|
Assisi III: Hành hương vì chân lý, hành hương vì hòa bình
WHĐ (29.10.2011) – Ngày 27-10-2011, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã đến Assisi cùng với 300 đại biểu các tôn giáo khác và một số đại biểu không tôn giáo để kỷ niệm cuộc gặp gỡ liên tôn lần đầu tiên do vị tiền nhiệm, chân phước Gioan Phaolô II khởi xướng cách đây một phần tư thế kỷ tại thành phố trên đỉnh đồi thuộc vùng Umbria.
Ngay từ sáng sớm, khách hành hương đã tụ họp ở Vương cung thánh đường Đức Mẹ các Thiên Thần. Một số người vào bên trong ngồi chung quanh ngôi nhà nguyện nhỏ Porziuncola, nơi chôn cất thi hài Thánh Phanxicô. Một số người khác ở bên ngoài kiên nhẫn chờ ĐTC và các vị khách đến từ Rôma bằng xe lửa. Hơn 300 người có đức tin, cả nam lẫn nữ, đến từ khắp nơi trên thế giới, và lần đầu tiên có mặt một số đại biểu không tín ngưỡng, được mời tham gia cuộc hành hương chung trên con đường gai góc hướng về chân lý và hòa bình trong thế giới đầy rắc rối của chúng ta.
Tiếng hoan hô vang dội khi ĐTC chào từng đại biểu một, trước khi ngài đi lên khán đài màu trắng dành cho ngài và các vị lãnh đạo các tôn giáo lớn và các cộng đoàn tín ngưỡng.
Khai mạc hội nghị, Chủ tịch Hội đồng Tòa thánh Công lý và Hòa bình, ĐHY Peter Turkson phát biểu: “Chúng ta đến đây để làm chứng cho sức mạnh lớn lao của tôn giáo có thể phục vụ điều thiện hảo, để cùng nhau tái cam kết xây dựng hòa bình, hòa giải những mâu thuẫn và đem con người trở về hòa hợp với tạo thành”.
Sau đó, từng đại biểu một, những vị lãnh đạo của mỗi cộng đoàn đứng lên và tuyên bố những cam kết của mình trong việc tìm kiếm lòng khoan dung, sự tương kính và nền hòa bình giữa các dân tộc và giữa các quốc gia.
Thay mặt cho các Giáo hội Chính thống, Đức Thượng phụ Bartolomaios I, giáo chủ Chính thống Constantinopolis, phát biểu bằng tiếng Pháp, ngài nói đến nhu cầu biến hình, biến đổi, hoán cải ở ngay trọng tâm của những cuộc đối thoại đích thực. Với tư cách là những nhà lãnh đạo tôn giáo, ngài nói, qua gương mẫu của chúng ta, chúng ta phải tỏ ra rằng “chúng ta không tìm cách sống chống lại nhau, nhưng người này hợp với người khác cùng nhau tìm kiếm chân lý và hòa bình”. Nhắc đến các biến cố đau thương của Mùa xuân Ả Rập, ngài nói vị trí của tôn giáo giữa những biến động này còn rất mơ hồ và ngài bày tỏ sự quan ngại của tất cả những vị lãnh đạo Kitô giáo đối với những cộng đoàn Kitô hữu bị gạt ra ngoài lề trong khắp vùng Trung Đông.
Cũng với sự lo ngại ấy, Tổng thư ký Hội đồng thế giới các Giáo hội, tiến sĩ Olav Fykse Tveit nêu bật vai trò sống còn của giới trẻ trong việc đẩy mạnh dân chủ và hòa bình trong thế giới Ả Rập. Ông nói về thánh Phanxicô, chàng thanh niên được thôi thúc bởi “đam mê và khát vọng hòa bình mãnh liệt”, đã đi gặp quốc vương Hồi giáo ở Ai Cập để chia sẻ những kinh nghiệm về đức Tin - giống như những thập tự quân, Phanxicô đến để cải hóa người khác, nhưng thay vì thế “ngài lại được cải hóa, lại hoán cải chính mình”.
Vị lãnh đạo Giáo hội Anh giáo, Tổng giám mục Rowan Williams ghi nhận rằng không một cộng đồng tôn giáo nào có thể cho rằng mình có đủ năng lực để đương đầu với những thử thách to lớn ngày nay. Ngài nói: “Chúng ta không đến Assisi chỉ để khẳng định nền tảng chung của đức Tin, mà là để nói những điều khôn ngoan, từ sâu thẳm của những truyền thống tôn giáo khác nhau của chúng ta, cho một thế giới còn bị ám ảnh bởi sợ hãi và hoài nghi, còn thích ý tưởng an ninh dựa trên sự thù nghịch mang tính phòng thủ, còn có thể khoan nhượng hay bỏ qua những cái chết hàng loạt của những người nghèo do chiến tranh hay bệnh tật.”
Vị lãnh đạo giáo hội Armenia ở Pháp, Tổng giám mục Norvan Zakarian, nói về những khó khăn trên con đường tiến tới công lý và hòa giải, nhấn mạnh nhu cầu nói rõ sự thật về những tội ác vi phạm trong những xung đột võ trang, và đặc biệt là tội ác diệt chủng, tội ác khủng khiếp nhất trong các tội ác.
Xen kẽ tiếng đàn vĩ cầm réo rắt của một thày dòng Phan Sinh, lần lượt các vị lãnh đạo Do thái, Hồi giáo, Ấn giáo, Phật giáo và bản xứ đã lên tiếng, và vị lên tiếng cuối cùng đã kết thúc bài phát biểu của mình bằng giọng hát cổ truyền được phụ họa bởi một bộ gõ nhỏ mà ngài đã mang theo từ Châu Phi nhân dịp này.
Một trong những đại biểu không tín ngưỡng, giáo sư Julia Kristeva cũng lên tiếng. Bà nói về vai trò đặc biệt của phụ nữ và nhu cầu đánh giá lại sự đóng góp của chủ nghĩa nhân văn trong việc tìm kiếm công lý và hòa bình trên thế giới.
Sau cùng, ĐTC Bênêđictô đã nói về những thay đổi lớn lao đã diễn ra từ lần gặp gỡ liên tôn đầu tiên năm 1986. Mặc dầu sự phân biệt Đông-Tây không còn nữa, nhưng thế giới tự do đã cho thấy rõ ràng nó không có định hướng, bằng chứng là những hình thức bạo lực và bất hòa mới đang tiếp tục đe dọa chúng ta ngày nay.
Hình thức bạo lực đầu tiên của những hình thức mới này là chủ nghĩa khủng bố, thường do động lực tôn giáo thúc đẩy, gạt bỏ mọi nguyên tắc quốc tế được công nhận trước đây nhằm bảo vệ dân chúng trong những trường hợp có xung đột. ĐTC nhấn mạnh: “Đó chính là phản đề của tôn giáo đích thực và góp phần hủy diệt chính tôn giáo.” Ngài cũng nhìn nhận là Kitô giáo trong quá trình lịch sử của mình cũng đã lạm dụng niềm tin mà sử dụng bạo lực chống lại những tôn giáo khác và ngài nói nhiệm vụ của tất cả các Kitô hữu ngày nay là thanh tẩy tôn giáo của mình để tôn giáo thực sự được sử dụng như khí cụ hòa bình của Thiên Chúa.
ĐTC nói tiếp: “Một loại bạo lực khác là việc từ chối Thiên Chúa. Hậu quả là người ta mất hết nhân tính và trở nên tàn ác không giới hạn.” Ngài viện dẫn đến những trại tập trung, nhưng ngài cũng nói đến sự hủy hoại đời sống con người do sự buôn bán ma túy như những thí dụ điển hình khi Thiên Chúa vắng bóng. Rồi đến việc thờ phượng thần tài, tài sản, quyền lực trở thành phản tôn giáo.
Cuối cùng ĐTC nói đến thế giới của thuyết bất khả tri đang lớn mạnh; đến những người chưa nhận được quà tặng đức Tin. Việc họ đi tìm kiếm sự thật sẽ mời gọi mọi tín hữu không được xem Thiên Chúa như sở hữu của riêng mình.
Về phần Giáo hội, ĐTC nói: “Giáo hội Công giáo sẽ không cho phép mình từ bỏ cuộc đấu tranh chống bạo lực, thay vào đó, giống như tất cả mọi người đang tụ họp ở Assisi, chúng tôi phải được thúc đẩy bởi ước muốn chung là được làm “những người hành hương của chân lý và hòa bình”.
(Philippa Hitchen, Vatican Radio, 28-10-2011)
WHĐ
Các chủ đề cùng thể loại mới nhất:
|
|