|
Than ôi! Cả ngày trôi qua mà cũng không ai trả lời câu hỏi của mình, và chắc cũng sẽ không ai trả lời….
Tôi có thể hình dung và tưởng tượng ra nhiều nguyên nhân, lý do, đó là:
___ Không ít người ”cạch” cái mặt của tôi! Bởi vì chắc chắn nhiều người vô cùng phản đối những gì tôi viết và định dần một trận tới bến, nhưng vì sợ xúc phạm đụng chạm đến tình bác ái yêu mến mến yêu khoan nhân hiền hòa độ lượng nhẫn nại tha thứ bình tĩnh nhẹ nhàng …nên đã khoan dung cho tôi để :”nhịn mày tốt tao…”
___ Nhưng chưa chắc đã phải như vậy! Mà trong hầu hết mọi trường hợp nhiều người đã thẳng tay nện cho tôi những quả thôi sơn, nhưng do tôi đã học được “Kim cương thần công hộ thể” ,cho nên những cú đấm đá với sức mạnh dời non lấp biển ấy, tôi không hề bị suy suyển! Để rồi giống như một võ sĩ sau khi dồn hết sức mạnh vào một bao cát, bao cát vẫn giữ nguyên trạng, tay võ sĩ ấy thấm mệt và chán nản, đã dừng cuộc luyện công!
___ Và cũng không loại trừ việc tốn vô khối công sức tìm kiếm trên internet, mà vẫn chưa thấy có một trí thức gia nào đó đã viết ra những câu trả lời cho những câu hỏi ấy, cho nên đang trong giai đoạn chờ hàng nhập về mới có thể đăng đàn…!
___ Hoặc tương tự như tất cả mọi ngả đường đều bị những tảng đá khổng lồ cản trở giao thông, phải cần một lượng lớn chất nổ TNT thì mới có thể dọn đường phá đá , nhưng tất cả mọi phương tiện tài lực chỉ là một con dao cơm trong tay, cho nên đành phớt tỉnh Ăng lê và coi như không biết không nghe thấy, tức là muốn lắm nhưng không đủ sức!
Có thể sẽ có người cho rằng đó chỉ là phim ảnh về Moise và có những tình tiết dã sử, phóng tác… cho nên không đáng để trả lời! Nếu như thế thì tôi xin nhắc rằng hai câu chuyện về sự trung thực mà gây chết người, sự dối trá mà giúp cho người ta hồi sinh trong bài viết mở đầu của đề tài này nếu đánh giá rằng có thể xảy ra trong thực tế hay không, thì tôi dám nhấn mạnh: nếu có xảy ra, tỉ lệ sẽ là 1 phần trăm triệu!
Nếu mà nói rằng “ sự trung thực” để rồi gây nên hậu quả chết người hoặc kết quả tồi tệ, thì thủ phạm của những trường hợp kể trên thường là mấy đứa con nít ranh hay có tật nói leo, hoặc tâm hồn quá non nớt chưa thể phân biệt ! Đứa trẻ không chịu nhận người cha sau khi anh bao năm chinh chiến được về thăm nhà, và nói rằng bố của nó thường đến thăm mẹ con nó vào ban tối, và việc này đã làm cho người mẹ của đứa trẻ bị nghi oan đến nỗi phải nhảy xuống sông tự trầm! Cũng như chuyện một bà mẹ không muốn gặp vị khách, nói với đứa con ra bảo: bà đã đi vắng không có nhà, và nó ra bẩm:” Mẹ cháu cho cháu ra thưa với bà là mẹ cháu đi vắng”!
Những đứa trẻ kể trên phần thì do quá thơ ngây, chưa có đủ trí khôn suy nghĩ, cho nên thấy sao nói vậy mà không biết hậu quả sẽ ra sao! Phần thì như đã nói ở trên, đó là một sự chứng tỏ rằng đứa trẻ ấy không được giáo dục, hoặc không nghe lời người lớn dạy bảo cũng như cha mẹ quá chiều chuộng mà không ngăn cấm tật nói leo khi không được phép!
Tôi nhớ rất rõ rằng trong chương trình Giáo lý sơ cấp tức khi đang học lớp bốn lớp năm, đã dạy rất kỹ và rất đủ về việc cấm nói dối trá, cấm làm chứng dối. Tuy thế, bên cạnh đó, các sơ, các anh chị giảng viên đã phân tích và cắt nghĩa rất chi tiết về những trường hợp tại sao được phép nói sai với sự thực, khuyến khích nói sai sự thực. Nếu ai còn nghi ngờ xin cứ mở lại cuốn Giáo Lý sơ cấp dùng cho những lứa tuổi xưng tội lần đầu, sẽ thấy rõ!
Như trên tôi nói rằng cái tỉ lệ mà vì “sự trung thực”, cho nên gây hậu quả chết người, thì tỉ lệ là một phần trăm triệu ,sẽ không là nói ngoa! Bởi vì ngay từ lúc học lớp bốn lớp năm, những đứa con nít đã được dạy dỗ để phân biệt những trường hợp nào có thể nói dối mà không mắc tội mắc lỗi! Cứ cho rằng có những đứa con nít có tật thích nói leo khi chưa có ai hỏi đến vì chúng tưởng rằng mọi người sẽ khen chúng là giỏi, thì không dễ gì những người lớn sẽ để yên cho những đứa con nít này nói chen vào, hóng hớt trước những trường hợp mà người lớn đã tiên liệu rằng rất nguy hiểm! Một cái tát vênh mặt hay một ánh mắt tóe lửa sẽ dư sức tiêu diệt từ trong trứng nước những sự ngu ngốc, sự thích được nhiều li - ke và được hiểu nhầm thành” sự trung thực” này!
Như trong câu chuyện mở đầu đề tài, không biết nhân vật nói với người mẹ đang thập tử nhất sinh rằng con trai bà đã chết trên biển là con nít hay người lớn? ___ Nếu là con nít, thì trường hợp ấy đã cực kỳ hiếm vì chứng tỏ rằng đứa con nít này không chịu nghe những lời dạy dỗ của các người bề trên khi mà những đứa con nít bằng tuổi anh (chị) ta đã được chỉ bảo chi tiết kỹ lưỡng về việc được phép nói dối và cần thiết phải nói dối rồi! Huống chi nếu nhân vật trong câu chuyện của bài viết mở đề tài ấy là người lớn, thì phải nói là trăm triệu người mới có một người mà não bộ không có nơ ron mà chỉ toàn bã đậu như thế! Bằng chứng là nước Việt Nam của chúng ta đã xấp xỉ 90 triệu người, nhưng hầu như từ bé đến bây giờ, tôi chưa từng nghe trên báo chí hay các phóng sự xã hội có đang một câu chuyện tương tự như câu chuyện chúng ta vừa được nghe kể ở đầu đề tài!
Nhưng cứ chấp nhận là một phần trăm triệu, hay bây giờ xuống giá, tức là cứ cho như một triệu người lại có một người ngu ngốc, vì ham một tí li –ke mà gây hậu quả chết người như thế đi! Nhưng cái mà tôi không đồng ý và viết những bài viết trả lời này, đó là tác giả bài viết ( tôi muốn nói đến người đã post câu chuyện trên internet mà anh Gia Nhân chỉ là người đăng lại) , đã đưa ra những câu chuyện rất thiếu sức thuyết phục, thiếu sự lý luận, cũng như như định nghĩa sai lầm về trung thực và giả dối, để rồi phát biểu những câu khiến con người ta dễ nghĩ đến việc phải sửa lại, hay đánh đổ cái quan niệm về Chân Lý đã có từ ngàn đời nay để thay thế bằng những phát minh mới toanh về “Sự Thật , tức Chân Lý” như sau:
__“Sự thật trong đời sống con người phải đồng nghĩa với tình yêu nữa. Chỉ có điều gì cứu giúp con người, làm cho con người mạnh mẽ lên, hướng con người về ánh sáng...điều đó mới là sự thật.
Còn tất cả những hành động, những lời nói cho dù đúng với mà mình thấy, tai mình nghe, tri thức của mình hiểu nhưng chúng khiến cho người khác, hoặc cho niềm tin cuộc sống, mất đi sức mạnh tinh thần dẫn đến việc hủy hoại đời sống thì đều không phải là trung thực. Nếu chúng là sự thật, đó là sự thật của một con quỷ không biết yêu thương con người.”
Thật sự ra, cái được cho là trung thực trong câu chuyện đầu đề tài, phải được hiểu rằng nó không trung thực như sự trung thực thuộc về Chân Lý! Anh chàng hay cô gái không phải vì sự trung thực, hay vì Chân Lý mà nói với bà mẹ rằng con bà ta đã chết trên biển ,mà chính vì một sản phẩm của sự kiêu ngạo, của hậu quả tội nguyên tổ, đó là lòng ham chuộng sự li-ke, thích được người ta cho mình là hiểu biết !
Rõ ràng trong thực tế lẽ ra người ta phải đánh cho sống dở chết dở những kẻ nói leo không suy nghĩ và ngu ngốc như thế, chứ chẳng ai lại khen ngợi ! Nhưng là vì hậu quả tội nguyên tổ làm lòng trí con người ra ngu tối, cho nên những kẻ ngu ngốc như thế lại tưởng rằng sẽ có người khen ngợi , li-ke mình! Nó giống như những tên choai choai, đua xe nghiến răng đánh võng , rú hết ga lạng lách trên con đường đông người và cứ tưởng tượng rằng sẽ có những cặp mắt thán phục về tài nghệ lái xe điêu luyện của chúng!
Sự nói dối được nói trong câu chuyện đầu đề tài, thực ra cũng không phải là sự dối trá nghịch với Chân Lý mà tác giả đã có thể vô tình làm cho nhiều người hiểu sai đi khi có ý định nghĩa lại, mà thực ra ,nó là một sự khôn ngoan, một sự tình cảm và yêu thương tha nhân.
Trong cuốn :”Những người khốn khổ” nhà văn Victor Hugo trước đây hơn một trăm năm đã từng viết ra một sự không nói đúng sự thực của một nữ tu nổi tiếng là không bao giờ biết nói dối trong cuộc đời từ bé đến lớn của bà. Nhưng để giúp cho Giăng van Giăng, một thị trưởng nổi tiếng nhân đức, thoát khỏi sự gông cùm của tên cớm Giave, người chân thật nhất nước Pháp này đã khẳng định rằng thị trưởng Ma đơ len, tức Giăng van Giăng đã không có trú ẩn trong phòng, trong khi bà biết chắc chắn 200% ông đang trốn ở đó! Và việc nói không đúng sự thực của vị nữ tu chân thật ấy đã giúp cho Giăng van Giăng có cơ hội mà thực hiện thành công những việc quan trọng và cao cả sau này!
Mặc dù là một nhà văn nổi tiếng thế giới và rất có tài trong việc miêu tả tâm lý nhân vật cũng như làm nổi bật những điều thuộc về Chân Lý, mà điển hình là việc mô tả sự nói dối thánh thiện hay nói cho đúng hơn là mô tả sự nói không đúng như thực tế của vị nữ tu nổi tiếng là chân thật đạo đức, nhưng Victor Hugo không vì thế mà cố tình vô tình làm cho người ta hiểu lầm về Chân Lý! Không có một đoạn nào trong đoạn văn kể trên của ông có thể làm người ta hiểu sai lạc, hay muốn làm một cuộc xét lại, hay cách mạng về ý nghĩa của dối trá và trung thực! Bởi vì đối với nhà văn trứ danh này, ông không công nhận việc nói không đúng thực tế của dì phước kể trên là một sự nói dối.
Tác giả của bài viết đầu đề tài đã chỉ cho chúng ta một phương pháp mà theo tác giả là rất đơn giản để mà phân biệt sự nói dối cứu người và sự nói thật giết người, đó là:”Đơn giản thôi. Bạn hãy giữ lấy một trái tim tha thiết với cuộc đời và đồng loại.”
Tôi không hề thấy đơn giản một tí tị tì ti nào mà trái lại thấy vô cùng khó khăn và phức tạp nếu cứ hiểu ,hay làm cho người ta hiểu theo những định nghĩa, những xét lại của tác giả bài viết! Chính vì thế cho nên tôi mới đưa ra câu chuyện phim Mười điều răn để mà hỏi tác giả của bài viết , hỏi mọi người xem rằng như trường hợp của hoàng tử Moise như trong phim ấy, liệu có phải ông ta không có một trái tim tha thiết với cuộc đời và đồng loại hay không? Bởi vì nếu như ông có, thì tại sao hoàng tử lại không biết nói dối rằng ông không phải là con của nô lệ Do Thái khi không còn một bằng chứng nào buộc tội ông? Một người tài ba mưu lược và khôn ngoan như ông tại sao không chịu nghe theo lời mẹ nuôi để chờ đến khi lên ngai pharaoh Ai cập, ông sẽ giải phóng dân Do Thái khỏi nô lệ, vun đắp hạnh phúc cho người yêu Nefertiri của ông, và ngay cả dân Ai Cập, ông sẽ cứu vớt hàng chục vạn sinh linh khi không để xảy ra cảnh quân đội của pharaoh phải chôn vùi xác nơi biển Đỏ nếu một khi ông làm vua Ai cập!
Nếu cứ theo như phê phán, và chủ trương xét lại của tác giả bài viết, thì hoàng tử Moi se kia đáng nên bắt chước hay đáng chê trách ?
Cả công chúa Nefertiri nữa! Hành động dối trá của nàng có nên coi đó như là một tấm gương, một kim chỉ nam để mà mọi người bắt chước hay không? Bởi vì xét theo quan điểm của tác giả bài viết, chính vì có một trái tim vô cùng tha thiết với cuộc đời và đồng loại mà không những Nefertiri ,mẹ nuôi của Moise đã nói dối một cách chân chính, một cách chu toàn cho tất cả mọi người mọi đối thủ.
Tôi không vạch lá tìm sâu, nhưng tôi rất sợ kiểu nói một chiều, hoặc những kiểu nói hay định nghĩa làm người khác hiểu sai lạc về Chân Lý rồi cứ tưởng đó là một cuộc cách mạng tư tưởng tư duy mới!
Chắc chắn là không có ai rỗi hơi, để mà muốn hỏi tôi rằng :” anh cho cái công thức đơn giản mà tác giả bài viết đã chỉ bảo cho mọi người, là không hiệu quả, thế thì anh có ý kiến gì khác mà lắm mồm? Muốn phá bỏ thì phải có xây dựng! Cái nhà tranh tuy chẳng tiện nghi nhưng còn hơn ở ngoài trời ướt át bão bùng mưa gió!”
Nếu mà có ai hỏi như trên, tôi sẽ thưa rằng tất nhiên phá bỏ nhà tranh, thì phải có ít ra là nhà tôn tường xây ấm cúng! Nhưng tôi cho rằng chúng ta được tài trợ bằng vốn không hoàn lại ,để xây dựng một tòa tháp cao tầng, trong việc phân biệt , tìm hiểu về Chân Lý….
Còn tiếp
|
|