|
LỜI NÓI DỄ THƯƠNG
1. LỜI CHÚA: Thánh Gia-cô-bê khuyên các tín hữu như sau: “Nếu ai không vấp ngã về lời nói, ấy là người hoàn hão; có khả năng kiềm chế bản thân. Nếu ta tra hàm thiếc vào miệng ngựa, để bắt chúng vâng lời, thì ta điều khiển được toàn thân chúng. Anh em cũng hãy nhìn xem tàu bè: Dù nó có to lớn, và có bị cuồng phong đẩy mạnh thế nào đi nữa, thì cũng chỉ cần một bánh lái rất nhỏ để điều khiển theo ý của người lái. Cái lưỡi cũng vậy: nó là một bộ phận nhỏ bé của thân thể, mà lại huênh hoang làm được những chuyện to lớn. Cứ xem tia lửa nhỏ bé dường nào, mà làm bốc cháy đám rừng to lớn biết bao! Cái lưỡi cũng là một ngọn lửa, là cả một thế giới của sự ác. Cái lưỡi có một vị trí giữa các bộ phận của thân thể chúng ta, nó làm cho toàn thân bị ô nhiễm, đốt cháy bánh xe cuộc đời, vì chính nó bị lửa hỏa ngục đốt cháy. Thật thế, mọi loài thú vật và chim chóc, loài bò sát và cá biển, thì loài người đều có thể chế ngự và đã chế ngự được. Nhưng cái lưỡi thì không ai chế ngự được: Nó là một sự dữ không bao giờ ở yên, vì nó chứa đầy nọc độc giết người. Ta dùng lưỡi mà chúc tụng Chúa là Cha chúng ta, ta cũng dùng lưỡi mà nguyền rủa những con người đã được làm ra theo hình ảnh Thiên Chúa. Từ cùng một cái miệng, phát xuất lời chúc tụng và lời nguyền rủa. Thưa anh em, như vậy thì không được (Gc 3,2-10).
2. CÂU CHUYỆN:
Có một chị vợ kia đang cặm cụi nhổ cỏ ở thửa ruộng phiá sau nhà. Anh chồng hôm đó tới phiên ở nhà lo việc nội trợ liền cố ý trổ mấy món ruột của mình để lấy điểm với bà xã. Khi đã nấu ăn xong, anh sai đứa con nhỏ ra ngoài ruộng mời mẹ về nhà ăn cơm. Chị vợ nghe xong không nói một lời và cứ tiếp tục ngồi nhổ cỏ. Một lúc sau không thấy con trở về, anh chồng lại sai đứa con khác ra mời, nhưng chị vợ vẫn tiếp tục làm việc. Lần thứ ba anh chồng sai con út ra mời và thầm nghĩ: “Quá tam ba bận. Thế nào bà xã mình cũng phải về nhà”. Thế nhưng lần này nghe con mời, chị vợ lại tỏ vẻ tức bực đứng dậy hét lên: “Mau về bảo với cái thằng cha mày là nếu có đói thì cứ việc hốc trước đi!” Trước cơn tam bành của mẹ, đứa út ba chân bốn cẳng vội chạy về nhà méc bố lời mẹ nói. Đến lúc này thì điều gì phải đến đã đến: Sau khi nhổ hết đám cỏ dại, chị vợ đủng đỉnh về nhà. Nhưng vừa vào tới sân thì hàng xóm đã nghe thấy những tiếng la thất thanh: “Ối Giời đất ơi! Nó đánh tôi! Ối làng nước ơi! Nó muốn giết tôi!!!” Rồi sau đó là cảnh nồi niêu xoong chảo, chổi cùn, rế rách, mâm bàn chén đĩa... cùng những thứ cao lương mỹ vị thi nhau bay vèo ra ngoài sân, vì sức chịu đựng của anh chồng có hạn... Giá như chị vợ biết ăn nói nhún nhường và tế nhị hơn một chút thì sự thể đâu đến nỗi đáng tiếc như vậy, và khuôn mặt chị đâu bị tím bầm do những cái tát của đức ông chồng...
3. SUY NIỆM:
Tục ngữ có câu: “Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo” nên mới có câu ca dao: “Ở sao cho vừa lòng người: Ở rộng người cười ở hẹp người chê! Cao chê ngổng thấp chê lùn, Béo chê béo trục béo tròn, Gầy chê xương sống xương sườn phơi ra. Khôn ngoan thì bảo rằng ngoa, Vụng dại lại bảo thằng ngu thằng đần!!!”. Với cái lưỡi không xương nhiều đường lắt léo thì người ta nói sao cũng được miễn có lợi, nên thánh Gia-cô-bê đã dạy cái lưỡi người ta tuy bé nhỏ, nhưng có khả năng làm nhiều điều lớn lao, và còn có thể làm hoen ố cả con người chúng ta nữa (x Gc 3,1-10).
Thực ra, nếu bình tâm suy nghĩ thì chúng ta thấy những sự bất hòa xảy ra giữa bạn bè, chồng vợ, cha con, anh em hay hàng xóm láng giềng... phần lớn đều do miệng lưỡi mà ra. Nếu làm chủ được cái lưỡi thì chúng ta sẽ tránh được biết bao mối bất hòa và cuộc sống gia đình cũng như khu xóm sẽ hóa nên vui vẻ hạnh phúc biết bao!
“Nói vừa lòng nhau” nghe qua thì có vẻ khó, nhưng thực ra cũng không khó để có thể làm vừa lòng người đối diện, miễn là mỗi người phải thành tâm thiện chí suy nghĩ trước khi nói. Chẳng hạn:
- Một cô bạn khoe chiếc áo mới, bạn thấy chẳng đẹp tý nào vì rộng quá. Thay vì nói thẳng: “Nhìn thấy không hợp với người cô chút nào”, thì bạn hãy mỉm cười và tránh trả lời trực diện, bạn có thể nói: “màu sắc của áo rất hợp với cô, nhưng nếu may ôm vào một chút nữa thì chắc cô mặc sẽ đẹp hơn nhiều...” Nói như vậy người kia sẽ không bị phật lòng mà vẫn nhận ra chiếc áo mới may kia hơi bị rộng.
- Một cô bạn cùng phòng đưa “bạn trai” tới trình diện bạn bè trong buổi sinh nhật một người trong nhóm và hôm sau cô ta hỏi đánh giá của bạn về anh ta thế nào. Thực ra bạn không mấy thiện cảm với lối nói chuyện khoe mẽ về mình quá nhiều, và khi hát karaoke thì lại làm điệu quá đáng. Nhưng thay vì nói hụych tọet khuyết điểm kia ra, bạn hãy kiếm một ưu điểm nào đó của chàng ta như: ăn mặc hợp “mốt”, “điển trai” để khen trước, rồi sau đó mới nhẹ nhàng thêm: “Giá như chàng của cô nói ít hơn một chút thì sẽ tuyệt vời đấy”. Dù cô nàng biết rõ mười mươi bạn chê chàng ta nói nhiều, nhưng cũng không giận vì những lời khen tặng trước đó.
- Bạn và bạn trai tranh luận căng thẳng về một vấn đề nào đó mà bạn biết chắc mình đúng, thế nhưng anh ta lại cố chấp cứ cãi “cù nhầy” khiến bạn tức điên lên. Nếu bạn không muốn kết thúc trong im lặng thì cũng không nên nói vào mặt hắn: “Anh chỉ được cái già mồm!” mà hãy nói: “Em thấy anh cũng biết nhiều đấy, nhưng tại sao chúng ta lại không nhờ người thứ ba là cô giáo phân giải xem sao”. Khi đó bạn không những sẽ chiến thắng, mà còn bắt hắn ta phải “tâm phục khẩu phục” bạn nữa đó.
Trên đây chỉ là vài ba ví dụ trong đời sống thường ngày. Bạn có thể áp dụng nguyên tắc “Nói cho vừa lòng nhau” tùy mỗi hoàn cảnh. Điều quan trọng là phải luôn biết đặt mình vào hoàn cảnh của người đối diện để cảm thông và tránh thốt ra những lời nặng nề khi nóng giận để tránh tình trạng: “Nhất ngôn hữu xuất, Tứ mã nan truy”- Một lời nói ra lúc nóng giận sẽ khó lòng có thể lấy lại được.
4. THẢO LUẬN:
1-Phải chăng “Nói cho vừa lòng nhau” là thiếu trung thực?
2-Trong đời sống thường ngày chúng ta nên nói năng thế nào để giữ được hòa khí trong gia đình hay trong cộng đoàn mình đang sinh hoạt?
5. LỜI CẦU:
Lạy Chúa Giê-su. Xin cho chúng con ý thức tầm quan trọng của lời nói để cẩn trọng trước khi nói như lời khuyên của người xưa: “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”. Xin cho chúng con ý thức hậu quả nguy hại của những lời nói có thể gây ra cho người khác: “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy”- Một lời nói ra bốn con ngựa khó lòng truy đuổi, để cân nhắc trước khi nói ra. Xin cho chúng con biết thực hành lời thánh Giacôbê: “Mau nghe, chậm nói khoan giận” để xây dựng tình yêu thương và bảo vệ sự hiệp nhất giữa cộng đoàn.
LM ĐAN VINH |
|