|
Ngày… tháng… năm…
Chúng ta không biết việc mình làm nên thường hay làm đổ vỡ mọi sự. Đúng hơn, ta tưởng mình biết nhưng lại làm hoàn toàn trái ngược với điều mình nghĩ. Mình tưởng mình biết Chúa, yêu Chúa, nhưng lại làm những việc không hợp ý Chúa, không xứng danh Chúa. Tôi có thể cho đi tình yêu, ca ngợi tình yêu nhưng lại rất e dè đón nhận tình yêu. Tôi thích cho mà không muốn nhận, chỉ vì khi cho đi tôi thỏa mãn cái tôi của mình, còn lúc đón nhận thì tôi cảm thấy mình như đánh mất cái gì đó khiến mình phản kháng. Tôi sợ mất cái hào nhoáng của cái tôi, mất hình ảnh tốt đẹp tôi tạo nên nhờ sự cho đi ấy. và thế là sự dữ đã len vào con người tôi, thâm nhập vào ý nghĩ, tư tưởng hành động của tôi, để rồi tôi cứ sống trong sự lầm tưởng rằng ‘tôi là thế đó’, là ‘hào quang’ của tình yêu cho đi ấy! Từ đó, tôi không còn trở nên ‘tinh ròng nhạy bén’ với thực tại cuộc sống mà chỉ ‘nhạy bén’ với cái tôi của mình mà thôi.
Ngày… tháng… năm…
Khi vật chất phơi bày vẻ đẹp của nó, điều đó không có nghĩa cái đẹp đã tồn tại sẵn trong nó nhưng như một tiềm lực chờ con người khai phóng. Thông qua những biến đổi theo quy luật nó in dấu sự sáng là Cái Đẹp của Thượng Đế, con người góp phần làm cho những tia sáng ẩn dấu ấy được bừng lên nơi thế giới vạn vật. Bằng cách nào? Bằng chính những rung cảm của trái tim, trí tuệ và linh hồn. Đúng hơn, do sự thu hút lẫn nhau mà ta tìm thấy nơi vạn vật những cảm xúc rạt rào nhờ đó ta khám phá ra những bí ẩn đằng sau thế giới ấy. Tuy nhiên, vì con người là sinh linh ưu tú được Thiên Chúa đặc tuyển và trao ban cho sứ mạng cai quản vũ trụ nên cảm xúc ấy cần được thăng hoa hơn nhờ lý trí để hiện thực hóa cái đẹp của vạn vật nơi cuộc sống xã hội, cụ thể là khoa học, nghệ thuật, văn hóa, tư tưởng…
Nếu bằng sức mạnh trí tuệ ý chí, con người đã cải tạo thiên nhiên, bắt thiên nhiên phải tiết lộ cái bí ẩn của nó, đồng thời đến lượt mình cái bí ẩn kia lại tác động vào ý thức con người tạo nên những biến chuyển nhận thức, thì bằng sức mạnh tinh thần tâm linh, chúng ta vén bức màn tăm tối của lòng mình để ánh sáng Thượng Đế chiếu tỏ trong ta, biến đổi ta trở nên giống Ngài hơn.
Ngày… tháng… năm…
Tình yêu không phải là sản phẩm của lý trí hay ý chí, nên để tác động đến ‘tảng băng’ đang ngăn trở ánh sáng yêu thương đến trong cõi lòng mình, mình rất cần những tác động bên ngoài chúng va chạm con người mình để làm tan rã ‘khối băng’ là cái tôi ấy. Có điều khi hai vật tạo lực tiếp xúc nhau thì dễ nảy sinh tương khắc, tức sự va chạm. Trong sự va chạm này, một cái gì đó như tia lửa lóe ra từ hai hòn đá ma sát nhau xuất hiện làm tan dần khối băng. Chính cái lóe sáng ấy là dấu chỉ của tình yêu đi vào cuộc sống con người. Nhưng sự mất mát lại đưa đến cảm giác khổ. Như thế, tiếng gọi của Tình yêu còn thể hiện qua đau khổ.
Trên con đường đáp trả lời mời gọi từ trời cao hướng về Tình yêu đích thực có sức hóa giải khổ đau của nhân loại, chúng ta sẽ gặp những miền hoang vu tăm tối, nơi đó dường như tình yêu đã nhường chỗ cho sự dữ. Đây hoàn toàn không phải là thử thách áp đặt từ bên ngoài nhưng là con đường tất yếu của nội tâm mà khi ta nghe được tiếng gọi của tình yêu và đáp trả tiếng gọi ấy thì ắt hẳn ta phải gặp miền hoang vu đó.
Đau khổ luôn gắn liền với đối tượng nào đó. Nhưng đối tượng ấy không phải là sự trừu tượng không thể cảm nhận được mà cụ thể nó tác động trực tiếp đến cảm giác nội tâm tôi. Thế nên, đau khổ tôi trải qua không giống nội dung khổ đau anh gánh chịu, vì đối tượng tác động lên tôi và anh khác nhau. Có thể nói đau khổ được thể hiện qua nhiều hình thức khác nhau, không giới hạn trong phạm vi lý thuyết cũng như quan niệm sống của mỗi người.
Đau khổ về một đối tượng nào đó là một bước dẫn đến đau khổ vì một ai đó. Một bên là thụ động chịu sự khổ đau do bên ngoài đưa đến, một bên là thái độ chủ động chấp nhận đau khổ để đạt mục đích hóa giải nỗi khổ nơi mình, đồng thời giúp người khác cũng vượt qua đau khổ như mình. Đây là đau khổ vì yêu, tức sẵn sàng chấp nhận khổ đau vì đối tượng mình yêu.
Ngày… tháng… năm…
Khi tôi gặp một người đau khổ mà tôi bất lực không thể giúp họ thoát vượt khỏi khổ đau thì hoặc là tôi dửng dưng, tâm hồn chai lỳ, hoặc tôi động lòng thương, tâm hồn cũng lây nhiễm khổ đau của người luôn. Có điều lúc ấy tôi cần tỉnh thức để nỗi khổ ấy của mình không biến thành ‘khí cụ’ chống lại Thực Tại. Nhiều người chứng kiến sự tàn phá của Cái Ác gây bao đau khổ cho con người đã chối bỏ Thiên Chúa, không còn tin vào Ngài là Đấng Quyền Năng nữa. Phần mình, yêu thương là giải thoát khỏi khổ đau. Ước muốn yêu thương phải bắt nguồn từ ước muốn sâu hơn, đó là sẵn sàng chịu đau khổ với người yêu. Mình không thể đi tìm lý lẽ giải thích sự hiện hữu của Khổ. Chấp nhận khổ và chuyển hóa nó bằng tình yêu. Nhờ thế mình mới được thông phần vào Sự Sống của Thiên Chúa.
Ngày… tháng… năm…
Những đứa trẻ khuyết tật dị dạng hiện diện trên trần gian này phải chăng chứng minh về một Thiên Chúa bất toàn như Jacques Dusquene mô tả trong cuốn sách của ông ‘Thiên Chúa của Đức Giêsu’? Người ta thường lấy các chuẩn mực phân biệt tốt xấu, thiện ác của bản thân để áp đặt hay nhìn vũ trụ Thượng Đế tạo dựng. Với cái nhìn phân biệt đầy thiếu xót do ước muốn phân biệt như Thiên Chúa nên dẫn đến hậu quả là con người sa vào cám dỗ chọn điều mình muốn hơn là điều thực tại hiện hữu. Làm sao chúng ta biết được những người khuyết tật thân thể hay tâm thần phải chịu nhiều khổ đau vì họ không giống chúng ta?
Những người kêu gào Thượng Đế tại sao lại để cho sự Ác tung hoành tàn phá thế giới khiến con người phải chịu khổ đau thì chính họ, tận sâu trong vô thức, họ ước mong Thiên Chúa giải quyết vấn nạn cái Ác gây ra. Họ yêu con người thật đấy, nhưng ‘nóng quá mất khôn’. Vì nóng lòng muốn tìm giải đáp cho vấn nạn khổ đau của con người do Sự Dữ gây ra nên họ dễ rơi vào chính Sự Dữ ấy là chống lại Thiên Chúa, phủ nhận Ngài. Đứng trước Cái Ác, nhiều người vẫn còn mang cái nhìn của đứa trẻ, tức chỉ ước muốn điều tốt cho mình thôi! Thế nên, một đằng con người khao khát sự thiện hảo nó bắt nguồn từ chính Thiên Chúa là Đấng Toàn Thiện, nhưng mặt khác con người lại bị lôi kéo về Sự Dữ nó do hậu quả của sự sa đọa muốn thoát khỏi Thiên Chúa để trở nên tự do tuyệt đối.
Ngày… tháng… năm…
Thiên Chúa là Đấng ‘phân biệt vô phân biệt và vô phân biệt phân biệt’. Ngài tạo dựng vũ trụ bằng cách phân biệt rõ ràng trời đất, ánh sáng và bóng tối, núi sông, ao biển, muôn loài muôn vật mà con người không thể phân biệt được như không thể phân biệt ‘đâu là ngày đâu là đêm’ vậy. Nhưng bằng Tình Yêu, Ngài đã cứu chuộc và hoàn thiện nhân loại trong ánh sáng diệu vợi của Ngài. Thế nên Ngài không phân biệt kẻ giàu người nghèo, nam nữ, bác học hay bình dân, đạo đức hay tội lỗi…, trong khi những đối tượng ấy con người rất dễ phân biệt.
Rõ là, đối với Thiên Chúa, cái không thể phân biệt thì Ngài lại có thể phân biệt, còn con người thì không thể phân biệt. Còn cái có thể phân biệt thì Ngài lại không phân biệt, nhưng con người lại thích phân biệt
Ngày… tháng… năm…
Hành động dễ đưa chúng ta đến sự quên lãng, mất dần ý thức về chính hành động của mình luôn. Chẳng hạn khi chúng ta ăn nhanh nên không ý thức được vị ngon của thức ăn. Chúng ta đi vội đi vàng nên quên mất từng bước chân đưa ta đến nơi ta muốn đến. Hay khi chúng ta suy tưởng về thế giới bên ngoài nhiều quá nên đánh rơi ý thức về cái đẹp đầy sức sống, rực rỡ nơi thế giới ấy. Người trẻ chúng ta rất dễ bị cuốn vào hành động vì lẽ tâm hồn ta chưa có nhiều dấu ấn của ký ức về con người và sự vật nên ta muốn lấp đầy cái nội tâm còn trống rỗng ấy bằng hành động. Tuy nhiên, càng bị lôi kéo vào những hành động bên ngoài, chúng ta càng dễ đánh mất mình, càng hướng về đối tượng nhiều hơn. Nếu mình đưa ý thức vào những việc mình làm thì hẳn là tâm hồn mình sẽ ngập tràn ánh sáng và qua đó ‘vạn vật trong tâm ta’ cũng rực sáng luôn. Bởi lẽ, tuổi trẻ dễ ngả theo hơn là bám trụ vào một điều gì đó hay một ai đó, nên mình cần biết ý thức nhiều hơn những việc mình làm để hướng những việc ấy đến mục đích tốt đẹp. Như thế, mình không đánh mất mình trong hành động, lại vừa thăng hoa hành động của mình, nghĩa là ‘nâng tâm hồn mình lên’ vậy! Có điều, ý thức về hành động bản thân luôn phải được thấm nhiễm tình yêu. Bởi lẽ, bề mặt ý thức tuy sáng trong, nghĩa là nó đã thâu nhận nguồn sáng của Tình yêu như là tư tưởng, nhưng cùng lúc nó tiếp nhận nguồn sáng ấy là những sự tội lẻn vào trong vô thức để phá rối ta. Tình yêu một khi thấm nhập vào cõi sâu thẳm là tiềm thức, vô thức nơi ‘con người tội lỗi’ của mình đang trú ngụ, sẽ như lửa làm rực sáng vùng sâu tối ấy. Bằng không, chúng ta chỉ dừng lại ở cửa ngõ nội tâm, không thể đi sâu hơn ‘chiều sâu của tôi’. Ý thức mở cửa nội tâm để tình yêu đi sâu vào tâm hồn mình hầu làm rực sáng con người nội tâm ấy của mình. Tuy nhiên, ta không thể chống lại tội mình bằng sức mạnh của ý thức, nhưng phải bằng Tình yêu, tức nhìn nhận sự hiện diện của ‘con người tội lỗi’ như một phần con người mình.
Ngày… tháng… năm…
Goethe đã nhại lại lời Gioan tông đồ khi viết ‘từ nguyên thủy đã có hành động’. Rõ ràng, ông đề cao hành động hơn Lời, trong khi đó chính Lời mới làm nên sức sống: ‘Ta muốn dựng nên con người…’ Nhìn lại lịch sử, chúng ta thấy nhiều khi con người lao vào hành động nên đã rơi vào cạm bẫy của Quỷ Vương mà chối từ Ngôi Lời, từ bỏ Đấng Hằng Hữu, quên đi căn tính thần thiêng của mình. Ađam và Evà đã làm trái ý Chúa không phải vì ông bà không nghe Lời Chúa, nhưng vì tâm trí ông bà thôi thúc phải tìm biết sự thiện hảo của Thiên Chúa, muốn biết sự thiện ác, phải trái, tốt xấu nên đã thực hiện ‘cuộc phiêu lưu’ hướng về đối tượng bên ngoài nhằm phân biệt vạn vật, làm sáng tỏ chúng trong hình hài đẹp nhất để giống Ngài. Thế là hai ông bà trong giây lát đã quên Lời Chúa mà lao vào hành động. Kết quả của hành động ‘ăn trái cấm’ ấy là cảm thức xấu hổ, mang mặc cảm tội lỗi. Từ đó con người luôn phải chịu đau khổ. Tuy nhiên, Thiên Chúa đã không dừng công trình sáng tạo con người ở mức đặt nó cai quản vũ trụ, vì như thế, sau khi con người sa đọa, không còn sống hòa hợp với vạn vật và với Thiên Chúa nữa, chắc hẳn Ngài sẽ bỏ mặc con người bơ vơ lạc lõng giữa vũ trụ bao la của Ngài. Không, Thiên Chúa vẫn tiếp tục công trình sáng tạo con người qua việc nhập thể làm người để thần hóa con người, đưa con người trở về thể viên mãn tràn đầy là hợp nhất với Ngài.
Ngày… tháng… năm…
Xã hội hôm nay đề cao chủ nghĩa nhân bản, chủ nghĩa tự do chúng làm cho con người có giá trị hơn. Người ta đã dẫn đưa tư tưởng của Kinh Thánh vào cuộc sống, biến đổi xã hội trở nên tốt hơn. Nhưng rồi con người đã bị cuốn hút vào những hoạt động thăng tiến bản thân ấy nên dần quên mất Chúa, Đấng Hằng Sống. Đức Hồng y Nguyễn Văn Thuận đã cảnh báo chúng ta cần biết phân biệt giữa Chúa và việc của Chúa. Trải qua lịch sử, con người đã thực hiện được các việc của Chúa một cách xuất sắc mà bằng chứng là khoa học kỹ thuật phát triển đưa mọi người xích lại gần nhau hơn. Tuy nhiên, vì mải lo hành động nên con người đã mất dần ý thức về sự hiện hữu của Thiên Chúa, đến nỗi ngày nay ở phương Tây người ta loại bỏ dần Thiên Chúa ra khỏi đời sống xã hội, chỉ còn thu hẹp lại trong phạm vi cá nhân mà thôi.
Ngày… tháng… năm…
Tình yêu hướng về trời cao dễ đưa người ta xa rời thế giới khổ đau hiện tại, chỉ còn ước muốn đắm chìm vào những điều ‘cao siêu trên trời’. Trong khi đó, Tình yêu hướng về đất thấp lại kéo con người ra khỏi chính họ để ném họ vào ‘cái mớ tập thể hỗn độn’’ không còn thấy bóng dáng cá nhân nữa. Chủ nghĩa Max đã khởi đi từ tình yêu thương con người cùng khổ nhưng lại dẫn người ta đến chỗ chém giết nhau. Còn tôn giáo vốn mang sứ mạng loan báo yêu thương và thể hiện tình yêu ấy trong cuộc sống hằng ngày thì lại tự biến thành ‘công cụ tâm linh’ nhằm hướng người ta đến tình trạng bất dung nhận nhau, đưa tới chiến tranh tôn giáo, xung đột giữa Đạo và Đời. Bởi vậy Chúa Kitô đã để lại cho nhân loại giới luật yêu thương ‘mến Chúa yêu người’. Đây không phải là giới luật áp đặt từ bên ngoài, nhưng là ‘nội luật’ khởi đi từ cội nguồn Tình Yêu Thiên Chúa lan truyền nơi sâu thẳm lòng mỗi người. Tuy nhiên, việc thực hiện giới luật Chúa dạy không thể biến thành công cụ tuyên truyền nhằm lôi kéo người khác ’hãy yêu nhau đi’nhưng trở nên ‘khí cụ bình an’ của Chúa để thanh luyện mình khỏi sự kềm hãm của cái tôi nó vốn ngăn cản giới luật yêu thương của Chúa thâm nhập gây tổn thương cho nó. Dù vậy, chỉ những ai đang yêu mới biết mầu nhiệm của Tình yêu, nhất là khi Tình yêu ấy đang ngày bị thoái hóa thành những tình cảm mông muội, hỗn tạp nhiễm mùi dục vọng. Người mải mê những hoạt động mang tính từ thiện xã hội thì chỉ còn biết đến chiều kích nhân bản của tình yêu, trong khi kẻ nhân danh Thiên Chúa thì lại làm chứng cho tình yêu giả dối nó hướng đến sự loại trừ thay vì hợp nhất con người.
Ngày… tháng… năm…
Nếu ‘hoa trái’ của tình yêu nam nữ là hôn nhân gia đình thì mối tình giữa Thiên Chúa và con người cũng phải ‘sinh hoa kết trái’, đó là những con người mới mang sức sống tràn đầy. Tuy nhiên, nơi tình yêu của con người bị giới hạn nên nó cần có sự tiếp nối tình yêu ấy nơi các thế hệ con cháu, chứ Tình Yêu Thiên Chúa thật ‘vô biên vô tận’ nên Ngài ôm trọn con người Ngài yêu, cải hóa họ nên ánh sáng yêu thương đích thực của Ngài để làm cho nhân loại ngày một trở nên giống Ngài hơn, nghĩa là ngày càng yêu nhau nhiều hơn như chính Ngài đã yêu thương họ. Do vậy, mối tình giữa Thiên Chúa và con người mang tính phổ quát và có giá trị vĩnh cửu nhưng đồng thời cũng thể hiện rất cụ thể nơi những con người lịch sử đã được Ngài yêu thương cách đặc biệt để làm ‘men muối’ cho Tình yêu Ngài phát triển giữa Đời. Và vì thế Tình yêu ấy cũng mang giá trị lịch sử của từng thời đại luôn. Thật vậy, con người cảm nghiệm và diễn đạt Tình yêu bằng ngôn ngữ riêng của thời đại mình, của hoàn cảnh xã hội, môi trường văn hóa mình sống. Mỗi người cảm nhận tình yêu theo cách thế riêng của mình, không ai giống ai.
Ngày… tháng… năm…
Tình yêu luôn phải vượt trên mình, thoát khỏi mình để nhìn mình một cách mến thương hơn. Khi mình quan tâm chăm sóc người bệnh tật nghèo khổ thì đó là hành động diễn tả tình yêu. Nhưng vì mình chưa ở trong tình yêu một cách trọn vẹn nên vẫn còn khẽ hở để những ý nghĩ đen tối thâm nhập vào tâm hồn mình, khuấy nhiễu mình bằng những khích động ham muốn danh vọng, ngay cả ham muốn quan tâm đến người khác luôn.
Ngày… tháng… năm…
Tình yêu là một cái gì đó siêu hình mà ta không thể thấy dù nó hiện thực trong cuộc sống, mà ta không thể nắm bắt hay sở hữu dù nó ở trong ta và thuộc về ta. Chúng ta không thể hiểu Tình yêu là gì. Bởi thế, Tình yêu vượt mọi biên cương không gian thời gian để trở thành thuộc tính phổ quát nơi con người. Con người được mời gọi hướng đến Tình yêu vô biên vô tận ấy. Cũng do đó, con người tự do sáng tạo nhằm thể hiện Tình yêu ấy nơi bản thân mình là thể xác lẫn tinh thần. Đỉnh cao của sự thể hiện Tình yêu là khi chúng ta yêu ‘hết lòng hết sức hết trí khôn’. Qua con người ta, Tình yêu sáng tỏ như một sự hiện hữu thật để những ai gặp ta cũng đều cảm nghiệm tình yêu dạt dào đang sống động trong ta. Trong ý nghĩa này, chúng ta hiểu lời Chúa Giêsu nói với các tông đồ ‘ai thấy Thầy là thấy Cha’. Thật vậy, Chúa Cha đã tỏ bày dung mạo Ngài qua Người Con Yêu Dấu là Đức Kitô – Đấng cứu chuộc nhân loại bằng Tình yêu. Tình yêu Thiên Chúa hiển hiện thành Con Người để những ai tin yêu Người và thực hành giới răn yêu thương Người truyền lại sẽ được Tình yêu của Ngài thấm nhiễm và biến đổi trở nên Con Thiên Chúa. Thiên Chúa đã thông đạt bản tính Yêu Thương của Ngài qua Đức Kitô. Bởi vậy, có thể nói chúng ta gặp Chúa qua Tình yêu, nhờ đó mà ta kết hiệp với Ngài đến nỗi như Đức Tông đồ Phaolô đã nói ‘tôi sống nhưng không phải là tôi sống mà là Chúa Ki tô sống trong tôi’. Có điều không phải khi yêu là chúng ta thông dự hoàn toàn vào Tình yêu của Chúa. Phải nói là tình yêu của con người vẫn chưa đạt đến mức ‘vô biên’, hay ‘siêu nhiên’, nghĩa là ta vẫn chỉ yêu những gì thuộc về mình, nhóm mình, dân tộc mình… Đúng ra, ‘cái bao la’ của tình yêu ta vẫn còn nằm gọn trong ‘cái rộng lớn’ của bản ngã ta. Thế nên, đối tượng ta yêu vẫn chịu sự phối của cái tôi ấy nó ưng hay ghét, nó cảm thấy được lợi hay hại…Bởi thế, trước hết và trên hết để tình yêu của ta đạt đến ‘vô biên’ thì không thể không hướng tình yêu mình đến ‘vô biên vô tận’. Và đó là Tình Yêu Thiên Chúa. Khi chúng ta hoàn toàn ở trong Tình Yêu Thiên Chúa, điều này có nghĩa là ta đã kết hiệp với Chúa một cách mãnh liệt và trọn vẹn nhất.
(Còn tiếp) |
|