|
Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa (Lc 4,43)
Suy niệm:
“Chúng ta hãy làm một cái gì tốt đẹp cho Thiên Chúa” đó là lời phát biểu của Mẹ Têrêsa Calcutta để gián tiếp chấp nhận lời yêu cầu của một số ký giả và những người làm phim muốn làm một cuốn phim tài liệu trình bày những công việc từ thiện do Mẹ và các Nữ tu Dòng Thừa Sai Bác Ái thực hiện. Từ mấy chục năm nay, tinh thần và tình yêu của Mẹ Têrêsa đối với những người đau khổ bệnh tật đã được lan ra khắp nơi trên thế giới, như một tiếp tục công tác chính Chúa Giêsu đã thực hiện mà chúng ta có thể đọc thấy trong Tin Mừng hôm nay.
Phần cuối của bài Tin Mừng này khiến tôi hơi thất vọng: những người khốn khổ vẫn bám theo Chúa Giêsu, “Họ cố cầm giữ người lại,” nhưng Ngài bỏ họ mà đi, vì “còn phải rao giảng Tin Mừng cho những thành khác.”
Nhưng tôi đã hiểu: Chúa không nhắm cứu chữa hết tất cả phần xác; bởi vì đã mang thân xác tất phải đau khổ, trần gian là thế!; nhưng Ngài nhằm đem lại cho nhân loại Tin Mừng, một thứ thuốc tiên giải thoát những đau khổ tinh thần.
“Đến sáng ngày, Ngài ra đi vào hoang địa”: Đó là lúc Chúa Giêsu múc lấy nguồn lực cho tất cả những hoạt động nhộn nhịp suốt cả ngày. Ngài múc lấy nguồn lực từ việc cầu nguyện. Nơi Chúa Giêsu, cầu nguyện và hoạt động được phối hợp rất quân bình, không phải vì bận việc mà Ngài bỏ cầu nguyện. Trái lại, càng làm nhiều việc thì Ngài lại cầu nguyện nhiều hơn.
Thuật lại biến cố Chúa Giêsu chữa bệnh bà mẹ vợ ông Simon và nhiều người khác, thánh sử Luca đã ghi: “Lúc mặt trời lặn, tất cả những ai có người nhà đau yếu mắc đủ thứ bệnh hoạn, tật nguyền, đều đưa tới Ngài, Ngài đặt tay trên từng bệnh nhân và chữa lành họ”. Những dòng kế tiếp cho thấy Chúa Giêsu có uy quyền trên sự dữ. Ở đây sự dữ xuất hiện dưới hai hình thức: bệnh tật và ma quỉ. Chúa Giêsu ra lệnh và quở mắng để chế ngự, nhưng Ngài không tiêu diệt chúng. Ngoài ra, trong nhiều cơ hội khác, Chúa Giêsu làm gương bằng sự ân cần của Ngài đối với các bệnh nhân, kể cả những người mang chứng bệnh khiếp sợ nhất lúc bấy giờ là bệnh phong cùi.
Trong giáo huấn của Ngài, Chúa Giêsu còn đi xa hơn: Ngài đồng hóa mình với những người bệnh tật, những người nghèo đói, những kẻ sa cơ lỡ bước, những người bị cầm tù, Ngài nói: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta”. Qua cuộc khổ nạn và cái chết trên Thập giá. Chúa Giêsu đã đem lại cho đau khổ và bệnh tật ý nghĩa và giá trị cứu rỗi.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết học nơi Chúa tấm lòng quảng đại hy sinh để chúng con đem niềm vui đến chốn u sầu, đem ủi an vào nơi thất vọng. Xin loại trừ trong chúng con sự ích kỷ và tính hưởng thụ cá nhân, để chúng con biết sống vì lợi ích tha nhân. Xin cho thế giới chúng con sống có nhiều người quảng đại như Chúa, để xoa dịu những thương đau cho nhân thế. Xin cho chúng con biết mang tình yêu và sức sống của Chúa vào trong thế gian. Amen
|
|