|
02/11
Hạnh phúc nước trời
Thứ Ba Tuần thứ 31 Thường Niên
Lời Chúa:
Lc 14, 15-24
15Nghe vậy, một trong những kẻ đồng bàn nói với Đức Giê-su: "Phúc thay ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa!" 16Người đáp: "Một người kia làm tiệc lớn và đã mời nhiều người. 17Đến giờ tiệc, ông sai đầy tớ đi thưa với quan khách rằng: "Mời quý vị đến, cỗ bàn đã sẵn. 18Bấy giờ mọi người nhất loạt bắt đầu xin kiếu. Người thứ nhất nói: "Tôi mới mua một thửa đất, cần phải đi thăm; cho tôi xin kiếu. 19Người khác nói: "Tôi mới tậu năm cặp bò, tôi đi thử đây; cho tôi xin kiếu. 20Người khác nói: "Tôi mới cưới vợ, nên không thể đến được.” 21"Đầy tớ ấy trở về, kể lại sự việc cho chủ. Bấy giờ chủ nhà nổi cơn thịnh nộ bảo người đầy tớ rằng: "Mau ra các nơi công cộng và đường phố trong thành, đưa các người nghèo khó, tàn tật, đui mù, què quặt vào đây. 22Đầy tớ nói: "Thưa ông, lệnh ông đã được thi hành mà vẫn còn chỗ. 23Ông chủ bảo người đầy tớ: "Ra các đường làng, đường xóm, ép người ta vào đầy nhà cho ta. 24Tôi nói cho các anh biết: Những khách đã được mời trước kia, không ai sẽ được dự tiệc của tôi."
Phúc thay ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa! (Lc 14,15-21)
Suy niệm:
Phân tích
Hình ảnh đặc biệt của đoạn Tin Mừng này là bữa tiệc. Trong Thánh Kinh, bữa tiệc là hình ảnh về hạnh phúc Thiên Chúa ban (Is 25,6 55,1-3; Xh 24,11; Kh 19).
Khi ấy Chúa Giêsu đang ngồi ăn chung với nhiều người khác trong một bữa tiệc do một thủ lãnh Biệt Phái đãi (Lc 14,1-14). Bữa tiệc ấy khiến một trong những thực khách liên tưởng tới bữa tiệc thiên quốc nên nói “Phúc cho ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa.”
Chúa Giêsu dùng một dụ ngôn để trả lời cho người ấy. Đại khái, Ngài cũng đồng ý với người đó rằng được hưởng hạnh phúc trong Nước Thiên Chúa là một hạnh phúc lớn. Nhưng Ngài đặt vấn đề: thực ra anh có sẵn lòng nhận lời mời vào Nước ấy không?
Trong dụ ngôn, ông chủ đã mời rất nhiều người đến dự tiệc, nhưng tất cả đều nhất loạt xin kiếu. Hai người đầu còn nói lời cáo lỗi “cho tôi xin kiếu”, người thứ ba chẳng buồn nói một lời lịch sự. Nghĩa là tất cả mọi người đều không tha thiết với hạnh phúc Nước Thiên Chúa. Hai người đầu coi hạnh phúc ấy nhẹ hơn tiền của: đất, bò. Người thứ ba coi trọng hạnh phúc hôn nhân hơn.
Vì loạt người được mời lần đầu chỉ dân Do Thái đã từ chối dự tiệc, ông chủ mời loạt người khác. Đó là những người “nghèo khó, tàn tật, đui mù, què quặt.” Họ tượng trưng cho lương dân. Như thế, dân Do Thái dù được Thiên Chúa ưu tiên mời vào Nước Trời nhưng đã từ chối. Thế nhưng sự từ chối của họ chẳng những không làm hỏng kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, trái lại còn thúc đẩy nhanh việc Thiên Chúa thành lập Nước Thiên Chúa, một dân mới đã được mời vào thế chỗ cho dân Do Thái.
Suy gẫm
1. “Mọi sự đã sẵn sàng”: Hạnh phúc Nước Trời đã được Thiên Chúa chuẩn bị sẵn tất cả cho ta, cũng như cỗ bàn được ông chủ trong dụ ngôn này chuẩn bị chu đáo: giáo huấn Tin Mừng, Giáo Hội, bí tích, ơn Chúa… Nhưng tại sao nhiều người không đến dự tiệc? Vì họ không muốn từ bỏ những thứ đang quyến rũ họ:
- một thửa đất mới mua: tài sản,
- năm cặp bò mới tậu:việc làm ăn,
- một người vợ mới cưới: hạnh phúc nhân loại.
Những người đó không sai vì coi trọng những thứ vừa kể, nhưng sai vì coi chúng trọng hơn Nước Trời. Chúa Giêsu đã dạy “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Ngài. Tất cả những thứ kia Ngài sẽ thêm cho” (Mt 6,33)
2. Lý do khiến loạt khách mời thứ nhất từ chối đến dự tiệc là vì họ đang có những thứ họ ham thích. Còn lý do khiến loạt khách thứ hai đáp lời mau mắn (x. dụ ngôn song song được ghi trong Mt 22,1-10: “phòng tiệc cưới đã đầy thực khách”) là vì họ đang không có gì cả, nói cho rõ hơn, họ nghèo. Nghèo là tâm thế rất thích hợp để đón nhận Nước Trời.
3. Triết gia Socrates sống rất giản dị. Một ngày kia ông ngắm nghía rất kỹ những món hàng đắt tiền được bày bán ngoài chợ. Thấy thế một người lấy làm lạ nên hỏi. Ông giải thích: “Tôi ngạc nhiên vì không hiểu tại sao người ta lại bán quá nhiều thứ mà tôi không cần đến như thế” (Clifton Fadiman).
4. “Một người kia làm tiệc lớn và đã mời nhiều người. Người thứ nhất nói: tôi mới mua một thửa đất, cần phải đi thăm; người thứ hai nói: tôi mới tậu năm cặp bò, tôi đi thử đây...; người khác nói: tôi mới cưới vợ nên không thể đến được” (Lc 14,16-20)
Có câu chuyện về những người nằm chết khát trên một chiếc bè lênh đênh ngoài khơi bờ biển Brazil. Họ không hề hay biết nước biển ngay chỗ bè họ trôi là nước ngọt. Thật vậy, dòng chảy của con sông mạnh đến nỗi tống ra biển xa đến hai dặm và nước ngay chỗ họ vẫn là nước sông. Nhưng họ không hề hay biết...
Đời là một bữa tiệc lớn. Tất cả những niềm vui - nỗi buồn, cái thật - cái giả, ánh sáng - bóng tối... đều cống hiến cho bữa tiệc ấy. Nhưng con người như bị thôi miên, cứ chọn cái buồn, cái giả, cứ chạy theo bóng tối... nên rất nhiều người đang chết đói trên bàn tiệc, trong đó có bạn và tôi...
Lạy Chúa, con đã phải nếm sự đau khổ vì cứ mê muội bám víu vào các tạo vật. Xin cho con được ơn thức tỉnh thật sự.
Cha Carôlô
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, chúng con thật hạnh phúc vì được tham dự bàn tiệc Thánh Thể Chúa. Chúa ban cho chúng con chính sự sống phục sinh của Chúa làm lương thực nuôi dưỡng hồn xác chúng con. Chúng con xin tạ ơn Chúa. Xin giúp chúng con biết dành thời giờ để tìm kiếm Nước Chúa hơn là những thực tại trần gian mau qua.
Lạy Chúa, kẻ khờ dại thường tìm kiếm những của phù du mau qua. Kẻ khờ dại thường bỏ lỡ cơ hội chiếm hữu những giá trị vĩnh cửu mà họ chỉ lo tìm kiếm những nhu cầu trước mắt. Họ lo cái ăn, cái mặc. Họ lo tìm kiếm vật chất. Họ quên một nhu cầu mà họ phải đánh đổi cả cuộc đời để có được nó: chính là sự sống đời đời. Xin giúp chúng con luôn nhớ đến cùng đích của đời người, để chúng con biết dành ưu tiên trước hết cho Nước Trời và sự công chính, rồi mới đến các giá trị trần thế khác. Xin dạy chúng con biết tìm kiếm nước trời hơn là của cải trần gian mau qua. Xin giúp chúng con thắng vượt những đam mê trần thế, những bon chen tầm thường để có được một tâm hồn thanh cao, an bình.
Lạy Chúa Giêsu mến yêu, xin cho chúng con biết yêu mến Chúa trên hết mọi sự để chúng con phó dâng trọn cuộc đời trong tay Chúa. Amen.
Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền
________________________________
Lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời
Sao Ngài bỏ rơi con? Lời Chúa: Mc 15, 33-39
Vào giờ thứ sáu, bóng tối bao phủ khắp mặt đất mãi đến giờ thứ chín. Vào giờ thứ chín, Ðức Giêsu kêu lớn tiếng: “Êlôi, Êlôi, lama sabácthani!” Nghĩa là: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” Nghe vậy, một vài người đứng đó liền nói: “Kìa hắn kêu cứu ông Êlia”. Rồi có kẻ chạy đi lấy một miếng bọt biển, thấm đầy giấm, cắm vào một cây sậy, đưa lên cho Người uống mà nói: “Ðể xem ông Êlia có đến đem hắn xuống không.” Ðức Giêsu lại kêu lên một tiếng lớn, rồi tắt thở. Bức màn trướng trong Ðền Thờ bỗng xé ra làm hai từ trên xuống dưới. Viên đại đội trưởng đứng đối diện với Ðức Giêsu, thấy Người tắt thở như vậy liền nói: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa.”
Suy niệm:
Ðoạn Tin Mừng trên đây kể lại cho ta cuộc đời Ðức Giêsu vào những giây phút cuối. Ngài đã đón nhận cái chết một cách không dễ dàng sau nhiều giờ hấp hối trên thập giá. Ðau đớn đến tột cùng, nhục nhã và cô đơn kinh khủng. Có vẻ lúc đó Cha lại vắng mặt và làm thinh. “Lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” Ðức Giêsu có cảm tưởng như Cha bỏ rơi mình vào chính lúc Ngài vâng phục Cha, chấp nhận cái chết. Chúng ta cần nghe được tiếng kêu xé ruột của Ðức Giêsu. Ngài kêu bằng tất cả sức lực còn lại của mình. Ngài kêu một tiếng lớn, rồi tắt lịm. Chúng ta thích thấy Ðức Giêsu chết bình an hơn, chết anh hùng hơn và chết lành hơn. Nhưng Ðấng vô tội, chết thay cho cả nhân loại, đã chẳng được hưởng chút êm đềm nào từ Thiên Chúa. Lời cuối của Ngài là một tiếng gọi: Lạy Thiên Chúa của con, một câu hỏi tại sao mà Ngài không rõ câu trả lời. Ðức Giêsu đã nhắm mắt trong niềm tin trần trụi.
Tháng 11 được dành để nhớ đến những người đã khuất. Ðã có thời người ta cho rằng theo đạo là bất hiếu, vì không lo giỗ chạp, cúng vái, nhang đèn... Nhưng trong niềm tin của Kitô giáo, điều người chết cần không phải là đồ ăn hay vàng mã, mà là cầu nguyện, hy sinh, việc lành và thánh lễ. Ngọn lửa luyện ngục tuy gây nhiều đau đớn không nguôi, nhưng có sức tẩy luyện, biến đổi và thánh hóa. Có thể nói các linh hồn ở luyện ngục có phúc hơn ta, vì họ biết chắc chắn sớm muộn gì cũng vào thiên đàng. Chính vì thế họ vui lòng để cho tình yêu Chúa thanh lọc, và càng lúc càng trở nên hoàn hảo hơn để đến gần bên Chúa. Chúng ta cần sống mầu nhiệm các thánh thông công. Các thánh trên trời chuyển cầu cho Hội Thánh dưới thế. Hội Thánh dưới thế chuyển cầu cho các linh hồn đau khổ. Tất cả liên đới với nhau như các chi thể của một thân thể.
Trong tháng này Hội Thánh mời chúng ta đi viếng nghĩa trang để cầu nguyện cho các người thân yêu đã lìa đời. Những hàng mộ nói với ta về cái chết không sao tránh được. Dù già hay trẻ, dù khỏe hay đau, dù giàu hay nghèo, nhưng cuối cùng cái chết vẫn là điểm hẹn. Cái chết được chia đều cho mọi người. Nghĩa trang có phải là nơi an nghỉ cuối cùng không? Con người còn gì khi thân xác nát tan trong lòng đất? Nhờ Ðức Giêsu phục sinh mà mầu nhiệm cái chết được vén mở. Cái chết chỉ là nhịp cầu đưa ta vào cõi sống. Con người sống là để chết, và chết là để sống mãi, sống một cuộc sống hạnh phúc tuyệt vời hơn nhiều.
Cùng với thánh Phanxicô, xin gọi cái chết là chị - Chị Chết. Ước gì người Kitô hữu học được nghệ thuật sống nhờ biết đón lấy cái chết trong niềm hy vọng tin yêu.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, nếu người ta cứ phải sống mãi trên cõi đời này thì thật là phiền toái. Nhưng cái chết vẫn làm chúng con đau đớn vì phải chia tay với những người thân yêu, vì bao mộng mơ, dự tính còn dang dở. Xin cho chúng con đừng nhìn cái chết như một định mệnh nghiệt ngã và phi lý nhưng như một hành trình trở về nguồn cội yêu thương.
Lạy Chúa Giêsu, trước cái chết thập giá, Chúa đã run sợ, nhưng không tháo lui, và Chúa đã chết trong niềm vâng phục tín thác, để trở nên người đầu tiên bước vào cõi sống viên mãn. Xin cho chúng con nghe được lời dạy dỗ của cái chết. Cái chết cho thấy cuộc sống mong manh, ngắn ngủi, chính vì thế từng giây phút trôi qua thật quý báu. Cái chết bất ngờ mời gọi chúng con luôn tỉnh thức. Cái chết nhắc nhở chúng con là khách lữ hành đang trên đường về quê hương vĩnh cửu. Sống một đời và chết một lần. Lạy Chúa, đó là thân phận làm người của chúng con. Xin dạy chúng con biết cách chết nhờ biết cách sống. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ http://tgpsaigon.net
_________________________________________
Bên kia sự chết
Trên giường hấp hối, thánh Monica đã nhắn nhủ con ngài là Augustino như sau: “Mẹ chỉ xin con một điều là hãy nhớ đến mẹ khi con tới bàn tiệc thánh”.
Có lẽ nhiều người trong chúng ta cũng đã được nghe những lời van xin tương tự phát ra từ môi miệng của những người thân chúng ta, trước khi từ giã cõi đời… Nhưng xa mặt cách lòng, nhiều người trong chúng ta lãng quên những lời van xin thống thiết ấy.
Cần được thương, cần được nhớ: đó là khát vọng tự nhiên của con người. Không ai muốn là một hoang đảo cô đơn. Dưới cái nhìn đức tin, lời van xin kẻ khác cầu nguyện cho, còn chứng tỏ một lòng khiêm tốn, một thái độ chấp nhận cái giới hạn mỏng manh bất lực của mình.
Để giúp chúng ta có dịp đáp lại thỉnh cầu của những người đã đi vào thế giới bên kia và để thể hiện mối tình thông hiệp “các thánh thông công”, Giáo hội ngay từ buổi đầu của kỷ nguyên Kitô đã cổ động việc tưởng nhớ cầu nguyện cho những người quá cố. Những thế kỷ gần đây đã dành tháng mười một hằng năm cho việc đạo đức ấy. Hai ngày lễ mừng kính các thánh và cầu cho các linh hồn được ấn định vào hai ngày mùng một và mùng hai đầu tháng với những kinh nguyện rất ý nghĩa, nhắc chúng ta về sự hiệp thông trong Giáo hội. Công đồng Vatican II trong hiến chế về Mầu nhiệm Giáo Hội đã viết như sau: “Giáo hội lữ hành hết lòng kính nhớ, dâng lời cầu cho những người đã chết, vì cầu nguyện cho họ được giải thoát khỏi tội lỗi là một việc lành thánh…”
Nói về sự bầu cử của các đẳng linh hồn, Công đồng viết như sau: “Khi được về quê trời và hiện diện trước nhan Chúa, nhờ Người, với Người và trong Người các thánh lại không ngừng cầu bầu cho chúng ta bên Chúa Cha…” Sự trao đi nhận lại đó vừa là một việc bác ái vừa là một bổn phận thảo hiếu đáp đền, đã thực sự củng cố Giáo hội thêm vững bền trong sự thánh thiện.
Quỳ cầu nguyện một mình trong nhà thờ, hay ngậm ngùi đốt lên một ngọn bạch lạp tại một nghĩa trang nào, có lẽ ai trong chúng ta cũng cảm thấy bùi ngùi xúc động khi nghĩ đến những người chết và chính cái chết. Chúng ta đang đứng giữa biên giới vô hình của sự sống và cái chết. Và một cách vô cùng huyền nhiệm và sống động, những người chết đang hiện diện với chúng ta bằng một sợi dây liên kết thâm sâu, thắm thiết… Cái chết không còn là một chấm hết cuối cùng đối với chúng ta nữa. Tình yêu mạnh hơn sự chết. Chính Tình yêu đã làm cho những người chết được sống và cũng chính Tình yêu liên kết chúng ta với những người chết. Vâng, chỉ có Tình yêu mới làm cho con người được liên kết với những người đã chết. Chỉ có Tình yêu mới mặc cho những nghĩa cử của con người sự bất diệt.
Mỗi lần chúng ta hy sinh cho một người nào đó, mỗi lần chúng ta săn sóc một người đau yếu, an ủi một người đau khổ, bênh vực một người cô thế, hay cùng với những người khác dấn thân để canh tân cuộc sống… Chúng ta đang tiến dần đến sự bất tử.
Yêu thương chính là tái sinh, là thông dự vào sự sung mãn của cuộc sống. Đó phải là niềm tin của chúng ta trong ngày hôm nay khi chúng ta tưởng nhớ và cầu nguyện cho người quá cố. Xin Chúa nâng đỡ đức tin yếu kém của chúng ta, xin Ngài ban thêm niềm hy vọng cho chúng ta.
Trích từ sách LẼ SỐNG
|
|