|
Suy niệm (Ga 19,25-27)
Tin Mừng theo thánh Gio-an viết rằng trên Núi Sọ, "đứng kề thập giá Ðức Giê-su có thân mẫu Người" (Ga 19,25). Đôi khi chúng ta vẫn tự hỏi: Tại sao lại đứng mà không phải là ngồi? Lại càng không phải là nằm sóng soài hay lăn lộn giữa đất? Liệu rằng với trái tim của một người mẹ có thể đứng vững dưới cây thập giá trên đó con mình bị đóng đinh, thân mình nát tan, đang quặn đau từng hồi hay không?
Mẹ có thể than khóc. Mẹ có thể la hét. Mẹ có thể nguyền rửa kẻ giết con mình! Nhưng không. Mẹ đứng đó lặng yên. Mẹ đứng đó như lời ca từ của cha Kim Long đã viết: "Mẹ đứng đó khi trời đã tím mầu...; Mẹ đứng đó tâm hồn tê tái sầu...". Mẹ đứng đó như một chứng nhân về cái chết cứu đời của Con yêu quý. Mẹ đứng đó trong nỗi đau xé nát con tìm như là sự thông phần đau khổ cùng Con. Vâng, mẹ đã thông phần cứu chuộc nhân loại qua cái chết của Con. Mẹ đã vượt qua đau thương để cùng con cứu đời. Nhưng, chúng ta tự hỏi: điều gì đã khiến Mẹ can đảm như thế? Bởi đâu Mẹ có thể đứng vững trước nỗi đau của Con cũng là của Mẹ? Có lẽ lý do duy nhất chính là lòng tin nơi Mẹ. Một lòng tin tuyệt đối vào quyền năng Thiên Chúa có thể làm mọi sự mà Mẹ luôn đáp lại bằng hai tiếng xin vâng.
Có thể nói từ ngày truyền Tin, từ khi thưa Xin Vâng (Fiat) cho đến lúc đứng dưới chân Thập Giá, cuộc hành trình đức tin của Mẹ đã trải qua nhiều chặng, nhiều khúc, nhiều tình tiết, nhiều thử thách, đau khổ mà không phải lúc nào Mẹ cũng hiểu rõ và Mẹ đã không lường trước được. Lần giở lại Kinh Thánh ta thấy: Mới nhận lời sứ thần truyền tin chưa bao lâu, thử thách đã tới: Giu-se định tâm âm thầm rút lui. Ma-ri-a chẳng phân bua gì cả, tiếp tục phó mình cho Ðấng Toàn Năng. Cuộc đời Mẹ đầy thăng trầm. Có lẽ khó có ai chịu nhiều đau khổ bằng Mẹ. Khi mang thai bị nghi ngờ. Khi sinh con thì thiếu thốn tư bề. Rồi trốn chạy kẻ giết hài nhi. Khi lạc con 3 ngày nơi đền thờ. Khi con mình bị chống đối lòng Mẹ cũng hoang mang. Và có lẽ không nỗi đau khổ nào bằng việc an táng con yêu của mình như lời ca dao ngày nào đã nói:
“Là vàng còn ở trên cây – Lá xanh rụng xuống trời chăng hỡi trời”.
Mẹ đã đi qua những đỉnh đồi thương đau. Mẹ đã đối diện với mọi nghịch cảnh bằng thái độ xin vâng hoàn toàn theo thánh ý Chúa.
Phải chăng đó là cách sống mà Mẹ muốn chúng ta noi gương. Dù cuộc đời có lắm bể dâu. Dù dòng đời có nhiều trái ngang. Nhưng hãy tin vào quyền năng Chúa sẽ làm những điều tốt đẹp nhất cho chúng ta.Là người ai trong chúng ta cũng không thiếu những nghi kỵ, hiểu lầm ghen tương. Hãy can đảm đón nhận trong im lặng để Thiên Chúa tháo gỡ cho chúng ta.
Là người ai cũng có lúc thiếu thốn tư bề. Hãy can đảm phó thác nơi Chúa, vì Ngài sẽ thực hiện điều tốt đẹp nhất nơi chúng ta. Cuộc đời không thiếu thập giá, hãy can đảm vác lấy, vì quyền năng Chúa sẽ nâng đỡ những yếu đuối của chúng ta.
Nguyện xin Mẹ Maria giúp chúng con có một đức tin trung kiên như Mẹ để cuộc đời dù lắm gian truân nhưng chúng con vẫn tín thác trong vẹn như Mẹ. Amen.
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
_________________________________________________________________________________
Gợi ý suy niệm (Lc 2,33-35)
Bài Tin Mừng vẽ lên hình ảnh Đức Maria trong biến cố dâng Chúa vào đền thánh là sẵn sàng chịu đau khổ. Lời tiên báo của ông Simêon: “Một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn hồn Bà” (Lc 2, 35) là một mặc khải về viễn tương đau khổ của Đức Giêsu cũng như của chính Đức Maria, và từ đó cùng với Con mình, Đức Maria bước vào cách mãnh liệt sự hiệp thông cứu chuộc, để tâm hồn nhiều người được tỏ lộ, Mẹ đồng hành với công cuộc truyền giáo của Con và kết hiệp với hy tế của Con (sosio passionis) hầu mưu cầu sự cứu rỗi cho con người.
Lời của ông Simeon như một cuộc truyền tin thứ hai cho Đức Maria; vì đã cho Mẹ thấy chiều kích cụ thể trong lịch sử, trong đó Con của Mẹ sẽ thực hiện sứ vụ của mình: giữa sự cứng tin và trong đau khổ. Một mặt, nếu lời loan báo này xác nhận niềm tin của Mẹ vào việc Thiên Chúa sẽ thực hiện các lời hứa, thì mặt khác cũng cho thấy Đức Maria phải sống sự vâng phục đức tin trong đau khổ, bên cạnh Đấng Cứu Độ khổ đau; chức năng Từ Mẫu của Mẹ sẽ nằm trong bóng tối và sự đau xót . Đặc biệt, báo trước dưới chân thánh giá, nhờ lòng tin, Đức Maria chia sẻ vào mầu nhiệm kinh hoàng của sự tự hạ. Có lẽ đó là sự tự hạ (kénosis) sâu xa nhất của đức tin trong lịch sử loài người. Nhờ đức tin, Đức Maria tham dự vào cái chết cứu độ của Con mình; nhưng khác với đức tin của các môn đệ đang chạy trốn, đức tin của Mẹ thật chói ngời. Qua thập giá, Đức Giêsu đã chứng thực cách dứt khoát trên đồi Calvê rằng Người là “dấu hiệu bị người đời chống báng” như ông Simeon đã báo trước. Đồng thời, ở nơi đó những lời nói về Đức Maria cũng thành tựu: “Phần Bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu lòng Bà” .
“Lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà” gợi lên lưỡi gươm trong sách ngôn sứ Ezechiel 14, 17, cắt đứt Israel, chỉ còn để lại một “số sót”. Lưỡi gươm nói lên sự đau khổ nội tâm của người mẹ, đau khổ ở đây là đau khổ của người mẹ nhìn người ta ruồng bỏ con mình. Lưỡi gươm trong Ezechiel vừa cắt đứt Israel vừa sinh ra số sót; ngay dưới chân thập giá, Đức Maria là “Mater dolorosa” đau xót vì sự phủ nhận của nhân loại đối với Đức Giêsu, nhìn Con chết tức tưởi, sự cắt đứt này cũng làm cho Mẹ buốt xót, sinh ra “số sót” cho nhân loại, đó là những kẻ tin vào Đức Kitô. Lưỡi gươm đâm thấu lòng Mẹ để Mẹ luôn chia sẻ khổ đau với Con, vừa đứng về phía những kẻ tin vào Đức Giêsu, ôm lấy tất cả vì Đức Giêsu đã gửi gắm tất cả cho Mẹ: “Này là Con của Mẹ” . Giờ phút hiến tế dưới chân thập giá là đỉnh điểm của lời “xin vâng”, và cả cuộc đời xin vâng của Đức Maria hướng về giờ phút hy sinh này. Cùng với Chúa Giêsu, Đức Maria đã chịu sát tế tâm hồn và làm cho lời “xin vâng” viên mãn khi Đức Giêsu kêu lên: “mọi sự đã hoàn tất”.
Cũng như Đức Kitô đã chấp nhận chịu thử thách đau khổ không phải do tội của Ngài, mà là vì gánh lấy tội thế gian, Đức Maria thánh thiện đã chịu đau khổ nhiều khi dâng lên Chúa Cha sự đau khổ của Đức Kitô và sự đau khổ của chính mình như Mẹ của Đấng Cứu Thế. Mẹ thông hiệp đầy đủ vào hy tế của Con trong giai đoạn có tính cách lịch sử của nó.
Sự đau khổ của Con Thiên Chúa thì vô cùng và sự đau khổ của Đức Maria cũng thật lớn lao. Điều này được truyền thống Hội Thánh kính nhớ qua diễn ca: “Bảy sự Thương Khó Đức Mẹ” .
Sự đau khổ tự nguyện của những người vô tội có giá trị cứu chuộc, như thánh Phaolô tuyên bố: “Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho Thân Thể Người là Hội Thánh” (Cl 1, 24). Điều này cho thấy rằng, việc Đức Maria hiệp thông trong sự đau khổ của Đức Kitô, góp phần vào việc khai sinh Hội Thánh, tức là làm phát sinh một nhân loại mới hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa.
Lạy Mẹ Maria, qua biến cố Mẹ dâng Chúa Giêsu vào đền thánh ngời sáng lên tinh thần sẵn sàng chấp nhận chịu thử thách đau khổ để mưu cầu phần rỗi cho nhân loại, xin cho chúng con cũng biết sẵn sàng chấp nhận tất cả mọi nghịch cảnh gian lao để chuộc lấy các linh hồn về cho Thiên Chúa. Amen.
Bảo_†_Lâm
|
|