|
BÀI KHÓA 7: TINH THẦN ĐOÀN KẾT
I. GỢI Ý:
Muốn thành công, Người Trưởng phải có tinh thần đoàn kết. Có đoàn kết mới phát huy được trí lực và ý chí tập thể. Khi các Trưởng thiếu đoàn kết thì cả tập thể đâm ra lục đục, bởi vì có 2 trường hợp có thể xảy ra:
§ Tập thể sẽ chia làm 2 phe để ủng hộ người này mà chống lại người kia, và những gì phe này xây dựng thì phe kia đạp đổ.
§ Cả tập thể sẽ coi thường cả Trưởng nhóm vì thấy họ không đủ tư cách lãnh đạo.
Giữ tinh thần đoàn kết, đó là vấn đề sống chết. Trong lời nguyện hiến tế, Đức Giê-su đã xem sự hiệp nhất là yếu tố căn bản của các tông đồ, nghĩa là nhóm những Người Trưởng mà Người để lại trong thế gian. Người đã cầu nguyện với Chúa Cha: “Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong Danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta...” ( Ga 17, 11 ).
Chúng ta không ngây thơ đến độ tưởng rằng: gìn giữ sự đoàn kết giữa các Trưởng là một điều dễ dàng, nhất là khi đoàn kết mà vẫn phải thẳng thắn đấu tranh, phê bình.
Các Trưởng đều là những người có cá tính, và vì vậy, họ dễ va chạm nhau. Biết như thế, mỗi Trưởng phải biết thông cảm với người khác, phải biết đứng vào chỗ của bạn mình để xem xét vấn đề. Chỉ có thế thì lời phê bình góp ý mới thật sự là một phương tiện giúp nhau cùng tiến bộ.
Tuy nhiên, thông cảm không phải là xuề xòa, ba phải, bỏ qua những hạn chế của nhau. Nếu thiếu đấu tranh thẳng thắn thì không thể có đoàn kết thật sự. Sự dối trá luôn luôn làm hỏng tinh thần đoàn kết, vì nó làm cho các Trưởng đâm ra nghi ngại nhau. Thế nhưng, phải thắng thắn trong tinh thần yêu thương và cởi mở, nghĩa là không bao giờ lên án Người Trưởng khác.
Các Trưởng trong cùng một tập thể đều cùng nhắm một mục tiêu mà phấn đấu. Vì vậy, những điều khác biệt phần nhiều chỉ là khác biệt về hình thức hơn là về nội dung. Chỉ cần nhắc lại cho nhau mục tiêu ấy là mọi chuyện sẽ được giải tỏa dễ dàng.
Đối với các Trưởng trong các nhóm Tin Mừng ( Giảng Dạy Giáo Lý, Chia Sẻ Lời Chúa, Tông Đồ Bác Ái... ), mục tiêu thật rõ: làm cho hình ảnh Đức Giê-su Ki-tô trở nên rõ nét hơn trong lòng mọi người.
Ý thức liên tục như thế, các Trưởng sẽ biết đấu tranh thẳng thắn và cởi mở. Có được tinh thần thẳng thắn và cởi mở thì các Trưởng sẽ là một khối đoàn kết. Và đoàn kết là sức mạnh !
II. CÂU HỎI TỰ KIỂM:
1. Bạn có đặt mình vào cương vị người khác dễ dàng không ?
2. Bạn có cố gắng nhìn vào các ưu điểm của mọi người chung quanh hơn là xăm xoi những nhược điểm của họ ?
3. Bạn có chấp nhận dễ dàng là: người khác có quyền suy nghĩ không giống như bạn không ?
4. Khi tranh luận, bạn có cố gắng tìm hiểu lý lẽ của người đối thoại không ?
5. Bạn có nghĩ rằng: khi có một sự bất đồng, thì đương nhiên phải có người hoàn toàn đúng và có người hoàn toàn sai không ?
6. Khi tranh luận, giọng nói của bạn có gắt gỏng không ?
7. Bạn có biết rằng: làm cho ai đó đóng cửa miệng, thì cũng làm cho họ đóng cửa lòng không ?
8. Khi có một mối bất hòa với một Trưởng khác, bạn có nghĩ rằng mình phải là người đi bước trước, và phải giải tỏa ngay trong vòng 24 giờ không ?
III. ĐỀ TÀI THẢO LUẬN:
Tinh thần đoàn kết đòi hỏi bạn từ bỏ cá tính hay sẽ giúp bạn triển nở những cá tính tốt ?
IV. RÈN LUYỆN:
Trong tuần này, bạn hãy tìm đến một Trưởng mà mình thấy ít thông cảm nhất để trao đổi và đấu tranh trong tinh thần đặt mình vào cương vị người ấy.
V. PHƯƠNG CHÂM SỐNG:
“Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy thương yêu nhau” ( Ga 15, 17 ).
I. GỢI Ý:
Người Trưởng luôn ở vị thế phải ra lệnh, hay ít ra là phải truyền lệnh, nghĩa là xác định cho mọi người trong tập thể vị trí và công việc mình phải làm để biến tập thể thành một khối thống nhất, hướng về một mục tiêu nhất định.
Điều này không phải dễ, vì Người Trưởng trong nhiều trường hợp cũng chỉ là một thành viên của tập thể và không có gì trổi vượt trên người khác. Vả lại, ra lệnh là đòi hỏi người ta hành động, mà hành động có nghĩa là tập thể phải bỏ thêm công sức.
Ra lệnh là đòi hỏi mọi người vượt qua chính mình, đòi hỏi người khác đi ngược với cái quy luật lười biếng thụ động luôn luôn tiềm tàng trong mỗing. Đòi hỏi như thế thật khó. Nhiệm vụ của Người Trưởng là tạo một bầu khí thuận lợi để cho mỗi người có thể đóng góp hết sức mình. Một thủ lãnh có tài chính là người mà chỉ sự hiện diện của mình đã đủ cho mọi người cùng tiến lên.
Đừng tưởng các thành viên trong nhóm có thể đồng tình với một Người Trưởng xuề xòa ba phải. Cố nhiên, có một số người sẽ lạm dụng, nhưng rồi sau đó lại phê phán khắt khe và chỉ trích Người Trưởng không biết tổ chức và qquản lý. Người Trưởng quá dễ dãi, để cho tập thể sa sút, sẽ không bao giờ nhận được cảm tình thật sự của các thành viên trong tập thể, nhưng chỉ là sự coi thường. Những thành viên tích cực nhất dần dần cũng sẽ đâm ra tiêu cực, vì không ai còn muốn góp sức vào một tập thể mà ai muốn làm gì thì làm.
Sự cứng rắn của một Trưởng là một đảm bảo, và là một động lực cho các thành viên có tinh thần, đồng thời cũng là một sức ép đối với những thành viên tiêu cực mà bất cứ tập thể nào cũng có, không nhiều thì ít. Những người này chỉ mong cho Người Trưởng chùn bước là họ buông xuôi ngay.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Một Trưởng yêu cầu cao nhiều khi có lợi cho tập thể hơn, vì tránh cho tập thể những vấp váp nặng nề trong chuyện lớn. Nhiều Trưởng có những điều kiện bẩm sinh như vóc dáng, nét mặt, giọng nói, dễ làm cho tập thể sẵn sàng nghe lời. Tuy nhiên, bất cứ Trưởng nào cũng có thể tự rèn luyện cho mình các phầm chất tạo uy tín.
Một Người Trưởng càng xác tín vào mục đích mà mình đang hướng dẫn tập thể đạt tới, thì uy quyền mình càng gia tăng. Uy quyền Người Trưởng gia tăng thì không hề phương hại đến cá tính từng thành viên trong tập thể, nhưng ngược lại, có thể giúp mỗi người mau trưởng thành hơn, vì đã được tập luyện để quên mình mà cống hiến cho tập thể, nghĩa là cho tha nhân.
II. CÂU HỎI TỰ KIỂM:
1. Bạn có biết rằng: uy quyền không nằm trong nghệ thuật truyền lệnh, mà là nơi nghệ thuật làm cho người khác thi hành lệnh không ?
2. Bạn có sợ hãi việc phải ra lệnh, hoặc ngược lại, bạn có thích ra lệnh để mà ra lệnh không ?
3. Trước khi ra lệnh, bạn có cân nhắc để thấy 2 điều: một là lệnh ấy cần thiết; hai là những người nhận lệnh có khả năng thực hiện được ?
4. Bạn có phải là loại Trưởng chuyên năn nỉ tập thể thi hành một lệnh, hoặc ngược lại, tỏ ra vênh váo vì có người phải thi hành lệnh mình ?
5. Khi ban hành một lệnh, bạn có quyết tâm theo dõi để lệnh đó được thi hành không ?
6. Bạn có hiểu rằng: Người Trưởng không có quyền đánh mất uy thế của mình, và có bổn phận làm cho người khác tôn trọng uy thế đó không ?
7. Bạn có tôn trọng nguyên tắc: “Một mệnh lệnh đưa ra phải ngắn gọn, nhưng rõ ràng và đầy đủ” ?
8. Khi ban hành lệnh, bạn có phân công người chịu trách nhiệm thi hành, nói rõ yêu cầu và thời hạn không ?
9. Khi chưa chắc người thừa hành đã hiểu lệnh, bạn có yêu cầu họ nhắc lại lệnh không ?
10. Khi tập thể không tôn trọng uy quyền của bạn, bạn có nghĩ rằng bạn có lỗi đối với tập thể không ?
III. ĐỀ TÀI THẢO LUẬN:
Muốn có uy tín và uy quyền, Người Trưởng phải có những điều kiện gì ?
IV. RÈN LUYỆN:
Nhiều lần trong ngày, khi làm một việc, hay bảo người khác làm một việc, bạn hãy trả lời thật nhanh những câu hỏi sau đây: Ai ? Cái gì ? Ở đâu ? Lúc nào ? Thế nào ? Tưởng tượng ra một số lệnh phải truyền, rồi viết lại thành một nội dung ngắn gọn nhất, nhưng đầy đủ và rõ ràng.
V. PHƯƠNG CHÂM SỐNG:
“Khi Đức Giê-su giảng dạy những điều ấy xong, dân chúng sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư của họ” ( Mt 7, 28 – 29 ).
I. GỢI Ý:
Khi một Người Trưởng đã có uy thế, thì các thành viên sẽ đòi hỏi được đánh giá một cách công minh. Chỉ cần một sự bất công nhỏ là uy thế của Người Trưởng có nguy cơ sụp đổ ngay.
Công minh là biết tuyên dương hay phê bình chính xác, là hiểu được sự cố gắng của mỗi người, và nếu cần, hiểu được nguyên do đã làm cho một người nào đó không thể tiến thêm được nữa.
Công minh là không thiên vị bất cứ trường hợp nào, là đánh giá theo sự kiện chứ không theo tình cảm. Công minh là tôn trọng quyền hạn mà mình đã được giao phó. Công minh là không quy trách nhiệm cho người khác khi mọi việc không xảy ra một cách tốt đẹp, nhất là khi người thừa hành đã nỗ lực thực hiện mệnh lệnh vượt khả năng, hoặc người ấy thực hiện không đạt yêu cầu chính vì lệnh của mình ban ra không chính xác.
Cuối cùng, công minh là trung thực, là thực hiện thật tốt những gì mình đòi hỏi người khác làm, là không dành về mình một quyền lợi vật chất hay tinh thần trên công sức của người khác.
Người Trưởng cần phải công minh. Thiếu công minh, sẽ mất cả uy tín lẫn uy quyền, và bao nhiêu phẩm chất khác cũng bị tập thể quên đi.
II. CÂU HỎI TỰ KIỂM:
1. Bạn có thường bênh vực cho thành viên khi gặp bất công không ?
2. Bạn có thích làm nổi bật những thành tựu của thành viên mình không ?
3. Bạn có ghê tởm sự giả dối không ?
4. Khi bạn có một khuyết điểm, hay phạm phải một sai lầm, bạn có nhìn nhận dễ dàng, hay bạn tìm cách chối quanh ?
5. Bạn có trọng chữ Tín không ?
6. Bạn có bao giờ tha thứ cho bản thân một lỗi lầm mà mình lại đi khiển trách người khác không ?
7. Khi gặp thất bại, bạn nhận lấy trách nhiệm, hay bạn sẽ đổ lỗi cho người khác, hoặc đổ tại hoàn cảnh ?
8. Có bao giờ bạn thiên vị vì cảm tình riêng, hay vì cả nể không ?
III. ĐỀ TÀI THẢO LUẬN:
Bạn hiểu sự công minh như thế nào ? Đối với bạn, sự công minh có tầm quan trọng như thế nào trong các phẩm chất của Người Trưởng ?
IV. RÈN LUYỆN:
Hãy ghi lại những hạn chế trong khi trả lời những câu hỏi tự kiểm, và tìm biện pháp xóa bỏ những hạn chế đó cho đến khi dứt hẳn.
V. PHƯƠNG CHÂM SỐNG:
“Hễ có thì phải nói có, không thì phải nói không. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ !” ( Mt 5, 37 )
I. GỢI Ý:
Đối tượng hành động của một Trưởng không phải là cái máy, nhưng là con người, với tình cảm, ý chí, lòng tự trọng...
Vì thế, bổn phận của Người Trưởng là biết rõ từng người trong tập thể mình chịu trách nhiệm, không những biết tên tuổi, chỗ ở, nghề nghiệp, hoàn cảnh gia đình, mà còn phải biết cả tính tình, khả năng, xu hướn của họ, và nếu có thể, biết tâm tư tình cảm và những mối liên hệ của họ. Điều này không phải là một chuyện quá khó, nhưng nhiều khi Người Trưởng không làm vì nghĩ rằng nó không quan trọng.
Mặt khác, khi biết rõ về một người nào đó, thì Người Trưởng lại tỏ ra “thông cảm” quá mức, nghĩa là quá dè dặt, cả nể, và không dám yêu cầu cao.
Cả hai thái độ nói trên, hoặc không muốn biết gì, hoặc biết rồi lại không muốn đòi hỏi mẩy may, đều chẳng phải là thái độ tế nhị. Người tế nhị luôn luôn tôn trọng phẩm giá của từng thành viên trong nhóm, nhưng không vì thế mà mình trở nên yếu hèn, không dám phê bình, không dám đặt yêu cầu cao.
Người tế nhị là người biết thuyết phục mà không lớn tiếng, biết phê bình mà không nhục mạ.
Các Trưởng của các tập thể tự nguyện thường rơi vào một trong 2 thái cực sau:
§ Một là: nêu lên các khuyết điểm của thành viên, nhưng liền sau đó, kể ra cả chục lý do để biện bạch và bênh vực, đến độ các khuyết điểm ấy hầu như trở thành các ưu điểm !
§ Hai là: phê bình một cách hằn học những mặt còn hạn chế của thành viên, khiến lòng tự ái của họ bị tổn thương.
Trong cả 2 trường hợp ấy, Người Trưởng đều thiếu tế nhị. Người Trưởng là người có lý lại có tình. Tế nhị là phẩm chất của một người tự tin và tin tưởng vào mục đích của mình. Thiếu tự tin, Người Trưởng xử sự như một người hèn nhát chứ không phải là một người tế nhị.
Người Trưởng tế nhị là người biết tạo ra bầu khí phấn khởi để cùng nhau thăng tiến, để mọi người góp sức vào việc chung. Mọi hành vi khiến cho bầu khí ấy mất đi đều là hành vi thiếu tế nhị. Người Trưởng tế nhị biết dùng lý trí để cưỡng bách và đồng thời, dùng tình cảm để kêu gọi, như thế, Người Trưởng vừa được kính trọng, vừa được mến thương.
Tóm lại, Người Trưởng tế nhị là người mà các thành viên cảm thấy giá trị của họ được nâng cao khi cùng cộng tác trong một việc chung.
Người Trưởng thường bị phân vân khi thấy cần làm phật ý mích lòng một thành viên và bảo vệ cho nỗ lực chung của tập thể. Người Trưởng tế nhị cần tôn trọng nguyên tắc sau đây: Sự tế nhị đối với mọi người có thể cho phép mình làm tổn thương người đã cản trở công việc chung trong ý hướng muốn giúp cho bản thân người ấy thăng tiến.
Thế nhưng Người Trưởng không có quyền gây tổn thương cho ai vì lý do cá nhân của mình, hoặc không được gây tổn thương một cách vô ích. Xét cho cùng, chúng ta chỉ có quyền làm đau lòng một người để khuyết điểm của người ấy không gây đau lòng cho nhiều người khác, chứ không bao giờ chúng ta có quyền làm tổn thương một ai cốt cho công việc được diễn ra vừa ý mình.
II. CÂU HỎI TỰ KIỂM:
1. Bạn có cân nhắc kỹ càng những cung cách đối xử với tập thể, để các thành viên đồng thời vừa giữ được tinh thần hăng say, lại vừa giữ được tinh thần kỷ luật không ?
2. Lời ăn tiếng nói của bạn có nhã nhặn không ?
3. Khi có một thành viên làm hỏng việc tập thể, bạn có muốn “trả thù” cho hả giận, hay bạn muốn giúp đỡ để người ấy tiến lên cùng với tập thể ?
4. Bạn có đủ uy tín khiến cho mọi lời tuyên dương của bạn là một sự động viên, và mỗi lời phê bình của bạn là một kích thích làm cho người khác vươn lên không ?
5. Khi phê bình ai, bạn có thái độ hằn học, hay bạn vẫn trầm tĩnh nhưng dứt khoát ?
6. Không một thành viên bị khó khăn, đau ốm, tai nạn, hoặc gia đình có tang, bạn có chạy ngay đến với người đó không ?
III. ĐỀ TÀI THẢO LUẬN:
Hãy nêu lên một vài trường hợp cụ thể để chứng minh rằng: tế nhị không phải là xuề xòa, buông thả.
Tế nhị có đi ngược lại với uy quyền không ? Tại sao ?
IV. RÈN LUYỆN:
Tưởng tượng một trường hợp cụ thể mà bạn phải phê bình một ai đó. Bạn hãy phê bình vào máy cát-xét, sau đó tự đặt mình vào cương vị của người được phê bình để nghe lại băng cát-xét, suy nghĩ xem cách cư xử ấy có làm cho bạn tiến bộ không ? Rút kinh nghiệm cho những dịp bạn cần động viên các thành viên của nhóm mình chịu trách nhiệm.
V. PHƯƠNG CHÂM SỐNG:
“Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy !” ( Lc 6, 31 ).
|
|