|
11/03
Ý nghĩa của việc ăn chay
Thứ Sáu sau Lễ Tro
Lời Chúa:
Mt 9,14-15
14Bấy giờ, các môn đệ ông Gioan tiến lại hỏi Đức Giêsu rằng: "Tại sao chúng tôi và các người Pharisêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?" 15 Đức Giêsu trả lời: "Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ? Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay.”
Suy niệm:
1. Bài đọc I trích sách Isaia nói về những kiểu ăn chay không đẹp lòng Thiên Chúa, đó là: ăn chay hãm mình bề ngoài nhưng trong lòng vẫn ích kỷ, bất công, chèn ép tha nhân. Kiểu ăn chay Chúa muốn là “Mở trói ác ôn, bật tung thừng ách, thả tự do cho người bị hành hạ, đập tan mọi thứ gông cùm, bẻ bánh chia cho người đói, cho kẻ vô gia cư trọ nhà, che thân cho người mình trần.”
Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu dạy ta quy chiếu toàn thể cuộc sống về Ngài là Chàng Rể của thời Tân Ước: vui mừng vì được sống với Ngài; khi phải xa Ngài vì tội lỗi thì ăn chay sám hối để mong được trở lại với tình Ngài.
Những cách ăn chay mà ngôn sứ Isaia khuyến khích cũng đáng cho chúng ta lưu ý:
- Xoá bỏ những hình thức bất công, chèn ép: tôi có đang cố ý hay vô tình bất công, chèn ép ai đó không?
- Chia sẻ và giúp đỡ cụ thể những người đau khổ: tôi có cơ hội làm những việc này không?
Tôi đang còn sống trong tình thân với Chúa không? Nếu như, một cách nào đó, “chàng rể đã bị đem đi” khỏi tâm hồn tôi, thì tôi phải ăn chay sám hối để được trở lại với tình Ngài.
2. Bên Trung Quốc có một nhà điêu khắc được giao cho thực hiện một cái giá treo chuông bằng gỗ quí. Sau khi hoàn thành công việc, mọi người nhìn ngắm đều khen ngợi và cho đó là kỳ công của bậc thần thánh. Ngày nọ, vị công tước đã mướn nhà điêu khắc thực hiện công việc cho gọi ông đến và hỏi: "Nhà ngươi có bí quyết nào mà hoàn thành một kiệt tác như thế?" Nhà điêu khắc trả lời: "Tôi chỉ là một thợ thủ công và chẳng có bí quyết nào cả. Công việc diễn ra rất đơn giản: khi bắt đầu nghĩ đến công việc được giao, tôi tập trung tư tưởng vào đó, tôi đã giữ chay để tâm hồn được lắng dịu, quên đi tất cả những lời khen chê, có thể nói việc gì xảy ra là do tinh thần tập trung của tôi được huấn luyện nhờ việc giữ chay nghiêm ngặt để chỉ chú ý vào đối tượng duy nhất là cái giá chuông mà thôi.”
Công trình giữ chay của các tín hữu trong mùa chay mỗi năm được gán cho nhiều ý nghĩa:
- Chay tịnh để kìm hãm một nhu cầu mạnh mẽ nhất trong con người, đó là ăn uống để sinh tồn, nhờ đó có thể tiến mạnh hơn trên con đường tu thân tích đức;
- Ăn chay để kinh nghiệm được sự đói khát, nhờ đó có thể cảm thông và chia sẻ với những anh em túng thiếu, nghèo khổ đang cần đến sự trợ giúp của mình;
- Ăn uống kham khổ để tiết kiệm được một số tiền hầu đóng góp vào các chương trình bác ái, từ thiện.
- Ăn chay để tìm được ý nghĩa đích thực của cuộc sống con người không chỉ lo làm lụng để cung phụng cho thân xác và đời sống vật chất, nhưng còn cố gắng hướng lên những mục đích tối thượng thiêng liêng.
Tất cả những ý nghĩa đó của việc ăn chay có những yếu tố rất tích cực, đáng suy nghĩ và thực hành. Nhưng còn một ý nghĩ khác rất quan trọng, đó là ăn chay để tập trung tư tưởng, nhờ đó khám phá hình ảnh nòng cốt của mình và của tha nhân: đó là hình ảnh Thiên Chúa ẩn nơi mỗi người.
Xin cho công việc chay tịnh chúng ta thực hiện trong mùa chay này giúp chúng ta đi vào chiều sâu để khám phá hình ảnh Thiên Chúa trong chúng ta và trong mọi người, ngõ hầu cuộc sống đức tin chúng ta là một công trình ngày càng tỏ lộ và chúng ta có khả năng yêu mến Thiên Chúa nơi người khác.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, chúng con thật vui mừng vì có Chúa ở cùng chúng con. Chúa còn ban cho chúng con bữa tiệc linh thánh là bàn tiệc Thánh Thể Chúa. Chúng con xin tạ ơn Chúa. Xin cho chúng con luôn giữ trọn niềm vui khi sống kết hợp với Chúa, khi sống theo đường lối những huấn lệnh của Chúa.
Lạy Chúa, mùa chay mời gọi chúng con trở về với Chúa. Trở về với Chúa trong chay tịnh và sám hối. Xin Chúa hãy tha thứ vì những lần chúng con lạc xa tình Chúa. Xin tha thứ vì những lần chúng con gây nên những bất công cho anh em. Xin tha thứ vì những lần chúng con ăn hiếp nhau bằng lời nói và hành động, đã gây tổn thương đến tha nhân. Xin cho chúng con biết trở về với Chúa và làm hoà với nhau. Xin cho chúng con biết sống tinh thần sám hối bằng sự hoà giải với nhau, bằng đời sống chia sẻ bác ái với nhau.
Lạy Chúa Giêsu dấu yêu, nếu có lúc nào đó “chàng rể” là chính Chúa đã bị đem ra khỏi tâm hồn chúng con, vì những đam mê tội lỗi của chúng con, xin cho chúng con biết ăn chay sám hối để được trở về với tình Chúa. Xin Chúa thương luôn ở lại với chúng con và ban ơn cứu độ cho chúng con. Amen
_______________________________
Cái Tách Thân Thương
Thánh Phanxico Assisi, nhân vật chính trong quyển tiểu thuyết: "Người nghèo của Chúa" do văn sĩ Hy Lạp Nikos Kazantakis biên soạn, đã kể cho huynh Lêô nghe câu chuyện như sau:
"Có một vị ẩn sĩ nọ được nhìn thấy Chúa, nhưng không bao giờ đạt được ước nguyện. Vẫn còn một cái gì vướng mắc trong cái nhìn khiến ông không thể nào nhìn thấy Chúa được. Càng cố gắng đọc kinh cầu nguyện bao nhiêu, càng ăn chay hãm mình bao nhiêu, ông càng thất vọng bấy nhiêu. Ông vẫn không hiểu đâu là chướng ngại khiến ông không thể trông thấy Chúa được.
Thế rồi, một buổi sáng nọ, khi vừa ra khỏi giường, ông bỗng reo hò sung sướng, thì ra ông đã tìm ra lý do. Ðó là một cái tách uống nước nhỏ, nhưng rất đẹp mà gia đình đã tặng cho ông. Ðây là kỉ niệm duy nhất của gia đình mà ông cố gắng gìn giữ như một báu vật. Và dĩ nhiên, đây cũng là của cải trần thế duy nhất mà ông còn bám víu vào.
Không một chút do dự luyến tiếc, vị ẩn sĩ cầm lấy chiếc tách thân yêu ném xuống nền nhà: Từng mảnh vụn vỡ ra, từng luyến tiếc tan vỡ...
Vị ẩn sĩ ngước nhìn lên, và sáng hôm sau ông đã nhìn thấy Chúa".
Sách xuất hành đoạn 33 từ câu 18 đến câu 23 thuật lại rằng: một hôm Môisen thưa với Chúa rằng ông ước ao được nhìn thấy Dung Nhan Ngài. Lúc bấy giờ Chúa mới trả lời cho Môisen: "Không ai có thể nhìn thấy Ta mà vẫn còn sống". Liền sau đó, Thiên Chúa bảo Môisen nấp sau một tảng đá lớn để chỉ nhìn thấy sau lưng của Ngài mà thôi.
Khao khát được nhìn thấy Chúa: đó cũng phải là ước mơ duy nhất của người tín hữu Kitô. Chúng ta được tạo thành cho Chúa, chúng ta chỉ được yên nghỉ khi được ngắm dung nhan Ngài mà thôi! Nhưng không ai có thể nhìn thấy nhan Chúa mà vẫn còn sống. Ðiều đó có nghĩa là nỗi khao khát được thấy Chúa chỉ lớn lên trong chúng takhi chúng ta biết dẹp bỏ những vướng bận và vướng ngại trong chúng ta... Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng: của cải chúng ta ở đâu thì tâm trí chúng ta cũng ở đó. Nếu chúng chạy theo tiền của, danh vọng, lạc thú thì lòng trí chúng ta sẽ không muốn tưởng nghĩ đến Chúa.
Có chết đi cho bản thân, chúng ta mới khao khát gặp gỡ Chúa... Thiên Chúa cho chúng ta thấy được đằng sau lưng của Ngài, phải chăng đó không phải là sự hiện diện và tác động của Chúa trong các biến cố và những gặp gỡ của chúng ta với tha nhân?... Có ra khỏi chúng ta, chúng ta mới có thể nhìn thấy bóng dáng của Chúa trong các biến cố của cuộc sống chúng ta. Có ra khỏi chúng ta, chúng ta mới thấy được sự hiện diện của Chúa trong người anh em của chúng ta.
Trích sách Lẽ Sống |
|