|
Suy niệm:
Nội dung Tin mừng hôm nay diễn tả rằng, có một nhóm người khiêng một kẻ bại liệt đến trước mặt Đức Giêsu. Đức Giêsu thấy lòng tin của họ nên đã chữa lành cho người bại liệt. Tuy nhiên trước biến cố lạ thường ấy, những kinh sư và biệt phái lại nghĩ bụng “Đức Giêsu ăn nói phạm thượng”. Vì lẽ theo lề luật Cựu ước, chỉ có Thiên Chúa mới có quyền tha tội, và có một Đấng mà sách Đa-ni-en (7, 13-14) nói tới là CON NGƯỜI, tức là Đấng Ki-Tô được Thiên Chúa đặt làm thẩm phán muôn dân mới có quyền tha tội. Thế mà, Đức Giêsu lại nói “Con đã được tha tội rồi”, lời nói đó chẳng phải là phạm thượng sao, vì dám đặt mình ngang hàng với Thiên Chúa. Lợi dụng cơ hội ấy, Đức Giêsu đã minh chứng cho mọi người biết, chính Ngài là CON NGƯƠI mà sách Đa-ni-en đã nói tới, Đấng có quyền tha tội khi chữa lành cho anh bại liệt. Điều đó cho thấy quyền năng của Thiên Chúa luôn ở với con người, điều quan trọng là ta có tin hay không tin vào Đấng Ki-tô, Ngôi Hai nhập thể.
Tuy vậy, khi suy niệm về đoạn tin mừng này, người viết lại được đánh động bởi một ý nhỏ trong nội dung đoạn Tin mừng: “Người ta liền khiêng đến cho Người một kẻ bại liệt nằm trên giường. Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giê-su bảo người bại liệt: “Này con, cứ yên tâm, con đã được tha tội rồi!””
Quả vậy, “người ta” – “khiêng” người bại liệt đến với Đức Giêsu. Trong Tin mừng Mc 2, 3-4 và Lc 5, 18-19 còn nói rõ hơn nữa, Đức Giêsu đang giảng dạy cho dân chúng, Ngài ngồi trong nhà mà dân chúng rất đông, nên những người khiêng người bại liệt phải lên mái nhà, dỡ ngói ra để thòng người bại liệt xuống trước mặt Đức Giêsu. Thế thì, “người ta” không phải là một người nhưng là nhiều người, trong Tin mừng Mác-cô còn nói rõ là bốn người. Nhưng những người này là ai? Có phải là thân thích họ hàng với người bại liệt, điều đó Tin mừng không ghi rõ, nhưng chắc chắn một điều rằng những người này có mối tương giao quen biết và gần gủi với người bại liệt. Chính họ đã “khiêng” người bại liệt đến cho Đức Giêsu, chứ không phải là chính người bại liệt cố gắng hết sức mình để “lết” tới. Họ tin rằng, khi đưa anh bại liệt này đến trước mặt Đức Giêsu thì chắc chắn anh ấy sẽ được chữa lành, vì thế dù dân chúng rất đông, tự mình đi lại đã khó khăn, huống hồ là khiêng thêm một bệnh nhân. Nhưng vì lòng tin, dù khó nhọc họ vẫn tìm đủ mọi cách để đặt anh bại liệt trước mặt Đức Giêsu. Chính hành động của lòng tin nới họ, Đức Giêsu đã chữa lành cho người bại liệt. Rõ ràng, phép lạ này Đức Giêsu thực hiện không phải bởi lòng tin của chính bệnh nhân, nhưng bởi lòng tin của những người khiêng anh ta đến.
“Thấy họcó lòng tin như vậy, Đức Giêsu bảo người bại liệt: “Này con, cứ yên tâm, con đã được tha tội rồi’”. Đức Giêsu thấy họ có lòng tin, tức là thấy những người khiêng anh bại liệt có lòng tin mạnh mẽ, chứ không phải Ngài thấy lòng tin mạnh mẽ nơi anh bại liệt. Điều này cho thấy, anh bại liệt được chữa lành là nhờ lòng tin của kẻ khác. Vậy mới thấm thía lời của thánh Gia-cô-bê tông đồ: “Lờicầu nguyện do lòng tin sẽ cứu người bệnh; người ấy được Chúa nâng dậy, và nếu người ấy đã phạm tội, thì sẽ được Chúa thứ tha. Anh em hãy thú tội với nhau và cầu nguyện cho nhau để được cứu thoát. Vì lời cầu xin tha thiết của người công chính rất có hiệu lực” (Gc 5, 15-16).
Trở lại cuộc sống đời thường, tôi nhận ra căn bệnh “thờ ơ” của thời đại chúng ta đang sống cũng đang xâm nhiễm vào tư tưởng, lời nói và hành động của tôi cũng như những ki-tô hữu khác. Chúng ta sẽ rất dễ dàng “mặc kệ - không liên quan” khi gặp những anh chị em đồng loại đang rơi vào tình cảnh đau khổ hay tội lỗi. Chúng ta cũng rất khó lòng khi đem người khác đến với Chúa, vì nghĩ rằng thân tôi đầy lầm lỗi đầy đau khổ tội lỗi thì tôi còn lo cho ai được. Đó là chưa kể đến hoàn cảnh sống của xã hội, hoàn cảnh sống của thời đại mà sự dữ dường như thắng thế, làm ta càng nản lòng hơn khi giúp nhau cùng tín thác vào Chúa.
Hình ảnh của những người khiêng anh bại liệt đến với Chúa Giêsu làm tôi nghẹn ngào rơi lệ, rơi lệ vì cảm phục lòng tin của họ, rơi lệ bởi sự nhiệt thành vì đồng loại của họ, rơi lệ vì sự ích kỷ của bản thân chưa dám chung tay với mọi người để mang hạnh phúc cho người khác, đem họ đến với Đức Giêsu. Người ki-tô hữu chúng ta chẳng bao giờ một mình cả, chúng ta có giáo xứ, giáo họ, có hội đoàn, có gia đình và đồng đạo… hằng ngày chúng ta vẫn gặp nhau. Đó là một lợi khí như thánh Gia-cô-bê tông đồ đã nói: “Anh em hãy thú tội với nhau và cầu nguyện cho nhau để được cứu thoát. Vì lời cầu xin tha thiết của người công chính rất có hiệu lực”. Hãy biết luôn cầu nguyện với nhau và cầu nguyện cho nhau trong từng ngày sống, bởi khi ta đau yếu tội lỗi, thì trong cộng đoàn đang có nhiều người mạnh khỏe lành thánh; hoặc khi ta mạnh khỏe lành thánh thì cũng có đó người đau khổ tội lỗi cần ta mang họ đến với Chúa Giêsu.
Lạy Chúa, xin giúp mỗi người chúng con biết luôn gắn bó với nhau bằng lòng yêu thương và niềm tín thác nơi Chúa, nhất là những lúc trong chúng con có người cần được nâng đỡ, cần được chữa lành.
(Xuân Hạ, OMI)
___________________________________________________________________________
Mời bạn đọc - Lẽ sống ngày 30/6: Chiếc cầu của sự gặp gỡ |
|