|
CHƯƠNG VIII
RIVÔ – TORTÔ- VƯỜN NHÂN ĐỨC
 Chuyến này trở lại thành nhà, anh em không về Porziuncôla nữa. Một đàng, vì mười hai người không thể ở hết trong lều Phanxicô đã cất; đáng khác, rút kinh nghiệm cánh rừng cám dỗ ở Ortô, Phanxicô không dám ở hẳn một chỗ nào nhất định nữa. Anh em đành hạ trại ở Rivô - Tortô, từ cuối hè đến hết mùa đông.
Rivô - Tortô nghĩa là “Dòng suối quanh co”, cách Porziuncôla hai dặm. Địa hình bây giờ khó nhận định, vì dòng suối đã cạn từ bao giờ.
Trời đã trở về mùa thu.
Cảnh Ombria đã đẹp lại càng đẹp thêm. Gió hài hòa. Nắng dịu và ấm. Bầu trời trong suốt như thủy tinh. Những lúc mặt trời đã khuất sau rặng núi, ngước trông lên, như một tấm thảm muôn màu. Và đêm đến, ngàn sao lấp lánh, sáng ngời.
Trước vẻ đẹp phong phú thiên nhiên, lòng Phanxicô như lắng xuống, ngài say sưa thưởng thức như buổi thiếu thời đã từng say sưa cái vẻ huy hoàng rực rỡ của những tổ chúc đình đám ăn chơi. Ngài mở rộng tâm tư và những vẻ đẹp thiên nhiên kia bây giờ là những cái đà mới cho lời tán tụng.
Ngài thông cảm ấn tượng ấy cho anh em. Ngài bảo: Vũ trụ là một quyển sách khổng lồ, trong đó tên Chúa đã âm thầm ghi lên từng trang từng chữ. Tâm hồn muốn tìm Chúa, chỉ cần lưu ý một chút cỏn con, là thấy Chúa dễ dàng và có thể phụng thờ yêu mến Chúa qua bao nhiêu kỳ công sáng tác của Ngài.
Nhưng Rivô - Tortô chưa hẳn là một thắng cảnh chỉ gợi toàn tư tưởng đẹp. Rivô - Tortô còn là một mùa xuân nhân đức nở hoa. Những thứ hoa đặc biệt là: đức khôn ngoan đi đôi với lòng đơn giản, đức khó nghèo với lòng khiêm hạ, đức bác ái với đức vâng lời. Nhưng kể ra, đức nghèo vẫn là đức được đặt làm căn bản độc đáo cho cả dòng.
ĐỨC NGHÈO
Người khác có thể sống một cuộc đời nghèo vì lý do triết lý, đạo đức hay hy sinh, bác ái. Phanxicô và anh em muốn nghèo vì tình yêu Chúa Kitô. Thấy Chúa xưa nghèo thiếu, Phanxicô đem lòng thương mến và muốn được như ngài. Phanxicô coi đức nghèo như người bạn tâm giao đã không bao giờ rời xa Chúa từ hang đá Bethléem đến đỉnh núi Sọ. Nhưng từ ngày Chúa ngự về trời, đã hai mươi thế kỷ, bà Chúa nghèo ở lại, bị mọi người ruồng rẫy coi khinh, bơ vơ không nơi nương tựa.
Đọc sách “Giao ước linh thiêng của thánh Phanxicô và Bà Chúa Nghèo” kể lại cuộc gặp gỡ lần đầu tiên giữa đoàn Hiệp sĩ Chúa Kitô và Bà Chúa Nghèo, ta thấy tuy Đức Nghèo được đề cao nhưng lại có nhiều đòi hỏi khắc khe.
Hai đoạn chính của sách kể chuyện nhà thơ rong Thiên Chúa cùng mấy người bạn đồng hành, không bị không gậy, hai tay không, phiêu lưu mạo hiểm khắp bốn phương trời, cố tìm cho được Bà Chúa Nghèo xinh đẹp, đã bị phụ tình. Sau khi đã lên thác xuống ghềnh, vượt qua bao nhiêu gian hiểm, anh em gặp Bà trên đỉnh núi cao.
Gặp bà, nhà thơ rong cất lời ca tụng duyên dáng cao quý của bà và tha thiết xin bà đưa đường chỉ lối tìm đến Chúa Kitô.
Gặp anh em, Bà Chúa Nghèo cũng vui mừng hớn hở. Bà kể lại cho nghe cuộc đời lưu lạc bơ vơ, bị trần gian bạc đãi của bà, giọng đượm buồn và ngụ ý trách móc. Anh em cảm động ứa nước mắt, thề quyết thủy chung với bà. Rồi thỉnh bà về thăm tu viện anh em ở.
Sau đây là đoạn trích trong Giao Ứơc Linh Thiêng, kể lại bữa tiệc anh em tổ chức mừng Bà Chúa Nghèo đến thăm tu viện.
“Thức ăn đã dọn, anh em mời Bà Chúa Nghèo dùng bữa. Bà Chúa truyền:
Trước bữa ăn, yêu cầu anh em hướng dẫn tôi tham quan nhà nguyện, phòng tu nghị, nội viện, phòng ăn, phòng ngủ, chuồng nuôi gia súc gia cầm, bàn ghế chạm trổ bóng nhoáng và tòa ngang dãy dọc của anh em. Các cơ sở ấy ở đâu, tôi chỉ thấy anh em bình thản vui vẻ, như đã được thỏa mãn, nên tôi được an ủi và tràn đầy vui mừng.
Anh em thưa lên: “Tâu lệnh Bà, tâu Hoàng hậu, các tôi tớ của bà đi đoạn đường xa, đã thấm mệt, và hẳn lệnh Bà đi với chúng tôi cũng mệt. Xin lệnh Bà vui lòng, chúng tôi cùng ăn uống lấy lại sức, sau đó chúng tôi xin thi hành theo ý lệnh Bà.
Bà Chúa nói: “Ý kiến hay ! Vậy anh em hãy đi lấy nước để chúng ta rửa tay, nhớ lấy thêm cái khăn để lau tay”. Anh em vội đi tìm một cái bình đựng được nhiều nước, nhưng tìm không có, đành đưa ra một cái chậu sành nhỏ, đựng được ít nước. Anh em dội nước lên tay bà, vừa nhìn chung quanh như tìm cái khăn. Nhà không có khăn, một anh em đành đưa vạt áo để Bà Chúa lau tay. Bà Chúa nói lời cảm ơn, nhưng lòng bà ngợi khen Chúa đã ban cho Bà những người bạn đồng hành như thế.
Anh em mời Bà Chúa đến chỗ đặt bàn ăn, trên bàn thức ăn đã dọn sẵn. Bà Chúa đưa mắt thoáng nhìn, chẳng thấy gì ngoài bốn năm ổ bánh lúa mạch thứ thường, đặt trên mấy nắm cỏ. Bà rất ngạc nhiên và tự nghĩ: “Ai đã từng thấy như vậy chưa, từ xưa tới nay. Ngợi khen chúc tụng Chúa, là Thiên Chúa, Chúa đã quan tâm đến hết mọi người! Chúa có thể những gì Chúa muốn. Chúa dạy dân Chúa biết làm những gì đẹp lòng Chúa. Và Bà Chúa cùng anh em ngồi xuống, đồng thời dâng lời cảm tạ Chúa, vì Chúa đã ban mọi ơn lành.
Bà Chúa truyền bưng các đĩa đựng món ăn ra. Anh em đem đặt giữa bàn một cái tô sành đựng nước lã, để mọi người chấm bánh khô cho mềm, dễ ăn, nhà không có các món nấu nướng chiên xào.
Bà Chúa truyền thôi thì đem món rau sống ra cũng được. Nhưng anh em không có vườn để trồng rau. Anh em vội chạy vào ven rừng hái một ít rau dại đem về dâng lên cho bà. Bà bào: “Xin cho ít muối, vì rau đắng khó ăn”. Anh em thưa: “Xin lệnh bà chờ cho một lát, để anh em có đủ thời giờ về xin ở thành phố, và cũng còn tùy nếu có người cho”- “Vậy xin cho con dao, để cắt bỏ các lá rau đã vàng và cắt bánh đã khô và cứng”.
“Thưa trong anh em không ai làm nghề thợ rèn. Sau này chúng tôi sẽ tìm cho bà một con dao, tạm thời xin bà dùng răng để cắn bánh”- “ Nhà có rượu không ?” Anh em thưa: “Tâu lệnh bà, chúng tôi không có rượu, vì nguyên sơ con người chỉ sống bằng bánh và nước. Hơn nữa bà là bạn trăm năm của Đức Kitô, uống rượu không tốt, rượu là chất độc hại. Sau khi đã dùng bữa, anh em cảm thấy vui hơn, vì đã được sống trong cảnh nghèo vinh quang, còn hơn cảnh giàu có sung túc gấp bội. Anh em dâng lời chúc tụng Chúa đã ban cho ơn trọng đại như thế và anh em mời Bà Chúa Nghèo đi nghỉ. Bà cũng cảm thấy mệt. Bà phải nằm giữa đất, không chăn không chiếu. Bà truyền lấy gối để kê đầu. Anh em bê hòn đá đặt dưới đầu bà.
Sau giấc ngủ ngắn và ngon, bà yêu cầu anh em hướng dẫn bà đi tham quan tu viện. Anh em đưa bà lên một ngọn đồi cao, rồi vun tay chỉ bốn phương trời. – “Tâu lệnh bà đó là tu viện của chúng tôi”.
Bà cảm động. Bà còn nói thêm ít lời huấn dụ khuyến khích nữa rồi từ giã anh em.
Đức Nghèo có những đời hỏi khắt khe, nên đời sống của anh em ở Rivô - Tortô quả thật là khắc khổ.
Túp lều anh em tạm trú cũng chẳng rộng đủ dung nạp con số mười hai người. Túp lều ấy bỏ hoang làm nơi ẩn cho khách lỡ đường tránh mưa gió. Bé và thấp, không đủ chỗ, nhưng Phanxicô vẫn từng nhắc lại: Đường lên trời bắt đầu từ lều tranh hẳn ngắn hơn từ cung điện. Ngài lấy phấn trắng ghi lên xà tên mỗi anh em để khi tới giờ cầu nguyện hay nằm ngủ, ai nấy đều có chỗ riêng, khỏi mất trật tự và làm ồn ào.
Khổ về chỗ ở, anh em lại thiếu thốn cả cái ăn. Các nhà dưỡng phong hay các thôn xóm anh em tới làm công, có lẽ cũng nghèo, cũng ít việc làm, nên thường thường anh em phải nuôi thân với cũng của thừa, ăn mày từng cửa. Bữa ăn sơ sài kham khổ, bụng đã quen rồi, mà lắm khi vẫn không có. Anh em đành lượm củ cải rơi rớt ngoài đồng hay trên các ngã đường, đem về luộc.
Sự thiếu thốn làm khổ tâm anh em hơn hết là không có lấy một ngôi nhà nguyện nhỏ, cho dẫu bằng tranh. Nhà nguyện của anh em chỉ là một cây Thánh giá to bằng gỗ, cắm giữa trời, có lẽ dưới bóng một cây cổ thụ. Sách đọc là đó. Sách kinh là đó.
Bàn thờ cũng là đó nữa. Có khi lẻ tẻ từng người, có khi tất cả mười hai anh em, quỳ gối chung quanh, lặng lẽ suy về cuộc tử nạn của Chúa Cứu Thế, suy cho đến độ lòng thổn thức và nước mắt chảy ròng ròng mới thôi.
HÃM MÌNH
Mức sống ở Rivô - Tortô đã khắc khổ, thế mà hễ Phanxicô không cấm là anh em còn tự nguyện sát phạt thân thể nhiều cách. Thường khi Phanxicô phải điều chỉnh lại lòng nhiệt thành quá độ ấy.
Một hôm cả dòng đang ngủ bỗng vùng dậy. Có tiếng rên dài: “Chết mất! Chết mất thôi!”. Mọi người xôn xao, Phanxicô ra lệnh:- Anh em! Dậy! Dậy! Đốt lửa lên!
Khi căn lều đã sáng ánh lửa theo lệnh Phanxicô, ngài hỏi:
- Ai là người sắp chết?
- Thưa anh, em.
Nhìn người anh em trẻ tuổi, mắt trắng dã, chân tay buông xuôi, ngài dịu dàng hỏi tiếp:
- Tại sao mà chết? Em đau bệnh gì?
- Thưa anh, vì đói quá!
Phanxicô bảo lấy đồ ăn và bánh dọn bữa cơm bất thường. Cả nhà cùng ăn với người sắp chết đói. Tiện thể người khuyên anh em đừng giữ chay nhiệm nhặt quá:
- Anh em ạ. Mỗi người phải xử sự theo tính trời. Có người mạnh khỏe, ăn ít vẫn sống được. Ai ăn nhiều thì đừng bắt chước người ấy. Mọi người phải liệu cho thân thể đủ sự cần thiết để nó có thể phục vụ tinh thần. Đừng quá độ trong lúc ăn uống, đã có hại cho xác lại có hại cho linh hồn. Nhưng cũng phải cẩn thận, đừng nhịn ăn quá độ. Điều Chúa đòi hỏi ta, không phải là những việc hãm mình, mà chính là thái độ đền tội hãm mình thành thật. Về điểm này, anh em không nên theo kiểu hãm mình của tôi. Đứng đầu gia đình chung, tôi có bổn phận riêng phải hãm mình. Vả cái bụng tôi chỉ cần vài ba miếng đồ ăn đơn sơ là đủ sống rồi.
Vài ba miếng đơn sơ ấy, nhiều lần Phanxicô còn rắc tro hay pha thêm nước lã vào. Cử chỉ này đã làm phiền lòng anh Bonaparte, là anh nấu bếp. Một bữa, anh buồn và trách Phanxicô:
- Anh bảo em không buồn làm sao được. Một đàng em cứ lo lắng nấu món ăn cho vừa để anh khỏe mạnh. Một đàng, anh lại tìm cách phá cho nó hư đi. Nấu cho ngon rồi phá đi thì nấu làm gì? Phanxicô an ủi:
- Này anh Bonaparte, thì hai đàng chúng ta đều có ý ngay lành cả. Tôi làm việc tôi, còn anh, anh cứ lo nấu ăn cho ngon. Hẳn là Chúa không quên đền công cho mỗi người chúng ta.
Ở Rivô - Tortô, nhiều lần Phanxicô đã phải nhắc lại vấn đề hãm mình. Ngài nêu nguyên tắc sau này:
- Anh em chỉ cần sát phạt thân thể mình, một khi đã cung cấp cho nó đủ nhu cầu, mà nó còn cố tình lười biếng. Trường hợp lười biếng, thì đối với thân thể cũng như đối với chú lừa đã cho ăn uống đầy đủ mà vẫn không chịu tải đồ, cứ lấy đòn mà nói chuyện với nó.
Phanxicô lại chủ trương rằng sự sống là một ơn lành Chúa ban. Người bảo:
- Khi đau cũng như khi lành, người tu sĩ phải khiêm tốn nói ra điều mình cần. Nếu không được như ý thì phải kiên nhẫn chịu đựng bệnh tật của mình vì lòng mến Chúa. Đó là đường lối người tu sĩ đi tìm triều thiên tử đạo.
Những lối hãm mình không có hại cho thân thể mà còn có lợi cho linh hồn cũng được ngài nhắc tới luôn. Chẳng hạn hạn ngài khuyên anh em không nên tìm nghe tin tức mới lạ, vì chính trị cũng như về khoa học. Chúng chỉ làm xao lãng tâm trí và làm mất thì giờ. Mùa thu ấy, Hoàng đế Othon IV, từ Rôma về Rivô - Tortô. Ngoài đường xe ngựa rầm rộ. Phanxicô vào lều đóng cửa lại và khuyên anh em không nên ra xem. Đã không ra xem, ngài còn bảo một anh em ra đợi bên đường, bảo cho Hoàng đế biết danh vọng không bền và danh vọng riêng của Hoàng đế cũng sắp tan. Lời tiên báo đã ứng nghiệm. Othon bị Đức Giáo hoàng ra vạ tuyệt thông và đặt Frédéric lên thế vị.
LÒNG KHIÊM HẠ
Một hôm nghe đọc bản Luật Dòng đến câu: “Anh em phải tự coi mình là kẻ nhỏ mọn hèn hạ, sau hết mọi người”. bỗng Phanxicô có ý kiến lấy hai chữ “Hèn mọn” đặt tên cho anh em. Ngài bảo nghỉ đọc rồi tuyên bố: Đó chính là đường lối của anh em, từ nay về sau phải gọi là “Anh em Hèn mọn”.
Cái tên ngài đặt đây đã nói rõ được địa vị của anh em trong xã hội cũng như trong Giáo hội. Địa vị sau hết. Đối với Phanxicô, đức Khiêm hạ cũng phải như đức Nghèo. Đã san sẻ cảnh nghèo đói của Chúa xưa thì cũng phải san sẻ những nỗi nhục nhã của ngài. Phanxicô nói: “Bỏ hết của cải vật chất mà còn giữ lại một thứ của là lòng tự ái, thì nói bỏ hết thế nào được”.
Theo Cêlanô, thì tư cách anh em ở Rivô - Tortô rất phù hợp với tên “Hèn mọn”: Anh em sống như những người bạch đinh, những người thường dân, những thành phần thấp nhất trong xã hội, mai danh ẩn tích, không muốn phô trương và thường lại tìm cơ hội để rước lấy điều nhục nhã. Nếu không có cơ hội, thì anh em lại tạo ra cơ hội. Chẳng hạn như Giuniphêrô sau này cởi áo đóng gói thành gói, đội lên đầu rối cứ như thế mà đi khắp thành Assisi, cho mọi người chế nhạo.
LAO ĐỘNG VÀ GIẢNG DẠY
Đi đôi với việc huấn luyện anh em, Phanxicô cũng chú trọng đến việc chân tay và việc giảng dạy giáo dân. Sống đời nghèo không phải là sống lười biếng. Ở Rivô - Tortô, anh em vẫn hiểu và vẫn giữ đúng định luật cao cả của sự làm việc.
Anh em mỗi người một việc và thường lao động như đi làm thuê làm mướn cho đồng bào, trong nhà ngoài đồng. Thường anh em cũng rao giảng lời Chúa cho khách qua đường hay dân nghèo, những khi anh em làm công cho họ.
Riêng Phanxicô, ngoài những giờ lao động, ngài đi giảng ở các công trường hay trong các nhà thờ. Đức Giám mục Guiđô quên thế nào được đứa con yêu dấu bao lần ngài ủng hộ. Nói đến chuyện vừa giảng bằng lời nói, vừa giảng bằng việc làm, thì còn ai hơn được Phanxicô? Ngày nay khách du lịch đến viếng nhà thờ chính tòa thành Assisi, còn được thấy một phòng nhỏ bên cạnh. Nơi đây Phanxicô thường đến trú đêm, dọn bài giảng, để ngày mai giảng lễ sớm.
Nói đến giảng và nghe giảng, thì công chúng thông cảm rất nhanh, Cười dễ mà khóc cũng dễ, hoan nghênh ngay và cũng phản đối ngay. Thuyết phục quần chúng ấy là phải để lòng nói với lòng. Họ ưa điệu nói của kịch lý, kèm theo cử chỉ lớn với động tác mạnh, Phanxicô từ tư cách đến điệu bộ lại thích hợp với thính giả, ngài đã nói bằng thân thể lẫn tâm hồn. Không cố gắng gì mà tự nhiên lời nói rung động theo nhịp lòng. Rồi tay chân, thân thể cử động hòa nhịp với lời nói.
Cái tài làm cảm động người nghe, Phanxicô có thừa: tiếng nói dồi dào, êm dịu, trong và rõ, dễ dàng uốn theo ý nghĩa của từng câu từng phần. Chỉ có một điểm đáng tiếc là Phanxicô dáng người thấp bé, thân thể gầy guộc, không lôi cuốn ai. Bao nhiêu đường nếp tự nhiên, thanh lịch lại bị lấp đi dưới bộ áo thô nghèo. Thế nhưng khi ngài nói thính giả lại quên ngay dáng người xấu xí, chỉ còn biết cảm thông ngọn lửa nồng nhiệt đang đốt cháy tâm hồn kẻ tông đồ. Những lúc ấy, đối với thính giả, Phanxicô là con người của thế giới khác. Tâm hồn hướng về trời, đôi mắt cũng đăm chiêu về phía ấy, con người này đem hết sức thiêng lôi cuốn mọi người cùng lên cao với mình.
Lẽ thống hối, lẽ hòa bình và bác ái, đó là ba đề tài chuyên giảng của Phanxicô và anh em. Ngài mạnh tay lột trần những căm thù ghen ghét đang sôi sục giữa các đảng phái trong châu thành. Ngài nhắm thẳng vào kiều vọng của lớp quý tộc và thị dân vì họ quá tham lam quyền hành gây nên thù oán với lớp dân đen. Giữa những cuộc giao tranh huynh đệ tương tàn, dưới mọi hình thức, Phanxicô đã hô to tiếng gọi hòa bình, át cả lời hô báo oán, tiếng gọi hòa bình đã lọt tai mọi người, những mối thù truyền nghiệp, truyền họ, truyền nhà, những mối thù giai cấp dần dần long rễ, đứt chân và nếu không ngã hẳn thì cũng ít có điều kiện nảy nở lan tràn thêm.
Lịch sử nội trị Assisi còn ghi một bản thỏa hiệp ký kết cuối mùa đông 1210 - 1211, ngày mồng 9 tháng 12. Nhân danh bản thỏa hiệp này, hai giai cấp lớn nhỏ trong thành cùng long trọng ký kết, đồng tâm cộng tác làm cho thành Assisi giàu mạnh. Hai bên hứa không liên kết với Đức Giáo hoàng hay Hoàng đế, với một quốc vương hay với bất cứ một châu thành nào, khi không có sự thỏa thuận chung của toàn dân. Ngoài ra hai bên còn ký kết tôn trọng quyền lợi riêng của nhau và từ đây sống hoàn toàn hòa hảo. Những tù chính trị và những kẻ lưu vong được gọi về. Toàn thể dân chúng thuộc lãnh thổ Assisi đều được hưởng quyền lợi như dân thị xã. Chữ ký đôi bên đều có danh dự bảo đảm. Các thứ thuế má đều được quy định hẳn hoi.
Đứng trước kỷ nguyên hòa bình đang mở cửa này, không ai dám từ chối ảnh hưởng của Phanxicô. Những bài giảng ở công trường và ở nhà thờ chính tòa lại được đời sống của anh em ở Rivô - Tortô phụ họa vào, để cấu thành ảnh hưởng sâu xa giữa ý thức dân thành.
LÒNG MẸ.
Với những bài học khó nghèo, khiêm hạ, kiên nhẫn và đơn sơ, anh em ở Rivô - Tortô còn nhận được ở Phanxicô một tình thương chan hòa êm dịu. Anh em thường gọi ngài là “Bà mẹ rất yêu dấu”.
Một bữa kia, anh Sylvêtê lộ vẻ mặt thiểu não. Nhưng chẳng ai để ý đến, vì cả nhà ai ai cũng sống trong kỷ luật khắc khổ. Riêng Phanxicô ngài nhận thấy ngay. Ngài tự bảo: Chắc đây là tại buổi sáng bụng không. Giá có ít chùm nho cho anh ta ăn là hết. Sáng hôm sau, trời chưa sáng hẳn, Phanxicô đã dậy đánh thức Sylvêtê, rồi khi cả nhà đang ngủ, hai anh em dắt nhau đến một vườn nho gần đấy, hái mấy chùm ăn điểm tâm.
Một bữa khác, Phanxicô đi đường với anh Lêô. Dọc đường Lêô mệt quá. Gần đấy có vườn nho chín muồi. Phanxicô hái ít chùm. Lêô ăn xong là khỏe ngay. Nhưng ông chủ vườn băng rào chạy ra, chẳng nói chẳng rằng, giơ cao gậy đánh mãi vào lưng người hái trộm. Phanxicô chịu đòn, miệng hát lời ngợi khen Chúa.
Trên quãng đường còn lại, thỉnh thoảng Phanxicô quay nhìn Lêô và hát:
Anh Lêô được ăn nho.
Phanxicô bị đánh ra trò,
Miệng Lêô ngọt vị đường,
Thân Phanxicô đã giãn xương.
Ở Rivô - Tortô, Phanxicô săn sóc anh em với hai bàn tay và một lòng mẹ. Phanxicô là linh hồn của anh em. Có ai bị cám dỗ hoặc bị khó khăn, không đợi phải nói ra, Phanxicô đã đoán biết. Ngài lo lắng và đau khổ hơn chính nạn nhân. Lời ngài bao giờ cũng giàu sức an ủi. Như một người mẹ đảm đang, ngài lo trước đủ chuyện. Kinh nghiệm đã cho ngài thấy những trở ngại của buổi đầu của những kẻ nghe tiếng Chúa gọi và đang trung thành dấn thân vào đường hẹp. Ngài biết rõ những nỗi vui buồn đang cấu kết ở giai đoạn đầu của một người muốn sống đời sống thiêng liêng, khi cảm thấy mình có hạnh phúc cũng như bị đau khổ.
Đáp lại, anh em đối với Phanxicô cũng hết tình anh em. Ở Rivô - Tortô, dòng mới đến ở chưa ổn định gì như ngày ở Porziuncôla. Đối với anh em, Phanxicô giải quyết tất cả, Phanxicô là kỷ luật, là tư tưởng, là hy vọng, là dây thắt chặt anh em với nhau và toàn thể anh em với Chúa. Trên đoạn đường gay go anh em vừa đặt chân lên, Phanxicô là nghị lực, là sức cố gắng của những bàn chân mềm yếu đang dò dẫm bước đi. Đó là ý nghĩ của toàn thể anh em. Câu truyện sau đây sẽ nói hết:
Như thường lệ, mỗi đêm thứ bảy, Phanxicô lên nhà thờ chính tòa Assisi dọn bài giảng ngày mai. Đêm ấy, ở Rivô - Tortô, anh em chia nhau, người nằm ngủ, người thức cầu nguyện cầm canh. Bỗng tất cả đều sửng sốt nhìn lên. Kìa một cổ xe, trên xe lửa cháy đỏ rực, hiện ra và chạy khắp các xó lều. Trên đỉnh cổ xe, có một quả cầu lửa sáng chói. Người anh em được ánh lửa chiếu sáng. Linh hồn của anh em cũng được ánh lửa đó chiếu sáng. Mỗi người đều thấy rõ tâm trạng của những anh em khác. Sau khi cổ xe biến mất rồi, anh em mới tìm hiểu hiện trạng phi thường ấy và mọi người đều đồng ý kết luận rằng: đó là tinh thần của Phanxicô đã biểu diễn sức hiện diện giữa anh em người. Sáng hôm sau thấy Phanxicô tự nhiên biết chuyện đã xảy ra đêm qua, anh em đều cho rằng mình tin đúng.
BỊ ĐUỔI.
Tuy nhiên, Rivô - Tortô vẫn chưa phải là tổ ấm đầu tiên, êm hiền và trường cửu của anh em.
Ngày kia, đúng giờ kinh chung của gia đình, có một bác nhà quê dắt con lừa đứng trước cửa lều. Bác bảo con lừa:
- Vô đây! Vô đây! Có cái chuồng lừa nào sạch sẽ hơn cái chuồng này nữa không? Vô mau!
Rồi thúc con lừa vào bừa căn lều, bác vừa hét vừa mắng con lừa thậm tệ. Nào chiếm đoạt chỗ trọ chung của mọi người. Nào ăn không ngồi rồi, vô tích sự. Trong ý bác định chửi anh em, nhung bác nhắm bụi tre nhè bụi hóp. Phanxicô cực lòng vì anh em bị sỉ nhục tội nghiệp. Rồi sợ bị tình nghi mâu thuẫn với đức Nghèo, phần sợ không đủ yên tĩnh để cầu nguyện, Phanxicô không phản đối bác nhà quê. Ngài chỉ nói:
- Anh em ạ! Sự thật Chúa không gọi ta làm nghề mở quán cho lừa trọ. Chúa gọi ta cầu nguyện và dẫn đường cho người đời được rỗi.
Nói rồi, ngài dẫn anh em ra khỏi lều và từ giã luôn Rivô - Tortô. |
|