|
Năng lực của cầu nguyện
Fulton Oursler
Vài lời phi lộ: Fulton Oursler (1893-1952) là phóng viên, phụ tá rồi giám đốc nhà xuất bản Macfacdden ở Hoa Kỳ( điều hành 11 nguyệt san, 1 tuần san), tác giả của 300 tác phẩm vừa trinh thám, kịch, truyện ngắn, dịch thuật, nhà diễn thuyết, nhà viết kịch bản trên vô tuyến truyền thanh.Ông là người từng cộng tác với FBI để tóm được 300 tên tội phạm sừng sỏ ở Hoa Kỳ….
Sau khi trở lại đạo Công giáo năm 1943 lúc 50 tuổi, ông chỉ viết sách nói về Cuộc đời của Chúa Kitô và Kitô giáo, về giáo dục thế hệ trẻ .
Ông mất vào năm 1952 vì bệnh tim, thọ 59 tuổi.
Đây là một đoạn văn trích từ tác phẩm“Năng lực của cầu nguyện”, của Fulton Oursler trong đó ông san sẻ với chúng ta kinh nghiệm cá nhân của ông về cầu nguyện
KN.
“Một buổi sáng mùa xuân, mẹ tôi dặn tôi không được rời xa khỏi bậc thềm nhà.
-Một lát nữa, bà nói với tôi, trong lúc đi dạo chúng ta sẽ đến thăm dì của con.
Tôi ngoan ngoãn chờ đợi cho đến khi cậu con trai của ông thợ làm bánh mì đi ngang qua trước nhà tôi, cậu ta gọi tôi là “đồ gà mái nhúng nước!” (người nhát gan), Tôi vội nhảy xuống các bậc thềm rồi giáng cho cậu ta một cái tát thật mạnh. Cậu ta xô tôi té lăn vào một vũng nước bùn. Khi nhìn thấy áo khoác đầy vết bẩn, đôi tấc dài bị thủng ở đầu gối rướm máu, tôi liền bắt đầu khóc. Nhưng tiếng chuông leng keng đột nhiên vang lên khiến tôi ngừng khóc. Vừa đẩy chiếc xe tay vừa rung lắc chiếc chuông nhỏ dọc theo đường phố, một người bán hàng rong tiến lại gần và rao lớn tiếng:
-Cà rem đây! Cà rem một xu một cây đây!
Quên mất cái tội không vâng lời, tôi liền chạy nhanh vào nhà để xin mẹ một xu. Câu trả lời của mẹ tôi vẫn còn khắc sâu trong trí nhớ của tôi.
-Hãy nhìn con mà xem! Con đang trong tình trạng không được cầu xin gì hết.
Trong suốt nhiều năm sau này, tôi đã sống một cuộc sống bê tha, trước khi tôi ý thức rằng lúc chúng ta khẩn cầu sự trợ giúp của Chúa, trước hết chúng ta phải nhìn thẳng vào chúng ta: có lẽ chúng ta đang ở trong tình trạng không được cầu xin thứ gì cả.
“Chúng ta càng tự giải thoát khỏi những mối hiềm thù và những sự thù địch của chúng ta, chúng ta càng đến gần mục đích cuối cùng của chúng ta, đó là bình an trong tâm hồn.
Lúc đó, chúng ta ý thức rằng cầu nguyện còn hơn cả một sự cầu xin những ân huệ cá nhân. Cầu nguyện chính là một quà tặng vĩ đại nhất trong tất cả. Cầu nguyện không ngừng làm phong phú kinh nghiệm của chúng ta, nó duy trì trong chúng ta tình cảm giúp chúng ta sống hòa hợp với những sức mạnh xây dựng của vũ trụ, nó mang đến cho cuộc sống của người tín hữu khiêm tốn nhất hạnh phúc không thể xóa nhòa từ cuộc chuyện trò với Chúa. Ý thức của chúng ta đón lấy từ tính cách mật thiết này sự tác động mạnh mẽ trên những tư tưởng và hành vi của chúng ta.”
“Lời hứa của Chúa: “Chúng con hãy xin, chúng con sẽ nhận được” không bao hàm sự bảo đảm chúng ta nhận được đúng như điều chúng ta đã xin. Thường chúng ta hiểu lầm về mối quan tâm thực sự của chúng ta. “Khi các vị thần linh muốn dẫn dắt một người đến chỗ hư mất, một tục ngữ Hy lạp cổ nhận xét, họ ban cho anh ta điều anh ta cầu xin!” Phần đông chúng ta đã sống khá đủ để lấy làm sung sướng khi biết lời cầu nguyện đã được chấp nhận. Vì thế, sự khôn ngoan đòi hỏi bất cứ lời cầu xin nào cũng đi kèm theo sự dè dặt này: “Lạy Chúa, xin cho Ý Chúa được thực hiện, chứ không phải ý của con!”
“Một khi chân trời chúng ta dần dần được mở rộng, chúng ta học cách dâng lên những lời cầu nguyện không còn ích kỷ nữa và nhớ đến nhu cầu của những người khác, dù là bạn hữu hay kẻ thù địch.
Chúng ta bắt đầu cầu nguyện giúp để nhận được sự chữa lành cho các bệnh nhân, niềm an ủi cho những người đau khổ, việc làm cho những kẻ thất nghiệp và sự thương xót cho tất cả mọi người.”
Chuyển ngữ: Nguyễn Kim Ngân |
|