|
04/03
Phải sinh hoa trái việc lành
Thứ Sáu Tuần thứ 8 Thường Niên
Lời Chúa:
Mc 11,11-26
11Đức Giêsu vào Giêrusalem và đi vào Đền Thờ. Người rảo mắt nhìn xem mọi sự, và vì giờ đã muộn, Người đi ra Bêtania cùng với Nhóm Mười Hai. 12Hôm sau, khi thầy trò rời khỏi Bêtania, thì Đức Giêsu cảm thấy đói. 13Trông thấy ở đàng xa có một cây vả tốt lá, Người đến xem có tìm được trái nào không. Nhưng khi lại gần, Người không tìm được gì cả, chỉ thấy lá thôi, vì không phải là mùa vả. 14Người lên tiếng bảo cây vả: "Muôn đời sẽ chẳng còn ai ăn trái của mày nữa!" Các môn đệ đã nghe Người nói thế.
15Thầy trò đến Giêrusalem. Đức Giêsu vào Đền Thờ, Người bắt đầu đuổi những kẻ đang mua bán trong Đền Thờ, lật bàn của những người đổi bạc và xô ghế của những kẻ bán bồ câu. 16Người không cho ai được mang đồ vật gì đi qua Đền Thờ. 17Người giảng dạy và nói với họ: "Nào đã chẳng có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của mọi dân tộc sao? Thế mà các người đã biến thành sào huyệt của bọn cướp!" 18Các thượng tế và kinh sư nghe thấy vậy, thì tìm cách giết Đức Giêsu. Quả thế, họ sợ Người, vì cả đám đông đều rất ngạc nhiên về lời giảng dạy của Người. 19Chiều đến, Đức Giêsu và các môn đệ ra khỏi thành.
20Sáng sớm, khi đi ngang cây vả, các ngài thấy nó đã chết khô tận rễ. 21Ông Phêrô sực nhớ lại, liền thưa Đức Giêsu: "Kìa Thầy xem: cây vả Thầy rủa đã chết khô rồi!" 22Đức Giêsu nói với các ông: "Anh em hãy tin vào Thiên Chúa. 23Thầy bảo thật anh em: nếu có ai nói với núi này: và dời chỗ đi, nhào xuống biển! mà trong lòng chẳng nghi nan, nhưng tin rằng điều mình nói sẽ xảy ra, thì sẽ được như ý. 24Vì thế, Thầy nói với anh em: tất cả những gì anh em cầu xin, anh em cứ tin là mình đã được rồi, thì sẽ được như ý. 25Khi anh em đứng cầu nguyện, nếu anh em có chuyện bất bình với ai, thì hãy tha thứ cho họ, để Cha của anh em là Đấng ngự trên trời, cũng tha lỗi cho anh em. 26 Nhưng nếu anh em không tha thứ, thì Cha của anh em là Đấng ngự trên trời, cũng sẽ không tha lỗi cho anh em."
Suy niệm:
Miền Palestin hay trồng cây vả, cây nho, cây Oliva. Xin đừng lầm cây vả của Do Thái với cây sung của chúng ta. Cây vả của Do Thái: thấp, quả cây ăn ngon bổ, dùng làm bánh Gatô.
Hôm nay, Chúa Giêsu dùng hình ảnh cây vả bị chúc dữ, để lại cho chúng ta bài học riêng. Chúng ta biết là Chúa Giêsu đang lên Giêrusalem dự lễ Vượt qua, người Biệt phái càng tranh luận gay gắt với Chúa. Trước những chống đối cứng lòng ấy, Chúa Giêsu dùng một hình ảnh bóng bẩy. Số là hôm ấy lên Giêrusalem, Chúa thấy đói và đảo mắt nhìn lên cây vả không có trái, mà chỉ thấy cành lá xanh um (c.12). Thánh Máccô nói là chưa phải mùa quả vả (c.13). Thật ra, Chúa lên Giêrusalem vào đầu tháng 4 là lễ Vượt qua. Vào tháng tư, có thể nhìn thấy ít ra những quả nho nhỏ rồi, vào tháng hè quả chín. Nhưng Chúa Giêsu đã không tìm được một quả nào.
Cây vả là tượng trưng cho dân Do Thái được bàn tay yêu thương của Thiên Chúa quan phòng vun trồng trong đất hứa. Dân đó có sứ mệnh đón nhận Đấng Cứu Thế. Cây vả đó được săn sóc kỹ lưỡng bởi Maisen, các Quan án, Tiên tri... cây vả được chăm sóc bón tỉa bằng giới luật, bằng ơn huệ. Thân cây sần sùi tươi tốt sống qua bao nhiên biến cố của Ai Cập, nô lệ Babylon. Trở về đất hứa, họ cũng đã xây Đền thánh cử hành đại lễ, cũng có những lề luật về Sabát, ăn chay, cầu nguyện, việc lành. Nhưng tất cả trở thành thứ màn trình diễn mà trong lòng không nhắm hướng về Giavê, và cuối cùng Đấng Cứu Thế đến qua dân tộc Israel thì họ từ chối.
Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh cây vả được ươm trồng, đáng lẽ phải sinh hoa trái cho nhà nông, thì đã không được gì lại choán đất. Chúa đã nguyền rủa chúc dữ “Từ nay chẳng còn ai ăn trái cây mi” (c.14). Đấy là cây “trái cấm.” Kinh Thánh mô tả “Sáng sớm hôm sau cây vả đã chết khô đến tận gốc” (c.20). Các môn đệ ngạc nhiên, một phép lạ xảy ra dĩ nhiên làm ngạc nhiên. Nhưng Chúa Giêsu còn làm các ông ngạc nhiên hơn nữa, vì Ngài ban quyền năng cao hơn phép lạ đó. Đó là quyền năng của đức tin và của lời cầu nguyện. Phép lạ làm những chuyện hữu hình như “Cây cối héo tàn, chuyển núi dời non...” Nhưng lời cầu nguyện với đức tin sẽ làm Thiên Chúa “xúc động” mà làm như ý kẻ xin: “Tất cả những gì các ngươi cầu xin với lòng tin, thì sẽ được” (c.24).
Điều này không có nghĩa là khi chúng ta cầu nguyện có thể thay đổi chương trình của Thiên Chúa. Nhưng từ đời đời, Thiên Chúa đã biết đến lời cầu nguyện của chúng ta như thế và Ngài đã phác họa chi tiết chương trình cứu rỗi của Ngài. Cho nên đức tin và cầu nguyện cần hơn cả phép lạ vậy. Nếu không có đức tin và cầu nguyện thực sự thì giống như một thân cây xanh um và rồi chết khô héo úa ngày Chúa phán xét. Ngược lại, sống trong đức tin và cầu nguyện sẽ sinh thêm nhiều hoa trái, và bên ngoài thân cây có sù sì nhưng nhựa sống thật sự và âm thầm vì “Ai ở trong Ta sẽ sinh nhiều hoa trái” (Ga 15,5)
Cây chết khô là một lời cảnh báo nghiêm trọng là đời sống tín hữu phải luôn có hoa trái khi Chúa tới. Điều mà Chúa đòi không phải là hoa lá cành hay chỉ là những tư tưởng tốt, chưa đủ, mà là những việc tốt, những việc lành phúc đức, chứ không phải chỉ lời nói suông. Cho nên một người, một tâm hồn nhận nhiều ơn thánh mà không sinh hoa trái thiêng liêng thì càng bị án nặng nề. Phép lạ này chứng tỏ Chúa uy quyền toàn năng. Nhưng cũng nói lên giá trị của kinh nghiệm bằng lòng tin về phía con người chúng ta.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã yêu thương chúng con bằng tình yêu vô bờ bến. Chúa đã tác tạo chúng con nên giống Chúa, để được hiệp thông trong tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúa còn trở thành Tấm Bánh để trở thành Máu Thịt nuôi dưỡng chúng con. Chúng con xin tạ ơn Chúa. Xin giúp chúng con biết học nơi Chúa để chúng con cũng biết yêu đời yêu người với tình yêu quảng đại trao ban.
Lạy Chúa là tình yêu. Chúa cũng muốn chúng con trổ sinh hoa trái yêu thương trong đời sống bác ái, vị tha, trong đời sống ngay thẳng thật thà. Xin Chúa thanh tẩy trí lòng chúng con khỏi những thói đời gian tham, lọc lừa, những kiêu căng ích kỷ để chúng con xứng đáng là hoạ ảnh của Chúa giữa thế gian. Xin giúp chúng con biết phản ánh dung nhan hiền lành và khiêm nhường của Chúa qua nếp sống thánh thiện và yêu thương của chúng con. Xin cho nhịp bước chúng con đi luôn để lại cho đời màu xanh của yêu thương và hạnh phúc.
Lạy Chúa, xin gìn giữ chúng con khỏi mọi tội lỗi để chúng con mãi xứng đáng là đền thờ cho Chúa ngự trị và luôn phản ánh nét đẹp của Chúa qua đời sống của chúng con. Amen
________________________________
Các Con Hãy Nên Trọn Lành!
Người ta kể lại rằng thánh Antôn ẩn tu đã tìm đến gặp một người thợ giày, vì nghe đồn rằng người thợ giày này có một đời sống đạo đức lạ thường. Ðể hỏi đâu là bí quyết để nên thánh, người thợ giày đáp gọn: "Tôi chỉ biết đóng giày".
Ngạc nhiên vô cùng, thánh Antôn hỏi vặn lại: "Nếu chỉ có thế thì làm sao mà gọi là thánh thiện được. Tôi đây, tôi tưởng nghĩ đến Chúa từng phút giây. Ông có bí quyết gì khác nữa không?". Người thợ giày giải thích: "Tôi làm việc 8 giờ, cầu nguyện 8 giờ và ngủ nghỉ 8 giờ".
Thánh Antôn vẫn chưa cho đó là cuộc sống lý tưởng. Ngài cho biết, ngài cầu nguyện từng phút giây. "Vậy ông sống đức khó nghèo như thế nào?". Người thợ giày bảo: "Tôi cho Giáo hội một phần ba của cải của tôi, một phần ba tôi bố thí cho người nghèo và một phần ba tôi giữ lại cho tôi". Thánh Antôn chưa cho đó là bí quyết nên thánh trọn hảo, bởi vì chính ngài đã phân phát tất cả của cải của ngài cho Giáo hội và người nghèo...
Thánh nhân vặn hỏi mãi, cuối cùng người thợ giày mới khai ra bí quyết của ông như sau: "Mặc dù tôi phân phát một phần ba tiền lương của tôi cho người nghèo, nhưng đêm ngày tôi không ngủ yên được khi tôi nhìn thấy cảnh nghèo xung quanh tôi, đến độ tôi đã thưa với Chúa: Chúa ơi, thà để con đi hỏa ngục còn hơn nhìn thấy những người khốn khổ này phải triền miên trong cảnh nghèo đói...".
Nghe đến đó, thánh Antôn đã bỏ ra về. ngài chợt hiểu rằng ngài chưa đủ thánh thiện như người thợ giày này đến độ dám hy sinh tất cả chỉ vì người nghèo.
Có rất nhiều cách để nên thánh, nhưng dường như không có một mẫu mực thánh thiện chung cho tất cả mọi người. Có người nên thánh ngay trong bấc sống của mình giữa trần gian. Có người chịu tử đạo. Có người sống trong bậc tu trì. Mỗi một vị thánh là một cách sống.
Tuy nhiên giữa khung khác biệt đó vẫn có một mẫu số chung cho tất cả mọi cuộc sống thánh thiện: đó là Tình Yêu. Thánh Phaolô trong bài ca đức ái đã nói: "Dù tôi có thể nói được các tiếng lạ lùng, dù tôi có thể làm được phép lạ chuyển núi di sông, dù tôi có làm được không biết bao nhiêu công trình... nếu tôi không có tính đức bác ái, tôi chỉ là một thứ thùng rỗng...".
Không có đức bác ái, không có tình yêu thì tất cả tòa nhà đạo đức của chúng ta chỉ được xây dựng trên hão huyền mà thôi. Chúa Giêsu cũng đã nói với chúng ta: "Các con hãy nên trọn hảo như Cha các con trên trời". Thiên Chúa là Tình Yêu. Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người không loại trừ ai. Và cuối cùng vì yêu thương con người, Thiên Chúa đã hóa thân làm người như chúng ta... Ðó là tận cùng của Tình Yêu!
Người thợ giày trong câu chuyện của thánh Antôn không những dành của cải của mình cho người nghèo, ông còn tưởng nghĩ đễn người nghèo như chính lẽ sống của mình. Thánh Antôn đã nhận ra đó là bí quyết cao cả nhất để nên thánh. Bố thí tất cả của cải của mình, xa lánh tất cả các thú vui của cuộc sống, đêm ngày ăn chay cầu nguyện là điều tốt. Nhưng nếu sống như thế chỉ để tìm cho mình sự thanh thản trong tâm hồn mà phải sợ người khác quấy rầy, thì một cuộc sống như thế chưa phải là lý tưởng nhất.
"Hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời". Ðó phải là lý tưởng của người Kitô chúng ta. Cha trên trời yêu thương tất cả mọi người. Cha trên trời đã yêu thương con người đến nỗi đã phó ban chính Con Một của Ngài. Thiên Chúa chỉ được gọi là Cha bởi vì Ngài sống cho con cái của mình... Sự sống Ngài ban cho chúng ta chỉ có thể triển nở và có ý nghĩa nếu nó cũng được sống cho tha nhân.
Trích sách Lẽ Sống |
|