Suy niệm:

Đức cha Tihamer kể: Một triết gia kia buồn vì người học trò xuất sắc của mình ngày càng ham suy tư hơn nhưng càng bớt cầu nguyện đi. Khi được hỏi lý do thì người học trò đáp:

- Thứ nhất, Chúa biết hết mọi sự, không cần chúng ta nói. Thứ hai, Chúa tốt lành vô cùng, Ngài sẽ cho chúng ta mọi thứ chúng ta cần. Thứ ba, Ngài là Đấng Vĩnh Cửu, lời cầu nguyện của chúng ta chẳng thay đổi được Ngài.

Triết gia không nói gì. ông đến ngồi dưới bóng cây, mặt buồn bã. Người học trò hỏi:

- Tại sao thầy buồn thế?

- Người bạn của thầy có một thửa ruộng rất tốt, hằng năm sản xuất rất nhiều hoa màu. Nhưng bây giờ ông ta bỏ mặc không chăm sóc gì cho nó nữa.

- Bộ ông ta khùng ư?

- Không đâu. Ông còn khôn nữa là đàng khác. Ông nói: Thiên Chúa yêu thương vô cùng, Ngài sẽ lo cho tôi mọi thứ tôi cần, thế nên chẳng cần làm ruộng nữa. Chúa quyền phép vô cùng, dù tôi không cày xới, Ngài vẫn thừa sức cho nó sinh sản hoa màu dư đầy.

- Như thế nghĩa là thử thách Chúa rồi còn gì nữa?

- Thì con cũng thế thôi.

Theo như Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận có viết trong cuốn sách Đường Hy Vọng như sau: “Hoạt động không cầu nguyện là vô ích trước mặt Chúa DÙ là Con Thiên Chúa, với thân phận làm người, Chúa Giêsu vẫn không bỏ qua việc cầu nguyện. Nhìn lại một ngày làm việc của Chúa Giêsu, ta thấy Ngài rất bận: giảng ở Hội đường; giảng xong, chữa một người bị quỷ ám; rời hội đường, Ngài đi chữa bệnh cho nhạc mẫu của Simon - Phêrô; chiều đến chưa kịp nghỉ ngơi người ta lại đem các bệnh nhân tới và Ngài lại cứu chữa; Sáng sớm hôm sau khi trời còn tối mịt, Ngài thức dậy sớm đi đến một nơi hoang vắng để cầu nguyện, và bắt đầu một ngày mới cũng rất bận rộn. Dù rất bận rộn, nhưng Chúa Giêsu vẫn dành thời giờ để cầu nguyện; dù bị đám đông ồn ào bao vây suốt ngày, Chúa Giêsu vẫn có cách tìm nơi yên tĩnh để cầu nguyện.

Có lẽ chúng ta sẽ không tìm ra được mẫu gương nào, về việc liên kết giữa cầu nguyện và hoạt động hoàn hảo hơn là mẫu gương của Chúa Giêsu.

Chúa đã thực sự hòa nhập hai việc cầu nguyện và hoạt động trong đời sống của Ngài. Ngài đã kín múc từ suối nguồn sức sống Thần Linh từ nơi Thiên Chúa Cha, để biến hóa và nuôi dưỡng đời hoạt động.

Với hồn tông đồ đầy nhiệt huyết này, Chúa Giêsu đã hoàn thành sứ mệnh và hoạt động cho Nước Trời mà Chúa Cha đã trao phó cho Ngài.

Còn chúng ta, chúng ta đã dành bao nhiêu thời giờ trong ngày cho việc cầu nguyện? Đời sống hạnh phúc thực sự của chúng ta ở đâu? Nhờ lời Chúa, nhờ sự khát khao đời sống tâm linh, hay nhờ sự cuốn hút của tiền bạc và danh lợi?

Các bạn thân mến,

Nếu ta biết khiêm tốn quỳ xuống nói chuyện với Chúa, ta sẽ thấy tâm hồn bình an; Và trước mỗi việc ta biết cầu nguyện với Ngài, chắc chắn Ngài sẽ không bỏ rơi ta bao giờ.

Lm. Phêrô Nguyễn Quốc Khánh
(trích trong tập“Câu chuyện Đức Giêsu hôm qua và hôm nay, trang 61-62)
_____________________________________________________________________________________________

Mời bạn đọc:
- suy niệm của
Lm Mi-ca-e Vũ An Lộc
- Suy niệm của
Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
- Suy niệm của
Xuân Hạ, OMI
- Suy niệm của
tgpsaigon,net
- Suy niệm của
tgpsaigon.net
- Lẽ sống ngày 6/9:
Không mong đền đáp