Suy niệm:

Sự quen thuộc dễ làm cho người ta nhàm chán, dễ khiến người khác xem thường và có khi còn làm cho người ta tỏ thái độ không thiện cảm, thiếu tôn trọng. Khi trở về Nazareth, Đức Giêsu không được dân làng Nazareth tiếp đón và họ không tin vào Người, cũng như không tin vào quyền năng của Người và những lời rao giảng của Người. Họ quá ngạc nhiên trước sự khôn ngoan của Ngài trong lời giảng. Họ chưa nhận ra chân lý qua một con người mà họ đã quá quen thuộc.

Về quê là một điều quá đỗi bình thường với một người tha phương, người ta về quê với nhiều lý do khác nhau, nhưng người ta thường về quê để thăm lại quê hương xứ sở, thăm lại những người thân yêu ruột thịt… Thánh sử Maccô tường thuật lại việc Đức Giêsu về quê cùng với các môn đệ của Ngài nhưng lại không được dân làng đón tiếp. Hơn ba mươi năm sống với người dân làng Nazareth, Đức Giêsu đã quá quen thuộc với nếp sinh hoạt của dân làng, quen thuộc với phong cách sống, với những phong tục tập quán của họ. Sự quen thuộc ấy trở nên bình thường trong mối liên hệ làng xóm làng giềng với mọi người. Với dân làng Nazareth cũng vậy, họ đã quá quen với một Giêsu, người đồng hương với họ. Vì thế họ khó có thể đón nhận một người mà bấy lâu nay họ biết rõ lý lịch, nguồn gốc lại giảng dạy những điều khôn ngoan trong hội đường, lại còn làm phép lạ, chữa lành nhiều người trong họ.

Về quê, Ngài đã làm cho họ ngạc nhiên khi đến ngày Sabát Ngài vào hội đường và giảng dạy với những lời khôn ngoan. Dân làng vốn đã quá quen thuộc với nghề nghiệp của Ngài nên hỏi nhau: “Ông ta không phải là bác thợ”. Họ không những biết rõ lý lịch của Ngài: “Con bà Maria” mà còn thuộc lòng các mối quan hệ họ hàng thân thích của Ngài: “Anh em của các ông: Giacôbê, Giosê, Giuđa và Simon sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm của chúng ta sao?”. Vì vậy, khi nghe những lời Ngài giảng dạy trong hội đường và chứng kiến những phép lạ Ngài làm họ không thể tin vào Ngài. Họ lấy làm ngạc nhiên về chính con người của Ngài: một người đầy quyền năng. Họ nghi ngờ chính Ngài và họ tự hỏi: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế nghĩa là gì?”. Sự âm thầm và khiêm tốn của Ngài suốt ba mươi năm sống cùng, sống với dân làng Nazareth khiến họ không thể loại bỏ những định kiến về Ngài. Quá khứ và hiện tại đan xen lẫn nhau khiến họ không nhận ra Ngài là Đấng Mêsia và họ cũng không thể tin rằng Ngài là Con Thiên Chúa.

Ngược với dân làng Nazareth thuở xưa, chúng ta ngày nay không có cáicảm nghiệm về một Giêsu gần gũi, thân thương trong tương quan tình làng nghĩa xóm. Chúng ta cũng không có cái cảm nghiệm về một Giêsu bị sỉ vả, chấp nhận nhục nhã và chịu đóng đinh trên thập giá như các tông đồ xưa. Đối với nhiều người trong chúng ta ngày nay, Đức Giêsu như một vị thẩm phán chí công, Ngài sẵn sàng ân thưởng người ngay và trừng trị thích đáng kẻ không tin vào Ngài. Cái vấp ngã của chúng ta ngày nay là thiếu lòng tin tưởng vào Chúa, đức tin của chúng ta chưa đủ mạnh để xác tín vào sự hiện diện của ngài trong Bí tích Thánh Thể, nơi tấm bánh nhỏ mong manh hay Ngài hiện thân nơi một linh mục yếu đuối, không mấy đạo đức và nhiều bất toàn. Đôi khi chúng ta quá quen thuộc với Thánh lễ, với các bí tích nên chúng ta lại thấy nhàm chán, bình thường như người dân làng Nazareth thấy Đức Giêsu là một người rất quen thuộc: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi”.

Chúng ta xin Chúa mở lòng chúng ta, để ta có thể sống gắn bó với Chúa trong tương quan mật thiết hơn, để ta có thể tập nhận ra Chúa bằng con mắt đức tin nơi những gì rất bình thường trong cuộc sống hàng ngày. Và chúng ta cũng xin Chúa ban thêm đức tin cho chúng ta để chúng ta thấy sự hiện diện của Chúa qua những điều thật bình thường giữa lòng thế giới hôm nay.

Nt. Maria Phương Trâm, Dòng Đaminh Đức Mẹ Mân Côi.
_______________________________________________________________________________________

Mời bạn đọc - Lẽ sống ngày 3/2:
Ngôn ngữ của tình yêu