St 29,15-35 thuật lại một câu chuyện về các người vợ của ông Gia-cóp. Ông Gia-cóp yêu bà Ra-khen, con ông La-ban nên ở rể nhà La-ban bảy năm để được lấy bà. Nhưng ông La-ban đã bắt Gia-cóp lấy Lê-a là chị Ra-khen thay vì Ra-khen, vì cớ không thể gả em trước gả chị, khi ông Gia-cóp đã ở rể đủ bảy năm. Sau đó Gia-cóp ở rể thêm bảy năm nữa và lấy được Ra-khen. Ông Gia-cóp chỉ yêu bà Ra-khen, vì bà có nhan sắc mặn mà, còn Lê-a thì mắt lờ đờ. Thiên Chúa thấy bà Lê-a không được yêu nên cho bà sinh đẻ được, còn Ra-khen thì không, cho đến khi bà Lê-a sinh được bốn con trai đầu lòng cho ông Gia-cóp.
Từ đó chúng ta có thể suy gẫm: Chúa không bất công với ai. Dù bề ngoài có vẻ không công bằng cho lắm, thực tế Chúa vẫn giữ đức công minh của Người mọi lúc. Khi bà Lê-a không được yêu, Chúa đã dùng con cái để bù đắp lại cho bà; ngược lại, bà Ra-khen được yêu nhiều, nên Chúa không cho bà sinh nở được, để dù có ba thê bốn thiếp, ông Gia-cóp cũng phải ưu ái đồng đều với các bà.
Người đồng tính cũng là con người, tượng trưng trong hình ảnh của bà Lê-a - cũng là vợ, nhưng lại không được yêu thương như người vợ kia. Người đồng tính cũng biết yêu biết sầu như bà Lê-a cũng sầu khi không được yêu. Nhưng Chúa đã bù đắp lại tình yêu bị thiếu hụt của Lê-a bằng một cái khác cũng không kém trọng bằng tình yêu. Chúa sẽ trả lại cho người đồng tính cái thiếu hụt mà những người này phải chịu bằng một cái khác không kém giá trị hơn người bình thường có. Bà Lê-a dù sao vẫn là bà Lê-a, bà Ra-khen dù gì vẫn là bà Ra-khen, thay đổi là ở chỗ người sinh lợi, người không. Người đồng tính mãi không phải là người dị tính, người dị tính cũng không phải là đồng tính nên không thể hiểu cảm xúc của người đồng tính được, nhưng Chúa là Đấng tạo thành, Người hiểu tất cả. Cũng như ông Gia-cóp là con người đã không hiểu được cho bà Lê-a, nhưng Chúa thì hiểu, và Người thương xót bà. Chúa sẽ trả lại theo sự khôn ngoan vô cùng của Chúa, chúng ta không biết Chúa sẽ trả gì, lúc nào, ở đâu và bằng cách nào, nhưng một điều chắc chắn đó là: CHÚA RẤT YÊU THƯƠNG VÀ CÔNG BÌNH.