vì quan niệm của Do Thái xưa bệnh tật là do tội lỗi, bệnh nặng là do ma quỉ ám hại, cho nên khi trừ được là tha tội được.
Đó, hành trang đi vào đời chỉ có bấy nhiêu. Và cái bấy nhiêu ấy chỉ vỏn vẹn trong lãnh vực siêu nhiên.
Còn trong lãnh vực vật chất, Chúa cho các môn đệ mang theo những gì? Theo thánh Luca thì người môn đệ của Chúa phải có một sự từ bỏ tuyệt đối. Thánh Luca chủ trương phải từ bỏ “hết tất cả mọi sự” (Lc 18,22.5,28). Riêng thánh Máccô và Mátthêu bảo phải từ bỏ nhiều, nhưng ít ra còn được mang dép mang gậy, bị và áo mặc.
Cái gậy dù sao cũng là để tự vệ đối với kẻ cướp hoặc trợ bước kẻ hành trình. Thánh Phanxicô khi đọc đoạn Tin Mừng của Luca đã bỏ ngay chiếc gậy trong tay. Còn thánh Benoit Labre lại xin một chiếc gậy mới để nâng đỡ tuổi già. Chỉ thấy có gậy hay bỏ gậy chưa hẳn là cần, nhưng cần ở tấm lòng trước hết. Đôi dép cũng vậy, dù sao cũng là vật dụng tối thiểu để bảo vệ đôi chân để ra đi truyền giáo. Cái bị cũng vậy là gia nghiệp cuối cùng của người đi ăn xin. Nhưng có thể trong đó cũng còn đồ ăn cho ngày mai nghĩa là đồ dư thừa chăng?
Điều quan trọng ở đây không phải là bị, gậy, giày dép nhưng là ý nghĩa thẳm sâu bên trong. Ra đi không gậy, không bị, không giày dép tức là ra đi thảnh thơi, không bon chen bối rối bịn rịn. Và đó gọi là tâm hồn thanh thoát từ bỏ mà Chúa đòi hỏi. Chúa không muốn cho các Tông đồ của Ngài trở thành những con người được bảo hiểm an toàn đầy đủ đến nỗi không còn lo sợ rủi ro bất trắc. Không, Chúa muốn họ gặp bất trắc sứt mẻ và bị đe dọa mà dám từ bỏ để bám víu vào Thiên Chúa quan phòng.
Một khi bám vào Chúa, người ta phải biết mình bám vào ai. Bám vào Chúa là Đấng Toàn Năng, là Đá Tảng, Đá Nền duy nhất. Chắc chắn những thử thách bất trắc xảy ra đều chọc thủng những lỗ hổng trong cuộc đời mỗi người mà chỉ có Thiên Chúa quan phòng mới lấp đầy lại được mà thôi.
Kinh nghiệm cho thấy một khi con người đầy đủ rồi thì liền hủy diệt chân lý Thiên Chúa quan phòng, như dân Do Thái xưa kia giàu có liền đúc bò vàng thay cho Thiên Chúa Giavê. Ăn no dẵm chuồng là thường. No cơm ấm cật dâm dật mọi nơi. Giuđa cũng vì tiền của mà quên Lời Thiên Chúa, Đấng đã chọn ông làm quản lý cho Ngài.
Bài Tin Mừng dạy chúng ta biết từ bỏ. Trần gian từ bỏ mình thì mình cũng phải biết từ bỏ đi để về với Thiên Chúa là Vua. Chúng ta nhớ, dù có bất cứ thứ gì, của cải vật chất hay học thức, mà không sử dụng như ý Thiên Chúa đều là ngăn trở cho con đường về Trời. Nếu chúng ta giàu có, chúng ta có biết dùng của cải vào việc phụng sự Thiên Chúa và nhân loại không?
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn sống kết hiệp với Chúa. Tất cả hoạt động của chúng con sẽ chẳng có giá trị gì, nếu không bắt nguồn từ tình yêu Thiên Chúa. Càng kết hiệp với Chúa, chúng con càng có khả năng chu toàn bổn phận của người tông đồ giữa dân Chúa, và như vậy chắc chắn chúng con sẽ nhận được phần thưởng Chúa hứa cho người thợ tận tâm, nhiệt thành cho Nước Chúa trị đến.
nguồn: http://tgpsaigon.net
|
|