|
Thứ Hai
Ngày 30: 1. Thánh Anrê tông đồ
Tiểu sử
Anrê theo tiếng Hy Lạp có ý nghĩa là: trượng phu và thanh nhã. Ngài được nhắc tới nhiều lần trong Tân Ước. Thánh Gioan Baotixita đã giới thiệu Anrê và môn đệ khác với Chúa Giêsu. Ðáp lại lời gọi của Chúa: "Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi thành những kẻ chài lưới người", Anrê và Phêrô đã bỏ mọi sự mà theo Chúa. Khi Chúa Giêsu ở đền thờ ra đi và nói tiên tri về sự tàn phá thành Thánh, Anrê đã hỏi Chúa xem khi nào việc đó sẽ xảy ra.
Sau khi Chúa sống lại, Anrê và các tông đồ khác lên đường rao giảng Tin Mừng. Chúng ta không có được những sử liệu về cuộc hành trình truyền giáo của ngài, trừ một một đoạn văn sau đây đề cập đến cuộc tử đạo của ngài: "Quan lãnh sự Akai bắt trói thánh nhân vào cột đá để cho chết dần chết mòn. Dân chúng nhất quyết can thiệp để xin quan tha cho ngài, nhưng thánh nhân muốn vui lòng chấp nhận cái chết anh dũng vì danh Chúa để nên giống như Chúa". Năm 357, Giáo Chủ thành Alexandrie đem hài cốt ngài về Constantinople.
Nhiều nhà thờ ở La Mã và bên Anh đã được xây cất dâng kính thánh Anrê, Giáo Hội đã ghi tên ngài vào "Lời nguyện hiệp nhất" trong thánh lễ.
Suy niệm
nhập thể đại đồng
Bài Phúc Âm hôm nay, Thứ Hai Tuần I Mùa Chay, tuần đầu trong 4 tuần lễ tượng trưng cho 4 ngàn năm trông đợi Đấng Thiên Sai Cứu Thế là Chúa Giêsu Kitô, Đấng "đã hóa thành nhục thể" (Gioan 1:14), đã được sai đến không phải chỉ cho riêng dân Do Thái mà cho chung toàn thể nhân loại, vì Người mặc lấy bản tính chung của nhân loại và chỉ được sinh ra theo giòng tộc Do Thái mà thôi.
Phải chăng đó là lý do, ngay trong bài Phúc Âm của ngày Thứ Hai Tuần I Mùa Vọng, Giáo Hội đã chọn đọc câu chuyện về viên đại đội trưởng dân ngoại Rôma, nhân vật đã đến với Chúa Giêsu chỉ vì lo lắng cho một thằng nhỏ đầy tớ của ông ta, như được bài Phúc Âm hôm nay thuật lại: "Khi ấy, Chúa Giêsu vào thành Capharnaum, thì có một viên đại đội trưởng đến thưa Chúa rằng: 'Lạy Thầy, thằng nhỏ nhà tôi đau nằm ở nhà, nó bị tê liệt và đau đớn lắm!'"
Theo Phúc Âm Thánh Luca (7:2) thì "thằng nhỏ nhà tôi" trong Bài Phúc Âm của Thánh Mathêu hôm nay đây không phải là "thằng nhỏ" con trai của viên đại đội trưởng này, mà là một "thằng nhỏ" đầy tớ của viên đại đội trưởng, được viên đại đội trưởng này cảm thương quí mến (xem Luca 7:2), ở chỗ ông đã tỏ ra lo lắng cho sức khỏe cùng mạng sống của nó, đến độ thậm chí ông còn đích thân đến xin Chúa Giêsu chữa lành cho nó, chứ không sai phái một ai, như chính ông ta cũng thú nhận hành động tự nguyện này của ông:
"Lạy Thầy, tôi không đáng được Thầy vào dưới mái nhà tôi, nhưng xin Thầy chỉ phán một lời, thì thằng nhỏ của tôi sẽ lành mạnh. Vì chưng, cũng như tôi chỉ là người ở dưới quyền, nhưng tôi cũng có những người lính thuộc hạ, tôi bảo người này đi thì anh đi; tôi bảo người kia đến thì anh đến; tôi bảo gia nhân làm cái này thì nó làm!"
Thái độ vừa yêu thương vừa khiêm nhượng của viên đại đội trưởng (yêu thương) đối với thằng nhỏ đầy tớ của ông cũng như (khiêm nhượng) đối với Chúa Giêsu, đã làm cho Chúa Giêsu đáp ứng ngay tại chỗ: "Tôi sẽ đến chữa nó". Và qua lời thân thưa của viên đại đội trưởng khi nghe thấy Chúa Giêsu hồi âm một cách mau mắn theo ý xin của ông ta, ông còn tỏ ra tin tưởng Chúa Giêsu đến độ, ông xin Người chẳng cần phải đi đến tận nơi mới chữa được "thằng nhỏ nhà tôi" mà Người chỉ cần "phán một lời, thì thằng nhỏ của tôi sẽ lành mạnh".
Đó là lý do, Chúa Giêsu đã không thể không lên tiếng để hết lời khen ngợi viên đại đội trưởng dân ngoại ấy "với những kẻ theo Người" như thế này: "Quả thật, Ta bảo các ngươi, Ta không thấy một lòng tin mạnh mẽ như vậy trong Israel. Ta cũng nói cho các ngươi biết rằng: nhiều người từ phương đông và phương tây sẽ đến dự tiệc cùng Abraham, Isaac và Giacóp trong nước trời. Còn con cái trong nước sẽ bị vứt vào nơi tối tăm bên ngoài', ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng".
Đúng là vấn đề then chốt ở ngay chố ấy, vì trong Bài Phúc Âm hôm nay, vấn đề chính yếu không phải là vấn đề chữa lành của Chúa Giêsu cho bằng vấn đề tin tưởng của viên đại đội trưởng. Bởi thế, câu cuối cùng (Mathêu 8:13) về câu chuyện của bài Phúc Âm hôm nay liên quan đến chính việc chữa lành thật sự cho thằng con trai đầy tớ của viên đại đội trưởng, xẩy ra vào ngay lúc Chúa phán "Hãy về đi. Nó sẽ được thực hiện vì lòng tin tưởng của ông. Vào chính lúc ấy thằng nhỏ đầy tới cảm thấy khỏe hơn" (Mathêu 8:13) hoàn toàn không được Giáo Hội bao gồm trong bài Phúc Âm hôm nay tí nào.
Phải chăng, những ai tin vào "Lời đã hóa thành nhục thể" là Chúa Giêsu Kitô như thế, thì dù không phải là chính gốc dân Do Thái đi nữa, họ vẫn có thể được gọi và xứng đáng thuộc về, như trong Bài Đọc 1 hôm nay đề cập đến "dòng dõi Chúa", một dòng dõi, như viên đại đội trưởng Rôma dân ngoại trong Bài Phúc Âm hôm nay, được chính Chúa khen tặng, theo kiểu diễn tả của Bài Đọc 1 hôm nay là "trở nên huy hoàng vinh quang"?
Đúng thế, Bài Đọc 1 hôm nay đã cho biết tính cách phổ thông và đại đồng của Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất đối với tất cả mọi người và cho mỗi một con người, nhất là những ai thuộc "dòng dõi Chúa":
"Chúa sẽ đến (có thể ám chỉ "Lời đã hóa thành nhục thể" của Ngài sau này "vào thời điểm viên trọn" - Galata 4:4) trên khắp miền núi Sion (có thể hiểu là ám chỉ là toàn dân Do Thái) và những nơi kêu cầu Người (có thể hiểu là bao gồm cả dân ngoại, như viên đại đội trưởng Rôma trong bài Phúc Âm hôm nay), như đám mây ban ngày (ám chỉ Thần Linh của Thiên Chúa luôn bao phủ chở che "dòng dõi Chúa") và như cột khói hoặc như ánh lửa sáng rực ban đêm (ám chỉ Thần Linh của Thiên Chúa luôn soi đường dẫn lỗi cho "dòng dõi Chúa" trong tất cả mọi cơn gian nguy khốn khó), vì trên tất cả, vinh quang Thiên Chúa sẽ là một phương du và là một lều vải để che khỏi sức nóng ban ngày, để làm nơi an toàn trú ẩn khỏi giông tố và mưa sa".
Đó là lý do, trước tình yêu thương của Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất luôn ở với con người và hằng tỏ mình ra cho con người như thế, nhất là nơi mầu nhiệm nhập thể và giáng sinh của chính Con Một của Ngài trên trần gian này, bằng tất cả cảm nghiệm thần linh đầy đức tin, không một ai, dù là dân Do Thái hay dân ngoại, không được thúc đẩy hân hoan đáp ứng, không tiến đến với Ngài ở nơi Ngài ngự là Thành Giêrusalem, tiêu biểu cho chung dân Chúa, cho "dòng dõi Chúa", vì Ngài chính là "Emmanuel nghĩa là Thiên Chúa ở giữa chúng ta" (Gioan 1:14), hiện thực nhất và sống động nhất nơi "Lời đã hóa thành nhục thể":
1) Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: "Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa". Hỡi Giêrusalem, chân chúng tôi đang đứng nơi cửa thành rồi.
2) Giêrusalem được kiến thiết như thành trì, được cấu tạo kiên cố trong toàn thể. Nơi đây các bộ lạc, các bộ lạc của Chúa tiến lên.
3) Theo luật pháp của Israel, để ngợi khen danh Chúa. Tại đây đã đặt ngai toà thẩm phán, ngai toà của nhà Ðavít.
4) Hãy nguyện cầu cho Giêrusalem được thanh bình, nguyện cho những kẻ yêu mến ngươi được an ninh. Nguyện cho trong thành luỹ được bình an, và trong các lâu đài của ngươi yên ổn.
5) Vì anh em và bằng hữu của tôi, tôi nguyện chúc: bình an cho ngươi! Vì nhà Chúa là Thiên Chúa chúng ta, tôi khẩn cầu cho ngươi những điều thiện hảo. |
|