|
Thơ Lục Bát
Nguyễn Văn Xuân
Thơ Lục Bát là một thể thơ của người Việt Nam: Dùng để tâm sự, kể chuyện hay viết tiểu thuyết bằng văn vần. Bài dài ngắn là tùy ý, nhưng bao giờ cũng phải kết thúc bằng câu 8 chữ.
1- Cách gieo vần:
“ Một thương em tính thật thà,
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên,
Ba thương kinh lễ chăm chuyên
Bốn thương phục vụ ưu tiên người nghèo…”
(Thơ : SAKE-Bài Mười thương…em)-TCVN
Chữ cuối của câu 6 gieo vần với chữ thứ 6 của câu 8
Chữ cuối của câu 8 gieo vần với chữ cuối câu 6
Cứ mỗi hai câu thì đổi vần nhưng bao giờ cũng phải gieo ở vần bằng.
Vần có hai loại là vần Bằng và vần trắc
Vần bằng: ký tự chữ B (Là các chữ có dấu huyền hoặc không dấu).
Vần trắc: ký tự chữ T (Là các chữ có dấu sắc, dấu hỏi, dấu ngã, hoặc dấu nặng.
Vận hay vần là những tiếng đồng thanh với nhau. Khi gieo phải hiệp với nhau, gọi là ( Hiệp vần) bài thơ mới hay được.
thí dụ: liêu, xiêu, chiêu, miêu
Còn, ton, lòn, son…v v
2. Luật Bằng Trắc
Câu 6: B B T T B B
Câu 8: B B T T B B T B
“Khi con/ mải đắm/ cuộc tình,
Bài thơ/ dệt mộng/ lung linh/ ảo huyền.
Mơ theo/ hạnh phúc/ bạc tiền,
Con quên/ mất Chúa/ ưu phiền/ thương con…”
( Nguyễn Văn Xuân)-TCVN
Tuy nhiên để nhẹ nhàng cho hồn thơ bay, bớt đi gò bó ta chỉ cần thực hiện luật:
"nhất, tam, ngũ bất luận",
"nhì, tứ, lục phân minh".
Có nghĩa là chữ thứ 1, thứ 3 và thứ 5 không nhất thiết phải theo đúng luật (Bất luận). Còn các chữ thứ 2, thứ 4, và thứ 6 bắt buộc phải theo(Phân minh)
3- Thanh:
Thanh gồm có trầm thanh và phù thanh
Trầm thanh là những chữ hay tiếng có dấu huyền. Ví dụ: tòng, phòng, lòng, còng... Phù Thanh là những chữ hay tiếng không có dấu. Ví dụ: lau, rau, mau, đau…
Trong câu 8: hai chữ thứ 6 và thứ 8 luôn là vần Bằng, nhưng không được cùng một thanh, thì âm điệu mới hay và êm ái. Cho nên chữ thứ 6 là Phù thanh thì chữ thứ 8 phải Trầm Thanh, và ngược lại.
Ví dụ:
Hoa lòng muôn sắc tràn trề niềm tin
(Chữ trề là trầm thanh, chữ tin là phù thanh)
Nhìn lên gương Mẹ gắng ghi trong lòng
(Chữ ghi là phù thanh, chữ lòng là bình thanh)
(Thơ : SAKE-Bài: AVÊ)-TCVN
Trên đây là đôi nét niêm luật về thơ lục bát.
Chúc các bạn thành công,và có nhiều thơ hay góp sắc hương cho đời.
Các chủ đề cùng thể loại mới nhất:
|
|