Trích Nguyên văn bởi thienbavuong View Post
Nếu một người muốn giết Thượng Đế để thay thế vào người Siêu Nhân với “sức mạnh biểu trưng ở quyền” thì lúc đó hậu quả sẽ như thế nào?
Bạn Thiên Bá Vương rất thân mến,

Xin chân thành cám ơn lời khen ngợi và sự ưu ái của bạn dành cho mình. Trao đổi với bạn thật thú vị và mình học được thêm nhiều điều trong bộ môn xưa nay mình chỉ dám "kính nhi viễn chi" là : triết học. Nhận được hồi đáp của bạn trong đó có câu "sức mạnh biểu trưng ở quyền" làm mình muốn có chút "ý kiến ý cò" trong vai trò của một người Kitô hữu. Có lẽ là nó sẽ lạc đề với triết học nhưng cũng xin mạn phép lan man trao đổi cùng bạn.

Một người thì tự thân họ sẽ chẳng có quyền gì trên người khác nếu chẳng được trao ban. Ví như vua Lear cũng chẳng còn quyền lực gì khi cởi bỏ bộ long bào và quyền trượng, đó là những thứ biểu trưng cho quyền lực được trao cho ông khi lãnh nhiệm vụ điều hành đất nước. Vậy thì nhiệm vụ sẽ đi kèm với quyền một cách nhất định cho người thi hành. Một người Kitô hữu khi lãnh nhận 3 sứ vụ : tư tế, ngôn sứ, vương đế qua phép Thánh Tẩy, hẳn nhiên cũng có quyền nhất định khi thi hành 3 sứ vụ này. Đã là quyền thì mỗi cá nhân được tùy nghi mà định đoạt, nhưng cái quan trọng là họ hiểu ra sao và sẽ sử dụng quyền đó như thế nào ! Rõ ràng là nơi người Kitô hữu chân chính vẫn có cái gọi là "sức mạnh biểu trưng ở quyền" mà. Sức mạnh của người Kitô hữu là gì nếu không phải là quyền được công nhiên thờ phượng một Thiên Chúa Ba Ngôi, quyền được rao giảng Tin Mừng cho muôn dân thiên hạ, quyền được làm vương đế qua hành động phục vụ cho tha nhân ?

Một người lính Đức Quốc Xã có quan niệm "sức mạnh biểu trưng ở quyền" và thi hành một cách tàn ác, hẳn nhiên khi so sánh với cái "sức mạnh biểu trưng ở quyền" của một người Kitô hữu chân chính ta sẽ thấy : một bên hiểu nghĩa cái quyền với sự vị kỷ thay vì cái quyền đó được nghĩ cho tha nhân, một bên sử dụng sức mạnh phục vụ cho bản thân và một bên sử dụng sức mạnh phục vụ cho muôn người.

Với câu : "Thượng Đế đã chết, hãy giết chết Thượng Đế" tôi lại liên tưởng một câu truyện trong lịch sử Trung Hoa thế này : đời nhà Đường có Thiền sư Đan Hà Thiên Nhiên (738-824) chẻ nát tượng Phật nơi chùa Huệ Lâm, đất Trường An. Khi đó trời lạnh cóng Thiền sư bèn lấy tượng Phật gỗ mà đốt sưởi ấm, viện chủ trông thấy liền quở "Sao thầy đốt tượng Phật của tôi". Sư lấy gậy bới tro và nói "Tôi đốt tìm Xá Lợi". Viên chủ bảo: "Phật gỗ làm gì có Xá Lợi ?" Sư nói: "Đã không có Xá-lợi thì thỉnh thêm hai vị nữa đốt." Viện chủ nghe câu này tất cả kiến chấp đều tan vỡ. Thiền sư đốt tượng Phật là hủy báng đạo pháp, phạm tội đại ác đại nghịch hay chăng ? Thưa là không Thiền sư phá chấp cho vị viện chủ kia, ôm tượng Phật gỗ ngỡ là Phật, mãi nhìn ngón tay chỉ trăng mà ngỡ là mặt trăng.

Biết đâu câu : "Thượng Đế đã chết, hãy giết chết Thượng Đế" lại được thốt lên bởi một tâm hồn luôn đau đáu, dằn vặt tìm kiếm Thượng Đế, nhưng do sai lối đi mà không gặp ? Phải chăng tâm hồn đó cũng thấm nhiêm tư tưởng Thần Học như : "Thiên Chúa làm người để con người làm Thiên Chúa", rồi chỉ thốt lên câu đó một cách chưa trọn vẹn ? Và văn sĩ người Nga Dostojewski đã nói: “Người vô thần hoàn hảo là kẻ đang đứng trên chóp thang, ở bậc áp chót, trước khi bước lên bậc tin hoàn toàn.”

Có lẽ vì vậy mà chính Nietzsche cũng cảm thấy khinh bỉ cuộc sống thiếu vắng niềm tin đó, trong "Tri Thức Hân Hoan" (Fröhliche Wissenschaft) có những đoạn văn mà Nietzsche bộc lộ sự khinh miệt : "Và rồi trái đất nhỏ lại, và trên đó còn lại chú người cuối cùng đang nhảy múa, chú này làm cho mọi sự thành ra nhỏ… Họ từ bỏ những vùng khó sống: vì họ cần hơi ấm. Họ yêu người bên cạnh và bám lấy nó: vì họ cần hơi ấm… Thỉnh thoảng cần một chút thuốc độc, để có được những cơn mơ nhẹ nhàng. Và cuối cùng nhiều thuốc độc, để được chết nhẹ nhàng… Họ còn làm việc, vì việc làm là một thứ chuyện trò. Nhưng họ cố làm sao cho chuyện trò đừng trở nên tấn công nhau… Họ khôn ngoan và biết tất cả những gì xẩy ra: vì thế họ chẳng phải giễu cợt cái chết nào cả. Họ còn xích mích nhau, nhưng lại sớm làm hoà với nhau – nếu không thì thấy khó chịu trong bụng. Họ ăn chơi một chút trong ngày và ăn chơi một chút trong đêm: nhưng lại đề cao sức khoẻ. ‘Chúng tôi đã tìm thấy hạnh phúc’ – những người cuối cùng nói thế và nháy mắt với nhau.”

Vậy hiểu thế nào đây về một nhân sinh quan khó hiểu và đầy những ẩn nghĩa như Nietzsche ? Xin dành lại cho các nhà nghiên cứu và những ai mộ mến Triết học. Những mong các suy tưởng đó sẽ thêm phần giúp ích cho cuộc sống đang vốn đầy những xao động và bất an này. Thân mến !



@ Thiên Bá Vương : mong bạn sẽ lưu ý lại cách viết tên của Nietzsche, bạn viết không đồng nhất qua các bài viết. Nếu tôi là một người đánh giá luận văn của bạn thì tôi sẽ trừ điểm đầu tiên và trả về bạn ngay cả khi chưa đọc vì lỗi sơ sót này đó.