|
 Nguyên văn bởi teenvnlabido
Chúng ta sẽ rút được những kinh nghiệm nào trong các tình huống như trên dây hả chị cat?
Qua câu chuyện trên, chị thấy rút được những kinh nghiệm sau đây:
- Những người làm cha: Hãy sống gương mẫu, sống đúng vai trò của mình.
- Những người làm con: Hãy làm chủ bản thân, nuôi dưỡng và thực hiện ước mơ hướng tới một tương lai tốt đẹp…
- Những người làm nhà giáo: Hãy thức tỉnh lương tâm, vì hậu quả của em Lành trong chuyện là do hai ông thầy giáo vô lương tâm…
- Về phía người mẹ: Sẽ có nhiều ý kiến trái chiều. Theo ý riêng của chị: Nếu chị ở trong trường hợp trên, chị không nóng vội chuyển trường cho con.
(Có thể em sẽ cho rằng chị hèn nhát phải không? Có lẽ nhiều người xem việc em Lành nói ra cái sai của thầy chủ nhiệm và việc chị Hiền chuyển trường cho con là điểm sáng trong câu chuyện này. Chị Hiền và em Lành thật dũng cảm! Dám vạch trần cái sai, cái xấu là dám sống cho sự thật, là căn tính của người Kitô hữu. Nhưng ôn hòa không có nghĩa là thỏa hiệp hay đồng lõa, nhưng là giải quyết sự việc một cách khác).
Xin viết thêm:
(không nóng vội chuyển trường cho con) Vì lý do:
Ai cũng có lúc sai lỗi, trong khi thầy chủ nhiệm lại đang trong tình trạng say. Hơn nữa, xã hội bây giờ phần lớn đạo đức bị xuống cấp và ngành giáo dục cũng không ngoại lệ, nếu không nói là đạo đức ngành giáo dục xuống cấp một cách trầm trọng (xin lỗi những Anh Chị Em đang công tác trong ngành giáo dục, ở môi trường nào cũng có người tốt kẻ xấu, cũng như chuyện lúa và cỏ lùng vậy).
Chuyển trường chưa dễ gì tìm được nơi khác hoàn toàn tốt, có khi được mặt này nhưng lại không được mặt khác.
Trong lĩnh vực tôn giáo, giáo lý viên cũng có những lúc sai, ngay cả Cha quản xứ đôi khi cũng chưa đúng (điều này nêu lên sẽ đụng chạm đến nhiều người) không lẽ hơi tí là chuyển trường – chuyển xứ.
Chắc em biết chuyện Mạnh mẫu - mẹ của Mạnh tử chứ. Khi thấy môi trường sống không tốt cho việc phát triển nhân cách của con, bà liền chuyển chỗ ở. Thật đáng nể. Nhưng chúng ta không dễ gì thực hiện được vì còn biết bao vấn đề liên quan nữa. Không phải là hèn nhát nhưng mình không thể lường hết được khó khăn phía trước. Trường hợp em Lành - chị Hiền nếu vẫn để cho con học trường đó với một người thầy như thế hẳn là không tốt, nhưng người xưa thường nói: “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”; như đã nêu ở trên (với điều kiện giới hạn, chưa dễ gì tìm được nơi khác tốt hơn).
Nhưng chị Hiền là người đáng thương chứ không đáng trách, mặc dù cách xử lý tình huổng như chị chưa hẳn là giải pháp tối ưu.
Phần em Lành, có đáng trách một chút là về sau theo đám bạn xấu. Còn phản ứng của em trước cái sai của thầy giáo chủ nhiệm là lẽ rất tự nhiên của một đứa trẻ ở lứa tuổi 15.
Hai ông thầy (thầy chủ nhiệm và thày hiệu trưởng) thật đáng trách nhưng ở hoàn cảnh đó có thể nhiều người cũng xử sự như vậy. Nếu đem Lời Chúa áp dụng trong trường hợp này thì: Chúa dạy chúng ta: "Nếu người anh em của con trót phạm tội, thì con hãy đi sửa lỗi nó, một mình con với nó mà thôi” (Mt 18,15); trong câu chuyện này, thầy Vẻ sai rõ mười mươi, thật khó khi một học sinh hoặc phụ huynh cần sửa lỗi thầy giáo, nhất là đang có hơi men con người ta rất dễ bị chạm tự ái! nếu để khi thầy hết say, lựa lời nói riêng với thầy cách kín đáo có lẽ kết quả khả quan hơn.
Đáng trách nhất là người cha của em Lành. Cưới vợ ngoại giáo, đáng lẽ anh phải sống thật tốt, làm tấm gương sáng cho nhiều người noi theo. Đàng này anh bỏ vợ, dan díu với người phụ nữ khác, thử hỏi chị Hiền và những người thân của chị nhìn người công giáo như thế nào?!
Câu chuyện trên có nhiều nhân vật xấu, những con người làm ngành giáo dục trong xã hội hiện tại. Một thầy giáo bỏ vợ con đi chung sống không hợp pháp với một người phụ nữ khác (lại cũng là cô giáo); thầy giáo chủ nhiệm kiến thức kém cỏi, nhân cách thấp; thầy hiệu trưởng hành động trái lương tâm khi hạ thấp hạnh kiểm trong học bạ học sinh không đúng sự thật, làm lãnh đạo mà mang tư thù cá nhân…
Câu chuyện thật buồn, vì kết thúc không có hậu. Không rõ tác giả muốn gửi thông điệp gì cho độc giả, riêng chị thấy đây là một câu chuyện phản ánh rất thật tình trạng xã hội hiện nay. Và đọc thấy như có lời lên án những con người được gọi là “thầy” đúng ra phải sống gương mẫu hơn nhưng lại có lối sống và cách xừ sự thiếu nhân tâm.
(Chị viết dài dòng quá rồi đấy! càng viết càng đụng chạm nhiều người nữa, nên xin dừng tại đây)
Đó là ý kiến riêng của chị.
Còn em thì sao?
|
|