|
Văn hóa... chat
Chat (tán gẫu) bằng Y.M (Yahoo Mesenger) vốn đã quen thuộc từ lâu với giới trẻ, càng chẳng xa lạ với dân văn phòng. Thế nhưng, dường như không phải ai cũng xử sự hợp cách với thứ tiện ích này của "thời kỳ đồ số"! Xin “nhặt” vài trường hợp dễ gặp trong Y.M.
Đạp cửa xông vào
Sở dĩ phải dùng đến động từ mạnh này vì mỗi khi lên mạng (online), không ít người đã phải trưng một bảng báo busy (bận) trông như cái biển báo đường một chiều nhưng vẫn bị làm phiền. Các cư dân mạng hẳn chẳng ai không biết, nếu ví "không gian ảo" của mỗi người như một ngôi nhà, thì ngọn đèn "busy" đó thông báo chủ nhân có nhà nhưng tạm cài cửa không đón khách. Vậy mà "ping", "ping"… , liên tục có những cuộc "đột kích" bằng tổ hợp phím Ctrl + G, khiến dăm bảy cửa sổ chat hiện ra nhì nhằng trên màn hình khổ chủ.
Đôi khi, tiếp theo đó là những câu hỏi rất… chuối, kiểu "Bận à?" hay "Có rảnh không?" (!). Nhiều người cho biết, vì sợ mếch lòng bạn bè nhưng cũng sợ… mất thời gian, họ phải luôn ẩn nick bằng chế độ "invisible", thậm chí phải "lọc" một số đối tượng cần "điều trị" để luôn luôn "vô hình" trong mắt họ. Tuy nhiên, với sự trợ giúp của một số phần mềm, rất nhiều người vẫn bị phát hiện đang ẩn nick, vậy là nhận được những lời trách móc: "Ai cho trốn?", "Vì sao ẩn nick"…
"Chỉ gọi khi có việc quan trọng cần trao đổi, và theo mình khi đó nên xin lỗi đã làm phiền rồi trình bày ngắn gọn" - chị Thanh Thảo, nhân viên PR của một công ty truyền thông nói.
Ném đá giấu tay
Đó là "chiêu" tạo ra một hay nhiều nick ảo để trêu chọc hoặc "câu giờ" người chat, khiến họ - nhất là những người mới tập chat hoặc gõ phím chậm - bị một phen lạc vào mê hồn trận. Chưa kịp trả lời ở cửa sổ này đã phải sang trả lời ở cửa sổ khác, với toàn những câu hỏi ỡm ờ kiểu "Bạn nhận ra mình không?" hay "Còn nhớ tôi không?"… Thuở "nhập môn" chat YM, không hiếm người đã bị lừa ngon lành, cứ ngỡ mình "tình cờ" quen được một người bạn mới.
"Nhiều khi đang trao đổi với bạn bè, người quen thì nhận được những câu làm quen kiểu "một người bạn đã cho em nick của anh và nói rất nhiều về anh…", nửa tin nửa ngờ đoán là ai đó trêu mình song cũng không dám ignore (bỏ qua) mà vẫn phải nhùng nhằng hỏi han vài câu cho… phải phép! “Mất thời gian!” - anh Đức Thọ, phóng viên một tờ báo điện tử cho biết.
Một "nạn nhân" kiểu khác của chiêu này thì từng"chết đứng" khi nhận được những cú điện thoại và tin nhắn bất thường: người thì hỏi muốn vay bao nhiêu, người thì thanh minh hiện chưa có khoản tiền như bạn yêu cầu… Hoá ra, đó là do trò đùa tinh quái của một đồng nghiệp khi thấy anh này rời bàn làm việc nhưng vẫn "treo" nick sáng choang, đã lén sang gửi message (tin nhắn, thông điệp) đồng loạt vay tiền đến các nick trong danh sách bạn bè của anh.
Nhấn mạnh và… hét vào mặt
Một trong những nguyên tắc bất thành văn khi trao đổi qua YM hay e-mail là không nên dùng chữ in hoa khi không cần thiết. Phím Caps Lock với công dụng chuyển từ chữ thường sang chữ hoa và ngược lại, song chỉ thực sự có ích khi bạn sử dụng đúng mục đích. Bật Caps Lock khi chat, soạn e-mail, toàn bộ những gì bạn gõ ra sẽ giống như thể ta đang hét to, quát vào mặt người khác. Hãy nhớ đến "công dụng" này của chữ viết hoa, để sử dụng khi muốn tuyên bố hoặc muốn nhấn mạnh điều gì đó một cách hợp lý.
"Khi gặp phải những người cứ "oang oang" như vậy, mình rất khó chịu và thường tìm cách nhắc nhở. Nhưng hình như không phải ai cũng thấy được sự vô lý ấy, có người bạn còn nói rất hồn nhiên "Anh gõ thế cho dễ đọc!"…" - Thuỳ Chi, sinh viên ĐH KHXH và NV chia sẻ - "… và đương nhiên, mình "trừ điểm" anh chàng này!"
Không ai nhìn thấy bạn đang mặc gì, ngồi với tư thế nào hay ở đâu sau những dòng thoại ở cửa sổ YM, nhưng người ta hoàn toàn có thể đánh giá được học vấn, trí thông minh và cách ứng xử của người đối thoại. Hãy lưu tâm tìm hiểu một vài "phép lịch sự" cơ bản khi online, để không bị "trừ điểm" oan như anh chàng nọ!
(Theo Nhịp sống số)
Các chủ đề cùng thể loại mới nhất:
|
|