|
11/05
Ngài là Cứu Chúa của đời tôi
Thứ Tư sau Chúa Nhật III Phục Sinh
Lời Chúa:
Ga 6,35-40
35Đức Giê-su bảo họ: "Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ! 36Nhưng tôi đã bảo các ông: các ông đã thấy tôi mà không tin. 37Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài, 38vì tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi. 39Mà ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. 40Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.
Suy niệm:
Đức tin vào Chúa Giêsu phải thể hiện vào việc đến với Ngài. Một ngày tôi dành bao nhiêu thời gian để đến với Chúa. Chúng ta đến với Chúa bằng nhiều cách: tưởng nhớ, cầu nguyện, suy gẫm, và nhất là tham dự Thánh lễ. Hãy xem xét mình xem khi chúng ta làm những việc trên, lòng chúng ta có thực sự đến với Chúa không? Khi tâm hồn tôi cảm thấy đói khát, tôi đã đến với ai, với cái gì? Có đến với Chúa không?
Buổi sáng bà già ra ngoài. Buổi chiều bà trở về, bà không tìm thấy chìa khóa. Biết làm thế nào ? Bà chạy sang hàng xóm, mượn chìa khóa của họ mở thử, chẳng có cái nào hơp. Cuối cùng một người góp ý: cứ mở then cài ra xem sao! Bà mở then và cánh cửa mở toang: Khi ra đi bà không khóa cửa. Câu chuyện trên mô tả phần nào thái độ của chúng ta trước Chúa. Ta đứng ngoài lòng đầy băn khoăn lo sợ. Ta nghĩ phải làm việc này việc nọ mới đáng đến với Chúa. Trong khi đó, cánh cửa nhà Chúa luôn mở rộng và ưu ái đón ta vào .
“Ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai”.
“…Đức Giêsu và Hội thánh bấy giờ xuất hiện với tôi như một cái gì khô cứng, sự khô cứng của những khái niệm thần học, những bổn phận “phải” làm hơn là một tình yêu thiết tha tung cánh…Rồi chẳng biết từ đâu, Triết đông và Phật giáo len lỏi vào tâm hồn tôi, phất phơ nhẹ nhàng nhưng sao có sức giật tung những gì mòn mỏi. Tôi nằng nặc đòi nhà dòng cho ra độc cư trên núi, sống với nắng, gió, mưa, đói, khát, và sợ hãi nữa. Nhưng mỗi lần tôi nhất tâm thất niệm thì vấn đề Đức Giêsu lại vang lên, đeo bám mãi…Một năm, hết phép, thân tàn ma dại, tôi thua cuộc mò về nhà Dòng tay trắng! Nhưng Giêsu cứ đeo bám tôi mãi; đang trong một năm nổi loạn, thất bại và hư hỏng cùng cực đó, tôi được gọi làm …Linh mục. Hoang mang và sợ hãi, tâm hồn rối bời, tan nát, tôi vào ngồi thù lù trong nhà nguyện như sự đay nghiến, một sự nức nở bắt đền…Một đêm trước khi làm Linh mục vài hôm, tôi thử tiến lên đứng sát nhà Chầu. Có cái gì hơn là cảm giác, hơn là sự rung động, mà là sự phủ chụp lấy toàn bộ cuộc đời và con người tôi. Ngay giây phút đó, tôi hiểu rằng cho dù có là hòn đá hòn sỏi, dù tôi đã lấm bùn bê bết, dù tôi đã thân tàn ma dại, dù tôi đã hỏng hết cả cuộc đời, thì Đức Giêsu vẫn gọi và chọn tôi, làm tâm hồn tôi bừng sáng huy hoàng. Và tôi gọi Ngài là Chúa, Cứu Chúa của đời tôi…”
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,
Chúa là bánh bởi trời được ban xuống trần gian để lôi kéo con người về với Chúa Cha. Xin nhờ Mình và Máu Thánh Chúa Phục sinh đã chiến thắng sự chết đang hiện diện trong tâm hồn chúng con cũng biến đổi chúng con thành bất tử như Chúa. Xin giúp chúng con đón rước Chúa trong niềm tri ân cảm tạ, và biết sống kết hợp trọn vẹn với Chúa như cành liền cây, để mai sau chúng con cũng được sống lại vinh hiển với Chúa.
Lạy Chúa, ở đời ai cũng muốn cho mình được lưu danh hậu thế. Vì “không công danh thời nát với cỏ cây”. Ai cũng muốn được trường sinh bất tử. Chúng con thật hạnh phúc vì có thuốc trường sinh bất tử là chính Mình Thánh Chúa. Vì Chúa đã hứa “ai ăn bánh này thì sẽ không bao giờ phải chết, và Ta sẽ cho họ sống lại ngày sau hết”. Xin cho chúng con luôn dành thời giờ đến với Chúa qua việc siêng năng tham dự thánh lễ mỗi ngày. Xin giúp chúng con biết sống bất tử theo bước chân mà Chúa đã đi qua. Bước chân của yêu thương. Bước chân của bác ái vị tha. Bước chân của dâng hiến mạng sống cho anh em được sống và sống dồi dào. Vì mỗi nghĩa cử yêu thương là chúng con đang làm cho mình trở nên bất tử trước mặt mọi người và trước mặt Chúa.
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn giàu lòng quảng đại như Chúa đã từng quảng đại với chúng con. Xin cho thế giới chúng con có nhiều người biết cho đi để tấm bánh sự sống trường sinh được đến với mọi người. Xin cho chúng con cũng trở nên dấu chỉ cho tình yêu của Chúa giữa thế giới khô cạn tình người hôm nay. Amen
__________________________
Cơn Thịnh Nộ Của Các Thánh
Trong tác phẩm có tựa đề "Quyển Phúc Âm thứ 5", tác giả người Ý là ông Pomilio có tưởng tượng một câu chuyện như sau: Ngày kia, các thánh trên Thiên Ðàng không còn chịu đựng nổi những xúc phạm của con người đối với Thiên Chúa nữa, cho nên Ngài mới họp công nghị để tìm cách chặn đứng tội lỗi của nhân loại... Sau không biết bao nhiêu buổi họp, cuối cùng các thánh mới đồng thanh biểu quyết rằng việc Con Thiên Chúa chịu chết trên thập giá vẫn chưa đủ để cứu rỗi con người. Do đó, cần phải dùng đến sức mạnh may ra mới trừng trị và thuyết phục được loài người. Các Ngài họp lại thành một đạo binh hùng mạnh và xâm nhập vào trái đất. Chỉ trong nháy mắt, đạo binh các thánh đã chinh phục được thế giới. Các Ngài giao việc cai trị trái đất cho một số người công chính còn sót lại giữa loài người. Còn tất cả những kẻ gian ác, tội lỗi, các ngài tập trung lại trong một thung lũng lớn. Tại đây, các ngài dựng lên những dàn hỏa thiêu vĩ đại để tiêu diệt tất cả những người tội lỗi. Các ngài tin chắc rằng sau cuộc thanh lọc này, dòng giống con người trên mặt đất sẽ chỉ có những người công chính... Khi mọi sự đã sẵn sàng để tiến hành cuộc tiêu diệt, thì giữa đám người tội lỗi, các thánh bỗng thấy một người đang vác thập giá. Hắn đang ra hiệu cho những người khác đến giúp dỡ hắn... Nhìn thấy cảnh tượng ấy, các thánh càng bực tức hơn nữa. Tại sao một người tội lỗi lại bị xử theo hình phạt chỉ được dành riêng cho Con Thiên Chúa mà thôi? Nghĩ như thế, cho nên các thánh mới triệu kẻ vác thập giá đến, trói chân tay hắn lại và giải đến trước mặt thánh Phêrô để xét xử. Vừa thoáng nhìn qua kẻ vác thập giá, vị thủ lãnh các tông đồ đã nhận ra ngay Thầy mình. Các thánh ngỡ ngàng không ít, khi được thánh Phêrô tiết lộ rằng Con Thiên Chúa đang lẫn lộn giữa những người tội lỗi. Các ngài mới nhớ lại lời của Ngài: "Con Người không đến để cứu thoát những người công chính mà chính là những người tội lỗi". Chúa Giêsu cũng nói các thánh rằng Ngài đã quyết định chết một lần nữa cho các tội nhân, bởi vì trên trần gian, không có một người nào có thể cứu thoát kẻ có tội khỏi cơn thịnh nộ của các thánh. Chúng ta dễ rơi vào hai thái cức trái nghịch nhau: thái độ của những người biệt phái và thái độ của Giuda, kẻ bán nộp Chúa. Thái độ của những người biệt phái được Chúa Giêsu phác họa qua hình ảnh của một người tự cao tự đạo vào Ðền Thờ cầu nguyện. Người này kể ra bao nhiêu công trạng của mình và nhìn một cách khinh bỉ về người thu thuế đang nép mình ở phía cuối Ðền Thờ. Thái độ ấy tiêu biểu ấy cho chính cái nhìn mà đôi khi chúng ta cũng có đối với người khác. Chúng ta hãnh diện về đời sống đạo đức của chúng ta và kết án những yếu hèn, thiếu sót của những người xung quanh... Ðối nghịch với thái độ kiêu ngạo của người biệt phái là thái độ thất vọng của Giuda. Sau khi đã bán nộp Chúa, Giuda mới nhận ra lỗi lầm của mình. Ông không còn tin tưởng ở lòng Nhân Từ của một Thiên Chúa có thể tha thứ tất cả tội lỗi của ông và có thể mang lại cho cơ may để sống tốt đẹp hơn. Tựu trung, cả hai thái độ đều có chung một mẫu số: đó là đóng khung trong chính bản thân để khước từ mọi ân sủng của Chúa. Qua cuộc sống của mình, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đặt tất cả tin tưởng, phó thác vào Tình yêu của Thiên Chúa. Dù tội lỗi chúng ta có ngập tràn, Tình yêu của Thiên Chúa vẫn luôn có sức xóa sạch tất cả. Tình yêu của Ngài mạnh hơn cả hỏa ngục và sự chết... Qua cách cư xử của Chúa Giêsu với tội nhân, chúng ta cũng được mời gọi để nên trọn lành như Cha chúng ta trên Trời, đó là luôn biết tha thứ và cảm thông đối với những bất toàn, yếu đuối và tội lỗi của con người...
Trích sách Lẽ Sống
|
|