Love Telling ThanhCaVN nhắn với ACE: Chúng con cậy vì Danh Chúa nhân từ, xin cho Linh hồn Cha cố Phêrô (Ns. Kim Long) được lên chốn nghỉ ngơi. Hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng vui vẻ vô cùng. Amen! Loan Pham nhắn với ACE: Giêsu Maria Giuse, con mến yêu xin thương cứu rỗi linh hồn Phê-rô Lm. Kim Long sớm được hưởng Nhan Thánh Chúa. Amen Loan Pham nhắn với ACE: Hòa cùng với Giáo Hội Công Giáo Việt Nam với sự ra đi của Lm. Kim Long là Nhạc sĩ quý mến của chúng ta...đó là sự thương xót mất mát rất lớn của Thánh Nhạc Việt Nam... chúng ta hãy cùng dâng lời nguy Loan Pham nhắn với Gia đình TCVN: Hòa cùng Giáo Hội Công giáo Việt Nam với sự ra đi vô cùng thương tiếc của Lm. Kim Long là nhạc sĩ Thánh Ca thân yêu của chúng ta... Chúng ta cùng dâng lời nguyện xin: Giesu Matia Giuse xin thương cứu rỗi linh ThanhCaVN nhắn với ACE: Nhân dịp Sinh Nhật lần thứ 18 Website, BQT-TCVN kính chúc Quý Cha, Quý Tu sỹ Nam Nữ, Quý Nhạc sỹ - Ca trưởng – Ca sỹ, Quý Ân Nhân và toàn thể ACE luôn tràn đầy HỒNG ÂN THIÊN CHÚA. ThanhCaVN nhắn với ACE: Chúng con cậy vì Danh Chúa nhân từ, xin cho Linh hồn ĐTC Phanxicô được lên chốn nghỉ ngơi. Hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng vui vẻ vô cùng. Amen!

kết quả từ 1 tới 15 trên 15

Chủ đề: Thực tập sống đời Kitô

Threaded View

  1. #1
    Caohuong's Avatar

    Tham gia ngày: Sep 2010
    Tên Thánh: Antoine
    Giới tính: Nam
    Đến từ: http://gxvinhhuong.net
    Quốc gia: Vietnam
    Bài gởi: 2,741
    Cám ơn
    5,189
    Được cám ơn 7,813 lần trong 1,894 bài viết

    Exclamation Thực tập sống đời Kitô

    THỰC TẬP SỐNG ĐỜI KITÔ - (9 BÀI)

    BÀI MỘT: NGHĨ ĐẾN NGƯỜI KHÁC

    1. LỜI CHÚA: Chúa Giêsu phán: "Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta. Vì Luật Môsê và lời các Ngôn sứ là thế đó" (Mt 7,12).

    2. CÂU CHUYỆN: CHIẾC GIÀY CỦA GANDHI:

    Sau một tiếng còi vang lên báo hiệu tới giờ khời hành. Chiếc Xe lửa từ từ chuyển bánh và Gandhi từ sân ga vội chạy đến và vừa kịp bước lên tàu. Bất ngờ một chiếc giày của ông bị vướng vào bậc thang và rơi xuống dưới đường. Gandhi không thể nhảy xuống để nhặt chiếc giày bị rơi khi con tàu bắt đầu tăng tốc. Bấy giờ trước sự ngỡ ngàng của nhiều người trong toa tàu, Gandhi đã cúi xuống tháo luôn chiếc giày còn lại ném về phía chiếc giày vừa bị rớt kia. Sau khi an vị, người hành khách ngồi bên thắc mắc hỏi tại sao làm như vậy thì được Gandhi mỉm cười giải thích như sau: "Sở dĩ tôi ném chiếc giày còn lại xuống dưới đường là để nếu có người nghèo nào đó lượm được chiếc giày thứ nhất, họ sẽ tìm thấy chiếc thứ hai và sẽ có thể sử dụng được đôi giày của tôi!".

    3. SUY NIỆM:

    -Có lẽ mỗi người chúng ta thường chỉ nghĩ đến mình hơn là Nghĩ đến người khác. Đó là thói xấu ích kỷ cố hữu của con người. Có một trắc nghiệm để biết trình độ trưởng thành của một người là: Bao lâu một người nào chỉ biết nghĩ đến ích lợi bản thân mình, là đang trong tình trạng ấu trĩ về tâm lý. Chỉ khi nào người ta biết quên mình để nghĩ đến người khác, thì mới thực sự trưởng thành về nhân cách.

    - Nghĩ đến người khác là thực hiện lời Khổng Tử dạy: "Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân" (Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác). Thánh kinh Cựu ước đã ghi lại lời Tô-bi-a cha khuyên Tô-bi-a con như sau: "Điều con không thích thì cũng đừng làm cho ai cả" (Tb 4,15a). Thánh Phao-lô dạy các tín hữu thành Phi-lip-phê như sau: "Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác" (Pl 2,4).

    - Chúng ta phải "nghĩ đến người khác" vì mọi cái chúng ta đang sử dụng đều do người khác mang lại và phải nhờ người khác ta mới có như: cơm ăn, áo mặc, xe cộ, đồ dùng, điện nước, thuốc uống, kiến thức, luật pháp... Nếu không được người khác giúp đỡ thì có lẽ cuộc sống của chúng ta sẽ rất khó khăn và bất hạnh. Do đó, đến lượt chúng ta, thật là công bình và chính đáng khi chúng ta cũng biết nghĩ đến người khác và phục vụ người khác.

    -Nghĩ đến người khác là một cách ứng xử tốt đẹp. nhưng để thực hiện được, người ta phải tập thành thói quen tốt, thành một phong cách ứng xử văn hóa. Sở dĩ Gan-dhi lập tức cời chiếc giày thứ hai quăng xuống đường ray là do ông đã quen "nghĩ đến người khác", nên khi có dịp là lập tức phản ứng không cần phải suy nghĩ.

    -Trong gia đình, cha mẹ công giáo cần tập "nghĩ đến người khác" để nêu gương sáng cho con cái. Cần giúp con cái ý thức và biết cách ứng xử "nghĩ đến người khác" ngay từ tuổi ấu thơ. Đây là điều kiện giúp hình thành nhân cách cho chúng sau này. Nhờ đó khi lớn lên, chúng sẽ biết quên mình vị tha và sẵn sàng hy sinh phục vụ tha nhân vô vụ lợi theo gương sáng và lời dạy của Đức Giê-su.

    4. THẢO LUẬN: 1- Để tạo thành thói quen ứng xử vị tha như Gandhi, chúng ta cần thực tập những gì? 2- Bạn sẽ làm gì để nghĩ đến người khác ngay tại nơi đang sống và sinh họat?

    5. LỜI CẦU: Lạy Thiên Chúa Cha từ bi nhân ái. Xin giúp mỗi người chúng con biết thực hành giới răn bác ái của Chúa Giêsu bằng việc năng Nghĩ Đến Người Khác và đáp ứng nhu cầu của tha nhân. Nhờ đó chúng con sẽ trở thành những người trưởng thành về nhân cách và hy vọng sẽ gặt hái được nhiều thành quả tốt đẹp trong cuộc sống đời thường. - AMEN.

    BÀI HAI: 12 CÁCH GÂY THIỆN CẢM

    1. LỜI CHÚA: Chúa phán: "Vậy những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho ngưuời ta, vì Luật Môsê và lời các Ngôn sứ là thế đó" (Mt 7,12).

    2. SUY NIỆM:

    Gây thiện cảm của người khác là một điều kiện quan trọng để thành công trong cuộc đời, trong công tác thăm viếng bác ái cũng như trong việc xây dựng tình huynh đệ Gia Đình Sống Đời Kitô. Sau đây là một số nguyên tắc giúp các Thành Viên gây được thiện cảm trong Gia Đình và với mọi người chung quanh:

    1.- Nguyên tắc đầu tiên và quan trọng nhất để gây được thiện cảm của người khác là cần có thiện cảm với người khác trước, thể hiện qua thái độ mỉm cười thân thiện với họ, chủ động bắt chuyện làm quen với người mới gặp và quan tâm hỏi thăm để hiểu biết sơ lược về họ như: tên, tuổi, nghề nghiệp, gia cảnh, nhà ở...

    2.- Cần theo nguyên tắc của Đức Khổng Tử: "Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân" (Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác. Trong Cưu Ước, Tôbia cha đã khuyên Tôbia con như sau: "Điều con không thích thì đừng làm cho người khác" (Tb 4,15a). Cần lưu ý về trang phục như người xưa dạy: "Y phục xứng kỳ đức": Một người ăn mặc đơn giản lịch sự sẽ dễ gây được thiện cảm của người khác hơn kẻ ăn mặc cẩu thả lôi thôi.

    3.- Cần lọai bỏ tính khép kín cục bộ nhưng biết mở rộng lòng để đón nhận tha nhân. Luôn giữ nét mặt vui tươi khi tiếp xúc vì sự vui vẻ dễ chinh phục tình cảm hơn sự ủ rũ chán nản.

    4.- Hãy nhớ ngày sinh nhật của người khác và chủ động gọi điện, gửi thiệp hay quà mừng tùy theo tình trạng quen sơ hay thân. Bạn có thể tìm ngày sinh trên giấy Chứng Minh Nhân Dân, hộ khẩu, bằng lái xe hoặc sơ yếu lý lịch... để biết ngày sinh của họ và ghi vào sổ tay để gọi điện chúc mừng hầu gây thiện cảm với họ. Cần gọi đúng tên của người khác: Vì ai cũng nhạy cảm với tên của mình. Xưng hô đúng tên là một cách gây thiện cảm hiệu quả.

    5.- Về lời nói: Người xưa dạy: "Chim khôn hót tiếng rảnh rang. Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe". Khi trả lời điện thọai bạn cần nói giọng vui vẻ chứ không miễn cưỡng ngay từ tiếng "Alô" đầu tiên. Thánh Giacôbê cũng dạy: "Mau nghe, chậm nói và khoan giận" (x Gc 1,19): Khi nói chuyện cần biết lắng nghe hơn là nói nhiều. Cần cho người nói cơ hội bộc lộ về tâm tư tình cảm và những ưu tư rồi lắng nghe và khích lệ họ. Chỉ nên nói khi họ có thiện chí muốn nghe.

    6.- Ăn nói trung thực: Tránh khoe khoang thành tích của mình. Không phê bình chỉ trích người vắng mặt. Tránh ăn nói thô lỗ cộc cằn, cử chỉ thô bạo khiến người khác sợ hãi né tránh và đánh giá thấp về tư cách của bạn. Thánh Giacôbê cũng có lời khuyên dạy các tín hữu phải biết kềm chế miệng lưỡi của mình (x Gc 3,1-12). Nên thảo luận để tìm chân lý chứ không tranh luận hơn thua vì sẽ dẫn đến sự chia rẽ thù ghét nhau.

    7.- Tập làm trạng sư bào chữa lỗi lầm của anh em hơn là phê phán nói xấu vì sẽ dễ đưa tới giận hờn ly tán.

    8.- Cần khen cách thành thật và đúng lúc đúng chỗ. Tránh thói xu nịnh bợ đỡ như người xưa dạy: "Ai khen ta mà khen phải thì là bạn ta. Ai chê ta mà chê phải thì là thầy ta. Ai nịnh hót ta đó mới chính là kẻ thù của ta vậy".

    9.- Hãy đi bước trước làm hòa với những ai đang hiểu lần và thù ghét mình noi theo gương mẫu và lời dạy của Chúa Giêsu (x Mt 5,43-48). Hãy bao dung độ lượng và dễ dàng tha thứ cho những xúc phạm của người khác như Chúa đã dạy (x Mt 18,21-22).

    10.- Cần sửa lỗi cho nhau cách tế nhị và khôn ngoan theo từng bước (Mt 18,15-17).

    11.- Khi ứng xử cần đặt mình vào hòan cảnh người khác để cảm thông và giúp đỡ họ chân tình như lời Chúa: "Vậy những gì anh em muốn người ta làm cho mình thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta" (Mt 7,12).

    12.- Đừng vạch lá tìm sâu, nhưng tập nhìn mặt tốt của người khác. Tránh mang định kiến về người khác, cần tôn trọng ý kiến đa số, cư xử trung thực chứ không giả dối che đậy. Tránh tò mò tọc mạch muốn tìm hiểu những điều bí mật người kia không muốn nói. Phải tế nhị khi giúp đỡ bạn bè để tránh cho họ sự mặc cảm thua kém.

    3. THẢO LUẬN: 1- Ngòai những điều trên, bạn hãy bổ sung thêm các phương thế khác để gây thiện cảm với người khác? 2. Hãy cho biết những nguyên nhân gây tranh cãi giận dữ giữa các Thành Viên trong Gia Đình Nhóm Nhỏ?

    4. LỜI CẦU: Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mỗi Thành Viên trong Gia Đình Sống Đời Kitô chúng con biết yêu thương nhau là dấu hiệu chúng con là môn đệ thực sự của Chúa. Xin cho chúng con biết năng tham dự sinh họat họp mặt hàng tuần để cùng nhau học sống Lời Chúa, năng nghĩ đến nhau và cầu nguyện cho nhau, tạo bầu khí cảm thông và phục vụ trong Gia Đình. Xin cho chúng con ngày một nên giống Chúa hơn, và chu tòan sứ mệnh cùng Mẹ Maria đi loan báo Tin Mừng Tình Thương của Chúa đến cho mọi người.- AMEN.


    BÀI BA: THÂN THIỆN VỚI THA NHÂN


    1. LỜI CHÚA: Thánh Phê-rô khuyên các tín hữu như sau:"Tất cả anh chị em hãy đồng tâm nhất trí, thông cảm với nhau. Hãy yêu thương nhau như anh em. Hãy ăn ở nhân hậu và khiêm tốn. Đứng lấy ác báo ác, đừng lấy lời nguyền rủa đáp lại lời nguyền rủa. Nhưng trái lại, hãy chúc phúc. Vì anh chị em được Thiên Chúa kêu gọi chính là để thừa hưởng lời chúc phúc" ( 1 Pr 3,8-9).

    2. CÂU CHUYỆN:

    Có lẽ ai trong chúng ta là người Việt Nam cũng cảm thấy tự hào khi thỉnh thoảng được nghe lời nhận xét của một số người nước ngoài đến làm việc hay du lịch tại Việt Nam: "Con người Việt Nam rất thân thiện". Tuy nhiên, có thể đó chỉ là những lời động viên mang tính ngoại giao của người nước ngoài khi phải phát biểu công khai. Chúng ta cần khiêm tốn nhìn nhận thực trạng về thái độ giao tiếp ứng xử của một bộ phận không nhỏ người Viêt Nam còn nhiều hạn chế. Gần đây trên mạng có đăng một bài báo của một nữ tác giả đã nêu nhận xét về thái độ và con người của đảo quốc Sinh-ga-po (Singapore) nhân chuyến đi mang con sang đây chữa bệnh trong 2 tuần lễ. Chị đã nêu các điều nhận xét khá trung thực khi so sánh giữa thái độ thân thiện của người Sinh-ga-po với thái độ không mấy tốt đẹp của người Việt chúng ta như sau:

    -TẠI PHI TRƯỜNG:

    Chị kể: "Ấn tượng đầu tiên của tôi là hộp kẹo nhỏ để trên bàn nhân viên Hải quan tại sân bay Sinh-ga-po. Nó cho tôi cảm giác tôi được chào đón ở đất nước xinh đẹp này. Sau chừng hai phút làm thủ tục nhập cảnh, viên chức hải quan Sinh-ga-po tuổi trạc tứ tuần đã ân cần dặn dò tôi: "Bạn nhớ đến cơ quan di trú để gia hạn, nếu thời gian chữa bệnh cho em bé kéo dài hơn 30 ngày nhé". Khi ấy, trong đầu tôi lại liên tưởng đến hình ảnh cặp mắt quắc lên đầy giận dữ của một nhân viên Hải quan Việt Nam khoảng 20 tuổi dành cho người mẹ 70 tuổi đi cùng tôi. Anh ta nói to: "Ai cho lên đây một lúc cả đống như thế này?". Bà cụ lần đầu đi nước ngoài đã không biết phải xếp hàng khi làm thủ tục Hải quan".

    -TRÊN XE TAXI:

    Chị kể: "Đi taxi, thấy đồng hồ tính tiền chỉ số tiền phải trả là 5,5 đô Sinh, tương đương 55 ngàn tiền VN, tôi đưa tờ 5 đô Sinh và lục túi để tính đưa thêm 50 xu nữa. Nhưng thật bất ngờ khi anh tài xế Taxi lại đưa trả lại cho tôi 50 xu. Anh giải thích vì đi nhầm đường bị lố mất 1 đô, nên anh chỉ lấy tôi đúng 4,5 đô thôi. Tôi thật ngạc nhiên, vì tôi có than phiền gì đâu! Thực ra tôi cũng đâu biết đường đi như thế nào để than phiền. Hôm khác, khi gọi điện thoại kêu taxi, tôi vẫy gọi một chiếc khác đang vắng khách. Lên xe rồi, tôi gọi lại cho hãng taxi ban nãy để báo mình không cần gọi xe nữa. Anh tài xế chờ tôi cúp máy xong, liền nhẹ nhàng nói: "Lần sau, nếu không quá khẩn cấp, chị hãy ráng ngồi đợi xe đến nhé. Vì khi chị báo hoãn không đi nữa, thì có thể người tài xế do hãng điều tới cũng sắp chạy đến chỗ hẹn rồi. Đây không phải là vấn đề tiền bạc đâu, nhưng có lẽ anh tài xế bị đón hụt sẽ rất buồn vì thấy mình không được khách hàng tôn trọng".

    -Ở BỆNH VIỆN NHI:

    Chị kể: "Ở những cơ sở y tế cho trẻ em, dù là bệnh viện công to lớn hay phòng khám tư nhân nhỏ bé, đâu đâu cũng thấy có nhiều đồ chơi con nít. Trong phòng khám, trẻ con được tự do chạy nhảy đang khi phụ huynh nói chuyện với bác sĩ. Lỡ các em có đụng làm đổ đồ chơi thì cũng chỉ nhận được nụ cười cảm thông, như vị giáo sư già ở bệnh viện Phụ Nữ và Trẻ Em KK. Ông nói: "Không sao đâu. Trẻ con í mà. Đó là do lỗi của chúng tôi đã để đồ chơi trong tầm tay trẻ em". Tôi thấy ông đã ghi dày đặc cả một trang giấy về hồ sơ bệnh án của con tôi. Về những phương pháp đã chữa trị ở Việt Nam, ông hỏi tôi phương pháp nào thành công, phương pháp nào không... Ông khiến tôi không thể không so sánh với những lần đi khám bệnh ở Việt Nam. Tôi chỉ dám trả lời đúng những câu hỏi rất ngắn của bác sĩ, vì đã có lần tôi lỡ nói về những kinh nghiệm chữa trị cho bé mà tôi đã áp dụng trong thời gian trước đó, tôi đã nhận được "lời bình": "Hóa ra chị là bác sĩ chứ đâu phải tôi!"

    -Ở PHÒNG TẬP VẬT LÝ TRỊ LIỆU:

    Chị kể: "Lần khác, tôi được giới thiệu đưa con đi tập vật lý trị liệu ở phòng tập tên là "Pa-xi-phíc Pên Ke-ơ Xen-tơ" (Pacific Pain Care Center). Sau khi quan sát khoảng 5 phút, anh kỹ thuật viên đã hỏi tôi: "Sao lại mang cháu đến trung tâm này?" Tôi muốn lấy lòng anh nên nói: "Tôi được bạn bè giới thiệu đây là chỗ tốt nhất để tập vật lý trị liệu cho bé". Anh ta làm tôi thật bất ngờ khi nói: "Tôi biết ở đây còn có những nơi khác thích hợp hơn cho bé. Ở đây chúng tôi không có đủ phương tiện chuyên dùng cho trẻ em". Nói rồi anh ta gọi điện thoại đến một phòng tập trẻ em, cố gắng sắp xếp một cái hẹn vào ngày hôm sau cho con tôi, vì biết tôi là người nước ngoài, không thể chờ đợi lâu. Rồi anh ngồi vào máy tính, lên mạng chỉ dẫn tôi lộ trình đi đến đó thật cặn kẽ. Tính ra anh đã mất 40 phút với hai mẹ con tôi. Nhưng sau đó anh ta cương quyết không nhận số tiền tôi trả cho anh. Chẳng cần phải tính toán nhiều, tôi cũng biết anh đã chịu thiệt. Vì sau đó tôi đã phải trả gần 200 đôla Sinh (tương đương 2 triệu đồng VN) cho 1 giờ tập ở phòng tập trẻ em. Tôi thấy anh nhân viên phụ trách tập cho con tôi thật tận tụy. Anh đã không quản ngại quì một gôi xuống đất khi nói chuyện với bé, trong khi tôi ngồi giữ bé ở yên trên ghế. Quả là quá tương phản với thái độ thiếu thân thiện của không ít nhân viên y tế, thậm chí cả các hộ lý tại các bệnh viện Việt Nam, khi tự cho mình có quyền nạt nộ bệnh nhân.

    -TRÊN ĐƯỜNG PHỐ:

    Chị kể: "Đi trên đường phố Sinh-ga-po, bạn sẽ có cảm giác chẳng khác gì ở Pa-ri hay Nữu Ước. Vì Sinh-ga-po cũng quy tụ đủ thứ sắc dân Tây Ta lẫn lộn. Người dân đảo quốc Sư Tử đã học được rất nhiều "chất Tây". Chẳng hạn: Làm việc với tinh thần trách nhiệm cao và làm đến nơi đến chốn. Nhưng đồng thời họ vẫn tỏ ra có tình cảm thân thiện theo kiểu Á Đông. Khi hỏi đường và nhờ chỉ dẫn ở Sinh-ga-po, đa số người được hỏi đều tạm ngưng việc để chỉ dẫn, thậm chí có người còn bỏ cả công để dẫn bạn đến nơi cần tìm nữa.

    Xin cảm ơn đất nước Sinh-ga-po đã để lại trong tôi ấn tượng rất sâu sắc và bài học thực tế về thái độ cư xử thân thiện với tha nhân".

    3. CÂU HỎI: 1- Trong thời gian qua, bạn có khi nào gặp phải hoàn cảnh tương tự như câu chuyện trên tại công sở hay bệnh viện không? 2- Hãy cho biết tại sao các nhân viên công sở hay bệnh viện VN lại có thái độ thiếu thân thiện như vậy? 3-Bạn đề ra giải pháp nào khả thi để giúp người Việt Nam chúng ta học tập cách cư xử thân thiện của người Âu Châu, đặc biệt của người dân đảo quốc Sư Tử như trong câu chuyện trên?

    4. LỜI CẦU: Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết khiêm tốn học nơi người khác bài học về văn hóa giao tiếp. Xin cho chúng con biết nở nụ cười mỗi khi tiếp xúc với tha nhân, cho chúng con biết đi bước trước để chào hỏi và nói chuyện thân thiện với người bên cạnh, cho chúng con biết luôn nghĩ đến người khác và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của tha nhân, hầu chúng con nên môn đệ thực sự của Chúa và tích cực góp phần vào sứ vụ loan báo Tin Mừng cho mọi người.- AMEN.


    Tác giả: LM ĐAN VINH
    www.hiephoithanhmau.com
    Chữ ký của Caohuong



  2. Có 10 người cám ơn Caohuong vì bài này:


Quyền hạn của bạn

  • Bạn không được gửi bài mới
  • Bạn không được gửi bài trả lời
  • Bạn không được gửi kèm file
  • Bạn không được sửa bài

Diễn Đàn Thánh Ca Việt Nam - Email: ThanhCaVN@yahoo.com