Suy niệm Tin Mừng thứ Năm tuần 14 thường niên
TINH THẦN NGHÈO KHÓ ÐÍCH THỰC
(Mt 10,7-15)

Nhân dịp Đại Hội Thánh Thể Thế Giới tại Tiểu Bang Philadelphia vào ngày 6 tháng 8 năm 1976, Mẹ Têrêsa Calcutta đã chia sẻ rằng các tu sĩ trong Dòng của Mẹ đã cam kết tự nguyện sống khó nghèo và cam kết phục vụ những con người nghèo khổ nhất.
Mẹ Têrêsa kể rằng để Mẹ và các nữ tu dòng của Mẹ có thể hiến dâng trọn vẹn cho Chúa và phục vụ các người nghèo thì khi bắt đầu một ngày mới, họ đến với Chúa Giêsu Thánh Thể qua việc tham dự Thánh Lễ. Rồi họ cùng với Chúa Giêsu ra đi phục vụ người nghèo đói, bệnh tật.
Thưa anh chị em,
Khi sai các Tông Đồ đi rao giảng, thay vì nhắc các ông trang bị đầy đủ các phương tiện vật chất, Chúa Giêsu lại căn dặn các ông hãy sống khó nghèo: Ra đi với hai bàn tay trắng, chỉ có CHÚA LÀ GIA NGHIỆP, người ta tiếp đón thì ở lại, người ta không niềm nở thì ra đi, giũ bỏ lại mọi thứ bụi trần, đó là hình ảnh của sự siêu thoát mà Chúa Giêsu luôn đòi hỏi ở những môn đệ của Ngài.

Chúa muốn các ông sống nghèo như chính Ngài: Ngài đã sinh ra, đã sống, đã rao giảng và chết trong khó nghèo. Ðây không chỉ là điều kiện của những người môn đệ, của những nhà truyền giáo hay các tu sĩ nhưng nghèo khó phải là đồng phục của mọi người mang danh hiệu Kitô hữu.


Thưa anh chị em,
Ngày hôm nay, khi dạy chúng ta sống tinh thần nghèo khó, Chúa không dạy chúng ta phải từ bỏ mọi thứ của cải vật chất để sống cảnh “màn trời chiếu đất”, hay cảnh “khố rách áo ôm”, Chúa cũng không chủ trương bần cùng hóa xã hội, nhưng tinh thần nghèo khó đích thực mà Chúa muốn chúng ta sống đó là phải luôn biết giữ khoảng cách đối với của cải vật chất, không dính bén với của cải vật chất, và nhất là biết chọn Chúa là gia nghiệp và từ đó biết sử dụng của cải vật chất đời này để đổi lấy kho tàng trên Nước Trời. Một cách cụ thể, tinh thần nghèo khó đích thực là biết dùng của cải vật chất để lo cho lợi ích chung, biết san sẻ với người túng thiếu, biết làm ra của cải vật chất và dùng nó để phục vụ Chúa và tha nhân.

Thưa anh chị em,
Lắng nghe lời Chúa hôm nay, xin cho mỗi người chúng ta không ngừng suy nghĩ về ý nghĩa của tinh thần nghèo khó.
Nếu chúng ta có túng thiếu, nghèo đói, thì vẫn tin tưởng cậy trông và giữ bàn tay thanh sạch, chứ không bán đứng lương tâm để làm điều gian ác.

Nếu chúng ta may mắn hơn người khác, khi chúng ta được thịnh vượng, giàu có, thì chúng ta biết mở rộng trái tim và bàn tay để chia sẻ cho người nghèo khó, đó là thể hiện của tinh thần nghèo khó đích thực.
Trong một xã hội của chụp giựt và xâu xé lẫn nhau, một cuộc sống như thế chắc chắn là một chứng tá cao độ cho Nước Trời.
- Lm. Vinc. Đỗ Minh Thăng -