6. Sự mạnh bạo

Trong sách Công vụ Tông đồ 4,13, chúng ta gặp một trong những khủng hoảng đầu tiên trong việc Phúc-âm-hóa mà Hội Thánh sơ khai phải đối diện, và thấy được Thánh Thần hiện diện ra sao trong sự kiện đó. Phêrô và Gioan bị bắt và bị đem ra trước quan quyền, bị tra hỏi, bị đe dọa và bị cấm không được nói nhân danh Chúa Giêsu nữa. Khi được thả ra, Phêrô và Gioan về với cộng đoàn và chính ở thời điểm này, cộng đoàn dâng lời cầu nguyện tha thiết (4,24-30). Lý do các tín hữu cầu nguyện không phải vì sợ hãi cuộc bách hại nhưng vì Lời Chúa bị xiềng xích, bị ngăn cản bằng vũ lực, bị đe dọa và nhận chìm. Khi họ cầu nguyện xong thì “nơi họ họp nhau rung chuyển, ai nấy đều được tràn đầy Thánh Thần và bắt đầu mạnh bạo nói Lời Thiên Chúa” (4,31).

Từ “mạnh bạo” ở đây được dịch từ “parreisa” trong Kinh Thánh Tân Ước. Mạnh bạo ở đây là hoa quả của sự can đảm. Mặc cho những đe dọa, mặc cho những thách đố, mặc cho những khó khăn, kể cả phải mất mạng, chúng ta không được xiềng xích Lời Chúa nhưng phải rao giảng Lời cách can đảm và mạnh bạo.

Về mặt chính trị, không có gì là đúng đắn về việc rao giảng và sống Tin Mừng. Thật vậy, theo cách nhìn và lối sống thế gian, có những khi sứ điệp Tin Mừng bị cho là hoàn toàn sai lầm! Tin Mừng Đức Giêsu Kitô phải được loan báo bằng sự can đảm và mạnh bạo. Đó là sự mạnh bạo không mang tính áp đặt, không cứng cỏi, không chửi bới, không xúc phạm ai, không khoe khoang - nhưng nơi đâu Thánh Thần được ban xuống tràn đầy, trên các cá nhân cũng như cộng đoàn, thì Hội Thánh có nghĩa vụ phải công bố và loan báo Đức Giêsu Kitô cách mạnh bạo, thẳng thắn. Chúng ta phải mạnh bạo và sáng tạo trong những nỗ lực mục vụ giới trẻ.

7. Niềm vui Phúc Âm

Trong Tông huấn Niềm vui Phúc Âm, Đức Giáo hoàng Phanxicô mời gọi và thách thức chúng ta vượt ra ngoài “những vùng tiện nghi”. Ngài muốn chúng ta trở thành những con người ấm áp, đón tiếp và tha thứ. Ngài muốn chúng ta ăn uống với những người thu thuế và kẻ tội lỗi; tha thứ cho người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình (đồng thời khuyên chị đừng phạm tội nữa); đón tiếp và tôn trọng ngoại kiều (kể cả kẻ thù) và nhất là đừng xét đoán người khác. Ngài nói cách đơn sơ nhưng mạnh mẽ và đẹp đẽ về sự trở về với mối hiệp nhất đã mất, một mong ước hoàn thành sự phong phú đã bị tổn thương, mời gọi cùng nhau làm chứng cho vẻ đẹp của tình yêu Đức Kitô. Ngài muốn chúng ta bắc những nhịp cầu mọi người có thể bước qua. Đặc biệt là ngài ý thức về người nghèo và những người bị gạt ra bên lề, bị loại trừ ngoài lề xã hội.

Đức Giáo hoàng Phanxicô dạy chúng ta rằng Phúc-âm-hóa ngày nay đòi hỏi “sự canh tân Hội Thánh không thể thoái thác”. Ngài thường tuyên bố: “Tôi mơ về một chọn lựa thừa sai, nghĩa là sự thúc đẩy có khả năng biến đổi mọi sự, đến nỗi các tập quán của Hội Thánh, những cách làm, thời giờ và chương trình, ngôn ngữ và cấu trúc, đều có thể được khai thông nhằm mục đích Phúc-âm-hóa thế giới chứ không chỉ là để tồn tại”.

Về việc cần có niềm vui trong công cuộc Phúc-âm-hóa, ngài viết: “Có những Kitô hữu mà cuộc đời họ giống như Mùa Chay không có Phục sinh... Sứ giả Tin Mừng đừng bao giờ nhìn giống như người mới đi đưa đám về”.

Về việc gần gũi với người dân, ngài viết: “Một cộng đoàn phúc- âm-hóa phải dấn mình vào cuộc sống hằng ngày của người dân; bắc nhịp cầu nối đôi bờ xa cách, hạ mình xuống khi cần thiết, chăm chút sự sống con người, chạm đến thân xác đau khổ của Đức Kitô nơi người khác”.

Ngài mô tả một Hội Thánh lên đường là Hội Thánh mở cửa. Tốt hơn, nên chậm lại, bỏ sang một bên sự vội vã để nhìn thấy và lắng nghe người khác, ở lại với người đã lạc đường. Hội Thánh cần rao giảng ơn cứu độ chứ không phải giáo thuyết. Sẽ mất quân bình nếu Hội Thánh “nói về lề luật nhiều hơn ân sủng, về Hội Thánh nhiều hơn về Đức Kitô, về Giáo hoàng nhiều hơn về Lời Chúa”.

Phúc-âm-hóa phải là lời mời gọi đáp lại tình yêu của Thiên Chúa và tìm kiếm điều tốt đẹp nơi tha nhân. “Nếu lời mời gọi này không chiếu tỏa cách mạnh mẽ và cuốn hút thì lâu đài giáo huấn luân lý của Hội Thánh có nguy cơ trở thành lâu đài bằng giấy, và đó là nguy cơ lớn nhất của chúng ta. Điều đó có nghĩa là không phải Tin Mừng được rao giảng nhưng chỉ là một vài điểm về giáo thuyết và luân lý đặt nền trên những chọn lựa có tính ý thức hệ”.

Về nhu cầu phải mở rộng cánh cửa bí tích: “Cho dù là sự viên mãn của đời sống bí tích, Thánh Thể không phải là phần thưởng cho những người hoàn thiện nhưng là phương dược và lương thực mạnh sức cho người yếu đuối”. “Tôi muốn nhắc nhở các linh mục rằng Tòa giải tội không phải là phòng tra tấn nhưng đúng hơn là sự gặp gỡ lòng thương xót của Chúa, thúc đẩy chúng ta làm điều tốt nhất. Những “cuộc chiến” nội bộ trong Hội Thánh - khuynh hướng tạo ra những nhóm ưu tuyển, áp đặt một vài ý tưởng, kể cả dấn mình vào “việc bách hại nhìn như săn bắt phù thủy” - tất cả đều là phản chứng của Phúc-âm-hóa. Chúng ta sẽ loan báo Tin Mừng cho ai nếu chúng ta hành xử như thế?”

Trong Thánh lễ cầu cho việc Phúc-âm-hóa các dân tộc, cử hành tại Parque Bicentenario (Công viên Nhị bách niên) ở Quito, ngày 7 tháng 7 năm 2015, Đức Giáo hoàng Phanxicô tập trung vào chủ đề Hiệp nhất và Độc lập. Đức Thánh Cha nói về tiếng kêu hiệp nhất của Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc ly, và tiếng kêu đòi độc lập của châu Mỹ La tinh được ghi nhớ tại công viên, nơi cử hành phụng vụ: “Tôi muốn nhìn hai tiếng kêu này - hiệp nhất và độc lập - nối kết với nhau trong tầm nhìn tuyệt đẹp của Phúc-âm-hóa”. Ngài nói tiếp: “Chúng ta phúc-âm-hóa không phải bằng những lời lẽ đao to búa lớn, hay bằng những ý niệm phức tạp, nhưng bằng niềm vui của Phúc Âm”.

“Phúc-âm-hóa có thể là con đường hợp nhất những hi vọng, những mối quan tâm, những lý tưởng, kể cả những mơ mộng của chúng ta. Chúng ta tin vào điều này và lớn tiếng công bố. Tôi đã từng nói, trong thế giới của chúng ta, cách riêng trong một vài đất nước, có những hình thái khác nhau của chiến tranh và xung đột đang trỗi dậy, thế nhưng người Kitô hữu chúng ta vẫn luôn bám chắc vào ý định tôn trọng người khác, chữa lành thương tích, bắc những nhịp cầu, củng cố các tương quan và mang đỡ gánh nặng cho nhau” (Evangelium gaudium, số 67).

Ước mong hiệp nhất thúc đẩy niềm vui Phúc-âm-hóa, niềm xác tín rằng chúng ta có một kho tàng bao la để chia sẻ, kho tàng đó lại càng lớn hơn khi được chia sẻ, và ngày càng nhạy bén hơn trước nhu cầu của người khác (ibid., số 9). Do đó cần phải làm việc cho sự đón nhận ở mọi bình diện, tránh những hình thức ích kỷ, phải xây dựng sự hiệp thông và đối thoại, khuyến khích sự hợp tác. Chúng ta cần tận tâm với những bạn đồng hành trên đường đi, không nghi ngờ và bất tín. “Tin tưởng người khác là một nghệ thuật, và hòa bình là nghệ thuật” (ibid., số 244). Sự hiệp nhất của chúng ta khó lòng tỏa sáng nếu tính thế gian làm cho chúng ta xâu xé lẫn nhau trong cuộc kiếm tìm vô ích quyền lực, uy tín, khoái lạc hay bảo đảm kinh tế.

8. Kết luận

Chuẩn mực đánh giá cuối cùng những cố gắng về mục vụ, thiêng liêng, giáo dục và phúc-âm-hóa của chúng ta là ở chỗ này: chúng ta có đánh giá những nỗ lực của mình theo tâm trí của Đức Kitô không. Ngài là Chúa của lịch sử. Thế giới và thời gian của chúng ta thuộc về Ngài. Vậy hãy đánh giá mọi sự chúng ta làm dựa vào tiêu chuẩn này, là chúng ta đã mở mắt mình và mở mắt cho người khác ra sao trước vẻ đẹp sáng ngời của Đức Kitô. Nếu chúng ta muốn là những sứ giả, khí cụ, người mang sứ điệp Vui mừng và Hi vọng, hình ảnh của Niềm vui Phúc âm trong thế giới ngày nay, thì chúng ta phải trực tiếp gặp gỡ Đức Giêsu Kitô, Đấng là niềm vui và hi vọng của gia đình nhân loại. Gặp gỡ Ngài trong Hội Thánh, trong các bí tích và trong phụng vụ.

Hãy ghi nhớ những lời Đức Giáo hoàng Phanxicô nói với các sứ thần Tòa thánh (25/6/2015):“Không thể đại diện cho một ai đó mà lại không phản ánh những đặc tính, không gợi lên khuôn mặt của người đó.” “Đừng đánh mất tầm nhìn dung nhan của Đấng ở cội nguồn hành trình của anh em.” “Tôi thúc giục anh em đừng mong chờ những mảnh đất dọn sẵn nhưng hãy can đảm trồng cấy bằng chính đôi tay của mình - không có máy kéo hoặc những dụng cụ hữu hiệu mà chúng ta chẳng bao giờ bảo đảm được. Hãy tự mình chuẩn bị mảnh đất để gieo trồng, và với sự kiên nhẫn của Thiên Chúa, đợi chờ mùa gặt, mùa gặt mà có lẽ anh em không phải là người được thụ hưởng; đừng tìm cá trong bể nuôi hay trong trang trại, nhưng hãy can đảm ra khỏi vùng bình yên (của những gì đã biết rõ) và thả lưới bắt cá ở những nơi ít ngờ tới. Đừng chỉ quen ăn thứ cá đã đóng gói sẵn.” “Hãy dạy người ta cầu nguyện bằng cách chính mình cầu nguyện; hãy loan báo đức tin bằng chính việc tin; hãy làm chứng bằng chính đời sống của mình”.

Một linh mục nổi tiếng dòng Tên, cha Walter Burghard, có lần giảng Chúa nhật Mùa Chay ở Đại học Georgetown, Washington, DC, ngài trích dẫn một câu của Nietzsche “Các Kitô hữu này nhìn không giống những người đã được cứu độ”. Rồi ngài kết luận: “Việc đền tội cho anh chị em là: hãy (sống làm sao để người ta thấy anh chị em) như người được cứu độ”. Những lời đó cũng được nói với chúng ta. Hãy đi loan báo Niềm vui Tin Mừng của Chúa Giêsu! Hãy đi và trở thành niềm vui và hi vọng cho thế giới!

Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, số 112 (tháng 5 & 6 năm 2