Những câu nói khác thường của ĐGH Francisco.

Nhiều người chúng ta, có thể đã ít nhiều cảm thấy khó chịu khi nghe được ĐGH phát biểu những câu ngược đời.
Không phải chỉ từ khi ĐGH phát biểu những câu khó nghe, nhưng nhiều người đã không ưa Ngài từ ngay những ngày đầu khi Ngài mới lên ngôi. ĐGH đã chọn một cuộc sống đơn giản, khó nghèo: căn phòng đơn sơ, chiếc xe đơn sơ… Và Ngài luôn kêu gọi Giáo-hội phải sống với người nghèo.

Những sự việc này đã gây khó chịu và bất an cho những người sống gần Ngài. Có lẽ vì thế nên họ khai thác mọi khác lạ của ĐGH để mà moi móc chăng?

Chúng tôi xin chia sẻ những cảm nghĩ về vài lời “khác thường” của ĐGH:
1..Ngài nói: Tôi là ai mà dám lên án người khác.
Chúng ta ít nhiều, đều có khuynh hướng chê bai người khác; không phải chỉ vì họ có lỗi lầm mà cả khi họ có gì hơn ta, làm ta phải ganh tỵ.
Phải lên án những người phá thai, đồng tinh, v.v. là đúng chứ sao? Thử nghĩ, khi Chúa nói rằng “đừng lên án ai, kẻo ta bị lên án” là Chúa nói với người nào khác, chứ không áp dụng cho ta! Lại thử nghĩ, khi ta thấy một người nào bẩn thỉu, hôi hám, ta khinh chê họ; nhưng không biết rằng, trong người của ta có thể cũng có mùi hôi hám bẩn thỉu không kém họ thì sao? Họ là những người có “tội trống” nghĩa là tội mà người ngoài nhìn thấy, còn ta, có thể cũng đầy dãy những “tội kín” mà không ai thấy, như gian tham, lừa đảo, dâm ô, ghen tỵ v.v. và tôi nghĩ là ĐGH đã nhìn ở góc cạnh đó.

2. ĐGH nói Giáo-hội phải sống với người nghèo: Trong lịch sử Giáo-hội, có rất nhiều thánh nhân đã xả thân giúp đỡ người nghèo, nhiều nữ tu phục vụ người nghèo… Nhưng đó là những trường hợp cá biệt của một số mà thôi. Tại sao ĐGH kêu gọi Giáo-hội phải sống với người nghèo? Vì trong nhiều thời đại, Giáo-hội chưa thực sự sống với người nghèo.
Có lần ĐGH nói : Trong danh sách những người đặt mua kiểu xe mới, có cả tên các linh mục và nữ tu.

Từ công đồng Vatican II đến này, nhiều Đấng vẫn kêu gọi cởi bỏ tinh thần “Giáo sĩ trị”…. Không mấy Đấng hiểu biết và thương cảm đến còn chiên nghèo khổ của mình. Có Đấng còn đang đẩy công việc truyền giáo cho giáo dân, khi nói: việc truyền giáo ngày nay là bổn phận của giáo dân!.
Câu nói này thật ngắn gọn và đơn giản quá phải không? Việc truyền giáo là đi rao bán lời Chúa, phải được huấn luyện để có “hành trang lên đường”; giáo dân chưa được dạy dỗ về giáo lý, giáo luật hay cách tiếp xúc chuyện môn; còn như nói giãng đạo là làm gương cho đời ư? Giáo dân phải được dạy về cách sống đạo của mình trước đã.

3. ĐGH nói: Các linh mục nên học hỏi với giáo dân! Nghĩa là sao?
Các thầy cô giáo cũng phải học để hiểu trình độ học sinh thì mới biết cách dậy cho đúng trình độ của chúng. Các cha cũng phải tìm hiểu con chiên mình thuộc trình độ nào để săn sóc cho hợp trình độ. Có những lĩnh vực mà các cha phải thực sự học hỏi với giáo dân như: cuộc sống xã hội, sự khó khăn trong đời sống vợ chồng, làm ăn buôn bán khó khan… để biết cách chăn dắt con chiên cho hợp với hoàn cảnh v.v.; khuyên vợ chồng phải thương yêu nhau là đúng, nhưng phải học để hiểu tại sao họ vẫn cãi nhau và bỏ nhau, thì lời khuyên mới cụ thể.
Ví dụ như năm 2008, HĐGM thế giới đã bàn cãi để tìm hiểu tại sao giới trẻ bỏ lễ. Nghĩa là phải bàn thảo để tìm ra nguyên do để rồi đi đến quyết định cụ thể là phải cải tổ các bài giảng.

4. ĐGH nói: Phá thai, trước hết, là vấn nạn xã hội. Câu nói này thoạt nghe thì đa số chúng ta đều sửng sốt, vì ta chỉ quen đứng về phương vị của người đạo đức, để chỉ nghĩ rằng phá thai là giết người, là đáng lên án. Nhưng nếu ta đọc các bài nhận định về vấn đề xã hội, thì sẽ thấy một điểm là hầu hết các vụ phá thai đều do nguyên nhân là nghèo khổ, không đủ tiền nuôi con.
Tại sao có số đông người nghèo khổ? Vì chỉ có một số nhỏ người giầu đã chiếm hữu gần hết tài sản trên quả đất này. Cho dù chiếm hữu một cách hợp pháp đi chăng nữa, thì cũng vẫn là mất nhân tâm, vì không biết rộng lòng thương xót đến đồng loại đau khổ.

Tóm lại: Tại sao đa số chúng ta lại bất đồng với những câu nói trên của ĐGH:
  1. Tại vì chúng ta đều quen đứng về phía những người đạo đức, thấy những cái xấu thì phải lên án, trừ phi ta đặt mình vào hoàn cảnh những người mà mình đang chỉ trích, để tìm hiểu và thương cảm họ. Đó là chưa nói đến là ta có thể cũng đang có khuyết điểm ở những mặt khác.
  2. Hai là: một số người có thể đã hiểu rõ ý nghĩa các câu nói của ĐGH, nhưng vì họ đã có thành kiến chống đối ĐGH từ trước (vì ĐGH đã chỉ trích lời lối sống của họ), nên họ mượn cớ để chỉ trích ĐGH và phê phán Ngài, kể cả kêu gọi Ngài từ chức, hoặc là ra mặt thóa mạ Ngài.
Nguyễn Thất-Khê,