|
PHÚT TÂM GIAO 35
CẢM THƯƠNG NGÀI HAY CẢM THƯƠNG TÔI?
 Giáo Hội kêu gọi sám hối, ăn năn, đền tội, cầu nguyện, hy sinh, hãm mình, … đặc biệt là trong Mùa Chay thánh. Những điều này không phải là chuyện dễ làm, và tôi cảm nhận rằng lòng mình hăng say lắm, khi bước vào đầu Mùa Chay.
Biết bao điều quyết tâm nảy ra trong trí tôi, mà tôi cho đó là do Đức Chúa Thánh Thần soi sáng cho mỗi người. Vì chỉ có Ngài mới biết rõ được linh hồn cần thay đổi những gì, làm tốt hơn nữa điều gì, thiếu sót điều gì.
Nhưng than ôi, lòng hăng say của tôi hình như tắt dần, những cố gắng cũng bớt đi, những quyết tâm cũng dần dần bị quên lãng. Vô tình hay cố ý, hay là lần lựa, tất cả đều do sự yếu đuối của con người, thêm vào cám dỗ của Ba Thù. Vì vậy mà tôi cảm thấy mình vẫn đứng lì một chỗ, con đường tâm linh không tiến bộ gì. Phải chăng tôi đã lơ là trong việc cầu nguyện? Chắc hẳn là như vậy rồi. Bởi vì cầu nguyện càng nhiều, tiếp cận với Chúa càng nhiều bao nhiêu, thì tôi mới được Chúa soi sáng, được ơn sủng và kết hiệp mật thiết với Ngài bấy nhiêu.
Tuy chưa thấy mình tiến bộ bao nhiêu, nhưng ít ra tôi cũng được an tâm phần nào, vì trông cậy vào ơn sủng Chúa, vào lòng Chúa xót thương và an ủi vì ý chí yêu mến và làm đẹp lòng Chúa vẫn còn trong tôi.
Năm nào cũng thế, tôi nhớ đến lời khuyên nhủ hãy siêng năng và thường xuyên suy gẫm về Cuộc Khổ Nạn của Chúa, để hiểu hơn về những đau khổ, mà Chúa phải chịu để cứu chuộc tôi. Điều đó sẽ làm cho Chúa được ủi an, và linh hồn sẽ yêu mến Chúa hơn. Một khi đứa con cảm nghiệm được cha mẹ mình hy sinh, chịu khổ cực, đau khổ vì mình bao nhiêu thì đứa con đó chắc hẳn sẽ thấy thương yêu cha mẹ nó hơn.
Lòng tôi luôn ước ao được yêu mến Chúa một ngày một hơn, vì vậy tôi đã và tiếp tục suy gẫm về Cuộc Khổ Nạn của Chúa. Nhưng tôi cảm thấy tâm hồn mình nguội lạnh làm sao! Chả lẽ tim tôi lại chẳng phải bằng thịt? Tôi rất buồn vì mình đối với Chúa như thế. Một trái tim lạnh băng, đó là tôi hay sao kia chứ? Tôi suy nghĩ và cầu xin Chúa, ban ơn cho tôi để khi suy gẫm Cuộc Khổ Nạn của Chúa, tôi cảm nhận nỗi đau buồn xót xa như các thánh vậy. Tôi biết rằng, không có ơn Chúa thì tôi không làm được gì cả, cả khi tuyên xưng Chúa Kitô là Con Thiên Chúa cũng không làm được. Như thánh Phêrô đã mạnh dạn trả lời với Chúa khi Chúa hỏi: “Còn các con, các con bảo Thầy là ai?”(Mc 8, 27-33)
Hình như trong Kinh Thánh Chúa đặt nhiều câu hỏi với các thánh tông đồ, nhưng hai câu hỏi mà tôi khắc ghi trong tim nhất là câu này: “Các con bảo Thầy là ai?”và câu “Phêrô, con có yêu mến Thầy không?”(Gn 21,15).
Để trả lời hai câu hỏi này, chẳng phải là dễ, vì câu trả lời phải đi đôi với việc làm để chứng tỏ những gì mình tuyên xưng.
Trong Mùa Chay, hai câu hỏi này lại đánh động tâm hồn tôi nhiều, và tôi đã nói với tôi rằng Chúa là ai? Là người yêu thương tôi, là người đã hy sinh mạng sống để cứu chuộc tôi, và tôi yêu Chúa lắm. Nhưng tình yêu tôi dành cho Chúa, tôi phải công nhận rằng quá ít ỏi.
Thánh Alphonse de Liguori dạy phải xin ơn được yêu mến Chúa mỗi ngày, mỗi khi cầu nguyện; vì vậy mỗi khi hiệp lễ, từ lúc lên nhận Thánh Thể, đến lúc bước chân chầm chậm về chỗ ngồi, tôi thì thầm nói với Chúa: “Lạy Chúa, xin cho con được yêu mến Chúa mỗi ngày một hơn”.
Trong lúc cầu nguyện, hình như người ta thường xin ơn, và nghĩ đến những nỗi đau khổ của mình nhiều, và nói với Chúa, xin Chúa ơn này ơn nọ, người ta như cảm thương cho nỗi đau của chính mình, hơn là cảm thương cho nổi đau của Chúa. Tôi cũng không ngoại lệ. Tôi cảm nhận được điều này, phải chăng là Chúa đang ban ơn cho tôi được yêu mến Chúa hơn.
Suy gẫm về Cuộc Khổ Nạn của Chúa, về trận đòn nhừ tử Chúa phải
chịu, về mão gai đâm sâu vào đầu Chúa, máu chảy đầm đìa, về đinh sắt đâm thâu qua chân tay Chúa, về nỗi đau khổ tột cùng vì cảm thấy mình bị ruồng bỏ… Tôi đã khóc, sụt sùi để cho dòng lệ tuôn chảy. Nhưng những giọt nước mắt này, hình như là nó không có chiều sâu, nó cũng có thể là vì tâm hồn tôi nhạy cảm. Các đấng thánh dạy rằng, không nên đo lường tình yêu, lòng đạo đức qua những cảm xúc bên ngoài. Điều đó rất đúng.
Tôi cầu xin Chúa ban cho tôi thật sự “cảm thương” Chúa, danh từ này tôi thấy rất sâu sắc, “cảm” có nghĩa là cảm thông, “thương” có nghĩa là thương yêu. Làm sao tôi có thể cảm thông được những đau khổ trên thân xác, lẫn tâm hồn của Chúa nếu tôi không nếm thử nó như thế nào. Bây giờ tôi mới hiểu vì sao các thánh lại đánh tội, vì các ngài muốn cảm nghiệm phần nào cái đau trên thân xác, mà Chúa đã phải chịu để cảm thông với Chúa. Khi ấy thì tình thương mới nảy sinh và lớn dần.
Tôi không có can đảm để hành xác như các ngài, hình như Chúa biết tôi như thế, nên Chúa chỉ soi sáng cho tôi làm một việc nho nhỏ mà thôi. Chúa ơi! Chúa thật tốt lành với con, vì hôm nay con cảm thông phần nào nổi đau trên thân xác Chúa.
Ở lại một mình sau Thánh Lễ, thay vì ngồi lần hạt, thì tôi quỳ, mà không tựa tay vào bàn quỳ, nhìn lên Thánh giá trên bàn thờ, thấy hai tay Chúa giang ra vì bị đóng đinh vào đó. Tôi chợt nhớ đến tấm hình tôi thấy qua, các nữ tu dòng Thánh Faustina, đã giang tay ngang tầm vai, cánh tay thẳng ra, khi lần chuỗi. A, thì ra thế, Chúa muốn tôi làm việc này. Và tôi giang hai tay mình ra, nhưng hơi hướng về trời như Chúa chịu đóng đinh, và tôi lần chuỗi.
Chỉ mới hai chục kinh thôi, tôi đã thấy mõi tay, và đau ở vai, rồi lần lần đau ở cổ, lúc ấy tôi cảm nghiệm phần nào. Tội nghiệp Chúa quá, chỉ trong vòng 10 phút, mà tay tôi đã mỏi đau, khó chịu, vì nó kéo tới vai rồi tới cổ, vậy mà Chúa tôi lại phải chịu trong vòng 3 giờ đồng hồ! Hai tay lại bị đóng đinh, thân xác tả tơi vì roi đòn, khát nước khô cả họng, lạnh lẽo giữa trời, trần truồng trơ trọi. Đau đớn, không chỉ nơi cánh tay, mà là cả thân thể Chúa, từ trên xuống dưới, không còn một nơi nào lành lặn.
Tay tôi mỏi quá, và đau ở vai, tôi buộc phải ngưng lại vài giây, và lúc đó nước mắt tôi tuôn trào, tôi đã “cảm thương” thật sự phần nào sự đau đớn, mà Chúa phải chịu khi giơ tay lên trong vòng ba tiếng đồng hồ. Ba tiếng dài đăng đẳng vì đau đớn tột cùng, một cử động nho nhỏ cũng làm cho Chúa quần quại khổ sở.
Lúc đó tôi quỳ, và tự nhiên bả vai đau, đến cổ đau, làm tôi tự nhiên chúi về phía trước, và tôi mất thăng bằng, vì quỳ mà không tựa vào bàn quỳ. Như vậy thì Chúa cũng thế, cổ Chúa chắc hẳn đau lắm nên thỉnh thoảng Chúa phải ngửa ra phía sau (như lời chân phước Ann Catherine Emmerich thuật lại), và khi ngửa ra sau thì mão gai lại đâm sâu vào đầu Chúa. Tư thế nào cũng gia tăng thêm sự đau đớn.
Tôi chỉ mới cảm nghiệm được tý xíu mà thô. Nhưng còn nỗi đau trong tâm hồn Chúa thì, thật sự tôi không dám xin Chúa ban cho, vì tôi quá nhát đảm.
Vì sau Chúa luôn luôn “chạnh lòng thương” và cảm thương cho nổi đau của chúng ta? Bởi vì Chúa đã trải qua. Khi tôi lần hạt giang tay, quỳ không tựa, tôi đã cảm thương Chúa và quên đi việc xin ơn cho chính tôi, lúc ấy tôi quên việc “cảm thương” chính mình; và nước mắt tôi tuôn rơi với nỗi xót xa trong tâm hồn tôi. Những giọt nước mắt này chắc hẳn không phải là nước mắt của một tâm hồn đa sầu đa cảm …
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con luôn biết cảm thương Chúa, cảm thương nổi khổ của tha nhân. Không phải chỉ vào Mùa Chay mà thôi, vì Chúa đã, đang và còn chịu Cuộc Khổ Nạn của Chúa do nhân loại ngày nay, vẫn đang tiếp tục đóng đinh và tra tấn Chúa dã man. Tội lỗi ngút ngàn, họ chối bỏ và tiếp tục phủ nhận Chúa là Con Thiên Chúa và nhạo báng khinh khi những gì là thánh.
Lạy Mẹ Maria, xin ban cho con được yêu mến Chúa, thay cho những tâm hồn này, và sức mạnh để con lội ngược dòng đời; một tình yêu mãnh liệt đối với Chúa Giêsu và ơn bền đỗ theo chân Ngài cho đến đồi Calvaire để được nghe Chúa nói bên tai: “Hôm nay con sẽ ở cùng Ta trên thiên đàng” (Lc 23,43). Amen
GBW |
|