|
Khi đặt tên cho đề tài, tôi muốn nêu ý kiến rằng việc tranh luận rước lễ trên tay hay bằng miệng nên đi đến hồi kết, hay nói theo kiểu thẳng thắn là nên chấm dứt ngay đi! Bởi vì khi càng bàn luận thêm càng chứng tỏ chúng ta không vâng phục Giáo Hội, và tự chen những ý kiến cá nhân vào những điều luật đã được phán quyết của Giáo hội.
Tôi đã từng viết:” không theo một phe nào cả… “ có nghĩa như sau:
__ Không theo phe cho rằng phải rước lễ bằng miệng mới là tôn kính Thánh Thể.
___ Cũng không theo phe rước lễ bằng tay khi mà trong tâm linh của mình thiếu sự kính trọng Thánh Thể, hay vì quá sợ lây bệnh hay vi trùng…
Tôi đã từng nhấn mạnh rằng nếu nay mai Giáo Hội chỉ cho phép một hình thức rước lễ bằng miệng, tôi sẽ vâng phục không sai một mảy may.Còn cho đến bây giờ Giáo hội đang cho giáo dân tự do lựa chọn rước Thánh Thể dưới hai hình thức, thì người Ki Tô Hữu chúng ta cứ tự do. Hãy để cho Thiên Chúa phán xét về lòng kính trọng Thánh Thể của mỗi người, chứ chúng ta không được phép lấy một vài cái giáo lý của một vài cá nhân và tự ý chen vào trong những luật lệ của Giáo hội.
Tôi đã từng nói rằng ý kiến của ông Anthony Lê là một giáo lý của phàm nhân khi ông tự ý phán xét rằng ai rước lễ bằng tay là một tội trọng!
Hãy nhớ lấy câu Kinh Thánh mà Chúa Giê su đã truyền lại cho giáo hữu của Người:” …Sự gì con cầm buộc dưới đất, trên Trời cũng cầm buộc…”
Sự vâng phục Giáo hội của chúng ta ở đâu khi mà các Đức Giáo hoàng đã chấp thuận,tôi nhấn mạnh là chấp thuận vì như Cha Ngô Tôn Huấn đã giải thích:”Trên đây là tóm lược những gì Tòa Thánh – qua Thánh Bộ Phụng Tự- đã cho phép. Nghĩa là chính Đức Thánh Cha đã đồng ý cho thi hành trong toàn Giáo Hội, vì mọi quyết định của các Cơ quan đầu não trong Giáo triều Roma, nhất là của hai Thánh Bộ quan trọng là Phụng Tự ( Divine VVorship ) và Giáo lý đức tin ( Doctrine of Faith) thì bắt buộc phải có sự chấp thận ( approve) của Đức Thánh Cha trước khi đem thi hành. Như thế, nếu muốn vâng phục Tòa Thánh, thì không ai được phép chống đối những gì đang được cho phép thi hành. Người ta có thể góp ý xây dựng và đề nghị những sửa đổi. Nhưng quyền quyết định tối hậu vẫn thuộc về Đức Thánh Cha, vị Đại Diện duy nhất của Chúa Kitô trên trần gian.
Xin xem lại link: https://thanhcavietnam.net/forum/showthread.php?t=21631#8
Người ta có quyền đề đạt nguyện vọng của mình lên hàng Giáo phẩm, và Giáo hội chúng ta đâu có cấm chuyện đó đâu? Nhưng một khi các đấng bề trên chưa ban bố một sự sửa đổi, hoặc không có ý sửa đổi mà chúng ta tự chen vào cái luật lệ của chúng ta, đó là chúng ta đã làm gương xấu, có thể gọi là quảng bá cho sự bất vâng phục!
Tôi nhớ rằng bà Simma viết một cuốn sách cho đến nay Giáo hội cũng chưa hề công nhận tuy rằng cũng chưa được nghe lệnh cấm, nhưng bản thân tôi đã từng đọc và người dịch là Kim Hà cũng phải ghi rõ rằng có một số ý kiến của bà Simma đi ngược lại với một số luật lệ của Giáo hội hiện nay. Và chính những ý kiến cá nhân của bà Simma này là căn cứ cho rất nhiều người ở Việt Nam trong đó có ông Giuse Maria Định đã làm một số slideshow để kết tội rất nặng việc rước lễ bằng tay.
Không biết rằng những người cổ động cho việc chỉ nên được phép rước lễ bằng miệng đã quảng bá lòng sùng kính Thánh Thể được bao nhiêu, nhưng tôi thấy rằng việc làm hoang mang rất nhiều Ki Tô hữu thì có đấy!
Chúng ta hãy thử so sánh giữa một bên là Thánh Bộ Phụng Tự gồm nhiều Hồng Y, Giám mục, các nhà thần học ưu tú… và một bên cá nhân bà Simma, cùng một số người kết tội việc rước lễ bằng tay!
Liệu có ai dám nói rằng bao nhiêu bề trên trong Thánh Bộ Phụng Tự thiếu sự khôn ngoan để suy xét khi ban hành điều khoản 92 trong huấn thị Redemptionis Sacramentum , và vì thể diện nên không dám sửa chữa một lỗi bất kính rất nặng với Thánh Thể như thế hay không? Ít ra là đã và đang trải qua hai đời đức Giáo Hoàng Gioan Phao lo II và Benedicto 16, chúng ta có thấy các ngài ban bố một sắc lệnh sửa sai nào hay không?
Có rất nhiều người trong chúng ta chắc chắn xuất phát từ lòng yêu mến Thánh Thể, cho nên rất phản đối việc rước lễ bằng tay, nhưng liệu những người ấy có biết việc làm của họ chỉ gieo rắc sự bất vâng phục và hoài nghi sự cai quản của Giáo Hội hay không?
Chắc chắn rằng Thánh Bộ Phụng Tự cũng xem xét những ý kiến phản đối việc rước lễ bằng tay này rất kỹ, nhưng các ngài trong Thánh Bộ thấy rằng đã có các hàng Giáo phẩm của địa phương hướng dẫn và giải thích cho dân chúng là đủ. Một khi họ đã không nghe hàng Giáo phẩm địa phương thì ngay đến đức Giáo Hoàng họ cũng chẳng nghe! Chính vì thế việc ồn ào này đã qua một số năm, và các bề trên của Giáo hội làm thế nào đây? Chúng ta phải hiểu các ngài chọn đường lối im lặng và không hề sửa đổi điều khoản 92 là một cách trả lời.
Tôi không hiểu rằng một cuốn sách đã được Giáo Hội công nhận như cuốn Thần Đô Huyền Nhiệm , cũng chưa thể dùng sách ấy như một quyển Thánh Kinh để làm nền tảng, vậy mà một cuốn sách như bà Simma chưa được Giáo Hội công nhận, lại có nhiều điều bất hợp lý, mà tại sao nhiều người lại dám dùng để làm nền tảng, và kết luận là rước lễ bằng tay là một tội rất nặng? Không lẽ bà Simma là một tiên tri của Chúa xuống để sửa sai những gì Đức Giáo Hoàng đã làm sai một khi ngài “dám” cho phép điều khoản 92 trong huấn thị Redemptionis Sacramentumhay sao? Chưa hết, trong sách Thần Đô huyền nhiệm, Giáo hội không tìm thấy một điều gì sai với Giáo lý Thánh Kinh. Trong khi đó sách của bà Simma ngay một kẻ tầm thường như tôi cũng nhận ra một số phát biểu không hợp lý của bà! Còn trường hợp của ông Giu se Maria Định, xin hãy xem lại những slideshow của ông để thấy rằng ông phát biểu nhiều điều rất bất hợp lý và không thể nghe được!
Thiên Chúa là đấng thấu suốt mọi sự cho nên Người nhìn thấy con người chúng ta rõ từng ly từng tí , chính vì thế những hành động bề ngoài phô trương nghi thức bên ngoài nhiều khi chẳng lừa được con mắt của người thế gian, thế thì liệu có lừa dối được Thiên Chúa? Những người cho rằng khi rước lễ nào phải quỳ sụp xuống, rồi khi đưa Mình Thánh phải giơ cao lên khỏi đầu mới là sùng kính Thánh Thể… Tôi xin hỏi có khi nào người ta tưởng Thiên Chúa là con người trần gian nên chỉ chú trọng bề ngoài ,còn bề trong không quan trọng hay không? Tôi thấy trong vụ việc gây tranh luận ồn ào này, những người được cho là có chủ đích tôn vinh lòng sùng kính Thánh Thể hầu như chỉ nói đến những nghi thức bên ngoài cho con mắt trần gian xem, còn kể như chẳng thấy nói đến việc cái tâm hồn có xứng đáng hay không để rước Chúa ngự vào! Nếu có lòng sùng kính Thánh Thể thực sự, xin hãy mở một phong trào kêu gọi mọi người hãy đừng xúc phạm Thánh Thể khi để cho Người ngự vào một tâm hồn ô uế nhơ bẩn! Chứ còn Tay hay Miệng không hề xúc phạm đến Chúa, mà chỉ có một tâm hồn nhơ bẩn, ý nghĩ nhơ bẩn mới làm Chúa phiền lòng mà thôi!
Cái lý do mà những người cổ động cho rước lễ bằng miệng đồng thời phải bái gối khi rước Thánh Thể, đó là họ đưa ra câu hỏi mà xem ra chỉ có câu này là nặng ký nhất:
___Trước nhan Thánh Chúa cực trọng ta phải quỳ hay đứng?
Tôi xin trả lời rằng:
___ Trước nhan Thánh Chúa chúng ta quỳ hay đứng là do Chúa chỉ định cho chúng ta.
Thưa quý vị, tôi nói Chúa chỉ định không hề sai vì Chúa đã trao quyền cho Giáo Hội như câu Thánh Kinh mà tôi đã dẫn chứng ở trên , chính vì thế chúng ta phải vâng phục Giáo hội chứ không nên vâng phục vài lý lẽ do một số phàm nhân đặt ra! Nếu theo những lý lẽ phàm nhân này thì chúng ta khi tham dự Thánh lễ trong nhà thờ, tức là đang trước nhan Thánh Chúa thì không một ai trong nhà thờ được ngồi kể cả linh mục, bởi vì đứng mà còn bị cho là bất kính huống chi ngồi! Phải chăng tất cả những người tham dự Thánh lễ nên quỳ gối từ đầu đến cuối lễ mới phải phép?
Một bài viết quá đầy đủ như bài viết của Cha Ngô tôn Huấn, mà nhiều người cũng còn chẳng thèm nghe, và do đó, cái sự không vâng phục Giáo Hội vẫn còn tồn tại và được ẩn nấp trong một vỏ bọc sùng kính phép Thánh Thể. Chính vì thế tôi nghĩ rằng trong diễn đàn chúng ta chắc không có một ai có thể giỏi bằng chứ không nói hơn cha Huấn để thuyết phục những ý kiến phản đối điều khoản 92 này. Bởi thế, tôi xin mọi người hãy chấm dứt cái chuyện tranh luận nên hay không rước lễ bằng tay này đi, và nếu chúng ta còn cho mình là Ki Tô hữu, thì hãy vâng phục những phán quyết của Giáo Hội. Ai muốn rước lễ bằng tay hay miệng Chúa đều sẵn lòng ban phát, nhưng chắc chắn Chúa không chấp nhận những sự bất vâng phục, làm xôn xao Giáo hội của Người.
Tôi xin mạn phép để nói cho rõ: chúng ta đừng viện vào vài cái lý do vớ vẩn mà bất tuân phục Giáo Hội, vì thực sự cái kiêu ngạo nó nằm rất sâu trong con người chúng ta mà nhiều khi chúng ta không biết.
Tại sao gọi là sự kiêu ngạo? ___ Xin thưa: kiêu ngạo là vì chúng ta là những người hèn kém về tri thức, về lý luận, về cả lòng kính mến Chúa mà lại tưởng rằng chúng ta giỏi hơn hàng Giáo phẩm!
Tôi cũng xin chấm dứt ở đây và nếu ai còn muốn phải hỏi cho ra lẽ cái phát biểu vừa rồi của tôi thì xin hãy gởi bài tra xét hỏi cung vào địa chỉ email giangvangiang11@gmail.com, và chúng ta tha hồ tranh luận, vì nói ở đây sẽ làm phiền mọi người.
Các chủ đề cùng thể loại mới nhất:
|
|