|
LINH HỒN HÀN MẠC TỬ
I: Cuộc hiện ra của Hàn Mạc Tử hay giấc mơ của bà chị Như Lễ?
Một trong những sự lạ lùng nhất chưa biết đến về Hàn Mạc Tử (1912-1940) từ lúc thi sĩ thiên tài từ biệt chúng ta đi vào vĩnh cửu, ngày 11 tháng 11 năm 1940, sau một cuộc đời ngắn ngủi và vô cùng đau khổ, ấy là giai thoại cảm động xảy ra sau lúc thi sĩ tắt thở mười chín giờ mười lăm phút. Thế nhưng giai thoại này phải chờ ba mươi ba năm trước khi được tiết lộ cho công chúng, qua một tiểu luận Cao học văn chương mà ông Trần Đình Niên đã trình ở Đại Học Văn Khoa Sài gòn năm 1973.
Về hình thức, người ta tự hỏi phải chăng đây là một giấc mơ của bà Như Lễ - chị Lễ mà trong thời niên thiếu được mô tả đã cùng đi chơi với Hàn Mạc Tử trong bài thơ ẩn dụ Chơi giữa mùa trăng (1) – hay đây là sự hiện ra của chính linh hồn Hàn Mạc Tử khi được giải thoát khỏi thân xác vật chất với chị Lễ ấy?
Vì bà Như Lễ kể rằng “trong khi bà đang ngủ [ở nhà bà] tại Qui Nhơn, bà thấy Hàn Mạc Tử ôm một bọc áo quần v.v…”, từ đó người ta kết luận là một giấc mơ. Nhưng có một sự việc khác trong phần tiếp theo của câu chuyện. “Bà bạn nằm ở giường bên cạnh, sực thức dậy, bảo bà Như Lễ: Cô ơi! Có ai vô nơi kìa, để cái gì trên giường kìa.” Lời chứng này khiến chúng ta phải tin vào việc người quá cố hiện ra hơn là một giấc mơ của bà chị, vì nói chung việc hai hay nhiều người cùng thấy một sự hiện ra thì dễ chấp nhận hơn việc hai hay nhiều người có cùng một giấc mơ. Nhân đây cũng nói thêm rằng tiếng Việt có một từ ngữ dung hòa hai khái niệm ấy là ‘báo mộng’.
Khỏi cần phải yêu cầu bà Như Lễ khẳng định đã nhìn thấy Hàn Mạc Tử trong thực tế hay trong giấc mộng. Tân Ước đã thuật lại Chúa sai Thiên sứ hiện ra để giải thoát thánh Phêrô khỏi ngục tối một cách kỳ diệu và dẫn thánh nhân theo Thiên sứ ra ngoài. Nhưng lúc đó vị Tông đồ của Đức Giêsu “không biết việc Thiên sứ làm đó có thật hay không, cứ tưởng mình thấy một thị kiến”, sách Công vụ nói (ch. 12, 5-9). Phêrô chỉ biết sự thật khi đã đi đến cuối con phố và Thiên sứ rời bỏ ông, lúc đó ông mới hoàn hồn.
Thật vậy, Kinh Thánh thuật lại nhiều lần hiện ra hay báo mộng, chúng không phải đều từ Thiên Chúa hay các Thiên sứ theo lệnh của Thiên Chúa, nhưng cũng từ những người đã sống ở trần gian như ngôn sứ Samuen đã hiện ra với vua Saolơ (1 Sm 28,12-19), tổ phụ Môsê và ngôn sứ Êlia cùng hiện ra với Đức Giêsu Chúa chúng ta để đàm đạo với Ngài trên núi Tabor (Mt 17,3). Và theo Phúc Âm thánh Mátthêu, những sự kiện sau đây trong số những sự kiện khác xảy ra vào lúc Đức Giêsu Chúa chúng ta chết trên thánh giá để chuộc tội cho nhân loại: “Mồ mả bật tung và xác của nhiều vị thánh được an nghĩ đã chỗi dậy, các ngài ra khỏi mồ vào thành thánh và hiện ra với nhiều người.” (Mt 27, 52-53)
Theo định nghĩa của thần học, “hiện ra” là một biểu lộ của Thiên Chúa, của các Thiên Sứ hay của những người chết (thánh thiện hay không) tỏ bày dưới một hình thức tác động đến các giác quan của con người (2).
Ngày nay nhiều tác phẩm nghiêm túc cũng thuật lại các trường hợp những người chết hiện ra dưới nhiều hình thức. Về phương diện này, tiêu biểu là nhật ký của nữ tu Marie de la Croix (chết ngày 15 tháng 5 năm 1917) dưới nhan đề Manuscrit du Purgatoire (Thủ bản Luyện ngục).
Ngày qua ngày tác giả đã ghi lại những lần trò chuyện với linh hồn của một nữ tu cùng dòng tên Marie Gabrielle (chết ngày 22 tháng 2, 1871). Nữ tu này lúc sinh thời, đã có một đời sống tôn giáo rất thông thường, có nhiều khuyết điểm và gương xấu, tự bản tính đã chống lại nữ tu Marie de la Croix trong con đường nên thánh. Nữ tu quá cố còn ở trong Luyện ngục để được thanh luyện đã được Thiên Chúa cho phép hiện ra không phải dưới hình thức thể chất, nhưng chỉ bởi âm thanh và một vài tiếng động báo sự hiện diện của chị để mời gọi và giúp đỡ nữ tu còn sống sửa mình và thánh hóa bản thân, để nhờ đó nữ tu quá cố được giải thoát. Trong sáu năm liên tiếp (1884-1890), xơ Marie de la Croix ghi lại trong nhật ký ngoài những lời khuyên bảo và dặn dò mà linh hồn ấy đã mang lại như một linh hướng với đầy sự khôn ngoan … còn có nhiều tiết lộ về Luyện ngục và những cứu cánh sau cùng khác của con người (cái chết, phán xét, thiên đàng, địa ngục). Trong thời gian đó chị sửa mình và thánh hóa thật sự làm cho linh hồn của nữ tu quá cố sau cùng đến – luôn luôn dưới hình thức không có thể chất – cám ơn và nói lời từ biệt để lên Thiên Đàng (3).
Những kiểu mẫu khác là hai lần hiện ra dưới hình người sáng láng và điểm trang lộng lẫy mà tu viện trưởng Gilbert Combe, cha xứ của giáo xứ Dion (Callier, Pháp): đó là sự hiện ra của cha mẹ của ngài, sau thời gian thanh luyện (mẹ của ngài chịu ba tuần và cha chịu mười lăm tháng) và trước khi vào Thiên đàng, đã được phép lần lượt đến cám ơn vị nữ ân nhân tại thế đã thực hiện những sự hy sinh cao cả khi sốt sắng cầu nguyện để họ được giải thoát. Vị nữ ân nhân của họ chính là Nữ Tu chân phước Marie de la Croix (cùng tên với nữ tu viết Manuscrit du Purgatoire) nổi tiếng hơn dưới cái tên thời thơ ấu Mélanie, cô bé chăn cừu ở La Salette, người cùng với Maximin nhỏ tuổi hơn cô đã nhìn thấy Đức Mẹ hiện ra năm 1846 và nữ tu này vào giai đoạn của đời sống ẩn dật (1899-1904), đã sống như một nữ tu đơn độc và kín đáo trong giáo xứ do tu viện trưởng Combe phụ trách (4).
Ở Việt Nam, trường hợp của nữ tu Maria Catarina Nguyễn Thị Diện, chị được đặc sủng có những liên lạc khả giác với mẹ và người anh quá cố của chị liên tiếp đến báo cho chị biết họ đã được giải thoát khỏi Luyện ngục. Trường hợp của chị đã được một giám muc người Pháp, giám mục giáo phận cũng là cha linh hướng của chị, Đức Cha Louis de Cooman và những tài liệu đầu tay của ngài (5) đã giúp chúng tôi rất nhiều khi viết tác phẩm về chị nữ tu thần bí hiếm có ấy của Việt Nam (6).
Như thế lời kể lại của bà Như Lễ về thị kiến Hàn Mạc Tử vốn không xa lạ với Kinh Thánh, thần học và kinh nghiệm đời sống. Trong trường hợp này, nên lưu ý một chi tiết: bà Như Lễ đã có thị kiến ấy trước khi chồng bà trở về nhà báo cho bà biết cái chết của Hàn Mạc Tử, đã xảy ra mười chín giờ một khắc trước đó mà bà không hề biết. Nhân tố này có tính chất vô hiệu hóa những hoài nghi có thể có cho rằng lời kể lại của bà Như Lễ bị hoen ố bởi tính chủ quan, của ảo giác, của tự kỷ ám thị v.v… vì người ta có thể giả định như thế trong trường hợp thị kiến xảy ra sau khi bà đã biết cái chết của em trai bà.
( Còn tiếp)
|
|