|
THỰC TẬP NHẬN LỖI
1. LỜI CHÚA: “Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: “Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói! Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy. Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha. Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để (Lc 15,17-20).
2. CÂU CHUYỆN:
Có hai anh bạn thân gần nhà nhau một người tên Tâm còn người kia tên Long. Một hôm, anh Long qua thăm nhà anh Tâm, thấy bầu khí gia đình an vui, mọi người sống hòa hợp hạnh phúc liền hỏi bạn: “Sao tôi thấy mọi người nhà anh ai cũng nói chuyện vui vẻ với nhau và sống thật thoải mái hạnh phúc, còn nhà tôi thì bầu khí lúc nào cũng căng thẳng, vợ chồng cứ năm ba bữa lại có chuyện cãi lộn to tiếng với nhau. Anh có phép thuật gì hay chỉ cho tôi với”. Anh Tâm trả lời: “Chẳng có phép thuật gì đâu! Đó là do vợ chồng nhà tôi ai cũng nghĩ mình không hoàn hảo, đang khi vợ chồng anh ai cũng cho mình là phải là đúng, nên hay tranh cãi đổ lỗi cho nhau làm cho bầu khi gia đình luôn căng thẳng như vậy”. Rồi anh giải thích: “Náy nhé: Giả dụ một hôm vợ anh khi dọn bữa điểm tâm sáng để tách cà phê ra sát mép bàn khiến anh vô ý chạm phải làm rơi xuống đất bể tan. Trước sự cố này anh liền trách vợ: “Tại em để tách cà phê gần bên mép bàn khiến anh đụng phải? Sao em không để vào giữa bàn ăn?”. Vợ anh cãi lại: “Từ trước đến nay em vẫn để như vậy mà đâu có sao. Tại hôm nay anh hậu đậu đụng tay vào nên mới làm nó rơi bể chứ. Sao anh lại trách em?”.
Vì hai vợ chồng anh ai cũng nghĩ mình phải nên người này đổ lỗi cho người kia. Nếu là gia đình tôi, khi chẳng may gặp sự cố như vậy, tôi sẽ nói thế này: “Sao hôm nay anh thật tệ vì sáng sớm đã đụng làm bể tách cà phê. Thôi cho anh xin lỗi nghe em”. Khi ấy vợ tôi sẽ trả lời: “Thực ra không thể trách anh được. Cũng tại em đã vô ý để tách cà phê gần bên mép bàn nên anh mới chạm phải làm bể. Lần sau em sẽ rút kinh nghiệm để tách cà phê gần vào phía trong. Cho em xin lỗi”. Vì hai người đều tự nhận lỗi về mình nên không đổ lỗi cho nhau. Vì thế mà bầu khí gia đình lúc nào cũng vui vẻ hạnh phúc”.
3. SUY NIỆM:
1) Ích lợi của việc xin lỗi:
Có một vị giáo sư nọ có kiến thức uyên bác thường được các trường đại học thỉnh giảng. Một hôm sau khi giảng xong về đề tài: “Phải biết nhận lỗi và thực tập thói quen xin lỗi”, ông tự lái xe hơi về nhà. Khi xe vừa ra đến cổng trường thì bị một chiếc taxi đang từ xa phóng nhanh tới thắng gấp lại, súyt chút nữa là đã đụng vào xe ông. Rõ ràng anh tài xế taxi có lỗi đã phóng nhanh giữa chỗ đông người. Nhưng thay vì nhận lỗi, anh ta lại lớn tiếng la mắng rằng: “Bộ ông muốn chết hay sao mà lái xe bất cẩn như vậy hả?”. Giáo sư rất bực tức vì theo luật giao thông anh tài xế này hoàn toàn sai lỗi. Bấy giờ giáo sư cũng to tiếng đáp lại: “Chính anh mới là kẻ muốn chết khi lái xe như vậy”. Gã tài xế taxi liền xuống xe buông lời thách thức: “Ông có giỏi thì ra đây!”. Giáo sư đáp: “Ra thì ra chứ ta sợ gì anh nào”. Nhưng khi vừa ra khỏi xe, ông thấy một đám đông học viên đang từ trường đi ra. Giáo sư cảm thấy xấu hổ khi nghĩ tới bài giảng vừa trình bày cho học viên nên ông đã thay đổi thái độ. Ông đến gần bắt tay anh tài xế và ôn tồn nói: “Đúng là tôi có lỗi. Cho tôi xin lỗi anh nhé”. Gã tài xế rất ngạc nhiên nên cũng nắm tay vị giáo sư và nói: “Thực ra là lỗi của cháu, chứ không phải bác. Cho cháu xin lỗi bác”. Sau cái bắt tay làm hòa, cả hai lại lên xe đi tiếp.
Cuộc chiến tưởng sắp bùng nổ, nhưng nhờ giáo sư kịp tháo ngòi nổ bằng thái độ xin lỗi nên sự cố đã được giải quyết ổn thỏa. Giả như hai người đều cho mình là đúng và tranh cãi đổ lỗi cho nhau thì có lẽ sự việc sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường rồi.
Khi nói ra được lời xin lỗi là ta đã giải quyết được rát nhiều rắc rối. Chỉ một lời xin lỗi đã có thể chuyển họa thành phúc. Thế thì tại sao chúng ta lại không năng nói lời xin lỗi, khi không phải tốn công, tốn tiền? Rào cản chúng ta nói lời xin lỗi là sự tự ái tự cao. Nói lời xin lỗi chính là cách tập để thắng chính bản thân của mình.
2) Phải thực tập nói lời xin lỗi:
a- Tại sao phải thực tập?: Bởi vì có nhiều điều nghe thì thấy dễ nhưng lại khó thực hiện, nên phải tập thành thói quen tốt. Phải tập “nói lời xin lỗi” để tạo sự thông cảm với nhau, để dẹp bớt tính tự phụ. Khi lỡ làm cho ai buồn phiền thì chúng ta phải can đảm nói lời “xin lỗi anh, tôi đã làm cho anh buồn”. Như vậy, bầu khí năng nề căng thẳng sẽ dễ dàng biến mất và thay thế bằng bầu khí nhẹ nhàng an vui và hòa hợp.
b- Cần nói lời xin lỗi càng sớm càng tốt: bạn nên xin lỗi trực diện “mặt đối mặt”. Tuy nhiên khi cần cũng có thể dùng cách gọi điện thoại, viết email, gởi hoa... Khi nhận được lời xin lỗi chân thành của bạn, người bị tổn thương sẽ cảm thấy giảm đi nỗi đau rất nhiều.
c- Cần chân thành lắng nghe: Bạn đã làm điều lỗi với “đối phương”, nay bạn chịu nhận lỗi và chân thành lắng nghe sự giận dữ cũng là điều công bình. Hãy cứ để “đối phương” nói ra hết những suy nghĩ, bực bội oán hờn và rồi mọi thứ sẽ sớm trở lq56i như cũ. Bạn không nên mất kiên nhẫn khi nghe hay tỏ thái độ nóng lòng.
d- Dục tốc bất đạt: Thật là khó để bắt “đối phương” dễ dàng tha lỗi cho bạn ngay được vì nó còn tùy thuộc vào việc họ cảm thấy bị thiệt hại ít hay nhiều. Cần phải có thời gian họ quên đi và tha lỗi cho bạn. Không nên đòi họ phải tha ngay khi chưa thật sự sẵn sàng.
e- Cần khắc phục hậu quả: Nhận lỗi mà thôi chưa đủ: quan trọng nhất là bạn phải quyết tâm khắc phục hậu quả xấu do lỗi mình gây ra
g- Thất bại là mẹ thành công:Loại sai lầm tốt nhất chính là sai lầm mang lại khả năng học hỏi cao nhưng chi phí lại thấp. Không sai lầm nào giống sai lầm nào. Điều quan trọng là bạn biết nhận lỗi, học hỏi từ những sai lầm và nỗ lực sửa lỗi. Bạn chỉ “được” chứ không “mất” nhiều như những kẻ chạy trốn lỗi lầm, vì: “thất bại là mẹ thành công”.
4. THẢO LUẬN:
1) Hãy cho biết nói lời xin lỗi dễ hay khó? Ich lợi của việc nói lời xin lỗi thế nào?
2) Bạn sẽ làm gì để tập thành thói quen nói lời xin lỗi nếu lỡ làm cho người khác phải buồn lòng?
5. LỜI CẦU:
Lạy Chúa Giê-su. Xin giúp con biết khiêm nhường tự hạ để nói lời xin lỗi tha nhân. Nhờ đó con sẽ có thể sống an vui hạnh phúc và gây được thiuện cảm với những người sống chung với con và xứng đáng làm chứng nhân cho tình thương của Chúa.- AMEN.
LM ĐAN VINH
|
|