|
Đức Giêsu là người khách bộ hành của cuộc đời chúng ta. Người đến với chúng ta những lúc chúng ta không ngờ tới. Người đến theo “thời của Người” là “thời tình yêu vĩnh cửu”. Nghĩa là Người luôn đến với chúng ta và đồng hành cùng chúng ta trong mọi biến cố của cuộc đời. Chúng ta hãy mời Đức Giêsu Phục Sinh ở lại với chúng ta, để nhờ Người, con mắt tâm hồn của chúng ta luôn mở ra và nhận ra Người. Câu chuyện hai môn đệ trên đường Emmau không chỉ là câu chuyện cách đây gần 2000 năm, mà là câu chuyện của ngày hôm nay và luôn mãi, vì Đức Giêsu là Bạn luôn đồng hành và hướng dẫn mỗi người chúng ta. Câu chuyện này vừa là khuôn mẫu cho chương trình mục vụ của Giáo Hội đối với giới trẻ, đồng thời, vừa là khuôn mẫu cho đời sống và sứ vụ của những người trẻ trong Giáo Hội, cũng như tất cả mọi Kitô hữu.
Câu chuyện hai môn đệ trẻ trên đường Emmau gợi lại cho chúng ta câu chuyện Đức Giêsu làm cho con trai bà goá thành Nain sống lại: “Người lại gần, sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại. Đức Giêsu nói: Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy! Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Đức Giêsu trao anh ta cho bà mẹ” (Lc 7,14-15). Trước khi gặp Đức Giêsu Phục Sinh, hai môn đệ trên đường Emmau đang sống, nhưng có thể xem như đã chết. Hy vọng của họ về sự biến đổi thân phận mình cũng như dân tộc Do Thái đã vụt tắt, vì Đức Giêsu đã chết. Tuy nhiên, với Đức Giêsu Phục Sinh, họ đã được sống lại, bởi vì họ nhận được Thần Khí của Người, Thần Khí luôn nhắc nhở họ “hãy trỗi dậy”. Nhờ vậy, họ ý thức rằng sự biến đổi thân phận của họ và của tất cả mọi người trong gia đình nhân loại còn kỳ diệu hơn, là trở thành con cái Thiên Chúa nhờ Đức Giêsu, trong Quê Hương Vĩnh Cửu. Đó là lý do giải thích tại sao họ lập tức trở về Giêrusalem để cùng với các môn đệ khác ra đi loan báo Tin Mừng Phục Sinh.
Giáo Hội tiếp tục sống kinh nghiệm biến cố Emmau bằng cách thực thi sự hòa hợp giữa ba thì, đó là: Chia sẻ Lời Chúa, cử hành Bí Tích Thánh Thể và làm chứng cho Đức Giêsu và Tin Mừng của Người bằng cuộc sống. Trong thực tế, chúng ta nhận ra những bất cập, khập khiễng, lệch lạc nhất định trong ba thì này đối với con cái Giáo Hội. Kinh nghiệm cho chúng ta thấy rằng những bất cập, khập khiễng, lệch lạc của con cái Giáo Hội trong quá khứ cũng như hiện tại ít khi khởi xuất ở “thì chia sẻ Lời Chúa” hay “thì cử hành Bí Tích Thánh Thể”, mà ở “thì hành động”. Sự u tối, lệch lạc và thiên kiến của những người Pharisêu, kinh sư, luật sĩ mà Đức Giêsu đề cập trong hành trình loan báo Tin Mừng của Người luôn là những bài học có tính thời sự cho tất cả con cái Giáo Hội qua dòng thế kỷ.
Câu chuyện hai môn đệ trẻ trên đường Emmau mãi mãi là câu chuyện mẫu mực cho tất cả mọi người, đặc biệt cho những người trẻ. Giáo Hội chính là “sự nhập thể của biến cố Emmau” cho đến tận thế. Do đó, Giáo Hội luôn đồng hành với các bạn trẻ trong cả ba thì của biến cố Emmau, đó là chia sẻ Lời Chúa, cử hành Bí Tích Thánh Thể và loan báo Tin Mừng. Giáo Hội đồng hành với các bạn trẻ trong việc thăng tiến đức tin, nhận diện và giải thích thực tại, đồng thời, giúp họ trong việc chọn lựa ơn gọi và trung tín với ơn gọi của mình giữa những khó khăn bấp bênh của cuộc sống hằng ngày. Sự trưởng thành toàn diện của những người trẻ và sự đóng góp của họ cho gia đình, Giáo Hội và xã hội lệ thuộc rất lớn vào đường hướng mục vụ của Giáo Hội hôm nay và luôn mãi.
4. Hướng mục vụ
Trong Sứ Điệp gửi các bạn trẻ khi kết thúc Công Đồng Vatican II (8/12/1965), các Nghị Phụ nhấn mạnh rằng Giáo Hội “trở nên phong phú bởi lịch sử lâu dài và sống động, và hướng tới sự hoàn thiện của con người trong thời gian và các định mệnh tối hậu của lịch sử và cuộc sống, Giáo Hội thực sự trẻ trung cho thế giới.” Điều này thật đúng đắn, bởi vì Đức Giêsu là Đấng trẻ trung luôn mãi. Giáo Hội là bí tích của Đức Giêsu, do đó, Giáo Hội cũng là thực tại trẻ theo khuôn mẫu của Người. Trong Tông Huấn Đức Kitô Đang Sống, Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích: “Giáo Hội trẻ trung khi Giáo Hội là chính mình, khi Giáo Hội luôn nhận được sức mạnh khởi xuất từ Lời Chúa, Bí Tích Thánh Thể, và sự hiện diện mỗi ngày của Đức Kitô và quyền năng của Chúa Thánh Thần trong đời sống chúng ta. Giáo Hội trẻ trung khi chứng thực khả năng luôn trở về nguồn của chính mình” (Christus Vivit 35).
Giáo Hội trẻ trung ra đi cùng với các bạn trẻ, và cùng họ đến với tất cả mọi người. Giáo Hội chuẩn bị tâm hồn cho các bạn trẻ, làm cho họ thấm nhuần tinh thần Tin Mừng để cùng họ đem Tin Mừng đến cho người khác. Hiến chế Gaudium et Spes của Công Đồng Vatican II khẳng định: “Đầu mối, trung tâm và cùng đích của toàn thể lịch sử nhân loại đều ở trong Ðức Kitô là Chúa và là Thầy của Giáo Hội. Hơn nữa, Giáo Hội còn xác nhận rằng qua mọi thay đổi, có nhiều điều vẫn không đổi thay vì nền tảng cuối cùng của những điều không thay đổi này là Chúa Kitô, Ðấng hôm qua, hôm nay và mãi mãi” (Gaudium et Spes 10). Như Đức Giêsu đã phó thác chương trình của mình cho các môn đệ, Giáo Hội cũng phó thác chương trình của mình cho các bạn trẻ, để nhờ và qua các bạn trẻ, căn tính, đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội được tỏ hiện cách rõ ràng hơn giữa lòng nhân thế.
Để công việc mục vụ giới trẻ ngày càng hiệu quả hơn, khái niệm “tính đồng nghị” (synodality) được Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới về Giới Trẻ 2018 quan tâm nhất. Khái niệm này cho phép mọi người ý thức hơn về bản chất của Giáo Hội. “Synodality” phát xuất từ “synod” (công nghị). Trong tiếng Hy Lạp “synod” được hình thành bởi giới từ “συν” (với) và danh từ “όδός” (đường). Như vậy “synod” (σύνοδος, synodos) là “đi cùng con đường”, chẳng hạn như Dân Thiên Chúa đi cùng con đường, đồng hành cùng nhau tiến về Nước Thiên Chúa. Khái niệm này có nền tảng Kinh Thánh, truyền thống và Giáo Huấn vững chắc. Các Đức Giáo Hoàng trong lịch sử Giáo Hội ít khi nói đến “dân chủ hóa Giáo Hội”, mà nói nhiều về sự tham gia, cộng tác của các thành phần trong Giáo Hội. Các Đức Giáo Hoàng trong những thập niên gần đây đề cập nhiều hơn về ý tưởng này, chẳng hạn như thánh Giáo Hoàng Phaolô VI, thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI và Đức Thánh Cha Phanxicô.
Giáo Hội là “thực tại đồng nghị”. Tính đồng nghị phản ánh bản chất của Giáo Hội là cộng đoàn được Thiên Chúa kêu gọi và triệu tập (ἐκκλησία, Ecclesia) để đồng hành với Đức Giêsu Phục Sinh trong Chúa Thánh Thần cho đến tận thế. Tinh thần đồng nghị được diễn tả qua các Công Đồng trong lịch sử, nhất là Công Đồng Vatican II và các Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới được tổ chức sau Công Đồng Vatican II cho đến hôm nay. Tinh thần đồng nghị mời gọi tất cả mọi người tham gia, mọi người đóng góp cho sự tiếp tục, tồn tại và phát triển của Giáo Hội, bởi vì Giáo Hội là của tất cả mọi người và cho tất cả mọi người. Quyền bính của Giáo Hội là quyền bính đồng nghị, tinh thần của Giáo Hội là tinh thần đồng nghị. Tinh thần này cho phép Giáo Hội duy trì sự hiệp nhất trong đa dạng, không theo nghĩa “dân chủ hóa” mang tính chính trị, xã hội, nhưng theo nghĩa “cùng hướng về Thiên Chúa” trong hành trình trần thế của Giáo Hội.
Tính đồng nghị của Giáo Hội không chỉ được diễn tả trong việc chăm sóc mục vụ giới trẻ mà còn trong mọi khía cạnh và chiều kích khác nhau của Giáo Hội. Giáo Hội đồng nghị (the synodal Church) là Giáo Hội trong đó mọi người cùng hướng về mục đích chung là Đức Kitô viên mãn (Ep 1,9-10). Kinh nghiệm về Giáo Hội đồng nghị cho phép thực thi tinh thần đồng nghị trong các tổ chức, các giáo xứ, giáo phận, cũng như tất cả các lãnh vực khác trong đời sống Giáo Hội. Mỗi cộng đoàn, mỗi giáo hội địa phương phát huy tinh thần đồng nghị của Giáo Hội đối với đời sống và sứ mệnh cụ thể của cộng đoàn hay giáo hội địa phương mình. Các thành phần trong Giáo Hội cùng nhau lắng nghe Chúa Thánh Thần để đồng hành với nhau, nhất là đồng hành với giới trẻ.
Giáo Hội đồng nghị là Giáo Hội lắng nghe. Trong Diễn từ nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới, 17/10/2015, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Giáo Hội đồng nghị là Giáo Hội lắng nghe, với ý thức rằng việc lắng nghe (listening) “còn hơn cả nghe (hearing)”. Đó là một sự lắng nghe qua lại, trong đó, mỗi người đều có điều gì đó để học. Các tín hữu, Giám Mục Đoàn, Giám Mục Rôma: Tất cả lắng nghe nhau, và tất cả lắng nghe Chúa Thánh Thần, “Thần Khí sự thật” (Ga 14,17), để biết điều Người “nói với các Hội Thánh” (Kh 2,7).” Lắng nghe trở hành điều kiện căn bản, điều kiện then chốt, điều kiện không thể thiếu để Giáo Hội thi hành sứ mệnh của mình. Do đó, trong chương trình mục vụ giới trẻ, Giáo Hội phải luôn là Giáo Hội lắng nghe các bạn trẻ, hầu có thể đi vào cuộc sống của họ, để đồng hành và phục vụ họ cách đắc lực nhất.
Giáo Hội đồng nghị là Giáo Hội đối thoại, đối thoại với các bạn trẻ trên bình diện cá nhân và các hình thức tập thể. Đối thoại với các bạn trẻ sẽ làm cho tương quan giữa các vị hữu trách trong Giáo Hội và các bạn trẻ ngày càng gần gũi và gắn bó hơn, đồng thời, cho phép Giáo Hội vạch ra chương trình và đường hướng mục vụ giới trẻ hiệu quả hơn. Cảm thức đức tin của các tín hữu (sensus fidei fidelium), đặc biệt, cảm thức đức tin của các bạn trẻ cần được quan tâm đúng mức. Việc đối thoại giúp tất cả mọi người được soi sáng để có thể giải quyết những vấn đề phức tạp đang tồn tại trong các tương quan và cùng nhau tìm ra đường hướng mục vụ mới và tốt đẹp hơn cho Giáo Hội. Nhờ đối thoại, Giáo Hội giúp các bạn trẻ nhận ra ơn gọi và đặc sủng của mình trong thân thể có tên là “Giáo Hội”, mà các bạn trẻ là những thành phần sống động.
Giáo Hội đồng nghị không chỉ là Giáo Hội giảng dạy (Ecclesia docens), mà còn là Giáo Hội học hỏi nữa (Ecclesia discens). Giáo Hội học hỏi từ các lãnh vực khác trong đời sống con người, đặc biệt, từ các khoa học xã hội. Giáo Hội học hỏi từ các bạn trẻ, chẳng hạn như học hỏi “văn hóa của họ”, “biểu tượng của họ”, “ngôn ngữ của họ”, “thói quen của họ”, và tất cả những gì liên quan đến họ. Cùng với họ, Giáo Hội dấn thân vào các môi trường nơi họ hiện diện và hoạt động. Trong mọi hoàn cảnh, cảm thức đức tin của các tín hữu, cảm thức đức tin của các bạn trẻ, cần được quan tâm và tích hợp trong đời sống Giáo Hội. Tham khảo, học hỏi từ các bạn trẻ là điều thiết yếu giúp Giáo Hội diễn tả chính mình là Giáo Hội trẻ cho các bạn trẻ.
Giáo Hội đồng nghị là Bạn của các bạn trẻ. Đối với giới trẻ, tình bạn rất quan trọng, đặc biệt, tình bạn của những người cùng lứa tuổi, cùng trình độ học vấn, cùng đam mê, cùng sở thích (peer friends, peer relationships). Để giúp các bạn trẻ triển nở trong các tương quan đó, Giáo Hội tạo điều kiện để các bạn trẻ tiếp cận nội dung đức tin Kitô Giáo cách đầy đủ nhất qua các chương trình huấn luyện, dựa trên Giáo Huấn của Giáo Hội, đặc biệt, Giáo Lý của Giáo Hội và các tài liệu hữu ích khác như YouCat và DoCat và các Tông Huấn, Thông Điệp của các Đức Giáo Hoàng. Ngôn ngữ tình bạn phải là ngôn ngữ quan trọng trong mục vụ của Giáo Hội đối với các bạn trẻ.
Giáo Hội mời gọi các bạn trẻ xây dựng tương quan tình bạn đặt nền tảng trên tương quan của họ đối với Người Bạn Lớn (Big Brother) là Đức Giêsu. Đối với Người, tình yêu của Người cũng chính là tình bạn và ngược lại (Ga 15,12-15). Giáo Hội luôn gần gũi với các bạn trẻ như chính Đức Giêsu luôn gần gũi với các môn đệ của Người. Tình bạn sâu đậm đó được diễn tả qua hình ảnh cây nho và cành nho liên kết với nhau và trổ sinh hoa trái dồi dào (Ga 15, 1-8). Khi Đức Giêsu là Bạn của các bạn trẻ, khi Giáo Hội là Bạn của các bạn trẻ, cũng là khi các bạn trẻ nhận ra rằng họ có trách nhiệm đối với Bạn mình và vì vậy họ sẽ thiết lập tình bạn với những người khác dựa trên tinh thần là bạn của Đức Giêsu, là bạn của Giáo Hội.
Giáo Hội đồng nghị diễn tả chính mình như là Gia Đình Thiên Chúa ở trần gian này. Nơi đây, mọi người được đón nhận, được nâng đỡ và được phát triển phù hợp với phẩm giá mình. Nơi đây, mọi người “đi cùng con đường” (σύνοδος, synodos) trong hành trình tiến về với Gia Đình Thiên Chúa. Như là Gia Đình Thiên Chúa ở trần gian, Giáo Hội đồng hành với các bạn trẻ và cho họ hiểu rằng sự quan tâm của Giáo Hội không chỉ là gia đình cơ bản, gia đình là tế bào xã hội. Giáo Hội giúp các bạn trẻ có tầm nhìn rộng hơn về các hình thức gia đình mở rộng nữa, chẳng hạn như gia đình giáo họ, giáo xứ, gia đình dòng tu, gia đình giáo phận, gia đình các dân tộc, gia đình nhân loại. Tất cả các hình thức gia đình này sẽ sinh hoa kết trái dồi dào khi được nuôi dưỡng bởi các giá trị của Gia Đình Thiên Chúa, được Đức Giêsu loan báo và thực thi trong hành trình trần thế, và được Giáo Hội tiếp tục diễn tả trong sứ mệnh của mình.
Giáo Hội đồng nghị là Giáo Hội phục vụ xã hội. Các thành phần trong Giáo Hội đi cùng với Thiên Chúa và cùng đi với nhau, thì sẽ có cùng viễn kiến trong môi trường nhân loại. Giáo Hội luôn ý thức rằng Giáo Hội không tách mình khỏi nhân loại, Giáo Hội ở trong nhân loại, Giáo Hội đồng hành cùng nhân loại. Tính đồng nghị của Giáo Hội thể hiện cho đến khi tất cả mọi người trong gia đình nhân loại cùng đi với Thiên Chúa và cùng đi với nhau hướng về Nước Thiên Chúa viên mãn. Như đã được đề cập ở trên, việc Đức Giêsu cùng đi với hai môn đệ trên đường Emmau là hình ảnh giúp Giáo Hội mời gọi tất cả mọi người, đặc biệt mời gọi các bạn trẻ khác cùng đi Đường Đức Giêsu, cùng lắng nghe Đức Giêsu, cùng chia sẻ Bánh Đức Giêsu và cùng Đức Giêsu loan báo Tin Mừng cho tất cả mọi người.
Như hai môn đệ trên đường Emmau, các bạn trẻ được mời gọi cộng tác với Giáo Hội trong việc phân định ơn gọi của mình, hầu trong bất cứ hình thức ơn gọi nào, các bạn trẻ đều là những chứng nhân của Đức Giêsu và Tin Mừng của Người. Để được như thế, trước hết các bạn trẻ phải là con người của niềm tin, tình yêu và hy vọng dựa trên nội dung đức tin Kitô Giáo. Các bạn trẻ đều có ơn gọi chung là “theo Đức Giêsu”, trước tất cả các hình thức ơn gọi cụ thể khác, chẳng hạn như độc thân dâng hiến trong bậc linh mục, tu sĩ, sống đời thánh hiến, hay bất cứ hình thức ơn gọi nào khác. Để có thể trung tín với ơn gọi là môn đệ của Đức Giêsu, Giáo Hội giúp các bạn trẻ tạo “thói quen gần gũi với Người”, để từ đó, họ luôn là nhân chứng của Người cho anh chị em mình.
Giáo Hội khởi xuất từ ý định đời đời của Thiên Chúa Cha, được Chúa Giêsu thiết lập và Chúa Thánh Thần thánh hóa, để tiếp tục sự hiện diện của Đức Giêsu giữa dòng đời. Giáo Hội mời gọi các bạn trẻ hãy có “tinh thần Giáo Hội”, hãy là “những diễn viên thực thụ” của Giáo Hội, chứ không phải là những khán giả hay những người bên ngoài. Giáo Hội bao gồm những người bất xứng, tội lỗi, nhưng Giáo Hội luôn là “dấu chỉ và khí cụ” diễn tả tương quan mật thiết giữa Thiên Chúa và nhân loại, cũng như muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo này (Lumen Gentium 1). Thực tế cho thấy rằng có những bạn trẻ thưa “vâng” (yes) với Đức Giêsu, nhưng lại thưa “không” (no) với Giáo Hội. Một số bạn trẻ nhìn nhận Giáo Hội như là thực tại già cỗi, lỗi thời, là thực tại thuộc quá khứ, đang kìm hãm hay phân tán tư tưởng của họ. Do đó, các bạn trẻ dành nhiều thời gian cho âm nhạc, cho thể thao và các hình thức tiêu khiển khác, hơn là dành thời gian diễn tả căn tính, đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội mà họ là những thành phần.
Trong sứ vụ rao giảng của mình, Đức Giêsu không “hạ thấp” chương trình của Người để phù hợp với tâm thức của các môn đệ trẻ. Đức Giêsu mời họ “đến mà xem” và họ bị Người cuốn hút, không phải bởi sự dễ dãi nhưng bởi sự ngạc nhiên với giáo huấn của Người (Ga 1,35-39). Theo chân Đức Giêsu, Giáo Hội không tầm thường hóa nội dung đức tin mà Giáo Hội được ủy thác gìn giữ, sống và loan truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác trong dòng lịch sử. Giáo Hội không “hạ thấp” những bổn phận của Kitô hữu để “làm vừa lòng” các bạn trẻ. Giáo Hội mời gọi các bạn trẻ đến với Giáo Hội, ở lại với Giáo Hội và nhận ra Giáo Hội chính là thực thể tiếp tục Biến Cố Đức Giêsu Kitô trong hành trình trần thế.
Như đã được đề cập ở trên, toàn cầu hóa và thế giới kỹ thuật số đem lại nhiều cơ hội cho con người phát triển, tuy nhiên, cũng hàm chứa nhiều thách đố và muôn hình thức cám dỗ. Một mặt, toàn cầu hóa và thế giới kỹ thuật số giúp con người sống gần nhau hơn, sự chia sẻ đời sống vật chất, tinh thần ngày càng dễ dàng hơn. Mặt khác, toàn cầu hóa, thế giới kỹ thuật số và cùng với con đẻ của nó là thế giới ảo luôn chứa đựng những bất trắc, bất cập, bất hòa hợp giữa con người với nhau, cũng như giữa con người với thế giới thụ tạo. Toàn cầu hóa và thế giới kỹ thuật số vừa là cơ hội để Giáo Hội thuận tiện hơn trong việc loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa, vừa là thách đố lớn lao đối với con cái Giáo Hội trong việc trung tín với niềm tin của mình giữa muôn lựa chọn và thực thể hấp dẫn khác.
Các phương tiện truyền thông, thông tin hiện đại có thể là “những đầy tớ trung tín”, cũng có thể là “những ông chủ xấu” của người sử dụng. Trong khi có nhiều bạn trẻ rất tích cực trong việc sử dụng các phương tiện này để loan báo Tin Mừng, để làm điều tốt và khuyến khích người khác làm điều tốt, vẫn còn những bạn trẻ trở nên nô lệ các phương tiện truyền thông, thông tin sai lệch. Cần ghi nhận rằng giữa cảnh “vàng thau lẫn lộn”, giữa cảnh lầm lẫn các giá trị và đầy cám dỗ của thế giới này, vẫn có nhiều bạn trẻ rất quan tâm và thực thi những hình thức đạo đức, chẳng hạn như đọc và chia sẻ Kinh Thánh, đến với các bí tích, đặc biệt là Bí Tích Thánh Thể, dành thời gian hằng ngày để đến với Chúa Giêsu Thánh Thể, gắn bó với các phong trào, như Thiếu Nhi Thánh Thể, Hướng Đạo và nhiều phong trào đạo đức khác nhằm đóng góp phần mình cho sự phát triển của Giáo Hội. Cảm thức thuộc Đức Giêsu, thuộc về Tin Mừng của Người, thuộc về Giáo Hội khá phổ biến trong giới trẻ của nhiều nước trên thế giới.
Nhân danh Giáo Hội, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở các bạn trẻ, cũng như tất cả mọi người rằng hãy online với Đức Kitô, hãy nối mạng với Người (Christus Vivit 158). Giáo Hội luôn mời các bạn trẻ hãy chuyện trò với Người, hỏi han Người và nhờ Người hướng dẫn trong mọi biến cố của cuộc sống, đặc biệt, trong những lúc gặp khó khăn. Giáo Hội ý thức rằng nếu các bạn trẻ luôn nối mạng với Đức Kitô, thì sẽ hiểu rõ hơn phẩm giá mình, tình trạng tâm hồn mình, đồng thời, nhận ra “Ai” và “điều gì” cần thiết nhất cho cuộc sống mình. Hơn nữa, nếu các bạn trẻ luôn nối mạng với Đức Kitô, thì sẽ nhận ra được đường đi cho mình giữa dòng đời tăm tối, bấp bênh và đầy sóng gió này.
Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “Chúng ta không chỉ nói rằng người trẻ là tương lai của thế giới chúng ta. Họ là hiện tại của thế giới; ngay cả bây giờ, họ đang giúp làm cho thế giới thêm phong phú” (Christus Vivit 64). Ngài cũng nhấn mạnh rằng các bạn trẻ là “hiện tại của Thiên Chúa” (Christus Vivit 178). Giáo Hội mời gọi các bạn trẻ đóng góp phần mình trong mọi hoạt động của gia đình, Giáo Hội và xã hội, hầu có thể biến đổi các thực tại này theo thánh ý Thiên Chúa. Tiếp nối tinh thần Công Đồng Vatican II, Giáo Hội mời gọi các bạn trẻ hãy luôn trở về tận đáy lòng để biết mình nhiều hơn, luôn đọc những dấu chỉ hằng ngày và luôn cộng tác với Chúa Thánh Thần trong việc biến đổi bản thân để các bạn luôn là những môn đệ và tông đồ trung tín của Đức Giêsu giữa thế gian này.
Giáo Hội mời gọi các bạn trẻ sống đời thánh thiện, bởi vì thánh thiện là nền tảng trên đó các bạn trẻ diễn tả các chiều kích khác của cuộc sống. Sự thánh thiện Kitô Giáo không phải là một ý tưởng hay là điều gì đó trừu tượng. Sự thánh thiện Kitô Giáo có “hình hài” là Đức Giêsu, Đấng Thánh của Thiên Chúa (Ga 6,69). Do đó, các bạn trẻ được mời gọi theo Đức Giêsu, Đấng Trẻ Trung Muôn Đời giữa lịch sử đầy biến động và đổi thay này. Những cám dỗ của thế giới vật chất sẽ lùi bước khi các bạn trẻ dõi theo Đức Giêsu, Đường Thánh Thiện. Thánh thiện luôn là một dự án lâu dài, một hành trình không bao giờ chấm dứt của mỗi người trên đường dương thế. Giáo Hội mời gọi các bạn trẻ hãy đi Đường Thánh Thiện để đến với Thiên Chúa, đến với nhau và đến với muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo này.
Đức Maria luôn đi Đường Thánh Thiện. Người chính là mẫu gương cho tất cả mọi người, đặc biệt, cho các bạn trẻ, vì Đức Maria đã thưa: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa” (Lc 1,38). Trong cuộc đời mình, Đức Maria đã lắng nghe Lời Chúa, đón nhận Lời Chúa, suy niệm Lời Chúa, cưu mang Lời Chúa, đồng hành cùng Lời Chúa Nhập Thể (Đức Giêsu) trên mọi nẻo đường dương thế. Sau khi Đức Giêsu về trời, Đức Maria hằng ở lại với các tông đồ và cùng với họ cầu nguyện, chia sẻ Lời Chúa và cử hành Bí Tích Thánh Thể (Cv 1,14; 2,42). Đồng thời, Đức Maria đã cùng với các môn đệ loan báo Đức Giêsu và Tin Mừng của Người cho anh chị em đồng loại.
Kết luận
Những quan sát, đánh giá và diễn tả trên đây giúp chúng ta tiếp cận và hiểu biết cách tổng quát “nhãn quan Giáo Hội về giới trẻ trong thế giới hôm nay”. Nội dung đức tin mà Giáo Hội đón nhận, sống và chuyển tải cung cấp cho chúng ta nhiều khuôn mặt trẻ được Thiên Chúa kêu gọi để thực thi chương trình của Người đối với gia đình nhân loại và toàn thể thế giới thụ tạo. Theo dòng lịch sử, Giáo Hội luôn quan tâm đến các bạn trẻ, bởi họ luôn là thành phần làm cho Giáo Hội sống động và phát triển không ngừng. Những mẫu gương trẻ trong mặc khải Kinh Thánh và đời sống Giáo Hội có thể ví như là những ngọn hải đăng giúp con thuyền Giáo Hội vượt qua sóng gió của biển đời tăm tối.
Từ những thập niên hậu bán thế kỷ XX tới nay, thế giới biến chuyển mau chóng và ảnh hưởng tới tất cả mọi người, nhất là các bạn trẻ, những người đầy sức sống và khả năng sáng tạo, nhưng đồng thời, cũng là những người dễ bị tổn thương trong thế giới toàn cầu hóa, thế giới kỹ thuật số và thế giới ảo. Những dấu chỉ của thế giới hôm nay vô cùng phong phú, đa dạng và lắm sắc màu. Giáo Hội được mời gọi đọc những dấu chỉ đó dưới ánh sáng mặc khải Thiên Chúa. Nhờ đó, Giáo Hội nhận ra thánh ý Thiên Chúa trong khi diễn tả chính mình như là thực thể phản chiếu ánh sáng Thiên Chúa cho tất cả mọi người.
Sự đồng hành và chăm sóc mục vụ giới trẻ của Giáo Hội đặt nền tảng trên khuôn mẫu Đức Giêsu trong hành trình trần thế, trong đó, biến cố gặp gỡ giữa Đức Giêsu Phục Sinh và hai môn đệ trên đường Emmau là điển hình (Lc 24,13-35). Ba thì của biến cố này là (a) chia sẻ Lời Chúa, (b) cử hành Bí Tích Thánh Thể, và (c) loan báo Tin Mừng, cũng là ba thì chính của đời sống Giáo Hội, đời sống các Kitô hữu và đời sống các bạn trẻ. Giáo Hội vững tin rằng, trong Chúa Thánh Thần, Đức Giêsu Phục Sinh luôn đồng hành với Giáo Hội, với các thành phần Dân Chúa và với các bạn trẻ, như Người đã đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmau sau khi Phục Sinh.
Là bí tích, nghĩa là dấu chỉ và khí cụ của Đức Giêsu, Đấng Trẻ Trung Muôn Đời, Giáo Hội luôn là Giáo Hội trẻ cho những người trẻ. Giáo Hội trẻ cũng là Giáo Hội đồng nghị (the Synodal Church), là Giáo Hội mà tất cả mọi người được mời gọi “đi cùng con đường” (σύνοδος, synodos), cùng tham gia, đóng góp phần mình xây dựng Nhiệm Thể Đức Kitô ở trần gian này. Giáo Hội đồng nghị mời gọi con cái mình luôn trở về, luôn tìm hiểu, luôn trả lời, luôn thay đổi, luôn tiến tới trong tâm tình vâng phục, phó thác cho tình yêu Thiên Chúa và lòng nhân hậu của Người. Để công việc mục vụ giới trẻ đem lại hiệu quả hơn, Giáo Hội không chỉ dạy dỗ, hướng dẫn các bạn trẻ, mà còn đồng hành, lắng nghe, đối thoại và học hỏi từ các bạn trẻ nữa.
Trong nhãn quan của Giáo Hội, hướng mục vụ giới trẻ nhằm tạo điều kiện cho họ nhận thức rằng Giáo Hội tiếp tục Biến Cố Đức Giêsu Kitô ở trần gian. Do đó, sứ mệnh của Giáo Hội là quy tụ tất cả mọi người trong gia đình nhân loại cho Thiên Chúa. Giáo Hội giúp các bạn trẻ hướng về tương lai với niềm hy vọng vững chắc vào tình yêu Thiên Chúa được thực hiện qua Đức Giêsu Kitô, Đấng Hy Vọng. Trong Người, tất cả được giao hòa, được biến đổi, được hoàn thiện. Trong Người, khát vọng sâu xa nhất của con người là bình an đích thật, tình yêu tuyệt đối và sự sống vĩnh cửu trở thành hiện thực.
Nguồn: hdgmvietnam.com
114.864864865135.135135135250
|
|