|
28/10
Đón nhận Đức Kitô
Thứ Năm Tuần thứ 30 Thường Niên
Lời Chúa:
Lc 13,31-35
31Cũng vào giờ ấy, có mấy người Pharisêu đến thưa Đức Giêsu rằng: "Xin ông đi ra khỏi đây, vì vua Hêrôđê đang muốn giết ông!" 32Người bảo họ: "Các ông hãy đi nói với con cáo ấy thế này: "Hôm nay và ngày mai tôi trừ quỷ và chữa lành bệnh tật, ngày thứ ba tôi hoàn tất. 33Tuy nhiên, hôm nay, ngày mai và ngày mốt, tôi phải tiếp tục đi, vì một ngôn sứ mà chết ngoài thành Giêrusalem thì không được.” 34"Giêrusalem, Giêrusalem! Ngươi giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được sai đến cùng ngươi! Đã bao lần Ta muốn tập họp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu. 35Thì này, nhà các ngươi sẽ bị bỏ mặc cho các ngươi. Mà Ta nói cho các ngươi hay: các ngươi sẽ không còn thấy Ta nữa cho đến thời các ngươi nói: Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa!"
Giêrusalem, Giêrusalem! Ngươi giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được sai đến cùng ngươi! (Lc 13, 34)
Suy niệm:
Được yêu thương và khám phá ra mình được yêu thương là hai điều quan trọng như nhau. Chúa Giêsu với sứ mạng cứu thế đã đem tình thương vào thế gian hay nói đúng hơn Ngài đã yêu thương thế gian đến nỗi hy sinh chính sự sống mình nên giá cứu chuộc cho loài người. Thế mà như bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe đọc, vua Hêrôdê, và thành Giêrusalem lại đã chẳng nhận ra điều đó. Thái độ và cách hành xử của con người thời đó nói chung đều đáng trách.
Người ta đã đón nhận Đức Kitô trong sự lạnh lùng, hơn nữa trong hiềm thù. Hêrôđê chẳng toan tính giết Chúa đó sao? Điều gì đã thôi thúc ông làm chuyện ấy? Phải chăng do ỷ vào địa vị, quyền thế, do ganh tỵ, hiểu lầm? Có lẽ cái lý do sâu thẳm chính là một tâm hồn chai cứng không muốn học hỏi và tìm kiếm chân lý. Đức Giêsu vẫn đang hiện diện trước mặt họ bằng bao cử chỉ thân thương và lời nói chỉ bảo đường nẻo chân thật. Nhưng lòng họ vẫn chưa sao nhận ra điều gì cần thiết nhất cho cuộc sống. Phải, Đức Kitô chính là một hồng ân vô giá Thiên Chúa ban cho loài người, những ai muốn mình được cứu rỗi đều phải đón nhận hồng ân đó. Hêrôđê quả là biểu tượng cho những kẻ khốn nạn đã vô tình chà đạp sự sống cần được phát sinh. Ông nhắm mắt muốn tiêu diệt sự sống ấy để rồi chuốc họa cho mình và làm mất đi cơ may vốn có thể đến với hàng triệu triệu người.
Lại còn Giêrusalem, nơi có đền thờ lớn tập họp dân Chúa đến dâng của lễ. Đã bao lần Chúa muốn tụ họp con cái nó như gà mẹ ấp ủ gà con dưới cánh, thế mà Giêrusalem đã chẳng muốn. Giêrusalem là một thành thánh được người Do Thái, các Kitô hữu và người Hồi giáo tôn kính vì nhiều lý do. Nó chiếm một địa vị đặc biệt trong đất thánh, là sở hữu riêng của triều đại Đavít. Là thủ đô chính trị, Giêrusalem tượng trưng cách cụ thể sự thống nhất của dân Thiên Chúa. Là thủ đô tôn giáo, Giêrusalem là trung tâm đời sống thiêng liêng của Israel... nhưng với Thiên Chúa, Đấng công bình, định mức giá trị không trên địa vị trần thế, mà là chính cốt lõi bên trong, khi không có điều căn bản, mọi sự phụ thuộc đều trở nên vô ích. Giêrusalem đã phạm một sai lầm là không muốn đón nhận tình yêu của Thiên Chúa, chúng khước từ và chối bỏ đấng Thiên Chúa sai đến. Do đó Thiên Chúa sẽ loại bỏ thành Giêrusalem, các nhà của chúng sẽ bị bỏ hoang vu.
Chúng ta phải tránh để mình bị va vấp vào lối xử sự của Hêrôđê, của thành Giêrusalem khi tự gây nên những chướng ngại ngăn cản ý Chúa thực hiện nơi mình. Đàng khác, ta cũng cần đi theo suy nghĩ và đường lối của thánh Phaolô. Người đã bỏ lại đàng sau tất cả những gì mà thế gian cho là ưu việt để bước theo Chúa Giêsu. Người đã sẵn sàng từ bỏ tất cả để được Đức Giêsu. Sự gắn kết nói được như bất khả phân ly đã khiến Người thốt được rằng: Ai sẽ tách biệt chúng ta ra khỏi tình yêu của đức Kitô được? Không gì tách biệt được dù là: gian truân, buồn rầu, đói khát, trần truồng, nguy hiểm, bắt bớ, gươm giáo.
Trên bàn thờ luôn tái diễn mầu nhiệm tình yêu: Thiên Chúa yêu thương con người đến tột cùng, đến độ muốn hoà nhập vào xương thịt chúng ta. Với thái độ sốt sắng, với lòng yêu mến từng bị thử thách nay đã trưởng thành, chúng ta đón rước Đức Giêsu vào lòng để con người ta càng ngày càng nên đồng hình đồng dạng với Ngài hơn.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã xuống thế làm người để thi hành thánh ý Chúa Cha. Chúa đã trải qua những mưa nắng cuộc đời để sống cho Chúa Cha. Chúa vượt thắng những khó khăn, những thử thách hiểm nguy để chu toàn bổn phận mà Chúa Cha trao phó. Xin Chúa Giêsu Thánh Thể nâng đỡ hồn xác chúng con. Xin giúp chúng con biết chu toàn bổn phận của mình trong yêu mến thi hành.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã hết lòng phụng sự thánh ý Chúa Cha trong suốt cuộc đời. Chúa không bỏ cuộc trước nghi nan. Xin cho chúng con biết sống giây phút hiện tại với thái độ tỉnh thức và khôn ngoan để chu toàn thánh ý Chúa. Xin cho chúng con biết chu toàn bổn phận hằng ngày, biết sống yêu mến và giúp đỡ mọi người trong từng phút giây cuộc sống. Xin loại trừ nơi chúng con sự lười biếng, cẩu thả. Xin ban Thần Khí của Chúa, để soi dẫn chúng con nhận ra sứ mạng của mình trong thế giới này, là thánh hoá thế gian trong Tin Mừng của Chúa. Xin cho chúng con cũng trở thành muối men để ướp mặn trần đời bằng những hy sinh, những nghĩa cử yêu thương của chúng con.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết phụng sự Chúa hết lòng và hết trí khôn, để mai sau chúng con cũng được hưởng hạnh phúc viên mãn trong tình thương của Chúa. Amen.
Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền http://tgpsaigon.net
___________________________________________
Thánh Simon và Thánh Giu-đê (Jude)
Thánh Giu-đê là một nhân vật được đề cập đến trong Phúc Âm theo Thánh Luca, cũng như trong Công Vụ Tông Ðổ Thánh Mátthêu và Thánh Máccô gọi ngài là Thadeus (Ta-đê-ô). Ngoài ra ngài không được nhắc đến ở chỗ nào khác trong các Phúc Âm, ngoại trừ, khi kể tên các tông đổ Các học giả cho rằng ngài không phải là tác giả của các thư Thánh Giu-đa. Thực ra, Giu-đê cùng tên với Giu-đa Ítcariốt (Judas Iscariot). Do đó, vì sự bất xứng của tên Giu-đa (bán Chúa), nên người ta đã gọi tắt là "Giu-đê".
Thánh Simon được tất cả bốn Phúc Âm nhắc đến. Trong hai Phúc Âm, ngài được gọi là "người Nhiệt Thành" (Zealot). Phái Zealot là một nhánh Do Thái Giáo đại diện cho chủ nghĩa dân tộc Do Thái. Ðối với họ, lời hứa cứu tinh trong Cựu Ước có nghĩa là người Do Thái sẽ được tự do và có được một quốc gia độc lập. Chỉ có Thiên Chúa là vua của họ, nên việc nộp thuế cho người La Mã -- là người đang đô hộ -- được coi là xúc phạm đến Thiên Chúå Chắc chắn rằng một số người Zealot là miêu duệ tinh thần của người Maccabee, muốn tiếp tục lý tưởng tôn giáo và tranh đấu cho độc lập. Nhưng nhiều người trong nhóm họ cũng giống như quân khủng bố ngày nay. Họ lùng bắt để giết những người ngoại quốc và người Do Thái "cộng tác với địch." Họ là những người chủ chốt trong vụ nổi loạn chống La Mã và kết thúc bằng việc tiêu hủy thành Giêrusalem vào năm 70.
Lời Bàn
Như mọi trường hợp các thánh tông đồ, ngoại trừ Thánh Phêrô, Gioan và Giacôbê, chúng ta đang đối diện với những người thực sự vô danh, và chúng ta bàng hoàng trước sự kiện là sự thánh thiện của họ hoàn toàn nhờ vào ơn ích của Ðức Kitô. Ngài chọn một số người mà chúng ta không bao giờ nghĩ đến: một đoàn viên Zealot, một chuyên viên thu thuế, một ngư dân nóng tính, hai "người con của sấm sét" và một Giuđa Iscariot.
Ðó là sự nhắc nhở cho chúng ta biết, không phải ai cũng được chọn. Sự thánh thiện không lệ thuộc ở công trạng, văn hóa, cá tính, sự cố gắng hay thành đạt của loài người. Nó hoàn toàn là ơn sủng của Thiên Chúa.
Thiên Chúa không cần đến nhóm Zealot để giúp Nước Trời ngự đến bằng bạo lực. Thánh Giu-đê, cũng như các thánh khác, là vị thánh không có khả năng: Chỉ có Thiên Chúa mới tạo được đời sống thánh thiêng trong con người. Và Chúa muốn như vậy, nơi tất cả mọi người chúng ta.
Lời Trích
"Cũng như Ðức Kitô được sai đến bởi Thiên Chúa Cha, thì Người cũng sai các tông đồ, được đầy tràn Chúa Thánh Thần, để rao giảng cho mọi tạo vật (xem Máccô 16:15), để họ loan truyền rằng Con Thiên Chúa, qua sự chết và sự sống lại, đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực của Satan (xem CVTÐ 26:18), và khỏi sự chết, và đưa chúng ta vào vương quốc của Thiên Chúa Cha" (Hiến Chương về Phụng Vụ, 6).
Trích từ NguoiTinHuu.com
_________________________________________________
Chuyến Xe Cuộc Ðời
Cách đây hơn một trăm năm, khi đường sắt vừa mới được phát minh, nhu cầu đi lại mỗi lúc một bành trướng, một văn sĩ nọ, trong quyển lịch sử của xe lửa và đường sắt, đã ghi ra một số chỉ dẫn cho hành khách. Trong một chương có tựa đề "Những lời khuyên trước khi lên đường", ông đã đưa ra vài căn dặn như sau: "Trước khi bắt đầu cuộc hành trình, hành khách nên quyết định: mình sẽ đi đâu, sẽ lên chuyến xe lửa nào và ở đâu, tại nơi nào sẽ đổi tàu...".
Trong một đoạn khác, ông nhắc nhủ hành khách như sau: "Khuyên quý khách mang theo hành lý càng ít bao nhiêu càng tốt... Riêng với các bà, các cô, không được phép mang quá ba hành lý và năm gói nhỏ".
Những lời khuyên trên đây xem chừng như không có chút giá trị nào đối với hệ thống đường sắt hiện tại ở Việt Nam. Chen chúc nhau để có được một chỗ ngồi thích hợp, đã là quá lắm rồi, còn chỗ đâu để xác định số hành lý phải mang theo.
Nhưng dù thanh thản trong một con tàu đầy tiện nghi, hay chen chúc nhau trong một wagon chật hẹp bẩn thỉu, mỗi khi bước vào xe lửa, ai trong chúng ta cũng được mời gọi để tưởng nghĩ đến chuyến đi của cuộc đời... Ðời cũng là một chuyến đi.
Bước lên chiếc xe lửa của cuộc đời, ai trong chúng ta cũng được mời gọi để chuẩn bị cuộc hành trình bằng một số câu hỏi cơ bản: tôi sẽ đi về đâu? Tôi phải mang những gì cần thiết cho cuộc hành trình?
Trên một số tuyến đường liên tỉnh tại Phi Luật Tân, thỉnh thoảng hành khách có thể đọc được một bảng hiệu có thể làm cho họ phải giật mình suy nghĩ: có thể đây là chuyến đi cuối cùng của bạn. Thật ra, ít có ai khi lên đường, lại có ý nghĩ ấy. Có lẽ người ta nghĩ đến công việc, nghĩ đến gia đình, nghĩ đến những thú vui đang chờ đợi hơn là phải dừng lại với ý nghĩ của một cái chết bất ngờ.
Thái độ khôn ngoan nhất mà Chúa Giêsu thường lặp lại trong Tin Mừng của Ngài: đó là "Các con hãy tỉnh thức, vì các con không biết ngày nào, giờ nào". Con người sinh ra để chết. Nói như thế không hẳn là một phát biểu bi quan về cuộc đời, mà đúng hơn là một cái nhìn trong suốt về hướng đi của cuộc đời.
Giá như ai trong chúng ta cũng biết rằng: công việc ta đang làm trong giây phút này đây là công việc cuối cùng trong cuộc đời, thì có lẽ mọi việc đều có một ý nghĩa và một mục đích khác hẳn.
Trích sách Lẽ Sống
|
|