THAY ĐỔI


Lm. Giuse Trần Việt Hùng

"Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt. 18,3).

Sufi Bayazid tâm sự rằng: Tôi là nhà canh tân, khi tôi còn trẻ và lời cầu nguyện của tôi với Chúa là: Lạy Chúa, xin ban cho con nghị lực để con thay đổi cả thế giới. Thế rồi, đã qúa nửa đời người trôi qua, tôi nhận ra rằng nửa cuộc đời của tôi đã qua mà chẳng thay đổi được một linh hồn nào. Tôi thay đổi lời cầu xin với Chúa: Lạy Chúa, xin ban cho con ân sủng để con có thể thay đổi tất cả những người liên hệ với con. Họ là tất cả các thành viên trong gia đình, bạn bè và con sẽ được thỏa mãn. Giờ đây, con đã già, tháng ngày còn lại vắn vỏi, cho con cầu xin một lần nữa: Lạy Chúa, xin ban ân sủng để con thay đổi chính mình con. Nếu con biết cầu nguyện cho điều này ngay từ lúc khởi đầu, con đã không uổng phí cuộc đời.

1. Tự Biết Mình

Ai trong chúng ta cũng muốn điều tốt, sự hoàn hảo và sống vui hạnh phúc. Sống hạnh phúc là khi chúng ta biết chấp nhận hoàn cảnh sống. Chúng ta thường có khuynh hướng muốn thay đổi người khác và hướng ngoại nhiều hơn là hướng nội. Gia đình là đơn vị nhỏ nhất của xã hội. Mỗi thành viên trong gia đình cần giúp nhau hoàn thiện cá nhân của mình. Nhìn tấm gương của Mẹ Maria và thánh Giuse, trong hoàn cảnh khó khăn nhất xảy đến khi Maria thụ thai Ngôi Hai bởi phép Chúa Thánh Thần, thánh Giuse âm thầm lặng lẽ, không muốn sự việc ồn ào và định tâm rời xa cách kín đáo. Mẹ Maria không lên tiếng giải thích hay bào chữa mà chỉ âm thầm cầu nguyện và suy niệm Mầu Nhiệm Nhập Thể trong lòng.

Chúng ta biết rằng đời sống hôn nhân gia đình là một tổ ấm của tình yêu. Tình yêu liên kết vợ chồng con cái lại với nhau trong niềm vui và hạnh phúc. Những ai đang được ngụp lặn trong tình yêu gia đình hãy biết trân quý và bảo toàn. Chúng ta biết rằng sự khác biệt tâm lý và sinh lý giữa nhau là để bổ túc cho nhau nên hoàn hảo. Biết rằng khi nhập gia phải tùy tục nhưng không phải vì thế mà chúng ta tự đánh mất mình. Muốn nên hoàn hảo, trước hết hãy tự thay đổi chính mình. Chúng ta đừng bắt ép người khác phải thay đổi theo sở thích của riêng ta. Đôi khi chúng ta muốn người khác thay đổi và trở nên hoàn hảo trong khi chúng ta cứ tự do thoải mái sống theo sở thích riêng tư. Điều này khó có thể thuyết phục người khác.

2. Phê Bình

Ông Tổng Thống Obama của Hoa Kỳ đã thắng cử vì đã khéo léo đưa ra một tiêu đề ‘Thay Đổi’. Nhiều người háo hức và phấn khởi dồn phiếu cho một ứng cử viên Đảng Dân Chủ rất trẻ. Ai cũng mong muốn có sự thay đổi kinh tế giúp cho cuộc sống cho tốt hơn. Mọi người đã đặt nhiều hy vọng vào sự thay đổi của vị tân cử. Nhưng rồi 2 năm trôi qua thật nhanh, nhiều người đã không còn kiên nhẫn đợi chờ thay đổi. Trong đợt bầu cử giữa nhiệm kỳ, nhiều người lại quay sang Đảng Cộng Hòa tìm lối thoát. Xã hội và con người thay đổi, đổi thay là thế! Xem ra ai cũng thích thú và mong muốn có sự thay đổi.

Trong cuộc sống, hầu như mọi người đều bị rơi vào những bất cập của thiên kiến. Thí dụ: Khi chúng ta ngồi nghe các ca sĩ hát và nghệ sĩ diễn tuồng, chúng ta có thể chê bai họ hát và diễn dở. Chúng ta có thể bực mình la hét vì các cầu thủ thất bại trên sân đấu. Chúng ta có thể dề môi bỉu miệng vì một đầu bếp nấu nướng không ngon miệng. Chúng ta có thể phê bình thầy này hay cha kia giảng dài, giảng dai và giảng dở. Chúng ta cũng có thể lên án gắt gao những bậc thày, cha mẹ, người lãnh đạo và các bề trên đã không chu toàn bổn phận. Dĩ nhiên, ai cũng có quyền lên tiếng, góp ý, phê bình và chia sẻ ý kiến. Tuy rằng chúng ta không có khả năng làm tốt hơn, nhưng ít nhất chúng ta cũng có ý hướng, ước mong và có tấm lòng về điều tốt, điều hay và điều thiện hảo. Thế đó, ước muốn có sự tốt lành, hoàn hảo và thánh thiện thì bao la, nhưng nhìn lại con người cụ thể của mình thì còn biết bao thiếu xót, thói hư, tật xấu và lỗi lầm cần được sửa đổi và khắc phục.

Năm 2002, quân đội Hoa Kỳ đã tấn công quân Taliban và đánh chiếm Afghanistan. Tôi nhớ câu truyện về người đàn ông bản xứ thường để râu quai sàm rậm rạp. Vì sợ bị ghép tội là quân Tabiban nội loạn, nhiều người đã đến tiệm hớt tóc để xuống chòm râu. Người thợ hớt tóc vui mừng vì có rất nhiều người đã đến để xuống tóc và cạo râu. Ông thợ miệt mài làm việc giờ này qua giờ khác và ngày này qua ngày nọ. Người thợ hớt tóc lo lắng xuống tóc cạo râu cho mọi người nhưng ông lại quên chính bộ râu rậm rạp của mình. Sau nhiều tuần bận bịu với công việc, một hôm khi soi gương, ông giật mình và lo sợ, vì ông vẫn còn dáng dấp của người lính Taliban.

3. Chữ Tôi

Trong chữ ‘tôi’, tiếng Việt Nam có thể đổi dấu chữ tôi thành chữ tồi, chữ tối và chữ tội. Nếu chúng ta bỏ đi được cái tôi, chúng ta sẽ dễ hòa đồng và mưu ích chung. Môt môn đệ nói: Tôi đến để phục vụ thầy. Sư phụ đáp: Nếu con bỏ chữ tôi, sự phục vụ sẽ tự động theo sau. Chữ tôi là chủ từ. Tôi sống, tôi làm và tôi ăn. Cái tôi chịu trách nhiệm cho tất cả những gì mình làm. Từ đó cái tôi có thể trở nên tốt hoặc xấu. Cái Tôi có thể trở thành ‘tồi’, khi tôi sống bê tha, đồi trụy và đánh mất phẩm giá của con người. Có nhiều người thích sống trong bóng tối và làm những việc mờ ám. Tôi cũng có thể trở thành ‘tội’ nhân. Tôi cũng có thể trở nên ‘tối tăm’, sống trong sự mù quáng và sa đọa. Chúng ta có thể phạm tội nơi bản thân, tội bất tín nơi gia đình và xã hội. Thường thì tôi phạm tội trong bóng tối và tôi trở thành người tồi.

Vậy sự thay đổi cần thiết là thay đổi cái ‘tôi’kiêu căng, cái ‘tôi’ tự ái. Tôi phải chịu trách nhiệm về hành động và cách sống của tôi. Khi tôi làm sai, tôi phải sửa đổi. Khi tôi phạm lỗi, tôi phải xin lỗi. Khi tôi phạm tội, tôi phải xin ơn tha thứ. Chúng ta đừng trốn tránh hay đổ trách nhiệm cho nhau. Hãy tự đứng trên chân của mình. Hãy tự xét mình hằng ngày vì chỉ có tôi mới biết chính tôi một cách rõ ràng hơn hết. Biết mình là đầu mối của sự khôn ngoan. Biết mình thì trăm trận trăm thắng. Muốn biết mình là phải đi trở lại mình, có nghĩa là đi vào đời sống nội tâm. Muốn biết được mình, chúng ta cần phải đi vào nơi thanh tịnh vắng vẻ mà hồi tâm. Mỗi người chỉ có thể tìm thấy mình khi soi mình qua tiếng nói lương tâm. Tiếng nói lương tâm trong sáng sẽ không lừa dối chúng ta. Chỉ cần chúng ta thành thật với chính mình và muốn thay đổi cho tốt hơn, chúng ta có thể làm được.

4. Thay Đổi

Những ai cần canh tân và thay đổi cuộc sống? Chúng ta hãy tự hỏi mình trước khi đòi hỏi người khác. Thay đổi một thế giới chung chung thì dễ dàng hơn thay đổi tâm hồn một con người. Tìm thay đổi người khác thì thoải mái và vui hơn là thay đổi chính mình. Trước khi muốn thay đổi người khác, chúng ta phải tu thân tích đức. Tự rèn luyện để có nội lực thâm hậu và đời sống nội tâm vững chãi. Vì thay đổi là để trở nên tốt hơn và hoàn thiện hơn. Cứ tự nhiên, chúng ta ngại thay đổi và cũng có thể chúng ta không muốn thay đổi vì ngựa quen đường cũ. Sự thay đổi làm mất đi những thói quen và cách sống cũ thoải mái. Thói quen và tập tục hằng ngày có thể trở nên những pháo đài kiên cố xây dựng cái tôi của mình. Muốn thay đổi, chúng ta không chỉ thay đổi nơi ăn chốn ở, thay đổi hình thức bề ngoài mà là thay đổi cách sống và cuộc sống. Cuộc thay đổi nội tâm là một cuộc đổi đời. Thay đổi quan niệm và nhận thức về Thiên Chúa và con người. Chúng ta cần sống đời phó thác cầu nguyện trong niềm tin và xin ơn Chúa giúp.

Trong những ngày còn lại của Mùa Vọng, mỗi tín hữu chúng ta cũng mong có sự gì thay đổi trong cuộc sống. Hôm nay, hầu như chúng ta đã chuẩn bị xong những thứ lỉnh kỉnh bên ngoài như là trang trí đèn đóm, ngôi sao, cây thông, làm hang đá, mua qùa, gởi qùa, gởi thiệp chúc và chuẩn bị tiệc mừng Giáng Sinh. Này đây, tất cả những chuẩn bị bề ngoài xem ra đã sẵn sang, nhưng xem ra hình ảnh Chúa Kitô còn xa lạ. Chúng ta cần một thay đổi rất quan trọng trong đời sống nội tâm. Thay đổi, sửa đường Chúa cho ngay thẳng và tỉnh thức đón chờ Chúa đến. Chúng ta có nghĩ rằng, mình đang chuẩn bị tâm hồn để đón một vị thượng khách. Ngài là Chúa Các Chúa, Vua Các Vua, Ngài là Con Thiên Chúa và là Hoàng Tử Bình An.

Chúng ta đang cầm giữ chìa khóa của tâm hồn mình. Hãy mở cửa chờ đón Chúa ghé thăm. Mỗi người chúng ta hãy tự chuẩn bị cho mình một máng cỏ đơn sơ, thanh sạch và ấm cúng để đón mừng Chúa ngự vào tâm hồn. Lạy Chúa, xin hãy đến cứu độ và đem bình an cho chúng con.

(Tuyến-Thúy sưu tầm)