|
NHẬN ĐỊNH CHUNG(tiếp theo)
III. NHỮNG NỖ LỰC CHẤN CHỈNH.
Để tránh những trường hợp đáng tiếc và đáng trách trên đây, trong nhiều năm qua, Ủy ban Thánh nhạc (UBTN) toàn quốc, cũng như UBTN các Giáo phận đã phổ biến các văn kiện Giáo hội, các thông cáo liên quan đến thánh nhạc, đã tổ chức những buổi thảo luận chuyên đề thánh nhạc, đã phổ biến những nội san, tập san giải thích các văn kiện thánh nhạc, đưa ra những hướng dẫn cụ thể, nhằm phổ cập những kiến thức căn bản và cần thiết trong lãnh vực Phụng Vụ Thánh Nhạc cho các Giáo Xứ, các Ca Trưởng và các Nhạc Sĩ. Điều đó cho thấy trong việc chấn chỉnh đã có rất nhiều cố gắng. Nhưng xem ra còn gặp nhiều khó khăn, vì nhiều lý do, mà lý do chung nhất là các Ca Đoàn, Ca Trưởng, Nhạc Sĩ không có trong tay những văn kiện chính thức của Giáo hội; ngoài ra lại thiếu trường lớp đào tạo nhân sự hoạt động thánh nhạc một cách chính quy. Thực ra, không hẳn là thiếu những tài liệu liên quan đến Thánh Nhạc, mà có thể không biết tìm ở đâu, hay ngại ngần không muốn tìm. Do đó, để giúp cho các Ca Đoàn có thể nắm được những quy luật Thánh Nhạc tối thiểu liên quan đến việc ca hát trong Phụng Vụ Thánh Lễ, chúng tôi đề nghị đọc kỹ các chỉ dẫn trong QCTQ.SLR, mà ai cũng có trong tầm tay, ngõ hầu sẽ hát đúng và hay trong cử hành Thánh Lễ. Nhờ đó sẽ đạt được mục đích của phụng vụ là:
“Tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa con người”.
ĐỂ HÁT ĐÚNG
PHỤNG VỤ THÁNH LỄ
Theo Quy chế tổng quát Sách lễ Rôma.
I. CÁC BÀI HÁT TRONG THÁNH LỄ
Có thể chia những bài ca trong Thánh Lễ bằng nhiều cách:
- Những bài ca có tính cách nghi thức và những bài ca đi kèm một nghi thức.
- Hoặc những bài ca dành cho phần "thường lệ", chung cho bất cứ ngày lễ nào, và "phần riêng", được thay đổi tùy mỗi ngày lễ.
Những cách chia này đều có những ưu điểm của nó.
Tuy nhiên sự phân chia này có lẽ không còn phù hợp mấy với Phụng vụ mới nữa. Bây giờ, mỗi bài hát đều có chức năng và tính chất riêng của nó.
Theo J. Gélineau (1), chúng ta phải dựa vào sự trình bày của sách lễ Rôma, để hiểu ý nghĩa và chức năng của mỗi bài hát trong thánh lễ, từ đó người ta sẽ có thể nghĩ đến những hình thức âm nhạc, giọng hát và hình thể âm nhạc cho hợp với từng trường hợp. Người ta có thể chiếu theo chức năng và tầm quan trọng của các bài hát đó mà chia ra như sau:
* (1) x.J. Gélineau, Họp nhau Cử hành phụng vụ, tập II, trang 244.
-Các bài hát Thánh Kinh có thay đổi: Thánh vịnh và bài hát Alleluia.
-Các bài hát không thay đổi: các câu đối thoại và các lời tung hô (gồm cả bài Thánh, Thánh, Thánh: Sanctus).
-Các bài hát thường xuyên: bài xin Chúa thương xót (Kyrie eleison) –
-Kinh Vinh Danh (Gloria) – Lời cầu nguyện phổ quát – Bài Lạy Chiên Thiên Chúa (Agnus Dei) – và Kinh Tin Kính (nếu hát).
-Các bài hát tùy mùa hoặc lễ đặc biệt: Tùy mùa Phụng vụ, tùy ngày lễ: Ca nhập lễ, Thánh thi về Lời Chúa, - Bài ca rước lễ (ca hiệp lễ), - và thánh thi cảm tạ, sau cùng là bài ca kết lễ.
II. SẮP XẾP BÀI CA
Khi đã hiểu được chức năng và tầm quan trọng của mỗi bài ca, chúng ta mới dễ dàng chọn và sắp xếp các bài ca trong Thánh lễ để "tôn vinh Thiên Chúa "và" mưu ích thiêng liêng cho cộng đoàn Phụng vụ". Phải dựa trên những tiêu chuẩn nào để chọn lựa và sắp xếp?
1. Vâng theo huấn quyền:
Giáo Hội hằng quan tâm đến Thánh nhạc. Sự quan tâm đó được biểu hiện qua các thông điệp, các hiến chế, các huấn thị về thánh nhạc đã ban hành qua các thời đại. Một số dẫn chứng:
- Đức URBANO (1624 – 1644) tuyên bố: "Thánh nhạc phải phục vụ thánh lễ chứ không phải thánh lễ phục vụ thánh nhạc".
- Thông điệp Musicae Sacrae Disciplina (Quy Luật Thánh Nhạc) của Đức Pio XII ban hành ngày 25.12.1955, số 17 viết: "sẽ không ai ngạc nhiên về việc Giáo Hội chăm sóc, giữ gìn cẩn thận Thánh nhạc, không phải để áp đặt, những luật về thẩm mỹ học, hay kỹ thuật trong phạm vi lý thuyết âm nhạc, nhưng để đề phòng không cho bất cứ cái gì làm cho Thánh nhạc mất vẻ cao quí, vì sứ mạng của nó là thi hành một việc rất quan trọng: đó là thờ phượng Thiên Chúa". Hiến Chế Phụng vụ số 112 cũng nhắc lại mục đích cao cả của Thánh nhạc là "tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa các tâm hồn".
- Cũng trong số 112, HCPV viết: "Nhạc gắn liền với lời ca thánh trở nên thành phần thiết yếu, vẹn toàn của phụng vụ…. Ca nhạc càng liên kết với hoạt động phụng vụ bao nhiêu, càng thánh thiện hơn bấy nhiêu".
- Huấn thị thứ 3 (Liturgicae Restaurationes) nói: "Vì Thánh nhạc là để cử hành phụng vụ, phải thánh thiện và có nghệ thuật" (số 3c); Vì thế "Các vị chủ chăn, do sự mau mắn tuân theo luật lệ và chỉ thị của Gíao Hội, và do tinh thần đức tin thúc đẩy, sẽ loại bỏ những khuynh hướng riêng tư, những sở thích cá nhân. Họ phải là những nô bộc của phụng vụ chung bằng gương sáng, bằng tinh thần học hỏi, và bằng công việc huấn luyện thông minh và bền bỉ của mình" (số 13) v.v…
Những nguyên tắc hướng dẫn nêu trên cho phép chúng ta rút ra những nguyên tắc và những điều thực hành.
2. Những nguyên tắc :
2.1 Chỉ sử dụng trong phụng vụ những nhạc phẩm ñaõù được sáng tác với mục đích phụng vụ.
2.2 Chỉ sử dụng những nhạc phẩm tôn giáo đích thực, nghĩa là những nhạc phẩm gồm được tính thánh thiện thánh.
- Thánh thiện trong lời ca. (1)
- Thánh thiện đi sát với Phụng vụ. (2)
- Thánh thiện do việc sử dụng cung điệu trang nghiêm.
2.3 Chỉ dùng những nhạc phẩm có hình thức nghệ thuật đích đáng (đảm bảo đúng và hay về nhạc cũng như lời).
2.4 Những nhạc phẩm được giáo quyền chuẩn nhận.
3.Những áp dụng:
* Thánh nhạc có 4 loại:
- Bình ca.
- Các hình thức nhạc đa âm kim cổ được thừa nhận.
- Thánh nhạc cho đại phong cầm và các nhạc cụ khác.
- Ca phụng vụ và tôn giáo. Loại này gồm phụng ca (những bài ca dùng trong phụng vụ) và thánh ca, mới được sử dụng. Còn loại giáo ca (dù diễn tả các chân lý trong đạo, nhưng dùng cho các buổi sinh hoạt tôn giáo trong hay ngoài nhà thờ) thì không được phép đưa vào phụng vụ. (3)
(1) x. HCPV, số 121
(2) x. HCPV, số 112 và QCTQ số 22.
(3) x.HCPV,số 112.
Qua những định nghĩa và phân loại Thánh Lễ, chúng ta có một số thực hành cụ thể:
3.1 Thánh nhạc không chỉ là phần trang trí cho lễ nghi, hoặc là phương tiện (có cũng được hay không cũng được) gợi lòng sốt sắng của tín hữu, nhưng là chính phụng vụ, một hoạt động loan báo mầu nhiệm Kitô giáo mà Hội Thánh không ngừng cử hành.(4) Nên phải ý thức và tìm hiểu, cầu nguyện trên từng dòng ca của bài hát muốn chọn. (không nên làm cho qua lần chiếu lệ)
3.2 Phải được chuẩn bị và lựa chọn cẩn thận vì "không phải bất cứ loại nhạc nào, bài hát hay nhạc khí nào cũng có khả năng nuôi dưỡng lời cầu nguyện và trình bày mầu nhiệm của Đức Kitô như nhau".(5) Khôn ngoan hơn cả cần phải tham khảo ý kiến của qúy vị có trách nhiệm với cộng đoàn hoặc những vị có khả năng chuyên môn.
3.3 Tiêu chuẩn phụng vụ là tiêu chuẩn ưu tiên để chọn lựa. "Giá trị ca nhạc trong phụng vụ không được thẩm định hoàn toàn theo kỹ thuật âm nhạc và thẩm mỹ nữa, mà theo tiêu chuẩn liên kết chặt chẽ với phụng vụ".(6)
3.4 Phải có sự quân bình giữa các bài ca cộng đồng và những bài ca dành cho ca đoàn. "Vì bản chất việc cử hành thánh lễ là cộng đồng, nên ca nhạc không được cản trở sự tham dự linh động của cộng đồng".(7)
(4) x.TNTPV, số 4b.
(5) x. Huấn thị thứ ba để thi hành đúng HCPV (5.9.1970)
(6) x.Nhận định của Universa Laus.
(7) x.HCPV số 26-27; số 119-120.
4. Sắp xếp các bài ca :
Phải hoạch định sẵn một chương trình hát những lúc nào, những bài nào, trong loại cộng đoàn nào tham dự, nhân sự có những ai. Sao cho tất cả hài hòa, ăn khớp và thống nhất, nhịp nhàng với nhau. Ta có thể tiến hành các bước:
- Chủ đề của Thánh Lễ sẽ cử hành là gì? Đề tài nổi bật, trọng tâm trong các đề tài mà các bài đọc gợi lên là gì?
- Những bài hát có phù hợp với ý nghĩa, đặc tính và thực hiện như thế nào trong từng phần của Thánh Lễ.
- Cộng đoàn tham dự gồm đa số là những ai (người lớn, giới trẻ hay thiếu nhi…).
- Nhân sự ca hát có sẵn sàng chưa (người chơi đàn, người lĩnh xướng, trình độ ca đoàn, người ca trưởng ca đoàn).
- Bài ca này thích hợp cho mỗi giai đoạn của việc cử hành. Chẳng hạn bài "Thánh, Thánh, Thánh" phải do tất cả cộng đoàn cùng hát, được chủ tế mời gọi hãy chúc tụng Thiên Chúa cực thánh sau Kinh Tiền Tụng, mà lại là bài đa âm, chỉ mình ca đoàn hát thì không thể phù hợp được.
- Chọn trước những tiểu khúc sẽ hát: vì có một số bài ca tác giả viết với 4, 5 hoặc 6 câu tiểu khúc, nên cần phải lưu ý để chỉ chọn hát những tiểu khúc nào phù hợp với ngày lễ, hoặc trong một thời lượng nhất định chỉ có thể hát 1 hay 2 tiểu khúc mà thôi. Chẳng hạn bài "Ca Nhập Lễ Mùa Vọng" của N.D .
- Phân công các câu hát, phần nào của Cộng Đoàn, phần nào của Ca Đoàn.
5. Ý nghĩa, đặc tính và cách thực hiện các bài hát trong Thánh Lễ Chúa nhật:
Huấn thị Thánh Nhạc trong Phụng vụ đã nhắn nhủ: "Đối với cử hành Thánh Lễ có dân chúng tham dự, nhất là các Chúa nhật và lễ trọng, thì trong mức độ có thể, phải chuộng hình thức Thánh Lễ ca hát hơn, dù nhiều lần trong một ngày" (số 27). Huấn thị này cũng dạy rằng: "Việc phân cấp lễ nghi phụng vụ long trọng hay đơn giản tùy ở chỗ người ta dành cho việc ca hát nhiều hay ít" (số 7)
5.1 Những chỉ dẫn:
- Huấn thị Thánh nhạc trong Phụng vụ, ngày 5.3.1967, đã đưa ra các chỉ dẫn như sau (trích các số của huấn thị):
Số 28… Cách sử dụng những cấp bậc tham dự (vào thánh lễ hát) được quy định như sau đây: bậc nhất có thể sử dụng một mình; bậc hai và bậc ba chỉ được sử dụng hoặc toàn phần hoặc một phần chung với bậc nhất. Như thế các tín hữu sẽ luôn được qui hướng tới khi họ có thể tham dự đầy đủ vào ca hát.
Số 29: Thuộc về bậc nhất có:
a. Trong nghi thức nhập lễ:
• Lời chào của linh mục với lời đáp của dân chúng.
• Lời nguyện.
b. Trong Phụng vụ Lời Chúa:
• Các lời tung hô khi đọc Phúc Âm
c. Trong Phụng vụ Thánh Thể:
• Lời nguyện trên lễ vật – Kinh tiền tụng với lời đối đáp và Kinh Thánh
Thánh Thánh.
• Lời tung hô kết thúc lễ quy.
• Kinh Lạy Cha cùng với lời kêu gọi và lời quảng diễn.
• Bình an của Chúa… Lời nguyện sau rước lễ.
d. Công thức kết lễ :
Số 30: Thuộc về bậc hai có:
Phần thường lễ – Lời nguyện chung.
Số 31: Thuộc về bậc ba có:
Ca nhập lễ, dâng lễ, hiệp lễ, đáp ca, Alleluia – Các bài đọc Kinh thánh, trừ khi nhận thấy đọc tiện hơn hát..
Số 33: Ngần nào có thể, cộng đoàn tín hữu được tham dự hát bộ Riêng lễ (ca nhập lễ, dâng lễ, hiệp lễ) là một điều hay; họ sẽ hát được nếu có những điệp khúc dễ hát hoặc những hình thức âm nhạc khác thích hợp…
Số 34: Những bài hát của bộ Thường lễ (thương xót, vinh danh…) nếu là những nhạc phẩm nhiều giọng, có thể do ca đoàn hát, theo các quy luật đã quen, hoặc hát buông (a capella), hoặc có nhạc khí phụ họa, miễn là không loại dân chúng ra khỏi việc tham dự ca hát…
Số 36: Trong các lễ thường, tùy nghi có thể, hát một phần của bộ Riêng lễ hay Thường lễ. Hơn nữa có thể hát một bài ca khác (không lấy trong bộ Riêng lễ hay Thường lễ) vào lúc đầu lễ, dâng lễ và hiệp lễ; tuy nhiên, bài ca đó không chỉ có tính cách Thánh Thể là đủ, nhưng còn phải phù hợp với các phần Thánh Lễ, với ngày lễ, với mùa phụng vụ…
Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma (3.4.1969):
Số 313: Hiệu quả của thánh lễ về mặt mục vụ chắc chắn sẽ gia tăng, nếu các bài đọc, các lời nguyện và các bài hát đáp ứng đúng, chừng nào có thể, với nhu cầu, với sự chuẩn bị tâm hồn và não trạng của những người tham dự. Đó là điều có thể đạt được nếu biết sử dụng cách thích đáng quyền hạn rộng rãi để lựa chọn, như sẽ trình bày sau đây.
Vì thế, trong khi tổ chức thánh lễ, linh mục phải lưu ý đến công ích thiêng liêng của cộng đoàn hơn là đến sáng kiến cá nhân của mình…… nên trước khi cử hành, thầy phó tế, các độc viên, thánh vịnh ca viên, xướng ca viên, người dẫn lễ, ca đoàn, mỗi người trong phạm vi của mình cần biết rõ phải sử dụng bản văn nào; đừng để tình trạng "gặp đâu hay đó". Vì các nghi thức được sắp xếp và diễn tiến cách hài hòa thì giúp rất nhiều cho giáo dân chuẩn bị tâm hồn dâng Thánh Lễ.
Số 324: Khi phải lựa chọn các bài hát xen vào giữa các bài đọc và các bài ca nhập lễ, ca tiến lễ và ca hiệp lễ, thì hãy tuân theo các quy luật đã ấn định cho các phần đó.
Dựa theo QCTQ Sách lễ Rôma, chúng ta sẽ theo thứ tự diễn tiến trước sau của thánh lễ để tìm hiểu ý nghĩa, đặc tính, và cách thực hiện của từng bài.
(còn tiếp)
: |
|